Nghị định 72 bắt đầu có hiệu lực

0:00 / 0:00

Nghị định 72, đang bị nhiều người sử dụng Internet quan tâm tại Việt Nam phản đối, hôm nay bắt đầu có hiệu lực.

Chính quyền tiếp tục bảo vệ

Ngay trước khi bắt đầu có hiệu lực nghị định 72/2013/NĐ-CP do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi trung tuần tháng bảy, và được ban hành vào cuối tháng 7, truyền thông trong nước loan tải ý kiến trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp tục bảo vệ cho nghị định mà giới sử dụng Internet tại Việt Nam cho là sẽ hạn chế quyền chia sẻ thông tin của người dân.

Ông Nguyễn Bắc Son cho rằng trong thời gian qua có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng môi trường mở của Internet vối ý đồ xấu như từ gây hại cho những cá nhân khác đến tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin về tài chính, tiền tệ gây ảnh hưởng cho nền kinh tế, cũng như gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ...

Ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lập luận rằng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn mà luôn đặt nó trong khuôn khổ luật pháp

Ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lập luận rằng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn mà luôn đặt nó trong khuôn khổ luật pháp.

Người đứng đầu ngành thông tin- truyền thông của Việt Nam hiện nay đưa ra nhắc nhở là cộng đồng người sử dụng Internet tại Việt Nam cần nâng cao trình độ, nhận thức để tránh bị lợi dụng, bị lừa đảo bởi những hành vi mạo danh trên môi trường Internet, nhất là đối với các trang tin mạo danh có xuất xứ từ nước ngoài.

Theo ông bộ trường Thông tin- truyền thồng thì sau ngày 1 tháng 9, bộ này sẽ tiến hành xử lý những trang mạng bị cho hoạt động vượt quá phạm vi, trong đó có việc đăng lại các bài báo khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan báo chí có bài đó. Ông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh đến hành vị bị cho là tự ý biên tập thay đổi nội dung các bài báo được trích đăng lại.

Internet bị ngăn cấm? (Ảnh minh họa)
Internet bị ngăn cấm? (Ảnh minh họa) (RFA)

Giới sử dụng tiếp tục phản bác

Về phía phản đối, các luận điểm phản biện được nêu rõ trong Tuyên bố đưa ra hôm ngày 21 tháng 8 với kết luận Nghị định 72 vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà chính quyền Hà Nội tham gia ký kết.

Sau năm đợt lấy ý kiến kể từ ngày 21 tháng 8 cho đến ngày 29 tháng 8 vừa qua, đã có 630 chữ ký vào Tuyên bố vừa nói. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đại diện cho những người ký tên đã gửi qua đường phát chuyển nhanh Tuyên bố với những chữ ký kèm theo đến cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và thủ tướng chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng.

Yêu cầu của những người ký tên là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như chính phủ xem xét những yêu cầu cụ thể được đề ra trong tuyên bố và rà xét lại các điều khoản trong nghị định 72.

Chúng tôi phải lên tiếng phản đối thôi! Việc lên tiếng phản đối đó đưa đến kết quả rất nhanh là đã có 630 người ký tên. Sau đó tôi đại diện cho số người đó gửi đến Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng như gửi đến thủ tướng chính phủ Việt Nam để họ cứu xét những yêu cầu của chúng tôi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lặp lại quan điểm của ông và cho biết khả năng yêu cầu của những người ký tên vào tuyên bố được đáp ứng đến đâu cũng như việc đòi hỏi những quyền lợi chính đáng theo qui định của Hiến pháp, pháp luật và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia:

Họ đã ban bố nghị định thì lên tiếng bảo vệ, phải lên tiếng bảo vệ; còn chúng tôi thấy nghị định còn những chỗ hở, còn những chỗ bất hợp lý, và nếu như khi thực hiện mà có những vận dụng không đúng, có những dụng ý gì đó không hay thì có khả năng sẽ bóp nghẹt đời sống của cư dân mạng, đời sống tinh thần của cư dân mạng. Tức là bóp nghẹt tác động truyền thông của Internet, mà đó là một tác động lớn giúp cho sự phát triển của Việt Nam về mọi mặt hiện nay; kể cả những quan hệ với các nước văn minh và đầu tư làm cho Việt Nam đi lên. Chúng tôi phải lên tiếng phản đối thôi! Việc lên tiếng phản đối đó đưa đến kết quả rất nhanh là đã có 630 người ký tên. Sau đó tôi đại diện cho số người đó gửi đến Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng như gửi đến thủ tướng chính phủ Việt Nam để họ cứu xét những yêu cầu của chúng tôi.

Gia Minh: Giống nhiều văn bản được gửi đi lâu nay, giáo sư và những người ký tên có nghĩ những yêu cầu sẽ được đáp ứng không?

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: Ở một thể chế toàn trị mà cứ nghĩ những việc mình làm được đáp ứng là một 'lạc quan tếu', nên chúng tôi không bao giờ 'lạc quan tếu' cả; tuy nhiên việc cần thiết phải làm, chúng tôi vẫn làm. Khi làm thì điều chính yếu không phải để cho những nơi có liên quan họ nghĩ lại, mà điều chính yếu là để toàn thể nhân dân Việt Nam hiểu ra rằng trên đất nước đang có một điều phi lý. Mà điều phi lý ấy càng được nhận thức rộng rãi, càng đến nơi đến chốn thì điều phi lý ấy phải biến mất. Đó là mục tiêu mà chúng tôi nhắm đến đầu tiên, sau đó mới đến mục tiêu gửi đến cho các cơ quan công quyền đã ban hành nghị định phi lý.

Tôi nghĩ còn phải chờ xem họ thực hiện Nghị định 72 này như thế nào; bởi vì dưới một nghị định bao giờ cũng có những điều khác, những luật được ban bố một cách chi tiết mới thực hiện được nghị định ấy, phải có cái giải thích cách thực hiện nghị định. Thậm chí có rất nhiều nghị định ban hành rồi mà không thực hiện được bởi vì trái quá, không hợp lý. Cái gì không hợp lý thì không tồn tại!

Ý kiến bên ngoài

Nghị định 72 sau khi được ban hành không chỉ gặp phải phản đối cũa những người quan tâm trong nước thuộc giới sử dụng Internet, mà các tổ chức quốc tế, cũng như các tập đoàn mạng trên thế giới đều lên tiếng chỉ trích văn bản pháp luật đó của Việt Nam.

Đại sứ quán Hoa Kỳ sau khi có lên tiếng bày tỏ quan ngại về Nghị định 72 với những giới hạn về các thông tin mà người sử dụng đưa lên trên trang cá nhân của họ, hồi ngày 26 tháng 8 phó phát ngôn viên Marie Harf trong Tuyên bố chung của Liên minh Tự do Trực tuyến về nghị định 72 của chính phủ Việt Nam, nêu rõ ‘Nghị định 72 dường như không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các cam kết của họ đối với Tuyên Ngôn Nhân quyền’.

Xin phép được nhắc lại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có 6 chương, 12 điều, Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 về quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử.