Vay tiền Trung Quốc: lợi bất cập hại

0:00 / 0:00

Vay vốn rẻ của Trung Quốc là chuyện lợi bất cập hại điển hình trong Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Điều này được chính ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhìn nhận với báo chí Hà Nội hôm 9/6/2015.

Đằng sau các gói viện trợ và vay ưu đãi

Sự lệ thuộc nguồn tiền Trung Quốc và những tệ hại của Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông gây bức xúc công luận chưa từng có. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiết lộ với báo chí là người dân bất bình đến mức độ đã gửi nhiều tin nhắn đe dọa ông.

Trả lời Nam Nguyên, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“ Trên thực tế không bao giờ có giá rẻ hoàn toàn, bởi vì trong kinh tế thị trường ngày nay thì không thể có những cái giá quá rẻ, hoặc thực sự rẻ của nước này đối với nước kia. Bởi vì kinh tế cần phải sòng phẳng. Còn nếu có giá rẻ thì sẽ kèm theo bên trong một vấn đề gì đó…tôi cho rằng kèm theo vấn đề gì đó mà chúng ta bên ký hợp đồng không có nhận thức đầy đủ, thì chắc chắn là sẽ có sự thiệt hại.”

Tất nhiên tất cả các nước cung cấp viện trợ phát triển hay tín dụng ưu đãi đều ràng buộc điều kiện như phải sử dụng nhà thầu, tư vấn, thiết kế giám sát, thi công, cũng như mua sắm thiết bị từ quốc gia cho vay vốn. Bộ trưởng Đinh La Thăng nói như vậy khi giải bày về việc ông không thể thay nhà thầu Trung Quốc, khi họ quá bê bối và yếu kém trong thực hiện Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Ông Bộ trưởng nhấn mạnh, khi Trung Quốc cho vay ưu đãi họ đặt điều kiện doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu xây lắp; trong đó bao gồm cả gói thầu cung cấp trang thiết bị, và mua toàn bộ 13 tàu điện của họ.

Trên thực tế không bao giờ có giá rẻ hoàn toàn, bởi vì trong kinh tế thị trường ngày nay thì không thể có những cái giá quá rẻ, hoặc thực sự rẻ của nước này đối với nước kia. Bởi vì kinh tế cần phải sòng phẳng. Còn nếu có giá rẻ thì sẽ kèm theo bên trong một vấn đề gì đó

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa

...Trên thực tế không bao giờ có giá rẻ hoàn toàn, bởi vì trong kinh tế thị trường ngày nay thì không thể có những cái giá quá rẻ, hoặc thực sự rẻ của nước này đối với nước kia. Bởi vì kinh tế cần phải sòng phẳng. Còn nếu có giá rẻ thì sẽ kèm theo bên trong một vấn đề gì đó

Vì được thi công trên tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông cao nên những tai nạn xảy ra sẽ gây nguy hiểm lớn.
Vì được thi công trên tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông cao nên những tai nạn xảy ra sẽ gây nguy hiểm lớn. (Courtesy tinhay.vn)

Báo chí mô tả dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông là chậm tiến độ, đội vốn và để xảy ra nhiểu tai nạn trong lúc thi công. Đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên ở Việt Nam với đường tàu dài 13 km khổ rộng 1.435 mm tốc độ chạy tàu 80km/giờ. Dự án này được thực hiện theo Hiệp định ký kết năm 2008 giữa Việt Nam và Trung Quốc, vốn đầu tư ban đầu 550 triệu USD, khởi công năm 2011 nhưng đến năm 2014 đã phải tăng vốn thành 891 triệu USD. Ban đầu Việt Nam vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi các nguồn khác là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng; Thông tin không nói rõ phần tăng thêm 315 triệu USD là từ vốn nhà nước hay nguồn nào khác.

Nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A ở Hà Nội từng cảnh báo việc sử dụng viện trợ phát triển, vốn vay ưu đãi cần hết sức thận trọng. Ông nói:

“ Những người đóng thuế hiện tại, tương lai của đất nước Việt nam này là những người phải còng lưng ra để trả những khoản nợ đó của nước ngoài mà chính quyền Việt Nam vay để làm đầu tư công. Việc vay các khoản tín dụng ODA chẳng hạn để phát triển đất nước là chuyện rất tốt nếu người ta làm một cách tử tế. Nhưng nếu làm không tử tế thì nó tạo ra một gánh nặng lớn cho chính người dân Việt Nam bây giờ và con cháu chúng ta sau này.”

Nỗi bức xúc của người dân là lớn nhưng cũng không biết làm gì được, chắc là đợi đến lúc nào đó thể chế chính trị này thay đổi thì quan hệ làm ăn mới trở nên tốt đẹp sòng phẳng, chứ như hiện nay hai bên ăn chia với nhau rồi thì chết dân Việt Nam

Nhà báo tự do Phạm Thành

Nắm dao đằng lưỡi

Người Hà Nội từng vui mừng vì sắp có tàu điện chạy trên cao như bên Thái Lan, nhưng họ đã từ chỗ ngỡ ngàng chuyển sang giận dữ hoặc bất bình. Tổng thầu Trung Quốc thiếu trách nhiệm, các nhà thầu phụ thi công không an toàn gây nhiều tai nạn kể cả tai nạn chết người và hủy hoại tài sản của người dân. Cụ thể vào ngày 6/11/2014 máy cẩu của đơn vị thi công đứt cáp rơi bó thép xuống đường; đến ngày 28/12/2014 giàn giáo chống bị sập khi đổ bê tông đè nát một chiếc taxi. Trong hai vụ tai nạn do thi công này đã có 1 người chết, 2 người bị thương, một taxi, ba xe máy bị hư hại. Trước khi chính phủ Việt Nam chấp thuận tăng vốn, dự án này có lúc đình trệ, tổng thầu Trung Quốc nợ tiền các nhà thầu phụ.

Nhà báo tự do Phạm Thành từ Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề lệ thuộc Trung Quốc, mà ông cho rằng cả trong chính trị lẫn kinh tế. Ông nói:

“ Nỗi bức xúc của người dân là lớn nhưng cũng không biết làm gì được, chắc là đợi đến lúc nào đó thể chế chính trị này thay đổi thì quan hệ làm ăn mới trở nên tốt đẹp sòng phẳng, chứ như hiện nay hai bên ăn chia với nhau rồi thì chết dân Việt Nam…công trình nào làm ra chất lượng cũng thấp, vốn thì đội lên. Nhìn chung thì cả cái nền kinh tế chúng ta đều thế quá lệ thuộc vào Trung Quốc cho nên không phát triển được.”

Tuyến đường sắt trên cao Cát linh-Hà Đông trị giá gần 1 tỷ đô la do bị đội vốn thêm và kéo dài thời gian thi công. Khi báo chí đưa tin sắp mua 13 tàu điện của Trung Quốc, người dân Việt Nam phản ứng đến mức độ gởi tin nhắn, đe dọa Bộ trưởng Đinh La Thăng. Không hiểu sự kiện này có khiến nhà nước thận trọng hơn hay không trong các dự án tương lai.

"Trung Quốc là nước luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng." Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu từng có nhận định đáng chú ý như thế trên báo Đất Việt.