Mức độ khả thi của những yêu cầu như thế đối với một đảng viên tại Việt Nam ra sao?
Gia Minh ghi nhận ý kiến của một số người trong nước và trình bày.
Quy định số 47-QĐ-TW nêu cụ thể 19 điều mà đảng viên không được làm. Những qui định này được nêu rõ căn cứ vào Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Hiến pháp nước CHXHCNVN.
Những điều đảng viên không được làm
Sau khi đọc hết 19 điều được cho là ‘cấm’ đối với những người đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, có thể tóm tắt thành những điểm: thứ nhất là không được làm gì có hại đến thanh danh của Đảng và Nhà Nước, thứ hai không được lạm dụng chức vụ của người đảng viên trong vị trí quản lý để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân và người quen biết, thứ ba là một số đều liên quan lối sống như không mê tín, dị đoan, cờ bạc, rượu chè, hủ hóa, cho vay nặng lãi, quan hệ với người nước ngoài trái qui định…
Nếu chiếu theo những điều mới được nêu ra trong qui định 47 do ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 28 tháng 2 vừa qua, thì nhiều người dân trong nước nhận thấy rất nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm những điểm đó.
Chưa nói đến những đảng viên đang nắm giữ các chức vụ cao cấp trong Đảng và chính phủ mà cơ hội nhũng lạm của họ rất lớn, cũng như những quyết định sai trái của họ gây bao ảnh hưởng cho đất nước, thì những đảng viên ở cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện xã là những người hằng ngày trực tiếp làm việc với người dân đã bị dân chúng tố cáo rất nhiều điều.
Một trong những vi phạm phổ biến lâu nay là dùng thủ thuật phi pháp để lấy đất của người dân.
Bản thân một đảng viên cộng sản, từng bị nắm tay nắm chân đưa lên xe buýt và bị một đại úy công an đạp vào mặt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái, anh Nguyễn Chí Đức nói lên tình hình khiến những dân chúng mất niềm tin vào Đảng và bản thân đảng viên như anh cũng phải ‘chao đảo’:
Từ tham nhũng, sinh ra khoảng cách giàu nghèo: nhiều đảng viên đi ô tô, nhà cao cửa rộng trong khi người nông dân mất đất- mất ruộng. Như thế làm sao người dân không mất niềm tin được.
Nguyễn Chí Đức, Hà Nội
"Thực ra vì nền kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, nhanh và có những biến động mới, nên bản thân nhiều đảng viên bị sa ngã và làm mất niềm tin của nhân dân. Ví dụ như công an thi hành công vụ mà lại phạm luật. Điều quan trọng nhất là tham nhũng. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Từ tham nhũng, sinh ra khoảng cách giàu nghèo, vì bất công mà: nhiều đảng viên đi ô tô, nhà cao cửa rộng trong khi người nông dân mất đất- mất ruộng. Như thế làm sao người dân không mất niềm tin được. Không những người dân mà chính những đảng viên như tôi cũng bị chao đảo về tư tưởng là đúng rồi".
Có thể nói vô số những lỗi phạm của đảng viên đã được chính truyền thông trong nước nêu ra. Đích thân ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới hồi năm ngoái phải lên tiếng ta thán là sâu tham nhũng đã trở thành một
bầy rồi chứ không phải là một con làm rầu nồi canh nữa.
Ngay sau khi vụ việc cưỡng chế đất đai trái pháp luật tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, truyền thông tiếp tục nêu ra những sai phạm trong quản lý đến cách hành xử của những đảng viên đang nắm chính quyền từ cấp thành phố đến cấp xã tại đó.
Thuốc cảm chữa ung thư?
Vậy 19 điều cấm mới được nêu ra có thể giúp làm trong sạch đội ngũ đảng viên, giúp chấn chỉnh đảng theo như mong muốn hay không?
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, một người luôn trăn trở với tình hình đất nước, cho biết nhận định về công cuộc chỉnh đốn đảng hiện nay, nhất là qua 19 điều cấm đối với các đảng viên:
"Tôi nghĩ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhiều lần rồi chứ không phải đến hôm nay mới có chuyện như thế; những lần trước cũng có những hạn chế, những công việc đảng viên không được làm.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhiều lần rồi chứ không phải đến hôm nay mới có chuyện như thế; những lần trước cũng có những hạn chế, những công việc đảng viên không được làm.
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long
Tôi không phải là đảng viên và chưa vào đảng bao giờ, nhưng tôi không tin những nổ lực như thế có thể giải quyết được vấn đề. Tôi là công dân, tôi sống với tư cách công dân. Người Đảng viên trước hết cũng là một công dân, nên nếu hỏi tôi có tin tưởng những nổ lực có thể đem lại thay đổi thì tôi thấy không thể đem lại những thay đổi tích cực".
Trong QĐ 47 của Ban chấp hành trung ương Đảng có hai điều trong mục tổ chức thực hiện là các cấp từ trung ương đến chi bộ địa phương thuộc trong phạm vi đối tượng của qui định. Những đảng viên nào vi phạm những qui định phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời.
Trong thực tế lâu nay vẫn có tình trạng giơ cao đánh khẽ, và trước mắt là việc kỷ luật những cán bộ- đảng viên sai phạm trong vụ việc Tiên Lãng
Blogger Huỷnh Ngọc Chênh, ngay sau khi có quy định những điều cấm đảng viên mới nhất ra đời, đã có bài trong đó ông nêu rõ:
“Hãy đặt các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam vào trong khuôn khổ pháp luật và xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự, đó là giải pháp xây dựng và chỉnh đốn Đảng tốt nhất’.
Ý kiến của blogger Huỳnh Ngọc Chênh được nhà giáo Nguyễn Thượng Long chia xẻ:
"Đề nghị đó rất đúng, rất tuyệt vời. Đề nghị đó cũng có từ rất lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Trước kia có một nhà lãnh đạo Đảng, Quốc hội nổi tiếng là ông Lê Quang Đạo; trong hồi ký để lại ông bày tỏ khát khao, mong muốn phải thể chế hóa vấn đề Đảng, thể chế hóa điều 4. Đảng phải thể chế hóa hoạt động.
Đó là những việc làm tích cực, nhưng họ vẫn chưa làm. Trong hội nghị triển khai nghị quyết 4 trong ba ngày vừa qua, người ta có nhắc đến là việc kê khai tài sản, nhưng họ không thể làm đến nơi đến chốn được. Điều này đã được đề ra nhiều lần nhưng vẫn trì trệ, không xúc tiến gì cả.
"
Một blogger khác là Phạm Viết Đào nói một cách mạnh mẽ rằng những biện pháp chỉnh đốn đảng hiện nay vẫn duy ý chí và duy tâm.
Ông Đỗ Xuân Thọ, một người từng tuyên bố đốt thẻ đảng, thì đưa ra một biện pháp rõ ràng cho Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay:
"Ý kiến của riêng tôi, hay nói cách khác của những người suy nghĩ về đất nước, về đảng lâu như tôi, tôi có thể khẳng định là nếu họ không vứt chủ nghĩa Mác- Lê nin đi, thì có thay đổi thế này hay thay đổi nữa cũng không thể nào thay đổi tận gốc rễ được.
Cứ chữa chỗ nọ, nó sẽ phát ra chỗ kia. Bởi tôi đã chứng minh chủ nghĩa Mác- Lê nin sai lầm từ chính bản thân nó, chứ không phải như người ta nói là sai lầm ở mức hệ thống.
Nếu không thay chủ nghĩa Mác- Lê nin bằng chủ nghĩa dân tộc ( mà tôi đã nói) thì không thể cứu vãn được đảng này chứ không nói chỉ vài ông ở phía trên. Tôi ở trong đảng tôi biết, đối với một đảng quan trọng nhất là niềm tin, mà niềm tin của họ vào chủ nghĩa Mác- Lê nin không còn nữa, họ phải mang Hồ Chí Minh ra; cái đó chỉ cứu vãn được một thời gian thôi chứ không thể cứu vãn lâu đâu".
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết kể từ đại hội VI đến nay đã có 14 nghị quyết về chỉnh đốn đảng. Gần nhất hồi năm 2007, ông Trương Tấn Sang, lúc đó với tư cách là thường trực Ban Bí Thư ký Qui định số 115 về những điều mà đảng viên không được làm. Quy định 47 thay thế cho qui định 115 hồi năm 2007.
Theo dòng thời sự:
- Chỉnh đốn Đảng hay là sụp đổ
- Trung tâm độc quyền chân lý
- Làm sai nhưng khi nào sửa?
- Quốc hội và Đại biểu đã làm được gì cho người dân
- Nhà nước và Trí thức
- Trách nhiệm của Quốc Hội trong vụ Tiên Lãng
- Phản ứng "lạc điệu" của chính quyền Tiên Lãng
- Hải Phòng có thực thi quyết định của Thủ tướng?
- Phép thử Tiên Lãng
- Sửa hiến pháp để tháo "ngòi nổ"Tiên Lãng