Tay cầm ly cà phê pha đậm đến mức uống vào phải nhăn mặt, ông đồng nghiệp cũ nhấn mạnh từng chữ một: “thể thao là thể thao, chính trị là chính trị. Chúng ta có thể pha sữa chung với cà phê như người Ăng Lê pha sữa chung với trà, nhưng phải cố gắng đừng trộn lẫn thể thao với chính trị”.
Ông Xuân Hồng không phải là người đầu tiên nói câu “lý tưởng” đó.
Trong buổi gặp gỡ với báo chí trước ngày khai mạc Olympic London 2012, ông Chủ Tịch Liên Đoàn Olympic Quốc Tế (IOC) Jacques Rogge cũng bảo mỗi lần nghĩ đến hình ảnh ngọn đuốc thiêng Thế Vận Hội được chuyền tay từ ngày nay sang người khác “là tôi nhìn thấy ngay hình ảnh của một cộng đồng gắn bó chung với nhau, tôn trọng lẫn nhau, chơi đẹp, công bằng với nhau, không chấp nhận những chuyện xấu xa, không có chuyện gian lận”. Cũng như các vị chủ tịch tiền nhiệm, ông Rogge nhắc lại điều cha đẻ của Olympic ngày nay là Nam Tước Pierre de Coubertin đã nói từ năm 1892, gọi sức mạnh của thể thao là chìa khóa “đem lại hòa bình” cho nhân loại.
Bất kể được nhìn dưới góc độ nào, câu nói của Nam Tước Pierre de Coubertin và của ông Chủ tịch Jacques là những câu nói mang ý nghĩa chính trị, đề cao một lý tưởng chính trị. Rất tiếc, lý tưởng cao đẹp đó vẫn chưa được thực hiện đúng mức. Lỗi rõ ràng không phải từ các phái đoàn lực sĩ, cầu thủ, mà là lỗi nằm ở những quyết định mà thành phần lãnh đạo IOC đã làm. Nói đúng hơn và rõ hơn: không mấy ai muốn đem chính trị trộn lẫn với thể thao, nhưng chính IOC đã có những quyết định “phản chính trị” tới mức mọi người phải bực mình, chính IOC đã làm xấu cái lý tưởng cao đẹp mà họ đặt ra lúc ban đầu, và lịch sử thể thao lẫn lịch sử chính trị thế giới chứng minh rõ điều đó.
Một trong những chuyện thế giới chưa quên được là Olympic Berlin 1936 diễn ra khi Adolf Hitler đang nắm quyền. Không ai chê trách IOC khi quyết định trao vinh dự cho thành phố Berllin tổ chức cuộc tranh tài từ năm 1931, nhưng đến giờ mọi người vẫn thắc mắc không hiểu tại sao IOC không quyết định dời cuộc đua đến một địa điểm khác sau ngày Đức Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1933.
Tài liệu lịch sử cho thấy trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1936, Đức Quốc Xã ban hành ít nhất 114 đạo luật mang nội dung khắc nghiệt với người Do Thái - trong đó có cả những quy định nhằm giới hạn người Đức gốc Do Thái tham dự các cuộc đua tuyển chọn lực sĩ đại diện quốc gia - nhưng một trong những nhân vật quyền uy nhất của IOC lúc đó là ông Avery Brundage, Chủ Tịch Liên Đoàn Olympic Mỹ Châu là người bỏ lá phiếu quyết định vẫn giữ nguyên quyết định tổ chức tại Berlin, sau đó còn vận động để Hoa Kỳ gửi đoàn lực sĩ sang Đức tham dự. Hình ảnh Hitler đứng trên khán đài danh dự vẫn được xem là một trong những hình ảnh tệ hại nhất của lịch sử thể thao thế giới.
Không chỉ nhất định để Berlin tổ chức Olympic, ông Brundage còn tìm cách ngăn cản ít nhất 2 lực sĩ Mỹ gốc Do Thái là Sam Stoller và Marty Glickman để họ ở trong đội điền kinh đua 400 mét tiếp sức. Đến khi lên làm chủ tịch IOC (1952-1972), ông lại làm ngơ việc những nước cộng sản sử dụng thể thao vào mục đích tuyên truyền, không chú ý đến những lời tố cáo những nước độc tài “có lò luyện lực sĩ được tài trợ bởi chính phủ”, đi ngược lại tôn chỉ mà Olympic Quốc Tế đã đề ra. Cũng chính ông là người quyết định “tất cả các cuộc tranh tài vẫn tiếp tục như đã định” sau ngày 11 lực sĩ, huấn luyện viên và trọng tài Do Thái bị khủng bố Palestine thảm sát ở Olympic Munich 1972.
Tám năm sau ngày ông Brundage rời khỏi chức vụ lãnh đạo, Liên Đoàn Olympic Quốc Tế được điều khiển bởi ông Juan Antonio Samaranch, một nhân vật có liên hệ chặt chẽ với chính phủ phát xít Tây Ban Nha. Hình ảnh ai ai cũng nhìn thấy là những bức ảnh ông mặc đồng phục phát xít, giơ tay chào theo kiểu phát xít, và hết lòng ủng hộ đơn xin tổ chức Olympic 1980 của Moscow cho dù lúc đó Liên Sô đã đưa quân sang xâm chiếm Afghanistan.
Cũng chính ông Samaranch là người sang tận Bắc Kinh để xoa dịu sự giận dữ của giới lãnh đạo Trung Quốc sau khi Sydney được chọn tổ chức Olympic 2000, và rời Bắc Kinh với hứa sẽ vận động mọi người bỏ phiếu ủng hộ Bắc Kinh cho kỳ tổ chức 2008, những lá phiếu vô tình công nhận cho Trung Quốc quyền được sử dụng thể thao để tuyên truyền với thế giới. Ông đã làm được điều này trước khi về hưu, bất kể sự phản đối của những người yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền mọi nơi, chống chữa bằng câu trao trách nhiệm cho Bắc Kinh “để thúc đẩy Trung Quốc phải đổi mới”.
Không hiểu Trung Quốc đã “đổi mới” thế nào mà “tình trạng nhân quyền ở Hoa Lục mỗi ngày một tồi tệ hơn trước”, theo bản phúc trình thường niên của Tổ Chức Human Rights Watch, “chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến những tin nói về trường hợp người Tây Tạng tự thiêu vì bị đàn áp”, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo cách đây chỉ vài tuần lễ.
Những lúc đó, chẳng thấy ông Liên Đoàn Olympic Quốc Tế lên tiếng nói gì cả. Điều này cũng dễ hiểu: một tổ chức từng im tiếng ở thời Đức Quốc Xã 1936, từng ngậm miệng ở thời 1980 khi Liên Sô xâm lăng Afghanistan, thì không nên mong đợi họ sẽ lên tiếng tranh đấu cho những người dân thấp cổ bé miệng Trung Quốc, nhất là những sự kiện đau lòng này lại xảy ra… 4 năm sau ngày ngọn đuốc thiêng Olympic đã tắt ở bầu trời Bắc Kinh!
Theo dòng thời sự:
- Olympic London 2012 – Ngày thứ 3
- Olympic London 2012 – Ngày thứ hai
- Thắp đuốc đi tìm những người đẹp bóng đá Bắc Hàn
- London khai mạc Olympic 2012
- Chuyện… không chỉ xảy ra ở London
- Olympic 2012: Chúng tôi đã sẵn sàng
- Bắt đầu chặng rước đuốc Olympic cuối cùng
- Phụ nữ và Olympics
- Luân đôn trước thách đố về an ninh Olympics