Chiếm Phố Wall: Những tiếng nói đòi quyền bình đẳng

Chiếm Phố Wall là một phong trào tự phát của người dân lên tiếng về những bất bình đẳng trong xã hội từ chuyện phúc lợi, tiền lương, thuế khóa cho tới sự tham lam của chủ nhân những tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ.

Vậy những diễn biến sau gần 1 tháng của những cuộc biểu tình này ra sao?

Tự phát

Phong trào Chiếm Phố Wall khởi phát với một nhóm nhỏ sinh viên khoảng một chục người tại công viên Zuccotti, thành phố New York hôm 17/9. Nhưng sau gần một tháng hoạt động, phong trào Chiếm Phố Wall này đã tăng lên con số hàng ngàn người. Họ sống trong các lều trại được dựng lên ngay giữa lòng thành phố, ăn đồ ăn được hiến tặng và sử dụng điện từ những máy phát điện chạy bằng xăng.

Người ta cho rằng phong trào chiếm Phố Wall không có một mục tiêu rõ ràng, dù rằng những người này giận dữ lên tiếng chống lại sự tham lam của "1% những ông chủ giàu có của các công ty hay ngân hàng lớn," hệ thống thuế khóa thiếu công bằng, nạn thất nghiệp tăng cao hay cách biệt thu nhập quá lớn. Và những gì họ mong muốn cũng thật đơn giản, họ chỉ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và những cuộc biểu tình được diễn ra một cách tự nhiên.

Người dân từ lâu đã bị tác động rất nhiều, trong khi chính phủ thì bế tắc, họ không thể giải quyết được những vấn đề mà người dân cần thiết. Vì thế chúng tôi tụ tập tại đây, một cách rất ôn hòa, không phá phách.

Anh Gary<br/>

Tuy không có một mục tiêu hay lịch trình cụ thể, nhưng phong trào này lại không ngừng tăng lên về con số và họ ngày càng có tổ chức hơn. Tính cho đến thời điểm hiện nay, phong trào đã lan rộng ra nhiều thành phố lớn ở nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây: Boston, Washington DC, Denver, San Francisco, L.A… và thậm chí còn lan sang các nước khác trên thế giới như tại Anh, Ireland và Hàn Quốc với con số lên tới 1,400 thành phố. Mỗi khi tới một thành phố, thì phong trào này lại có một tên mới gắn với tên của thành phố đó, chẳng hạn, Chiếm Thành phố D.C, hay Chiếm Thành phố Boston. Thành phần tham gia cũng rất đa dạng, họ là những cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, công nhân, y tá, linh mục hay ngay cả những giáo sư ở các trường đại học.

Theo tổng biên tập của Tạp chí Adbuster, có trụ sở tại Canada, ông Kalle Lasn, một trong những người đầu tiên khuấy động phong trào Chiếm Phố Wall cho rằng tạp chí của ông đang khuyến khích thêm nhiều những cuộc biểu tình nữa, nhất là khi cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Pháp vào ngày 3-4/11 tới đây.

Theo luật Mỹ, biểu tình không phải xin phép, tuy nhiên, với những người tuần hành (march) thì họ phải thông báo với cảnh sát để cảnh sát cử người đến bảo vệ những người tuần hành biểu tình này. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ, họ được phép tham gia cắm trại (camping) nhưng việc dựng lều ngủ lại qua đêm ở nơi công cộng (tent) thì lại phải xin phép vì thế gần như là những người biểu tình ngủ ngoài trời, nước phải mang từ ngoài vào và việc vệ sinh cũng gặp trở ngại.

occupy-wall-street-dc3-250.jpg
Phong trào Chiếm Phố Wall tại Washington DC ngày 12 tháng 10 năm 2011. RFA photo.

Những người Chiếm Phố Wall chủ yếu tập trung trước các ngân hàng hoặc công ty tài chính lớn chẳng hạn như JP Morgan Chase, Goldman Sachs với những biểu ngữ như "Ngân hàng được cứu giúp, chúng tôi bị bán rẻ" (nhằm ám chỉ đến việc Chính phủ Hoa Kỳ bỏ ra nhiều tỉ đô la cứu giúp những ngân hàng bên bờ vực phá sản hồi năm 2008) hay "Hãy chấm dứt bóc lột tầng lớp thường dân để trả cho kẻ giàu""Chúng tôi là 99%" (để nhắc đến sự bất công của 1% những người rất giầu có của nước Mỹ nắm quá nhiều tài sản).

Hôm đầu tháng này 2/10, đã có hơn 700 người trong phong trào Chiếm Phố Wall đã bị bắt giữ khi tiến qua cây cầu Brooklyn vì làm tắc nghẽn giao thông và họ bị buộc tội gây rối trật tự, nhưng sau đó hầu như đều được thả hết.

Khi phong trào lan đến các thành phố khác và đổi tên theo thành phố đó, thì mới đây, nhóm Chiếm Boston cũng bị cảnh sát bắt giữ 129 người vì tội gây rối trật tự và tại Washington DC, nhóm Chiếm D.C cũng có 6 người bị bắt giữ.

Giờ đây sau gần 1 tháng biểu tình diễn ra liên tục, dường như những phản ứng và tiếng nói của họ đã bắt được chú ý. Một số nhân viên tài chính tại Phố Wall tỏ ra lo ngại điều này sẽ dẫn tới những chính sách mang tính trừng phạt chẳng hạn đánh thuế cao hơn lên người giàu.

Thông điệp

Khi phong trào Chiếm Phố Wall lan sang thủ đô Washington, ở đây những người tham gia biểu tình mang theo một tinh thần khác, họ không chỉ lên án sự tham lam của một bộ phận giầu có mà họ chỉ trích Chính phủ không giải quyết được những bức xúc của người dân. Có mặt tại khu vực Chiếm DC, chúng tôi hỏi chuyện anh Gary về mục đích vì sao anh lại tham gia vào nhóm này, anh cho biết:

“Chúng tôi chiếm thành phố D.C bởi vì Chính phủ không đáp lại lời yêu cầu của người dân. Người dân từ lâu đã bị tác động rất nhiều, trong khi chính phủ thì bế tắc, họ không thể giải quyết được những vấn đề mà người dân cần thiết. Vì thế chúng tôi tụ tập tại đây, một cách rất ôn hòa, không phá phách. Chúng tôi được tự do tụ tập và được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ.”

Trong khi đó thì người ta lại không ngừng cắt bớt những khoản phúc lợi xã hội hoặc là giám sát những điều mà chúng tôi không muốn và vì thế chúng tôi chỉ muốn nói những điều gì đang xảy ra và chính phủ nên làm.

Cô Margaret<br/>

Trong khi đó, thì cô Margaret lại có nhận xét khác:

“Có những vị chính khách cấp cao, họ định hình và thao túng các chính sách của chính phủ. Còn chúng tôi là những người tầng lớp thấp trong xã hội, tiếng nói của chúng tôi không được lắng nghe. Trong khi đó thì người ta lại không ngừng cắt bớt những khoản phúc lợi xã hội hoặc là giám sát những điều mà chúng tôi không muốn và vì thế chúng tôi chỉ muốn nói những điều gì đang xảy ra và chính phủ nên làm.”

Cũng có mặt trong nhóm Chiếm DC từ những ngày đầu tiên đến giờ, anh Patrick cho biết suy nghĩ của mình:

“Nếu như anh nói chuyện với tất cả mọi người ở đây, thì hầu như họ đều có chung một vấn đề cũng như một điều mà họ rất quan tâm đó là những nhà vận động hành lang đang làm việc ở rất gần đây hay những chính khách tham nhũng cũng ở không xa. Và hiện giờ thì chúng tôi không có một chính phủ vận hành hiệu quả. Vì thế theo tôi nghĩ, nếu chúng tôi có thể tìm ra được lỗi lầm và sửa đổi lỗi đó cho những người quan trọng này thì mọi vấn đề khác cũng sẽ được tháo gỡ.”

Còn cô Ashley thì lại có một thông điệp khác muốn gửi đến bạn bè khắp thế giới:

occupy-wall-street-dc-2-250.jpg
Phong trào Chiếm Phố Wall tại Washington DC ngày 12 tháng 10 năm 2011. RFA photo.

“Văn hóa của chúng tôi được tạo dựng trên chủ nghĩa tư bản. Vì thế theo tôi nghĩ thì hầu hết cuộc sống của người dân ở khắp nơi trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự giầu có hay tiền tài tập trung vào tay một số công ty lớn. Vì vậy, thông điệp mà tôi gửi đến cho mọi người rằng đây là một phong trào vô cùng quan trọng. Chúng tôi muốn được nghe và thảo luận các vấn đề của mọi người.”

Có thể thấy, tuy còn có những khác biệt trong suy nghĩ của từng thành viên, nhưng nhìn chung, sự bất bình đẳng về thu nhập, lên án sự tham lam của ông chủ những tập đoàn lớn hay một xã hội phân hóa giầu nghèo là những điều nổi bật mà những người biểu tình muốn gửi đến toàn người dân Mỹ và khắp thế giới.

Rõ ràng khi những nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng thì họ phải lên tiếng và Chiếm Phố Wall là khởi đầu cho một chuỗi những phong trào đòi sự bình đẳng trong xã hội. Dù rằng chỉ là tự phát và chưa có một tổ chức cụ thể, nhưng với những trào lưu đang lan rộng ra khắp cả thế giới, phong trào Chiếm Phố Wall hẳn sẽ đem được ý nguyện của người dân là được lắng nghe và giải quyết.

Theo dòng thời sự: