Đe dọa cuộc sống phụ nữ
Cải thiện tình hình sức khỏe sinh sản của phụ nữ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Liên Hiệp Quốc đặt ra cho toàn thế giới, thể hiện trong Mục tiêu Thiên niên kỷ 5 của tổ chức này. Để cải thiện tình hình này, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước tìm mọi cách ngăn chặn những căn bệnh đáng tiếc xảy ra cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, và đang mang thai. Một trong các căn bệnh được một báo cáo mới được công bố gần đây của Liên Hiệp Quốc đề cập là bệnh rò sau sinh. Đây cũng là căn bệnh đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới.
Bà Gillian Slinger, Chuyên gia về căn bệnh đồng thời là điều phối viên chiến dịch chấm dứt căn bệnh rò sau sinh của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc cho biết:
"Tình hình khá nghiêm trọng ở những vùng nghèo của thế giới. Đây đã là căn bệnh phổ biến ở tất cả các nước trong hơn 1 thế kỷ trước. Nhưng tại các nước phát triển, căn bệnh này đã chấm dứt hoàn toàn vì phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời, hiện đại, được theo dõi sát sao trong quá trình sinh nở để nếu có khả năng khó khăn trong sinh nở thì sẽ được mổ ngay lập tức.
Trong khi ở nhiều nước, căn bệnh này đã được xóa bỏ hoàn toàn bởi việc mổ đẻ, thì ở nhiều nơi khác trên thế giới, căn bệnh này vẫn còn nghiêm trọng. Chúng tôi ước tính có khoảng từ 60,000 đến 100,000 trường hợp mắc bệnh mới mỗi năm trên toàn thế giới, tại các nước đang phát triển. Con số này cũng bổ sung thêm vào con số những bệnh nhân đang mắc bệnh này từ trước đã được dồn lại từ nhiều năm trước."
Thống kê được Liên Hiệp Quốc đưa ra trong báo cáo mới đây cho thấy hiện có khoảng từ 2 triệu đến 3 triệu rưỡi phụ nữ và em gái trên toàn thế giới đang mắc căn bệnh này, tập trung chủ yếu ở các vùng nghèo, kém phát triển và có tình trạng mù chữ cao.
Chúng tôi ước tính có khoảng từ 60,000 đến 100,000 trường hợp mắc bệnh mới mỗi năm trên toàn thế giới, tại các nước đang phát triển. <br/>Bà Gillian Slinger<br/> <br/>
Giáo sư, Bác sĩ Phạm Thành Đức, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài gòn cho biết, căn bệnh không phổ biến ở các thành phố lớn tại Việt Nam, nơi có đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao và có thiết bị, nhưng có thể xảy ra ở các vùng xa, nơi thiếu các điều kiện cần thiết:
"Thường ở những chỗ thiếu phương tiện, thiếu chuyên viên, ví dụ như sinh đẻ, nó bị sang chấn sinh đẻ, hay phẫu thuật nó vào các chỗ cơ quan xung quanh. Cái đó thường xảy ra ở những chỗ xa, hay những chỗ thiếu nhân viên chuyên môn.".
Những phụ nữ mắc bệnh này ngoài việc phải đối mặt với những tổn thương về thể chất, còn bị những ảnh hưởng về tâm lý khá nặng nề do sự thiếu hiểu biết của gia đình, và những người xung quanh. Bà Slinger nói tiếp:
"Căn bệnh này biểu hiện thường là từ người phát ra những mùi khó chịu do không kiềm chế được nhu cầu phải đi vệ sinh thường xuyên. Rất nhiều phụ nữ bị bệnh này ngoài ra còn phải đối mặt với sự cách biệt của người xung quanh, vì mọi người không hiểu. Thêm vào đó họ có thể bị sang chấn về tâm lý do mất con, bị chồng và gia đình xa lánh. Cho nên sự thay đổi về tâm lý diễn ra rất nhanh chóng, từ một bà mẹ hạnh phúc thành một người phụ nữ bị tổn thương chỉ vì quá trình sinh nở diễn ra quá lâu nên gây bệnh rò."
Bệnh rò sau sinh là gì?
Bệnh rò sau sinh thường xuất hiện trong các trường hợp sinh nở gặp khó khăn và kéo dài quá lâu. Lỗ rò thường xuất hiện ở bàng quang do sức ép của thai lên bộ phận này quá lâu gây nên. Bà Slinger giải thích:
"Bệnh rò do sinh đẻ tức là có xuất hiện lỗ rò trong các bộ phận cơ thể vì em bé trong bụng gây sức ép quá lớn lên các bộ phận xung quanh trong một quá trình quá lâu và hậu quả cuối cùng là người phụ nữ đó luôn trong tình trạng muốn đi nhà vệ sinh."
Giáo sư, Bác sĩ Phạm Thành Đức, Phó Giám đốc bệnh viện PHụ sản Quốc tế Sài gòn giải thích thêm về triệu chứng căn bệnh như sau:
"Rò từ bàng quang vô âm đạo, chảy nước tiểu. Nó phiền, nó không có nguy hiểm nhưng nó phiền lắm, vì nước tiểu cứ chảy ra hoài, không kiểm soát được. Nó cứ ướt ướt hoài, rỉ ở cửa mình. Không đau không sốt, không gì hết nhưng chỉ có phiền thôi."
Các bác sĩ cho biết, thông thường, một ca đẻ thường chỉ kéo dài trong vòng khoảng 12 tiếng. Nếu quá khoảng thời gian này, người phụ nữ cần phải được đưa vào mổ đẻ cấp cứu để tránh tình trạng rò, có thể gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Tại một số vùng ở châu Phi, người ta có thể coi thời gian đẻ bình thường là không quá 24 tiếng.
Căn bệnh có thể xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, em gái thường có nguy cơ cao hơn do những lý do về sinh lý. Bà Slinger giải thích:
"Bệnh rò do sinh nở có thể xảy ra cho bất cứ phụ nữ hay em gái ở bất cứ độ tuổi nào nếu họ không được tiếp cận với việc mổ đẻ khẩn cấp khi việc sinh nở diễn ra quá lâu. Mổ đẻ là cách duy nhất để tránh tình trạng này. Những cô gái trẻ lấy chồng quá sớm và có con khi tuổi còn quá nhỏ thì nguy cơ này còn lớn hơn vì cơ thể họ chưa phát triển đầy đủ, cơ thể còn nhỏ. Nếu họ gặp vấn đề về thiếu dinh dưỡng và làm cho bộ phận cơ thể quá nhỏ thì mặc dù họ vẫn có thể mang thai đến 9 tháng nhưng khi sinh sẽ gặp khó.
Cho nên các em gái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Nói vậy nhưng bất cứ phụ nữ nào, dù ở độ tuổi nào và đã có bao nhiêu con đi chăng nữa mà nếu không được mổ đẻ kịp thời khi sinh nở khó khăn thì đều có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc nếu có sống thì có thể bị mất con, và có thể bị bệnh rò."
Bệnh rò do sinh nở có thể xảy ra cho bất cứ phụ nữ hay em gái ở bất cứ độ tuổi nào nếu họ không được tiếp cận với việc mổ đẻ khẩn cấp khi việc sinh nở diễn ra quá lâu. <br/>Bà Gillian Slinger<br/> <br/>
Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy có khoảng 11% các ca sinh nở xảy ra trên thế giới mỗi năm thuộc về các em gái tương đương với con số 16 triệu người, trong đó khoảng 95% các ca xảy ra ở các nước đang phát triển. Những phức tạp nảy sinh trong quá trình mang thai và sinh nở hiện được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các em gái ở độ tuổi từ 15 đến 19 tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Khoảng 90% các ca bị rò sau sinh, trẻ bị tử vong ngay trong quá trình sinh nở hoặc sau đó vài tuần.
Những phụ nữ phải trải qua thời gian sinh nở quá lâu, ngoài nguy cơ bị mắc bệnh rò, còn có thể bị liệt chân kèm theo. Bà Slinger cho biết:
"Một vấn đề khác mà người phụ nữ bị căn bệnh này gặp phải là khi quá trình sinh nở diễn ra quá lâu, nó cũng gây tổn thương lên các dây thần kinh điều khiển hoạt động của chân. Những phụ nữ bị bệnh rò nghiêm trọng do sinh nở cũng thường bị liệt một phần hoặc toàn bộ chân làm cho việc đi lại trở thành dường như không thể. Cho nên ngoài bị tổn thương về tâm lý, bị bỏ rơi, nhiều trường hợp bị khó khăn về đi lại sau sinh nở."
Hoàn toàn có thể phòng tránh
Mặc dù bệnh rò sau sinh đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu phụ nữ trên thế giới, nhưng đây lại là căn bệnh hoàn toàn có thể được phòng tránh và cứu chữa dễ dàng.
Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết việc phòng tránh tốt nhất đối với căn bệnh này là đảm bảo các sản phụ phải được theo dõi chặt chẽ trong quá trình sinh nở. Khi gặp những khó khăn khi sinh hoặc thời gian sinh kéo dài quá 12 tiếng, sản phụ cần phải được mổ đẻ cấp cứu để đảm bảo tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Những phụ nữ bị rò sau sinh, có thể được các bác sĩ thăm khám bệnh và tiến hành phẫu thuật để bít lỗ rò. Bác sĩ Phạm Thành Đức cho biết, sau khi bít lỗ rò, người phụ nữ sẽ lại khỏe mạnh bình thường và vẫn có thể mang thai, sinh nở như thường.
Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cũng đang thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức về căn bệnh này trên toàn thế giới để giúp phòng tránh. Việc phòng tránh bệnh cũng được coi là biện pháp hữu hiệu để chấm dứt hoàn toàn căn bệnh này trong tương lai. Với những trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ, và các bác sĩ, cũng như bà đỡ có trình độ chuyên môn cao, việc phòng tránh bệnh có thể đạt được hiệu quả.
Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi việc điều trị bệnh cho hàng triệu phụ nữ đang phải sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên còn rất nhiều phụ nữ ở các vùng xa và nghèo chưa có hiểu biết về căn bệnh và cách điều trị, cũng như thiếu tiền để được điều trị bệnh. Thống kê vào năm 2010 của Liên Hiệp Quốc cho thấy việc điều trị bệnh mới chỉ đến được với khoảng 14,000 ca bệnh mỗi năm. Một con số rất nhỏ so với thống kê trung bình 100,000 ca bệnh xuất hiện hàng năm. Bà Slinger cho biết vấn đề chính vẫn là do thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình này.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, trong hai năm qua, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tập trung sự chú ý của thế giới vào vấn đề sức khỏe sinh sản, tuy nhiên bệnh rò sau sinh vẫn đang là một nhức nhối cho phụ nữ và em gái ở nhiều nước đang phát triển. Liên Hiệp Quốc kêu gọi những cam kết về chính trị và tài chính cao hơn nữa từ các nước để chấm dứt căn bệnh này. Đây cũng là một biện pháp để khép lại những bất bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động kinh tế và xã hội.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Theo dòng thời sự:
- WHO cảnh báo nguy cơ kháng thuốc sốt rét vùng sông Mekong
- Tìm hiểu bệnh amip ăn não người
- Những tranh luận mới về thực phẩm organic (hữu cơ)
- Ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét 2011
- Bệnh ung thư và thói quen ăn uống
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần
- Thuốc kháng sinh (phần1)
- Thuốc kháng sinh (phần 2)
- Dùng thuốc giảm cân lợi hay hại?
- Thuốc mới ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS
- BỆNH VIÊM CHẢY MÁU Ở MẮT