Đợt cưỡng chế người dân chống thu hồi đất bất công tại xã Dương Nội, quận Hà Nội thành phố Hà Nội hồi ngày 25 tháng 4 đến hôm nay tròn một tháng. Trong đợt cưỡng chế có hai vợ chồng người tích cực đấu tranh là bà Cấn thị Thêu và ông Trịnh Bá Khiêm bị bắt tạm giam.
Người con trai đầu của hai người bị bắt đó là anh Trịnh Bá Phương cho biết về tình hình đi đòi người của gia đình và các bà con khác suốt tháng qua như sau:
Anh Trịnh Bá Phương: Từ hôm 25 tháng tư đến nay đúng một tháng rồi.
Gia Minh: Những anh em nào trong gia đình đi đòi thông tin về bố mẹ?
Anh Trịnh Bá Phương: Nhà có ba anh em. Tôi là con trai đầu, em gái là Trịnh Thị Thảo và em trai út là Trịnh Bá Tư. Trong ngày qua ba anh em đi với tập thể 365 hộ dân Dương Nội không chuyển đổi được nghề nghiệp.
Gia Minh: Cả ba anh em không có bố mẹ mà phải đi đòi tìm gặp bố mẹ như thế thì có những khó khăn gì?
Anh Trịnh Bá Phương: Gia đình còn có một chỗ ở nữa trên Hòa Bình trồng bưởi, chăn nuôi gà. Từ hôm bố mẹ bị bắt đến nay, gia đình có nhờ một người trông nhà giúp; nhưng công an ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình họ huy động các cấp đến đuổi không cho người đó trông giúp cho gia đình với lý do không có giấy tạm trú, tạm vắng.
Hiện nay nhà trên đó bị bỏ không. Đàn gà bị bắt trộm hết nửa đàn, đến nay đã phải bán hết; nhà trên đó bỏ không tất cả! Ngoài này, ba anh em có người em út là sinh viên học mấy ngày nữa là xong, nhưng rảnh lúc nào là phải đi đấu tranh đòi trả tự do cho bố mẹ.
Họ cứ chuyển đẩy hết từ cơ quan nọ sang cơ quan kia. Đến nay vẫn chưa có tin tức gì về bố mẹ và chưa được gặp...bà con rất lo lắng vì vừa rồi có những sự việc như năm công an dùng nhục hình đánh chết người dân, nhiều người làm việc với công an xong ra thì bị chấn thương. Nên tôi rất lo lắng về sức khỏe của bố mẹ
Anh Trịnh Bá Phương
Gia Minh: Các cơ quan nào đã đi đến rồi?
Anh Trịnh Bá Phương: Nhiều lắm. Từ hôm đó đến nay đi khắp các cơ quan ở thành phố Hà Nội, chủ yếu Bộ Công An, sau đó đến Bộ Nông Nghiệp, Bộ Tài Nguyên rồi Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo đài của thành phố Hà Nội. Mỗi ngày đi mấy cơ quan, lang thang khắp thành phố Hà Nội như vậy.
Gia Minh: Đến các cơ quan Nhà nước và các cơ quan báo đài thì ai tiếp và được trả lời thế nào?
Anh Trịnh Bá Phương: Ban Tiếp Nhân dân ra tiếp. Họ cũng có nói hiểu về nổi khổ của dân Dương Nội, vì trước đây mẹ tôi có đến và họ biết và biết những nông dân khác nữa. Nay nghe tin mẹ tôi bị bắt và bị đánh họ cũng đồng cảm một chút tôi, chứ còn giải quyết thì đến giờ này vẫn chưa có hướng giải quyết gì. Họ cứ chuyển đẩy hết từ cơ quan nọ sang cơ quan kia. Đến nay vẫn chưa có tin tức gì về bố mẹ và chưa được gặp.
Tình hình sức khỏe của bố mẹ tôi thì gia đình và bà con rất lo lắng vì vừa rồi có những sự việc như năm công an dùng nhục hình đánh chết người dân, nhiều người làm việc với công an xong ra thì bị chấn thương, đa chấn thương. Nên tôi rất lo lắng về sức khỏe của bố mẹ.
Tổng cộng có 7 người gồm Trần Văn Sang, Trần Văn Miên, Nguyễn thị Toàn, Nguyễn Thị Ngân, Lê Văn Thanh, bố tôi là Trịnh Bá Khiêm và mẹ tôi là Cấn Thị Thêu. Họ đưa giấy khởi tố bị can, gán ghép tội oan sai cho bố mẹ tôi và những người khác
Anh Trịnh Bá Phương
Gia Minh: Tại Dương Nội còn có một số người khác bị bắt trước nữa; đó là những ai và tình hình của họ hiện nay ra sao?
Anh Trịnh Bá Phương: Tình hình của họ cũng giống như bố mẹ tôi hiện bị giam giữ. Tổng cộng có 7 người gồm Trần Văn Sang, Trần Văn Miên, Nguyễn thị Toàn, Nguyễn Thị Ngân, Lê Văn Thanh, bố tôi là Trịnh Bá Khiêm và mẹ tôi là Cấn Thị Thêu.
Họ đưa giấy khởi tố bị can, gán ghép tội oan sai cho bố mẹ tôi và những người khác. Vì sự việc chính quyền quận Hà Đông đánh đập, đàn áp người dân dã man như vậy lại còn qui kết tội là hành động mang tính chất đàn áp người dân.
Gia Minh: Khi thấy những sai trái từ phía chính quyền như thế, gia đình có tiếp cận luật sư để giúp ra sao?
Anh Trịnh Bá Phương: Trong những ngày qua, tôi có nhờ luật sư Trần Thu Nam nhưng Công an Quận Hà Đông có vẻ gây khó khăn. Theo tôi nghĩ công an sẽ không cho luật sư gặp mẹ tôi.
Gia Minh: Trước tình cảnh cả tháng bị bắt và đất đai suốt 6 năm qua, thì đó có phải là 'bế tắc' và người dân sẽ làm gì nữa?
Anh Trịnh Bá Phương: Nhân dân chúng tôi sẽ đi đòi công lý, đi đòi đến khi nào họ trả tự do cho 7 người vô tội. Họ phải trả lại tư liệu sản xuất cho nông dân đó là ruộng đất, trả lại ruộng đất cho dân cày. Nhân dân chúng tôi sẽ đi đòi đến khi họ trả lại tất cả những quyền lợi chính đáng cho người dân chúng tôi.
Đến nay đối với những người bị bắt, chúng tôi rất lo lắng vì nhiều vụ việc sau khi làm việc ở Công an ra là chết. Rồi những vụ việc oan sai như của ông Nguyễn Thanh Chấn mà ngay một đại biểu Quốc hội Việt Nam nói sẵn sàng đưa ra chứng cứ vì tại đất nước Việt Nam có hằng nghìn vụ án oan sai như thế
Anh Trịnh Bá Phương
Tôi cũng có nói ở Bộ Công An, nếu chính quyền đẩy những người vô tội vào cảnh tù đày, cố tình tước đoạt tư liệu sản xuất của nông dân Dương Nội và cố tình để cho bố mẹ tôi và những người khác có vấn đề gì về sức khỏe trong tù, tôi sẽ tự thiêu để phản đối việc làm sai trái của họ. Tôi đã tuyên bố tại nhiều cơ quan như vậy vì bây giờ không biết phải làm thế nào cả. Bần cùng lắm, khi bị dồn vào đường cùng không biết làm thế nào chỉ biết tự thiêu thôi. Để phản đối, để nhờ những người trong cũng như ngoài nước lên tiếng giúp cho những người dân oan Dương Nội.
Gia Minh: Không lẽ tình hình bi đát, bế tắc đến thế hay sao?
Anh Trịnh Bá Phương: Thực sự tôi cảm thấy rất bế tắc. Đến nay đối với những người bị bắt, chúng tôi rất lo lắng vì nhiều vụ việc sau khi làm việc ở Công an ra là chết. Rồi những vụ việc oan sai như của ông Nguyễn Thanh Chấn mà ngay một đại biểu Quốc hội Việt Nam nói sẵn sàng đưa ra chứng cứ vì tại đất nước Việt Nam có hằng nghìn vụ án oan sai như thế. Qua những sự việc như thế thì mọi người rất lo lắng cho những người bên trong mà bất lực quá. Đến nay họ chưa giải quyết, ngay cả việc thăm gặp gia đình để cho những người bị bắt được giám định sức khỏe cũng như những cái cần thiết cho những người đó nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng mà họ vẫn chưa làm được.
Ngay cả việc đánh đập mẹ tôi, trước hết được đưa lên xe cứu thương nhưng hai tiếng sau họ lại đưa lên xe thùng. Điều đó cho thấy họ đẩy mẹ tôi vào trường hợp nguy kịch. Năm ngày sau tôi nhận được thông tin của cán bộ trại giam là mẹ tôi không ăn gì. Theo tôi đánh đập như thế, vào trong đó làm sao có thể ăn gì. Họ cố tình đẩy mẹ tôi vào tình trạng nguy kịch.
Gia Minh: Cám ơn Trịnh Bá Phương, con của ông Trịnh Bá Khiêm và bà Cấn Thị Thêu cho biết thông tin về trường hợp hai bố mẹ bị bắt.