Dư Luận Viên lên báo chí nhà nước

0:00 / 0:00

Công an Hà Nội cho biết chính phủ không liên quan gì đến nhóm dư luận viên ngăn cản người dân đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết Tử ở thủ đô sáng 14 tháng Ba vừa qua.

Trong một cuộc họp báo, Thiếu Tướng Nguyễn Đức Chung, Giám Đốc Công An Hà Nội cho rằng nhóm thanh niên mặc áo đỏ có in logo giống như logo của công an và dòng chữ viết tắt là DLV chỉ là một nhóm tự phát, hoạt động của họ không do công an thủ đô hay ban tuyên giáo điều khiển.

Trong hai ngày 17 và 18 tháng ba, các tờ báo lớn của Việt nam đã đồng loạt đưa tin này có trích lời tướng Nguyễn Đức Chung. Sau đây là ghi nhận ý kiến một số người có tham dự vào sự việc ngày 124/3 cũng như một số nhà báo Việt nam.

Một sự thay đổi về nhận thức?

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm việc cho báo Thanh niên tại TP HCM cho biết:

"Lần đầu tiên công an Hà nội lên án những người đó, cho đó là những kẻ quậy phá và phải đi điều tra xác minh. Rồi nói những người đi tưởng niệm là những người yêu nước. Chứ hồi xưa tới giờ…. Mới cách đây mấy ngày có bài trên báo quân đội cho đó là những người phá nước. Đây là một bất ngờ lớn đối với công luận ở Việt nam."

Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung từ TP HCM cũng cho biết anh cũng thấy việc cơ quan công an và báo chí nhà nước lên tiếng về việc cản phá buổi lễ tưởng niệm là một sự lạ:

"Những lần đi dâng hương trước đây lần nào cũng bị quấy phá nhưng chưa bao giờ cơ quan công an hay báo chí lên tiếng, nhưng lần này thì lại có sự lên tiếng chính thức thì đó là một sự lạ. Việc này có thể là sự chuyển biến trong nhận thức của cơ quan chức năng, của chính quyền. Vì nếu cứ để cái tình trạng những người tự xưng là dư luận viên ngăn cản những người yêu nước đi tưởng niệm những liệt sĩ Hoàng sa, Trường sa, thì không thể chấp nhận được, vì nó chẳng khác nào ủng hộ Trung quốc cả."

Nếu cứ để cái tình trạng những người tự xưng là dư luận viên ngăn cản những người yêu nước đi tưởng niệm những liệt sĩ Hoàng sa, Trường sa, thì không thể chấp nhận được, vì nó chẳng khác nào ủng hộ Trung quốc cả

Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói rằng việc truyền thông Việt nam đồng loạt đưa tin về những diễn biến của buổi tưởng niệm ngày 14/3 ở Hà nội rằng báo chí Việt nam đã vượt qua được một nỗi sợ mơ hồ khi đụng tới những cuộc biểu tình không do nhà nước tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Vinh một nhà báo tự do nói rằng phát biểu của tướng Chung là do ông có mặt tại nơi diễn ra buổi tưởng niệm:

"Ông Nguyễn Đức Chung đã thấy được những người đi tưởng niệm. Họ là ai? Làm những cái gì? Có phù hợp luật pháp không? Tinh thần đó ra sao? Và chính ông Nguyễn Đức Chung đã phát biểu rằng đấy là những người yêu nước."

Những người có mặt nói gì?

Ông Nguyễn Hữu Vinh có mặt tại buổi lễ tưởng niệm ngày 14 tháng 3 ở Hà nội cho biết là lần này nhóm của ông bị cản phá mạnh hơn những lần trước:

"Lần này có khác hơn là có cả cờ đỏ búa liềm, rồi hô rồi hét là như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, rồi là đảng cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm. Điều đó tạo nên một sự phản cảm vô cùng lớn trên các trang mạng xã hội, cũng như là đối với du khách nước ngoài và người dân có mặt ở bờ hồ sáng hôm đó."

Chúng tôi liên lạc được với anh Nguyễn Quang Bách, thuộc nhóm được gọi là Dư luận viên sáng ngày 14/3. Anh Bách nói rằng anh thuộc một nhóm tên là Viet Vision và báo chí đã không đưa đúng sự thật.

"Hai ngày vừa qua báo chí đưa tin không có lợi cho nhóm Viet Vision. Tôi nghĩ là hôm 14 tháng ba vừa rồi cả hai tổ chức No-U và Viet-Vision đều phải công bằng vì cả hai bên đều đi tưởng niệm. Theo tôi thì các bài báo không đúng sự thật, nó không được công bằng vì nhà báo không xác minh được ai là kẻ gây rối, ai là kẻ ngăn cản. Trong các video clip được ghi lại thì nhóm No-U cũng gây rối, ngăn cản nhóm Viet Vision tưởng niệm hôm 14/3."

Khi được hỏi là nghĩ thế nào khi trong ngày đau buồn kỷ niệm mất đảo Garma mà lại hát như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng anh Bách nói là nhóm của anh không có hát như thế:

Như vậy là tinh thần báo chí, tôi muốn nói là báo chí nhà nước đã tự nguyện nâng cao hơn, vượt ra ngoài khuôn lề của cơ quan tuyên giáo, đặc biệt là những siêu Tổng biên tập như cơ quan tuyên giáo trung ương. Tôi cho đây là một động thái đặc biệt, và họ thấy rằng họ không thể im lặng được nữa

nhà báo Phạm Chí Dũng

"Nhóm Viet Vision không có liên quan gì đến các sinh viên. Sau đó nhóm Viet Vision có phỏng vấn những sinh viên đang nhảy múa ở đấy, thì các bạn trả lời là đây là một sự kiện do đoàn trường tổ chức bao gồm bốn đại học, là đại học ngân hàng, đại học y dược, đại học giao thông vận tải, và đại học văn hóa các bạn giao lưu với nhau. Các bạn sinh viên tình nguyện giao lưu với nhau. Ở trong nước thì việc quan tâm đến các vấn đề lịch sử của một số bạn trẻ không còn nhiều. Và người ta cũng không biết ngày 14 tháng ba là ngày gì. Nên chuyện các sinh viên tình nguyện giao lưu với nhau là chuyện bình thường."

Hoạt động của Báo chí và sự cần thiết của luật biểu tình

Trở lại chuyện báo chí Việt nam đưa tin ngày tưởng niệm Garma 14/3, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:

"Đây là lần đầu tiên cũng diễn ra một sự kiện liên quan tới Trung quốc nhưng có một sự cộng hưởng nhất định giữa báo chí hai lề. Trước đây chúng ta gọi là lề trái lề phải bây giờ gọi gần gũi hơn là mạng xã hội và báo chí nhà nước. Chúng ta có thể đọc được trên báo Giáo dục Việt nam, bài Một hành động không thể chấp nhận được, họ lên án một cách quyết liệt nhóm người được gọi là dư luận viên. Như vậy là tinh thần báo chí, tôi muốn nói là báo chí nhà nước đã tự nguyện nâng cao hơn, vượt ra ngoài khuôn lề của cơ quan tuyên giáo, đặc biệt là những siêu Tổng biên tập như cơ quan tuyên giáo trung ương. Tôi cho đây là một động thái đặc biệt, và họ thấy rằng họ không thể im lặng được nữa. Một khi ngay cả công an, là Thiếu tướng Chung Giám đốc công an Hà nội lần đầu tiên đứng ra thanh minh rằng nhóm dư luận viên đó không phải là của công an, cũng không phải là của tuyên giáo. Và một cách gián tiếp phủ nhận vai trò kiêu binh, hồng vệ binh của nhóm dư luận viên ấy, thì có thể nói rằng không còn gì thuận lợi hơn để cho báo chí nhà nước mở miệng."

Thiếu tướng Chung Giám đốc công an Hà nội lần đầu tiên đứng ra thanh minh rằng nhóm dư luận viên đó không phải là của công an, cũng không phải là của tuyên giáo. Và một cách gián tiếp phủ nhận vai trò kiêu binh, hồng vệ binh của nhóm dư luận viên ấy

nhà báo Phạm Chí Dũng

Nhưng cũng có những ý kiến thận trọng hơn, như nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho biết:

"Hồi biểu tình năm 2011 ở Hà nội thì ông Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh nói là biểu tình chống Trung quốc là yêu nước, và Hà nội không chủ trương đàn áp biểu tình. Báo Thanh niên, tờ báo có số phát hành thứ hai trong cả nước đăng chuyện đó lên trang nhất. Sau đó báo Thanh niên bị phê bình về chuyện đó. Chuyện biểu tình vẫn bị đàn áp. Những người biểu tình không chỉ bị đàn áp lúc đó, mà sau này còn bị khủng bố, quậy đủ thứ, thậm chí bị triệt đường mưu sinh.

Thì đây có sự thay đổi, có khả năng là lập trường chống Trung quốc rõ hơn trong Bộ chính trị. Trong lãnh đạo cấp cao của Việt nam.

Nhưng có khả năng thứ hai là người ta vẫn nói một đàng làm một nẻo, tức là nó không đồng bộ. Người này nói thế này, nhưng có khi người khác sau đó lại làm thế khác. Ông Chung giám đốc công an Hà nội thì cũng chỉ là công an Hà nội thôi. Còn sự chỉ đạo kia là từ cả bộ công an."

Sự việc tưởng niệm Garma lại xảy ra đồng thời với việc chính phủ Việt nam đề nghi Quốc hội hoãn việc phê chuẩn luật biểu tình sang năm 2016. Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên tổ chức dân sự Voice nhận xét rằng luật biểu tình đang là một nhu cầu cấp thiết cho dân chúng Việt nam. Và những hoạt động đường phố của những nhóm đối lập nhau như trong ngày 14 tháng ba vừa qua hẳn sẽ không xảy ra xung đột nếu như có luật biểu tình.