Theo thông tin từ UBND huyện Bắc Trà My, trận động đất xảy ra vào lúc 9:48 sáng ngày 28/12 gây ra tiếng nổ lớn và rung chấn kéo dài khoảng 5 giây, ảnh hưởng trên các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Sơn…
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật Lý Địa Cầu cho biết trận động đất có cường độ 3,9 độ Richter.
Nhiều quá hóa quen
Một người dân hiện đang ở xã Trà Bùi nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Ở Trà Đốc thì hồi chiều má điện vào nói có bị sơ sơ, còn ở đây (Trà Bùi) thì cũng có bị, nghe ầm ầm nhưng cũng sơ sơ à. Xem phim (tivi) thì thấy mấy đứa nhỏ ở trường đi học cũng chạy ra đường thế thôi chứ mình cũng thấy bình thường, nhiều lần quá rồi, nghe ầm ầm thế thôi chứ cũng chẳng có gì hết trơn.”
CT HĐND huyện Bắc Trà My Nguyễn Thế Tài
Chỉ trong vòng hai tháng qua, đã có hơn một chục trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My, quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Lớn nhất là trận động đất xảy ra vào hôm 15/11 với cường độ ghi nhận là 4,7 độ Richter.
Ông Nguyễn Thế Tài, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Trà My cho biết trận động đất hôm 28/12 là bình thường với người dân địa phương vì họ đã quá quen với động đất.
“Chúng tôi đã báo cáo về tỉnh, về trung ương rồi. Động đất đối với Bắc Trà My là quen rồi, thường xuyên rồi. Quen rồi (nên) dân thấy bình thường.”
Trong thời gian qua, khi khu vực Bắc Trà My thường xuyên xảy ra động đất với cường độ ngày càng mạnh và tần suất cao, nhiều quan chức nhà nước và các nhóm khoa học gia đã được cử đến đến nghiên cứu thực trạng khu vực.
Đâu lại vào đó
Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết không có bất cứ thông tin hay một phương án nào được đưa ra cho người dân, mặc dù hiện tượng động đất vẫn liên tục xảy ra ngày càng nhiều và mạnh. Anh Phong, một người dân ở xã Trà Tân, cho biết:
“Thấy đâu cũng lại vào đó thôi. Chuyện phức tạp thành đơn giản, đơn giản thành như không thôi. Ở đây nói chung ai cũng hoang mang, lo lắng nhưng không có ai giúp đỡ hết. Chẳng qua người ta hỏi cho vui thôi chứ không có ai tận tình giúp đỡ để cho người dân yên tâm dứt điểm cái vụ động đất để người ta yên tâm sản xuất, làm ăn.
Nói về thiệt hại kinh tế thì nhà cửa bị rung nứt hết. Còn về tinh thần thì người dân không dám sản xuất, kinh doanh gì hết. Người giàu có thì người ta xuống thành phố mua nhà, mua đất sống dưới đó, họ bỏ quê hương họ đi. Người dân không có tiền thì người ta vào rừng làm trại sống. Còn nhiều người muốn ở lại với quê hương thì họ vẫn cắm trụ buôn bán kiếm sống qua ngày.”
Anh Phong
Sau khi dư luận lên tiếng quan ngại về hiện tượng động đất liên tục xảy ra có thể gây vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2, Quốc hội Việt Nam đã kiến nghị các bộ ngành phải làm rõ nguyên nhân và ảnh hưởng của động đất đối với sự an toàn của đập.
Sau đó chưa đầy một tháng, ngay vào chiều hôm xảy ra trận động đất lớn nhất (15/11), Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời trên báo chí rằng: “Cơ bản, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn”. Trước đó 2 ngày, ông Bộ trưởng cũng khẳng định: “Nước ở mực tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết!”
Trong khi đó, công bố từ một đề án nghiên cứu độc lập của nhóm khoa học gia, đứng đầu là PGS Cao Đình Triều, Tổng thư ký Hội KH-KT Địa Vật Lý Việt Nam, cho biết động đất cực đại có thể lên đến 6 độ Richter ở khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, trong khi đập thủy điện chỉ được thiết kế với khả năng chịu động đất là 5,5 độ Richter.
Đánh giá về những động thái gần đây của chính quyền, anh Phong cho biết:
“Không có gì để khích lệ người dân yên tâm sản xuất, không thấy một thông tin gì luôn. Có một vài nhà báo lên phỏng vấn này kia rồi đâu lại vào đó thôi. Nghe nói nhà nước có nghị quyết là không cho tích nước ở thủy điện Sông Tranh 2. Điều đó thì có nhưng vô nghĩa với người dân. Không cho tích nước thì đâu có liên quan gì đến đời sống đâu. Động đất vẫn xảy ra thôi.
Động đất không biết có liên quan đến thủy điện hay không nhưng không tích nước thì vẫn còn động đất. Người dân thì bao giờ cũng muốn bên chính quyền quan tâm nhưng đâu lại vào đó. Quan tâm thì quan tâm nhưng lợi ích của chính quyền vẫn đặt lên hàng đầu thôi.”
Vào cuối tháng 11 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục yêu cầu ngưng tích nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 để nghiên cứu về động đất và an toàn đập. Trước đó vào giữa tháng 10, sau khi dư luận lên tiếng, một trạm quan trắc đã được lắp đặt tại khu vực này. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, trạm quan trắc mới đã không nhận diện được một số trận động đất mà người dân địa phương đã cảm nhận rất rõ ràng.
Theo dòng thời sự:
- Động đất tại Bắc Trà My lại tiếp diễn
- Động đất ở Sông Tranh 2 – Bao giờ người dân hết lo lắng?
- Người dân Bắc Trà My có thể kiện Nhà nước?
- Kế hoạch theo dõi chấn động ở Sông Tranh 2
- Thủy điện Sông Tranh 2 là sai lầm lớn
- Bắc Trà My : động đất cứ tiếp diễn, dân cứ lo, nhà nước cứ họp
- Trà My, Quảng Nam lại động đất 6 lần trong 4 ngày qua
- Động đất Sông Tranh 2: thách thức chính phủ
- Nguy cơ động đất tại Sông Tranh 2 sẽ còn diễn ra với cường độ mạnh hơn?
- Thủy điện nhỏ: đừng giao trứng cho ác