Các loại túi ny lon, sản phẩm nhựa sau khi bỏ đi trở thành loại rác khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi. Để giảm thiểu tình trạng đó, một số hoạt động được thực hiện lâu nay. Bên cạnh ‘nói không’ với túi ny lon, các nhà khoa học cũng tận dụng các túi nylon đã qua sử dụng bằng cách biến chúng thành vật liệu có thể tái sử dụng. Đó là xử lý rác thải ny lon thành dầu đốt công nghiệp.
Trong chương trình Khoa học - Môi trường kỳ này, Gia Minh giới thiệu cùng quí thính giả hoạt động vừa nói đang được triển khai tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Phương pháp nhiệt phân
Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam là chủ đầu tư và Viện Vật Liệu Xây dựng là đơn vị nghiên cứu dự án xử lý rác thải nylon thành dầu đốt công nghiệp, được thử nghiệm trong thời gian hai năm qua. Tuy nhiên công tác nghiên cứu đã được tiến hành cách đây bốn năm giữa các nhà khoa học của Viện Vật liệu Xây dựng và đội ngũ các chuyên gia cơ khí chế tạo hóa dầu và polymer hóa của Công ty Cổ Phần Môi trường Việt Nam.
Được biết qui trình xử lý rác thải nylon, sản phẩm nhựa thành dầu đốt công nghiệp không phải là loại công nghệ gì mới mẻ trên thế giới; tuy nhiên ở Việt Nam việc tiến hành nghiên cứu và triển khai loại công nghệ đó được xem là mạnh dạn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình thuộc Khoa Lọc hóa dầu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nói về tính khả thi của loại công nghệ đó và lý do vì sao vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam:
“Chủ yếu là quá trình nhiệt phân thôi mà. Cái này trong chuyên môn mọi người đều biết rồi. Có lẽ cũng giống như người ta nhiệt phân các lốp cao su phế thải thành dầu diesel; ở đây người ta cũng sử dụng những quá trình như thế để nhiệt phân các túi nylon tạo thành các phân đoạn dầu mỏ, các sản phẩm polymer hữu cơ giống như cao su. Nên người ta có thể nhiệt phân như nhiệt phân xăm lốp thể thải, sử dụng công nghệ đó. Trên lý thuyết là như vậy, còn công nghệ thực tế do các hãng họ có bản quyền họ giữ. Tôi thấy trong Đà Nẵng đi tiên phong trong vấn đề này.
Hiện nay máy móc thiết bị công nghệ đang đắt quá nên giá thành sản phẩm khá cao; người ta chưa có lợi nhuận nên chưa thể phát triển.”
Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, phó viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, người trực tiếp tham gia dự án nghiên cứu và phát triển dự án xử lý rác thải nylon thành dầu đốt cho biết công nghệ mà viện ngày đang thử nghiệm cùng với Công ty Môi trường Việt Nam tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng như sau:
Chủ yếu là quá trình nhiệt phân thôi mà. Có lẽ cũng giống như người ta nhiệt phân các lốp cao su phế thải thành dầu diesel. <br/> TS Nguyễn Thị Bình
“Đầu tiên phải tách phần túi nhựa trong rác thải ra; sau đó làm sạch đất đá, hơi ẩm… rồi đưa vào một lò nhiệt phân. Quá trình nhiệt phân như vậy sẽ phá hủy mạch của nhựa trở về dạng lỏng. Đó là hỗn hợp hydro carbon có thể đốt được.”
Ông cũng cho biết các loại máy móc được sử dụng trong quá trình xử lý rác thải nylon thành dầu đốt công nghiệp:
“Máy gồm những bình phản ứng hóa học, nhiệt phân bằng nhiệt và xúc tác. Trong bình đó, dưới tác động của nhiệt và xúc tác thì mạch phân tử, cao phân tử polymer của nhựa bị phá hủy thành các cấu tử ở dạng lỏng từ có có thể phân tách, phân đoạn thành các sản phẩm dầu đốt.
Có một đơn vị cơ khí chế tạo máy theo thiết kế của chúng tôi. Hoàn toàn là người Việt Nam làm.”
Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng đã có sản phầm dầu đốt từ túi nylon, sản phẩm nhựa.
Vấn đề năng suất và sản phẩm sử dụng được tiến sỹ Mai Ngọc Tâm cho biết như sau:
“Chúng tôi đã hoàn thiện mô hình với công suất 2 tấn/giờ/ngày; tức khoảng 10 tấn nhựa bẩn.
Sắp tới đây khi nhà máy rác Khánh Sơn có thể tách hết lượng nylon trong rác thải ra gấp năm lần như thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm máy móc, tăng thêm công suất để xử lý hết phần nhựa trong rác thải ở thành phố Đà Nẵng.”
Và sản phẩm dầu lấy được từ rác thải ny lon đó ai sử dụng? Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm cho biết:
“Cung cấp cho các lò đốt công nghiệp; ví dụ như cho những lò mà hiện nay đang đốt bằng dầu DO hoặc FO để có thể thay thế một phần hay hoàn toàn dầu từ dầu mỏ.”
Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm cũng nói vì đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa có sản phẩm thương mại; tuy vậy số dầu lấy được từ rác thải ny lon bán cho các lò đốt công nghiệp tại khu vực Đà Nẵng thấp hơn giá các loai dầu mà những nơi đó đang sử dụng:
“Chúng tôi chưa tính toán được nhưng giá sản phẩm bán thấp hơn. Nhưng đơn vị chúng tôi là đơn vị chuyển giao công nghệ nên nhà đầu tư sẽ quyết định về thương mại sản phẩm thế nào.”
Mong phổ biến rộng rãi
Là loại công nghệ giúp xử lý loại túi ny lon khó phân hủy trong tự nhiên như thế, nên theo tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, các địa phương trong cả nước đều có đặt vấn đề ứng dụng với Viện Vật liệu Xây dựng.
Mong muốn của đơn vị thử nghiệm cũng là được nhân rộng ra; nhưng vì đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa thể thực hiện được điều đó như ý kiến của tiến sĩ Mai Ngọc Tâm sau đây:
“Chúng tôi không có trở ngại gì; hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và có thể nhân rộng mô hình này ra vài nơi nữa.”
Khi được hỏi ý kiến đánh giá đối với mô hình biến rác thải nylon thành dầu đốt công nghiệp đang do Viện Vật liệu triển khai cùng với Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam, tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng, tiến sĩ hóa dầu Nguyễn thị Bình vẫn còn cẩn trọng:
Về mặt xã hội tốt, giải quyết được phần nào chôn lấp; nhưng về mặt kinh tế tôi chưa thể đánh giá được vì mới thực hiện một thời gian. <br/> Ông Nguyễn Điểu
“Tôi nghe nói trong Đà Nẵng đã triển khai chương trình này và kết quả rất tốt. Trong thực tế tôi chưa vào đó, chỉ nghe báo cáo lại thôi. Về mặt lý thuyết thì hoàn toàn có thể thực hiện quá trình đó; nhưng về công nghệ, máy móc thực hiện tại Việt Nam thì Đà Nẵng đang đi đầu, nên tôi không rõ thế nào.”
Dù tiến sĩ Nguyễn Thị Bình tỏ ra dè dặt về công trình xử lý rác thải nylon thành dầu đốt công nghiệp như thế nhưng bà vẫn hoan nghênh đó là một thử nghiệm tốt, nhằm giúp xử lý rác thải nylon khó phân hủy đang làn tràn tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Điểu, giám đốc Tài Nguyên - Môi trường Thành phố Đà Nẵng cũng có đánh giá về công trình thử nghiệm xử lý rác thải ny lon thành dầu đốt công nghiệp tại khu vực bãi rác Khánh Sơn ở thành phố này như sau:
“Công trình này là công trình ban đầu của thành phố. Còn rác thải thì có nhiều loại phải tiến hành việc tái chế; riêng lĩnh vực thu gom rác thải ny lon và cao su thì dự án đang triển khai. Về mặt xã hội tốt, giải quyết được phần nào chôn lấp; nhưng về mặt kinh tế tôi chưa thể đánh giá được vì mới thực hiện một thời gian. Nhà đầu tư đang triển khai tiếp, và chúng tôi đang thẩm định để trình thành phố cho phép triển khai.”
Cho đến lúc này chỉ duy nhất tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm ở phía đông bắc phố cổ Hội An là nơi hoàn toàn không còn sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày. Còn hầu như ở khắp mọi miền đất nước, người dân vẫn sử dụng túi nylon vì tính tiện dụng của chúng so với những loại vật liệu khác.
Và công trình xử lý rác thải ny lon thành dầu đốt được triển khai thử nghiệm tại khu bãi rác Khánh Sơn Đà Nẵng được chọn là một trong bảy kỷ lục môi trường Việt Nam được công bố hồi ngày 5 tháng 6 năm 2012, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Trang tin Môi trường thực hiện.
Sáu kỷ lục khác là Trung tâm Cứu hộ cho sinh sản các loài linh trưởng đang bị nguy cấp trong điều kiện nuôi nhốt với số lượng lớn nhất, thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương; Ba Bể- Hồ núi đá vôi trên núi độc đáo nhất Việt Nam; Viện Hải dương học Nha Trang là nơi lưu giữ , bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam; hệ thống điện mặt trời có qui mô lớn nhất ở Công ty TNHH Intel Products tại Khu Công nghệ Cao thành phố Hồ Chí Minh; Hồ Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái là hồ nước lớn nhất Việt nam; Nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong Bình Thuận là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.