Olympic London 2012 – Ngày thứ 3

Hôm nay là ngày thứ 3 của cuộc tranh tài Olympic London 2012.

0:00 / 0:00

Chỉ ít giờ đồng hồ nữa, thế giới sẽ có dịp nhìn thấy các nam lực sĩ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Đức, và nước chủ nhà gặp nhau trên sân North Greenwich để tranh chiếc huy chương vàng toàn đội của bộ môn thể dục dụng cụ.

Trung Quốc đang dẫn đầu HCV

Tại bể bơi Aquatics Center, khán giả khắp nơi sẽ chú ý đến Ryan Lochte của Hoa Kỳ ở vòng chung kết của cuộc đua 200 mét bơi sải, trong khi kình ngư Michael Phelps đang nuôi hy vọng lấy được chiếc vé vào chung kết môn bơi bướm 200 mét. Như thường lệ, chương trình phát thanh của chúng tôi sẽ kết thúc với mục Câu Chuyện Olympic London 2012, với Nguyễn Khanh tại London và Khánh An từ Washington DC.

Nguyễn Khanh: Từ Olympic London 2012, tôi là Nguyễn Khanh xin được gửi lời chào đến quý thính giả, chào bạn Khánh An và chào các bạn đồng nghiệp ở Washington DC.

Chúng ta đã bước vào ngày thừ 3 của cuộc tranh tài kéo dài 2 tuần lễ, và xin được nói ngay là tính đến tối hôm qua đã có 22 nước lấy được huy chương, Trung Quốc vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng với 6 vàng, 4 bạc và 2 đồng. Về nhì là Hoa Kỳ với 3 vàng, 5 bạc và 3 đồng. Bất ngờ được chú ý nhất là sự xuất hiện của Italy với tư thế hạng 3 với 7 chiếc huy chương đủ loại, và kế đến là Nam Hàn đứng hạng tư với 5 chiếc, sau đó là Pháp với 4 chiếc để đứng hạng 5.

Cũng xin nhắc lại đây chỉ là kết quả sau 2 ngày tranh tài, các cuộc thi sẽ còn kéo dài cho đến ngày 12 tháng Tám mới kết thúc, và từ bây giờ đến ngày bế mạc Olympic London 2012, chắc chắn danh sách này sẽ còn nhiều thay đổi. Đương nhiên mọi chú ý vẫn được dành cho hai đoàn lực sĩ Hoa Kỳ và Trung Quốc, với thắc mắc là nước nào sẽ đứng đầu bảng xếp hạng.

Khi nói đến huy chương, cũng phải thưa thêm cùng quý thính giả và bạn Khánh An là ngày hôm qua nước Anh vui mừng với 2 chiếc huy chương đầu tiên: cô Lizzie Amitstead lấy được huy chương bạc ở bộ môn đua xe đạp đường trường và nữ lực sĩ Rebecca Adlington chiếm huy chương đồng ở môn 400 mét tự do.

Hiện giờ Anh Quốc đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng các quốc gia đã đoạt huy chương, nhưng đừng quên tất cả các nhà bình luận thể thao đều dự đoán Vương Quốc Anh sẽ lấy được ít nhất 20 chiếc huy chương vàng ở cuộc thi ngay tại sân nhà, và đứng trong hàng ngũ 5 quốc gia chiếm nhiều huy chương nhất.

Đó lá những gì chúng tôi xin gửi đến quý thính giả để mở đầu câu chuyện thể thao đặc biệt nói về Olympic London 2012 hôm nay, và bây giờ xin trở lại với bạn Khánh An tại Washington DC.

Khánh An: Cám ơn anh Nguyễn Khanh với bản tường trình tổng quát gửi về từ London. Muốn hỏi anh là đoàn vận động viên của Việt Nam thì sao? Có hy vọng gì không?

Nguyễn Khanh: Sau 2 ngày tranh tài, phải nói cho đúng là may mắn vẫn chưa đến với đoàn Việt Nam. Hôm qua, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn hụt chiếc huy chương đồng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đứng thứ 9 trong cuộc thi súng ngắn hơi 10 mét nên cũng không vào được vòng trong, nhưng để bù lại thì tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh hiên ngang bước vào vòng kế tiếp.

Cũng như các đồng nghiệp Châu Á khác, anh em chúng tôi đều tin là ngoài tay vợt Trần Lê Quốc Toàn, đoàn Việt Nam vẫn có một số hy vọng khác, chẳng hạn như hy vọng đặt ở nữ võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh dự thi môn taekwondo. Võ sĩ Diệu Linh của Việt Nam sẽ bắt đầu cuộc thi vào cuối tuần này.

Khánh An: Muốn hỏi anh là áp lực mà các lực sĩ phải chịu đựng trong các cuộc tranh tài, không biết nặng nhẹ thế nào?

Nguyễn Khanh: Câu hỏi mà bạn Khánh An đặt ra rất hay, vì trước khi ngọn đuốc thiêng thế vận hội tiến vào sân vận động Olympic ở London, người ta đã nói đến áp lực mà các lực sĩ, cầu thủ phải chịu đựng. Mặc dù ai cũng bảo là rất hãnh diện khi được góp mặt với Olympic, nhưng cứ nhìn vào khuôn mặt của các vận động viên thì chúng ta thấy ngay họ đang bị áp lực. Áp lực đó là áp lực phải chiến thắng, phải bảo vệ mầu cớ sắc áo của quốc gia mình. Đó cũng là điều dễ hiểu vì mỗi bộ môn tranh tài chỉ có 3 chiếc huy chương gồm 1 vàng, 1 bạc và 1 đồng, ai ai cũng mong và quyết tâm chiếm được 1 trong 3 chiếc huy chương cao quý đó, thành ra họ bị áp lực rất mạnh.

Cách giảm áp lực của các VĐV

Các vận động bóng rổ nữ đội tuyển Cộng Hòa Séc hôm 30/7/2012. AFP photo
Các vận động bóng rổ nữ đội tuyển Cộng Hòa Séc hôm 30/7/2012. AFP photo (Các vận động bóng rổ nữ đội tuyển Cộng Hòa Séc hôm 30/7/2012. AFP photo )

Khánh An: Thế họ xóa bỏ áp lực trước khi bước vào sân tranh tài như thế nào? Có cách nào giúp các vận động viên xóa bỏ áp lực không?

Nguyễn Khanh: Có rất nhiều cách. Cách thông thường nhất là nghe nhạc. Đó chính là lý do tại sao chúng ta thấy đại đa số vận động viên khi bước vào phòng thay quần áo đều đeo tai nghe, dùng những bản nhạc để làm nhẹ bớt áp lực mà họ phải gánh chịu, cố gắng quên hết mọi chuyện, không để bị chi phối vì những chuyện bên ngoài. Cũng có những lực sĩ dùng thì giờ trước khi ra sân để ngồi thiền, đọc kinh cầu nguyện, và chính tôi đã có lần nhìn thấy một nữ lực sĩ bơi lội Mỹ ngồi yên một chỗ, chăm chú đọc kinh thánh.

Xin kể cho quý thính giả và bạn Khánh An nghe một câu chuyện liên quan đến lực sĩ điền kinh Usian Bolt đang mang biệt danh là “người chạy nhanh nhất điền kinh”. Ít nhất một tiếng đồng hồ trước khi ra sân tranh tài, anh lực sĩ tài ba này không nói chuyện với bất cứ ai, kể cả ông huấn luyện viên của anh ta. Lý do là anh phải dồn tất cả tâm trí cho cuộc đua, bỏ ra bên ngoài tất cả mọi chuyện, kể cả áp lực bắt buộc phải chiến thắng. Anh từng nói với báo chí là nếu không trút bỏ được áp lực thì ra sân chạy rất mệt mỏi, không thể dồn hết sức lực và trí óc cho cuộc đua.

Khánh An: N hư vậy, có lẽ đoàn vận động viên của Vương Quốc Anh là khỏe nhất,may mắn nhất, vì họ tranh tài ở sân nhà, khán giả nhà. Không biết Vũ Hoàng nói thế có đúng không?

Nguyễn Khanh: Chưa hẳn như thế đâu. Lợi thế sân nhà là một điểm thật tốt, nhưng lại luôn luôn đi kèm với áp lực đến từ khán giả nhà.

Xin kể cho anh nghe về áp lực đến với đoàn lực sĩ Anh. Bốn năm trước đây tại Olympic Bắc Kinh, đoàn vận động viên Anh chiếm được 19 chiếc huy chương vàng, và ngay sau khi lễ bế mạc Bắc Kinh 2008 vừa kết thúc, mọi người đã đặt câu hỏi là liệu nước Anh có nhìn thấy chiếc huy chương vàng thứ 20 ở London hay không?

Đó chính là áp lực mà các lực sĩ, cầu thủ Anh Quốc phải chịu đựng, điều này được thể hiện rõ hơn nữa là sau 2 ngày tranh tài vì quốc gia chủ nhà chưa cầm được chiếc huy chương vàng nào cả, chỉ mới có một bạc, một đồng thôi. Khán giả nóng lòng, cầu thủ, lực sĩ cũng nóng lòng, và đó chính là áp lực.

Khánh An: Cám ơn anh Nguyễn Khanh cho buổi nói chuyện hôm nay. Hẹn gặp lại anh cũng giờ này ngày mai trong chương trình Câu Chuyện Olympic London 2012.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn bạn Khánh An, cám ơn quý thính giả. Xin hẹn gặp lại quý thính giả và bạn Khánh An ngày mai.

Theo dòng thời sự: