Xem như báu vật
Với tất cả những người khuôn mặt rạng rỡ, hãnh diện cầm chiếc huy chương trên tay khoe với mọi người, đó là bằng chứng của những ngày tháng tập dượt không ngừng nghỉ. Điều họ cũng sẽ nghĩ trong đầu là sẽ chẳng bao giờ để mất chiếc huy chương cao quý đó, bất kể đó là huy chương vàng, bạc hay đồng, và đã từng có vận động viên bảo khi nào muốn lấy vợ “sẽ dùng chiếc huy chương làm lễ vật cầu hôn”.
Ai ai cũng bảo sẽ mãi mãi xem chiếc huy chương Olympic là vật “không thể rời”, nhưng chuyện vận động viên mất “vật báu” là chuyện rất thường xảy ra. Chỉ cần một sơ hở nhỏ là đã đủ để chiếc huy chương … biến mất, có người may mắn tìm lại được và cũng có người đến giờ vẫn còn thắc mắc không hiểu tại sao chiếc huy chương yêu quý nhất của mình “không cánh mà bay”.
Tám năm trước đây ở Olympic Athens 2004, tòa đại sứ Hòa Lan tổ chức bữa tiệc để chào mừng những lực sĩ chiếm được huy chương. Trong số khách danh dự có anh Diederik Simon, người mang chiếc huy chương bạc đầu tiên về cho quốc gia nổi tiếng với những con bò sữa màu đen chấm trắng. “Đến nơi tôi mới biết mình mất chiếc huy chương bỏ trong túi và chẳng biết mất ở đâu”, anh Simon kể lại. Trong lúc các bạn đồng đội khoe những chiếc huy chương họ đạt được, “mỗi mình tôi tươi cười bắt tay mọi người, và may quá, chẳng ai hỏi tại sao không thấy tôi đeo chiếc huy chương”.
Tiệc xong, anh một thân một mình đến bót cảnh sát khai báo mất vật quý nhất trong đời, nhưng “chẳng hy vọng gì chuyện sẽ tìm thấy”. Không ngờ vài ngày sau đó, “ông tài xế xe tắc xi chở tôi đến sứ quán đem chiếc huy chương trả cho cảnh sát, hóa ra tôi làm rớt trên xe mà không biết”. Ông tài xế này được Ban Tổ Chức Olympic Athens 2004 mời chụp hình với Simon và thành phố Athens tặng cho ông một bộ tem thư Olympic để làm kỷ niệm.
Anh vận động viên chèo thuyền của Hòa Lan may mắn, nhưng cũng chưa may bằng anh thợ chèo Davide Tizzano của Italy. Sau khi lãnh huy chương vàng toàn đội ở Seoul 1988 và theo đúng truyền thống, anh cùng với mọi người nhảy xuống nước ăn mừng. Kết quả: chiếc huy chương anh đeo trên cổ chìm dưới lòng sông, đến khi mọi người được ông phó nhòm gọi đứng chung để chụp hình “tôi mới biết mất chiếc huy chương rồi”. May cho anh: trong số khán giả có một vận động viên khác mang theo chiếc huy chương vàng mới lãnh ngày hôm trước, đồng ý cho mượn để chụp hình, và may hơn nữa, “toán hải quân giữ an ninh cho thợ lặn mò tìm” chỉ vài giờ sau đó tìm lại được cho anh chiếc huy chương mà chính anh nghĩ “sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại”.
Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) để cho Ban Tổ Chức Olympic toàn quyền quyết định vẽ kiểu huy chương trao cho các vận động viên thắng giải, nhưng kèm theo đó là một số điều kiện đi kèm chẳng hạn như mặt trước của huy chương luôn luôn phải là hình nữ thần chiến thắng Nike tung cánh rời Vận Động Trường Panathinaiko ở Athens để bay về thành phố được tỏa sáng bằng ngọn đuốc thiêng thế vận hội, và mặt sau là chỗ để Ban Tổ Chức ghi lại những biểu tượng của thành phố và của những điểm đặc biệt hay mục đích của cuộc tranh tài. Một trong những điều kiện không thể thiếu: khuôn đúc huy chương phải được trao cho IOC để giữ trong viện bảo tàng Olympic đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ, và dựa theo khuôn này, IOC sẽ đúc những chiếc huy chương “giả” cho các vận động viên không may mất chiếc huy chương “thật”.
“Nếu không kể những chiếc huy chương được trao ở London, tổng cộng chúng tôi có 34,237 người nằm trong danh sách những vận động viên được trao huy chương”, cô Marie-Ann Schuller, phát ngôn viên của Viện Bảo Tàng Olympic nói. Mỗi năm “chúng tôi nhận được thư của một hay 2 người báo tin mất chiếc huy chương gốc, yêu cầu làm cho họ chiếc huy chương thứ nhì”. Thời gian làm chiếc huy chương “mới” mất khoảng chừng 1 tháng, số tiền vận động viên hay gia đình phải trả “nằm ở khoảng từ 800 đến 1,200 dollars” và chiếc huy chương này “chúng tôi không đảm bảo sẽ giống chiếc cũ 100%, lại được khắc hàng chữ rất nhỏ: đây là chiếc được làm lại chứ không phải là chiếc huy chương thật ”. Một điểm khác cũng quan trọng không kém: IOC không cung cấp dây đeo huy chương, “mỗi Ban Tổ Chức là một dây đeo khác nhau nên dù có muốn thì chúng tôi cũng không có dây để phát”, cô Schuller nói tiếp.
Không cánh mà bay
Chiếc huy chương Olympic trị giá bao nhiêu? Câu trả lời là còn tùy. Ban Tổ Chức Olympic London 2012 cho hay chiếc chi phí làm chiếc huy chương đồng chỉ có chừng 5 dollars, chiếc huy chương bạc giá khoảng 400 dollars và chiếc huy chương vàng giá chừng 600 dollars (mang danh là vàng nhưng làm hầu hết bằng bạc, chỉ có 1.34% là vàng thôi). Nhưng hồi năm ngoái khi chiếc huy chương vàng của trận hockey lịch sử Hoa Kỳ thắng Liên Xô được đem bán đấu giá lấy tiền giúp cho một hội từ thiện, một người ẩn danh đã bỏ ra 350,000 dollars để mua chiếc huy chương này. Đến giờ chỉ biết chiếc huy chương đó là “thật”, nhưng cầu thủ hockey nào chấp thuận tặng cho hội từ thiện chiếc huy chương cao quý đó thì vẫn chưa được tiết lộ.
Tháng trước, một bài báo của tờ The Wall Street Journal cho hay phần đông chủ nhân những chiếc huy chương bị mất nhìn nhận là họ lơ đễnh, nên mất hay thất lạc “ở đâu đó, tìm không ra”. Một trong người mất huy chương nổi tiếng nhất chính là kình ngư Michael Phelps: trước ngày đến London đã chiếm được cả thảy 16 chiếc nhưng “đếm đi đếm lại nhiều lần vẫn chỉ còn có 15”. Chiếc thứ 16 ở đâu? “Tôi thật tình không biết”, anh trả lời với báo chí. “Có lẽ lúc di chuyển hay lúc đem trưng bày cho khán giả chiêm ngưỡng, có người nào đó cầm lên xem rồi quên trả lại”.
Cũng có những vận động viên không may bị trộm vào nhà đánh cắp, như trường hợp của cô Tristan Gale và chiếc huy chương vàng của môn trượt tuyết cô đạt được ở Olympic Salt Lake 2002. “Tôi ghé qua tất cả các tiệm cầm đồ trong thành phố để tìm, đồng thời báo cho cảnh sát biết là tôi mất vật quý nhất trong đời”. Ba ngày sau đó, cảnh sát tìm được thủ phạm đã lẻn vào nhà cô, tên trộm bị bắt lúc đang trên đường đi tới… tiệm cầm đồ!
Chuyện sợ mất huy chương cũng vừa xảy ra ngay tại Olympic London 2012. Anh Andy Murray, tay vợt con cưng của nước chủ nhà, là người lúc nào cũng đeo chiếc huy chương vàng giải đơn nam vừa đạt được, đồng thời cũng là người lúc nào cũng sợ mất “báu vật”. Khi ra sân tranh trận chung kết đôi nam nữ cùng với đồng đội là cô Laura Robson, anh giao chiếc huy chương vàng cho ông huấn luyện viên Dani Vallverdu với lời dặn dò “đeo trên cổ, ngồi yên một chỗ, đừng đi đâu cả”.
Trận đó, anh và cô Laura Robson lãnh huy chương bạc. Trả lời báo chí, Andy Murray cho biết “rất mừng khi có được chiếc huy chương vàng đầu tiên” nhưng anh yêu hai chiếc ngang nhau, “không chiếc nào đứng nhất cũng chẳng chiếc nào đứng nhì”.
Theo dòng thời sự:
- Chia tay Michael Phelps
- Ai sẽ là người chạy nhanh nhất Olympic London 2012?
- Olympic London 2012 – Ngày 8
- Boxing Hoa Hỳ đi về đâu?
- Michael Phelps lập kỷ lục thế giới người nhiều huy chương Olympics nhất
- Olympic London 2012 – Ngày 7
- Olympic London 2012 - Chiếc huy chương và chuyện tiền bạc
- Olympic London 2012 – Ngày thứ 3
- ympic London 2012 – Ngày thứ hai
- huyện cô vận động viên bơi lội Ye Shiwen của Trung Quốc