Dư luận trước tin VN đưa Blogger Điếu Cày ra tòa

Đúng một năm sau ngày blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải mãn hạn tù về tội trốn thuế, mấy trăm người trong và ngoài nước đã ký tên vào thư ngỏ gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ việc đó.

Tình hình ông Nguyễn Văn Hải mất tích từ đó đến nay tiếp tục khiến dư luận quan tâm; tuy nhiên gần đây có tin ông này và một blogger khác là Anh Ba Sài Gòn sẽ ra tòa vào đầu tháng tư này.

Trước tin đó, một số người đã ký tên vào bức thư ngỏ có suy nghĩ gì? Gia Minh trình bày trong phần sau.

Chưa đúng nguyện vọng

Bức thư ngỏ đề này 20 tháng 10 năm 2011 nêu rõ “ Việc tiếp tục giam giữ công dân Nguyễn Văn Hải mà không có phán xét của tòa, không một thông tin gì về ông đến thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho ông Hải là một hành động vi hiến, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân’.

Những người ký tên yêu cầu chủ tịch nước phải trả tự do ngay lập tức. Có thể nói tin đưa ông Nguyễn Văn Hải ra xét xử dù chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của những người ký tên, nhưng họ đều cho rằng đó là một việc làm cần thiết và nếu quả thật thế thì đó là một tin vui.

Một người ký tên vào thư ngỏ từ miền Bắc là thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định lại vụ việc của ông Nguyễn Văn Hải cũng như đưa ra ý kiến khi nghe tin ông này sẽ được đưa ra xét xử:

Tin đưa ông ấy ra xét xử, chứng tỏ ông ấy còn sống là tin mừng đối với chúng tôi; nhưng mà cách hành xử như thế không chấp nhận được trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Đỗ Việt Khoa

“Tôi thấy kỳ lạ, pháp luật Việt Nam có một không hai trên thế giới. Trước đó, tòa án Việt Nam xét xử ông Hải 30 tháng tù về tội trốn thuế. Ông ấy thực hiện xong án tù thì phải thả ông ta ra, sau đó có định truy tố tội gì thì bắt tiếp. Người ta không thả, rồi lại lấy cớ không cho gia đình hỏi han, chăm sóc, không báo tin gì hết, coi như một hình thức thủ tiêu ông ấy. Đùng một cái bây giờ lại có tin đem ông ấy ra xét xử. Tin đưa ông ấy ra xét xử, chứng tỏ ông ấy còn sống là tin mừng đối với chúng tôi; nhưng mà cách hành xử như thế không chấp nhận được trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, chứ đâu còn là thời ‘mông muội’, thời kỳ chiến tranh mà làm những việc như thế.

Tôi đề nghị trước hết, nhanh chóng thả ngay ông Hải. Thả rồi sau đó xét xử thế nào xét sau; chứ không thể để thế này được. Người dân nhìn vào không ai còn tin vào hệ thống pháp luật của đất nước nữa.”

Một sinh viên ký tên vào thư ngỏ gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc bắt giam trái phép ông Nguyễn Văn Hải, hay blogger Điếu Cày cũng cho biết ý kiến khi nghe tin ông này sắp ra tòa:

“Mong muốn làm theo pháp luật thôi; nếu ông ấy có tội thì phải xử. Nhưng chuyện giữ bí mật từ khi ông ‘được thả’ đến bây giờ thời gian quá lâu rồi. Tôi quan ngại về những việc đó. Tại sao những thông báo gia đình ông ta không được biết, và chuyện không được gặp, không theo đúng trình tự pháp luật là không hợp lý.”

Blogger Huỳnh Công Thuận, một trong những người tích cực tham gia thư ngỏ gửi chủ tịch nước về việc bắt giam trái phép ông Nguyễn Văn Hải thì còn tỏ ra nghi ngờ về thông tin sắp đưa ông này và blogger Anh Ba Sài Gòn ra xét xử:

dieu-cay-3rfa-250.jpg
Blogger Điếu Cày - Anh Nguyễn Văn Hải và Vợ Chị Dương Thị Tân, hình chụp năm 2007. File photo.

“Đó cũng chỉ là tin hành lang thôi, đâu biết được có chắc chắn hay không! Thứ hai nữa nếu đưa ông Hải ra xét xử là điều tốt: biết kết quả ra sao, ở tù bao lâu, thời gian ra. Chứ bây giờ không làm sao biết được hết.

Vụ xử này hôm trước tết đã nghe rồi. Khi nào xử mới biết chứ chưa biết chính xác. Có thể họ đưa ra để xem phản ứng người dân thế nào. Như vụ AnhBaSG trước nói xử riêng, nhưng nay nói xử chung với Điếu Cày. Đó là việc của người ta.”

Không đúng trình tự pháp luật

Điếu Cày là người “đầu tiên, mạnh mẽ” chống Trung Quốc mà. Nhưng không bị ghép tội chống Trung Quốc mà bị ghép tội trốn thuế.

Huỳnh Công Thuận

Tuy nhiên khi đề cập đến việc cơ quan chức năng Việt Nam cho bắt giam lại ông Nguyễn Văn Hải ngay sau khi mãn hạn tù về tội trốn thuế, cả hai ông Đỗ Việt Khoa và Huỳnh Công Thuận đều nhắc lại nguyên nhân chính dẫn đến biện pháp đó là hành động kiên quyết của ông Nguyễn Văn Hải chống Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định:

“Nói đúng ra trước kia tôi không quan tâm đến việc ông Hải làm, không để ý đến những vi phạm của ông. Sau này đọc được là ông dẫn nhóm Nhà báo Tự do xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Ông Hải biểu tình lên án Trung Quốc thì bị bắt giam nặng nề thế; sau này hằng ngàn người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đâu bị vu là vi phạm pháp luật. Phải chăng trước đây ta sợ Trung Quốc, hay bây giờ lại sợ lại khiến ông Hải bị bắt lại.

Ngoài ra người ta hay nghi ngờ những người như thế là phản động chống chính quyền. Tôi chưa đọc bài nào của ông chống chính quyền. Chống sao được với những bài viết, cho dù họ đòi đa nguyên, đa đảng. Tại sao lại sợ những điều đó, bắt giam bỏ tù người ta?”

Blooger Huỳnh Công Thuận cũng có quan điểm về vấn đề đó:

2-250.jpg
Blogger Điếu Cày chụp hình cùng bạn bè và thành viên Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do trước lúc bị bắt hôm 23/12/2007. Photo courtesy of ĐiếuCày's Facebook.

“Điếu Cày là người “đầu tiên, mạnh mẽ” chống Trung Quốc mà. Nhưng không bị ghép tội chống Trung Quốc mà bị ghép tội trốn thuế. Xui cho ông ta là khi hết hạn tù trốn thuế, lúc đó việc chống Trung Quốc tại Việt Nam lại mạnh mẽ hơn, thành ra sợ ông Hải ra sẽ gây sự cố khác. Giữ hai năm rưỡi trong tù rồi mà còn tuyên truyền gì nữa, không lẽ tuyên truyền cho mấy ông tù, mấy ông cán bộ sao?!”

Đến nay qua những hành động của phía Trung Quốc tại Biển Đông, đối chiếu với thái độ chống Trung Quốc của ông Nguyễn Văn Hải, ông Huỳnh Công Thuận nhận định:

“Hành động của ông Hải quá đúng, nói lên sự thật Trung Quốc mưu đồ từ lâu. Năm 2007 -2008 chúng tôi chống việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, chống việc Bản Giốc, mà Điếu cày đến chụp hình rồi, đến hai phần ba thuộc về Trung Quốc. Việc chống đó ai cũng thấy đúng, riên lãnh đạo Việt Nam không chịu.”

Và thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng đánh giá:

“Hằng ngày tôi vẫn dạy học sinh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Sách giáo khoa vẫn ghi thế. Tôi rất ngạc nhiên những người mặc áo có chữ Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam xuống đường thì bị bắt, sách nhiễu, gây khó khăn. Những người đi biểu tình chống Trung Quốc cũng bị bắt. Nhân dân Việt Nam hằng nghìn đời nay có truyền thống bảo vệ đất nước, lãnh thổ. Truyền thống đó phải được bảo vệ, tôn vinh. Tại sao hiện nay người ta chỉ lên án Trung Quốc xâm lược mà lại đi bắt giam người ta? Điều này không thể tưởng tượng được.”

Bức thư ngỏ gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc bắt giam trái phép ông Nguyễn Văn Hải cũng nhắc khẳng định của ông ta là “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”. Cơ sở quan trọng để giữ vững độc lập chủ quyền là luật pháp, cả luật quốc nội và quốc tế.

Ông này được kêu gọi phải tôn trọng luật pháp, mà trước hết là đối với một công dân Việt Nam; nếu không thì không thể sử dụng nền tảng luật pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Opens in new window

Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần

Theo dòng thời sự: