Cơ hội không còn nhiều
Nguyễn Khanh: Trước hết, thay mặt cho quý khán thính giả của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do, chúng tôi thành thật cảm ơn ông đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Chúng ta đã có chiếc huy chương bạc đầu tiên ở Sydney 2000, chúng ta có chiếc huy chương bạc thứ nhì ở Bắc Kinh 2008, một chiếc huy chương bạc nữa hay một chiếc huy chương vàng nữa ở London 2012 có thể là điều mà chúng ta chờ đợi được hay không, thưa ông?
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Trước khi khai mạc thì rất nhiều người hy vọng, chúng tôi cũng hy vọng, nhưng có hai tiêu chí mà tất cả mọi người cần phải lưu ý, đó là :
Tiêu chí thứ nhất là có nhiều vận động viên đến ở nhiều môn thể thao đến Luân Đôn, thì cái tiêu chí này đã đạt được rồi; thế mà tiêu chí có huy chương thì ai cũng đều mong muốn cả, nhưng mà không phải là đơn giản với đấu trường khốc liệt như thế này.
Chúng ta có 18 vận động viên đến đây tranh tài thì một số các môn đã thi đấu hết rồi và cho đến giờ phút này thì ít nhất một nửa cái hy vọng, quá nửa cái hy vọng có huy chương đó đã trôi qua. Chỉ còn lại một vài cái hy vọng nữa thì chúng tôi hy vọng rằng là cái ước muốn có huy chương vẫn còn.
Nguyễn Khanh: Nhưng mà, xin được hỏi ông là cái mức độ từ một cho đến mười của ước muốn của chúng ta ở cái phần kế tiếp để đạt được huy chương thì ông nghĩ là đang ở mức nào ? Nếu có thể được, xin ông cho thính giả được biết.
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi cho rằng ở cái mức độ hiện nay là chúng ta đang ở giai đoạn 7 rồi, tức là 7 phần 10 cơ hội đã qua, chỉ còn lại 3 phần 10 mà thôi. Phải nói cụ thể đó là các môn mà chúng ta còn hy vọng, đó là môn Taekwondo. Taekwondo chúng ta có hai võ sĩ và trong đó có những võ sĩ gặp rất nhiều khó khăn, có võ sĩ kia gặp ít khó khăn hơn, nhưng mà chúng ta có quyền hy vọng là các vận động viên đó có thể lọt vào những vòng tranh huy chương, còn huy chương gì và huy chương vàng mà anh vừa hỏi thì tôi cho rằng hơi khó. Và có thể là ở những Olympic sau ở Brazil, ở Rio de Janeiro, thì Việt Nam có thể thực hiện được ước mơ đó.
Nguyễn Khanh : Và muốn thực hiện được cái điều mà ông vừa mới cho chúng tôi biết thì chúng ta phải làm gì trong 4 năm sắp đến, thưa ông?
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Trong 4 năm sắp đến thì Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện những đường lối chỉ đạo và đường lối phát triển thể dục thể thao, thứ nhất là phải phát triển thể thao thường trú cho toàn dân, thứ hai nữa là phải làm thế nào lựa chọn một đội ngũ vận động viên hết sức là có tài thì mối có thể đọ được với đấu trường mà toàn những người tài như là đấu trường Olympic. Để có được những nhân tài đó thì cũng phải thực hiện những thủ pháp hết sức là quan trọng như là mời huấn luyện viên thật giỏi, rồi đi tập huấn ở những nơi có nhiều kinh nghiệm, rồi thi tham gia tích cực thi đấu ở tất cả những giải mà có thể tham gia được. Và tất nhiên là phải có những phương pháp để làm thế nào mà thực hiện được nhiều hơn, chúng tôi gọi những cái đó là những cái phương thức để làm thế nào phục hồi thật nhanh để có thể thực hiện được cái lượng vận động - trong thể thao đó mà – tập luyện thật nhiều thì mới có thể có thành tích được.
Thể thao Việt Nam hiện nay
Nguyễn Khanh: Dạ vâng. Với tất cả lòng quý trọng, chúng tôi xin được thưa trước với ông Phó Chủ tịch cho chúng tôi được hỏi câu hỏi kế tiếp. Hầu hết những nhà báo bạn, tức là những nhà báo ở Châu Á, họ bảo rằng Việt Nam thiếu ở một vài điểm. Điểm thứ nhất là Việt Nam không có một chương trình thể thao thật sự cho học sinh trung học cũng như học sinh đại học, trước khi chúng ta nên nói tới chuyện đào tạo những lực sĩ ở cấp quốc gia. Điểm thứ nhì là, cũng với tất cả lòng quý trọng, dường như là chính phủ Việt Nam có vẻ lơ là với thể thao. Thưa ông Phó Chủ tịch, điều đó có đúng không, và nếu đúng thì giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi cho rằng điều này chưa hoàn toàn đúng, chứ không phải là không đúng. Cái việc đầu tiên là cứ nhìn bức tranh bên ngoài thì đúng là sự quan tâm về thể dục thể thao, điều kiện tập luyện thể thao trong học đường đó thì ngay chúng tôi cũng tự phê phán là chúng ta quá chú trọng nhiều về cái trí thức và kiến thức, tức là dạy kiến thức hơi nhiều, nhưng mà những người làm thể thao chúng tôi thì có lý luận là kiến thức mà nhét vào trong cái cơ thể mà không khỏe mạnh thì kiến thức đó sẽ không thể nào kéo dài được sự phục vụ thật nhiều.
Cho nên những người làm công tác thể thao cũng như những người hiểu giá trị của thể thao đó cũng đều rất trăn trở vì rằng “nhân vô thập toàn” thì quốc gia làm sao có thể toàn diện được! Những điều kiện để có thể tiến bộ thì tất cả mọi người đều mong muốn nhưng mà riêng cái học đường, giáo dục ở học đường về thể dục thể thao đó thì nó bị nhiều hạn chế. Đất chúng ta không đẻ ra được, người chúng ta thì phát triển, mà nhà trường thì cũng phải xây dựng nhiều để có thể đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nhưng mà trong đó nếu mà để dành quá nhiều đất xây những bể bơi, xây những nhà tập rất là cần thiết, nhưng mà người ta chưa chú ý tới những việc đó lắm, cho nên cái hệ thống giáo dục thể thao trong học đường đó còn có phần nào là chúng tôi chưa vừa lòng lắm, chứ còn không phải là chính phủ không quan tâm tới việc này.
Chính phủ nếu không quan tâm đến việc này thì tại sao năm 2008 ở Olympic Bắc Kinh chúng ta chỉ có 8 vận động viên nhưng lần này chúng ta có đến 18 vận động viên, còn thì Olympic đạt được tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân hay của Hoàng Anh Tuấn cũng là cái rất quý. Nhưng lần này nếu mà có được thì càng quý, còn nếu không có thì chúng tôi cũng đánh giá là nền thể dục thể thao đã được nhà nước quan tâm và chúng tôi đã có được sự tiến bộ vượt bậc khi mà đã có đến 18 vận động viên ở 11 môn thể thao Olympic đến có mặt tại London.
Ước mơ của giới hâm mộ thể thao
Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối cùng, thưa với ông Phó Chủ tịch là trong thời gian gần một tuần lễ có mặt tại London và có dịp được gặp gỡ với rất nhiều người Việt đang cư ngụ tại đây, câu hỏi của chúng tôi là khi nhìn thấy ngọn đuốc thiêng Olympic cháy sáng ở bầu trời London thì các anh nghĩ như thế nào? Các bạn đều nói rằng ước mơ của các bạn sẽ có một ngày nhìn thấy ngọn đuốc thiêng cháy sáng ở tại Việt Nam, liệu cái ước mơ đó có thể đạt được hay không, thưa ông Phó Chủ tịch?
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Thưa anh, tất cả những người làm thể thao của thế giới nói chung và khi hỏi câu hỏi này đối với người Việt Nam thì tôi cho rằng là cái đó là đương nhiên rồi. Chúng tôi rất mong muốn có cái việc đó. Nhưng phải biết mình là ai, phải biết thời thế nó như thế nào thì mới gọi là "tuấn kiệt", thế thì tôi cho rằng cái cơ hội để Việt Nam đăng cai Olympic đó thì không phải là không có nhưng chắc là thời gian phải lâu lắm, và không ai có thể nói trước được là đến bao giờ.
Nhưng, xin thưa với anh là đến 2019 thì cái cơ hội có thể chính phủ sẽ đồng ý cho Việt Nam đứng ra xin đăng cai cái Asian Games, nhưng xin thưa là Asian Games chỉ kém Olympic thôi. Nếu như ở Olympic thì 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì Châu Á chúng tôi có đến 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, và số lượng vận động viên không bị hạn chế như ở Olympic.
Olympic thì hạn chế vào khoảng độ hơn mười mấy nghìn người vận động viên đến, thì ở Asiad đấy nếu Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức thì chúng tôi đã chuẩn bị xây cái Games Village thì cũng dự kiến vào khoảng độ mười nghìn người sẽ được trú ở đấy, và như thế thì các vận động viên của nhiều môn sẽ được bố trí ở một vài nơi khác, cho nên số lượng người sẽ rất đông. Thì đấy là một cái đại hội lớn mà Việt Nam hiện nay đang rất là gần cái cơ hội có thể đăng cai. Thủ tướng chính phủ chỉ đồng ý ký xác nhận là Việt Nam sẽ đăng cai cái đại hội này thì lập tức Việt Nam có cơ hội rất là sáng. Có đến quá nửa các nước Châu Á ủng hộ Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Thế bao giờ thì chúng ta sẽ nhìn thấy được chữ ký của thủ tướng chính phủ, thưa ông Phó Chủ tịch?
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi cũng đang mong muốn, nhưng ở thời điểm này thì Bộ trường Hoàng Tuấn Anh của Bộ Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch Việt Nam đang trình chính phủ, và chính phủ cần có những chi tiết cuối cùng để phê duyệt.
Nguyễn Khanh: Dạ vâng. Một lần nữa thay mặt cho quý khán thính giả chúng tôi xin cảm ơn ông Phú Chủ tịch rất nhiều. Chúc ông có những ngày ở tại Luân Đôn vui, và cũng chúc ông vui nhất khi nhìn thấy chiếc huy chương của Việt Nam đầu tiên ở tại Olympic London 2012.
Ông Hoàng Vĩnh Giang: Dạ. Rất mong là được dịp chia sẻ niềm vui này với anh.
Nguyễn Khanh : Dạ vâng ạ. Cảm ơn ông.
Theo dòng thời sự:
- Olympic London 2012 – Ngày thứ 3
- Olympic London 2012 – Ngày thứ hai
- Thắp đuốc đi tìm những người đẹp bóng đá Bắc Hàn
- London khai mạc Olympic 2012
- Chuyện… không chỉ xảy ra ở London
- Olympic 2012: Chúng tôi đã sẵn sàng
- Bắt đầu chặng rước đuốc Olympic cuối cùng
- Phụ nữ và Olympics
- Luân đôn trước thách đố về an ninh Olympics