“Tôi không nghĩ là Ban Tổ Chức cố ý, tôi chấp nhận chuyện sai lầm có thể xảy ra, nhưng sai lầm to tát như thế này thì chẳng riêng mình tôi mà cả thế giới không ai chấp nhận được cả”.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
Những lời phát biểu mang tính giận dữ này được đưa ra trước khi trận banh giữa hai đội tuyển nữ Bắc Hàn và Colombia bắt đầu tối thứ Tư vừa rồi trên sân Glasgow ở Scotland. Lúc đó cầu thủ hai bên đang kéo nhau ra sân tập dượt nhẹ vài phút trước khi tranh tài, và đây là trận mở màn “sớm” cho Olympic London 2012. “Sớm” là vì tối thứ Sáu lễ khai mạc Olympic 2012 mới bắt đầu, nhưng vì cuộc thi của môn bóng đá kéo dài nên các đội tuyển phải ra sân sớm hơn 48 tiếng đồng hồ.
Ra sân sớm không sao, thắng bại ở trận đầu vòng bảng chưa hẳn đã quan trọng cho bằng chuyện ban tổ chức chiếu hình các cầu thủ bên cạnh cờ … nước khác để giới thiệu với khán giả. Hình ảnh mọi người có mặt ở sân vận động nhìn thấy là hình ảnh của các nữ cầu thủ Bắc Hàn, nhưng lá cờ đứng bên cạnh tấm ảnh lại là lá cờ của miền Nam. Cả thế giới đều biết hai nước láng giềng anh em này chẳng ưa nhau, nên “mang râu ông nọ cắm cằm bà kia” là điều không ai có thể chấp nhận hay tha thứ được, “kể cả Ban Tổ Chức chúng tôi”, theo như lời ông Paul Deighton, Trưởng Ban Điều Hành Olympic London 2012. Thông cáo của Ban Tổ Chức về chuyện kỳ cục này cũng đưa ra lời hứa sẽ chấn chỉnh, cố gắng mọi cách “để chuyện tương tự không xảy ra”.
Hết chuyện quốc kỳ
Sự thật, trở ngại “kỳ cục” này không chỉ xuất hiện ở London. Lịch sử đã cho thấy ít nhất vài ba lần Ban Tổ Chức và Liên Đoàn Olympic Quốc Tế (IOC) phải thẹn thùng cúi mặt. Lần đầu tiên xảy ra hồi 1908 khi London được trao vinh dự tổ chức, lá cờ của Hoa Kỳ không bay phất phới bên cạnh cờ của những nước khác trong buổi lễ khai mạc chỉ vì “chúng tôi tìm mãi mà không biết cất ở đâu” theo lời than thở của Ban Tổ Chức. Sự thật đúng sai thế nào không cần biết, phái đoàn lực sĩ Mỹ nhất định phản đối bằng hành động: không hạ thấp lá cờ họ cầm trong tay khi đi ngang qua khán đài danh dự dành riêng cho hoàng gia.
Lần thứ nhì liên quan đến chuyện cờ quạt xảy ra tại Olympic Barcelona 1992, trong buổi lễ trao huy chương của môn đua xe đạp nước rút. Nữ lực sĩ Erica Salumae của Estonia nghẹn ngào cúi người nhận chiếc huy chương vàng đầu tiên cho quốc gia của cô, và chỉ vài chục giây đồng hồ sau đó cô đưa tay bụm miệng để cản tiếng … hét khi nhìn thấy lá cờ nước mình bị treo … ngược. Trong cuộc họp báo sau đó, cô lực sĩ này vẫn nhìn nhận “thấy khó chịu về chuyện đó”, nhưng cũng bảo thêm là “không giận hờn, dù vẫn còn bực mình… tí tí” về chuyện mà cô gọi là “hơi… kỳ kỳ!”.
Đến chuyện quốc ca
Hết chuyện cờ thì đến chuyện quốc ca, và sơ hở cũng mới xảy ra ở … London hồi tháng trước, hôm Ban Tổ Chức cho diễn tập lần cuối cùng. Hôm đó lúc lá cờ của Nam Phi được kéo lên, bản quốc ca nước này cũng trổi lên, đến khi ban nhạc đã đánh tới một nửa thì mới có người phát hiện, la thật to “sai rồi”. Thì ra đó là bản quốc ca tên “Die Stem” của thời Nam Phi còn áp dụng chế độ kỳ thị chủng tộc, lúc người da đen còn nằm dưới quyền cai trị của người da trắng, chứ không phải bản quốc ca được nhà tranh đấu Nelson Mandela và dân chúng Nam Phi bỏ phiếu chọn sau ngày họ làm chủ đất nước.
In ngày in đêm
Hết lầm lỡ về chuyện quốc kỳ, quốc ca, Ban Tổ Chức Olumpic London cũng đang điên đầu về chuyện in ấn những cuốn chương trình được bầy bán cho khách mua giữ làm kỷ niệm. Chuyện đang được nói tới nhiều nhất là chuyện cả trăm ngàn quyển in hình ảnh của hội tuyển bóng tròn Anh Quốc, trong đó có hình anh cầu thủ hàng trung vệ Joe Allen sinh trưởng ở Xứ Wales lại bị ghi nhầm là sinh tại Anh Quốc. Bản thông cáo mới nhất của Liên Đoàn Olympic Anh đại ý cho biết để sửa chữa sai lầm này, “sẽ in ngày in đêm” để có cuốn chương trình bán cho khách vào ngày Chủ Nhật tới đây, khi hội tuyển Anh ra sân đá trận thứ nhì.
Trở lại với chuyện đội tuyển bóng tròn nữ Bắc Hàn giận dữ nhất quyết không tranh tài và chỉ đồng ý ra sân trở lại sau khi Ban Tổ Chức hết lời năn nỉ, một độc giả của tờ London Evening Standard đưa ra nhận xét như sau: "Tôi chẳng ngạc nhiên tí nào khi nhìn thấy khuôn mặt bực bội của toán cầu thủ và dàn huấn luyện viên Bắc Hàn, ngay cả sau khi Ban Tổ Chức xin lỗi và năn nỉ họ ra sân. Tôi hiểu tại sao họ giận dữ, nhưng đồng thời cử chỉ của họ cũng khiến tôi hiểu rõ hơn về nước cộng sản được gọi là khép kín nhất thế giới: đó là xứ sở của những người chỉ biết nhăn nhó chứ không biết cười. Họ không biết cười thì đừng mong họ tha thứ cho lỗi lầm của người khác".
Ông (hay bà) độc giả này đúng là người khó tính. Đồng ý cả chuyện cờ quạt lẫn thái độ của hội tuyển bóng tròn nữ Bắc Hàn đều là những chuyện không nên để xảy ra, nhưng trong không khí tưng bừng của Olympic, có lẽ nên quên những chuyện… kỳ cục này đi.
LET THE GAMES BEGIN.