< p>Từ 41 năm nay cứ đến ngày 19 tháng 1 là hàng triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước liên tưởng ngay đến việc 75 chiến sĩ hải quân VNCH tử trận vì bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Trong khi báo chí tại TP Hồ Chí Minh liên tục đăng tải những thông tin về các trận đánh ấy với mục đích tưởng nhớ những người đã hy sinh thì tại Hà Nội chính quyền lại bao che cho hành động chà đạp vòng hoa tưởng niệm Hoàng Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ. Hai hành động trái ngược ấy là gì?
Những người lính đánhTrung Quốc năm 1974
Báo Tuổi Trẻ từ 5 năm vể trước đã làm phóng sự nhiều kỳ về những khuôn mặt trong trận chiến Hoàng Sa còn sống sót sau trận hải chiến không cân sức với hải quân Trung Quốc vào năm 1974 với cái tựa “Hoàng Sa: Tường trình 35 năm sau” Phóng sự này đã cho công luận Việt Nam biết thêm những hy sinh và sự chiến đấu dũng cảm của hải quân VNCH qua lời kể của các nhân chứng.
Từ khởi động mạnh mẽ của hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ báo chí Sài Gòn để ý hơn tới biến cố lịch sử đã để lại vết thương trên cơ thể Việt Nam và bằng nhiều cách khác nhau mỗi năm khi tới ngày kỷ niệm các hình ảnh, bài viết cập nhật với mục đích duy nhất là mang tới cho người đọc những thông tin trung thực nhất nhằm hâm nóng bầu nhiệt huyết của mọi người trước sự mất mát không thể lãng quên ấy.
Báo Thanh Niên năm nay truy tìm danh sách 75 chiến sĩ đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa và những chi tiết về nhân thân những anh hùng liệt sĩ ấy làm cho sự kiện Hoàng Sa sống động hơn bao giờ hết.
Báo Tuổi Trẻ từ 5 năm vể trước đã làm phóng sự nhiều kỳ về những khuôn mặt trong trận chiến Hoàng Sa còn sống sót sau trận hải chiến không cân sức với hải quân TQ vào năm 1974...Báo Thanh Niên năm nay truy tìm danh sách 75 chiến sĩ đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa...
Bên cạnh sức mạnh của truyền thông, chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa ra đời đã góp thêm sự chú ý của xã hội trong và ngoài nước tới những gia đình tử sĩ hiện đang sống rất khó khăn tại nhiều tỉnh thành khắp nước. Những đóng góp của đồng bào khắp nơi nói lên hai điều quan trọng: vừa là nghĩa cử tri ân vừa nhắc nhở Hoàng Sa vẫn còn nằm dưới bàn tay thô bạo của Bắc Kinh.
Bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ là một thành viên trong Nhịp Cầu Hoàng Sa nói với chúng tôi:
-Chúng tôi nghĩ rằng không có đủ lực để mà giải quyết hết tất cả yêu cầu cho nên cố gắng những trường hợp cần thiết nhất hay khó khăn nhất. Thí dụ như nhà cửa trong trường hợp khó, hay có người xây nhà thì lại không có đủ điều kiện hoàn thiện cho kiên cố hơn. Hoặc có người cần tiền để chữa bệnh. Đó là hoạt động có tính cách liên tục, những cái yêu cầu cũng không dừng lại. Mình còn bao nhiêu tiền thì mình cân nhắc những yêu cầu cấp bách nhất, cần thiết nhất khó khăn nhất thì mình sẽ thảo luận trong tập thể xong rồi thì tiếp tục vận động nữa và chấp nhận những nhu cầu tiếp theo.
Hai tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ là tiếng nói chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh nên người dân đóan chắc rằng mọi thông tin dồn vào Hoàng Sa là chủ trương của UBND thành phố, nếu không thì các bài báo và ngay cả Nhịp Cầu Hoàng Sa rất khó mà thành hình.
Suy nghĩ này có cơ sở vì nhiều năm đã trôi qua từ ngày báo chí miền Nam lên tiếng khơi lại trận chiến năm 1974 của hải quân VNCH thì làng báo chí của Hà Nội chừng như thiếu hẳn sinh khí hòa nhịp với đồng nghiệp trong Nam. Không những vậy, chính quyền Hà Nội còn công khai cổ vũ cho những hành động đàn áp, phá hoại những hoạt động tưởng nhớ của người dân thủ đô vào ngày lịch sử này.
Chà đạp vòng hoa tưởng niệm, một thất bại của nền giáo dục
Năm ngoái một vụ đàn áp thô bạo hơn 100 người tại tượng đài Lý Thái Tổ và chính quyền đã đem cưa máy cắt những hòn đá tảng tại tượng đài nhằm mang tiếng gầm thét của máy móc lấn áp tiếng hô khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược.
Hắn sừng sộ với tôi và lấy tay đấm vào máy ảnh của tôi, hắn nói rằng hắn ghét bọn phản động, bọn ngụy bán nước và hắn đến đây là để đánh tất cả những đứa nào vinh danh bọn bán nước đó, sau đó hằn nhổ nước bọt vào mặt tôi
Bà Phương Bích
Ngày 19 tháng 1 năm nay cũng không khác, chính quyền Hà Nội tiếp tục đứng phía sau để bảo vệ cho côn đồ có hành vi xâm phạm người mang vòng hoa tưởng niệm tới tượng đài Lý Thái Tổ. Bà Phương Bích, một blogger nhiều lần tham gia các hoạt động tương tự là nạn nhân của côn đồ kể lại:
-Một nhóm bạn bè chúng tôi rủ nhau vào ngày 19 tháng 1 năm 2015 vừa rồi có ra đài Lý Thái Tổ để đặt hoa và tưởng nhớ đến người lính VNCH đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Trong khi đang chờ đợi bạn bè thì có một thanh niên đi đến và câu ta chỉ vào mặt tôi nói: “tôi đến đây để chờ bọn phản động vinh danh những kẻ ngụy bán nước, tôi sẽ đánh tất cả chúng nó”. Sau đó hắn sừng sộ với tôi và lấy tay đấm vào máy ảnh của tôi, hắn nói rằng hắn ghét bọn phản động, bọn ngụy bán nước và hắn đến đây là để đánh tất cả những đứa nào vinh danh bọn bán nước đó, sau đó hằn nhổ nước bọt vào mặt tôi
Khi được hỏi bà có chắc là công an biết việc này hay không bà Bích nói:
-Tôi có gọi ông công an trình bày lại sự việc và ông ta chỉ nói rằng “mời chị về phường”! Tôi mới nói anh đang đứng ở đây và sự việc đang xảy ra ở đây thì tôi yêu cầu anh làm cái chức vụ của anh ở đây. Trong khi tôi nói với anh ta thì đối tượng kia vẫn xông đến và có tính chất lăng mạ. Cậu ta nói điên cuồng không cần lý lẽ gì. Cậu ta nói đến đây để đánh kẻ mang vòng hoa viếng người bán nước. Tôi có yêu cầu ông công an làm điều đó thì ông ta hỏi thế chị có mất tài sản không, chị có bị xâm hại về thân thể không?…Tôi hiểu là đằng sau thái độ đó là hành động bảo kê rất lộ liễu với đối tượng này.
Bà Phương Bích kể giai đoạn gã côn đồ dẫm lên vòng hoa của 75 tử sĩ Hoàng Sa dẫn tới sự phản ứng của người tham dự, bà nói:
-Anh em chúng tôi cực kỳ nhẫn nhịn và sự nhẫn nhịn đó bị phá vỡ khi một hành động của nam thanh niên nhổ nước bọt vào tôi đã đến giật đổ vòng hoa xuống đất và lấy chân dẫm lên thì lúc ấy tôi không còn nhẫn nhịn được nữa. Tôi la to lên bắt ngay lấy thằng này và giải nó về phường!
Lúc đó anh em mới bắt đầu xô vào khống chế thằng này. Tuy nhiên anh em không có kinh nghiệm khống chế một kẻ côn đồ khi dẫn nó về phường. Khi xảy ra chuyện gây rối thì những người kia (công an giả danh) hoàn toàn im lặng đứng xem không có một hành động nào can thiệp cả nhưng khi chúng tôi bắt giữ cậu thanh niên này để đưa về phường thì họ ngăn cản. Trong đó tôi biết chắc chắn có một cô tên là Minh, cô ta là người rất quen thuộc trong vấn đề đàn áp người biểu tình. Sau đó khi cái xe trật tự của công an phường trờ đến thì họ đưa cậu này lên xe, chúng tôi yêu cầu lên xe nhưng họ không cho.
Hai cách ứng xử của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trên cùng một sự việc khiến người dân rất hoang mang về tính thống nhất trong chủ trương của nhà nước Việt Nam. TS Vũ Cao Phan, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung cho biết nhận xét của mình:
Hành động của nam thanh niên nhổ nước bọt vào tôi đã đến giật đổ vòng hoa xuống đất và lấy chân dẫm lên thì lúc ấy tôi không còn nhẫn nhịn được nữa
Bà Phương Bích
-Khi nghe sự việc này nếu đúng như nó đã xảy ra như vậy tôi rất buồn. Như báo ngày hôm qua tôi có đọc về cái vụ Hoàng Sa những người chứng kiến và những cái điều ấy cho chúng ta thấy rằng thứ nhất bản thân tôi có thêm thông tin và thứ hai những chuyện như thế cho thấy sự gắn kết giữa lòng người mang tính dân tộc trước một vấn đề. Chúng ta không chống ai cả nhưng sự việc nó là như thế chúng ta thể hiện lòng yêu nước, lòng dân tộc. Những sự kiện đó báo chí nên nói nhiều hơn và nhà nước phải nhìn những việc ấy một cách khoan dung hơn, đúng với lòng người hơn.
Vẫn còn nhiều năm và nhiều ngày 19 tháng 1 sẽ đến. Mỗi lần ngày kỷ niệm mất Hoàng Sa diễn ra thì người dân khắp nơi lại chờ đọc báo trong Nam và lắng nghe tiếng va chạm, phản đối, bắt người thậm chí biểu tình tại tượng đài Lý Thái Tổ.
Nhân sĩ trí thức lo ngại rằng hai cách hành xử đó giống như đất nước đang có hai chính quyền khác nhau vì vậy không thể tạo nên sức mạnh khi mối nguy ngoài biển Đông vẫn đang nặng nề hơn lúc nào hết.