Mẫu CMND mới sẽ có cả tên cha mẹ?

Trước nhiều phản ảnh của công luận về việc ghi tên cha mẹ vào giấy CMND mới, kể cả thông tin tạm dừng triển khai mẫu CMND mới trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhưng Bộ Công An vẫn tiến hành thực hiện.

0:00 / 0:00

Dân không đồng thuận

“Cái này là xâm phạm đời tư của người ta, nói chung cái cách đưa tên là không hợp lý. Nhà nước thấy cần làm thì là chuyện của nhà nước thôi nhưng mà tôi thấy cái này cũng không hay lắm. Tại vì chẳng hạn như một người nào đó mồ côi cha mẹ hay vì một vấn đề gì đó mà đưa lên như vậy thì cũng không hay.”

Ý kiến vừa rồi không phải chỉ là của một người mà là của đại đa số người dân trước việc Bộ Công An tiến hành triển khai mẫu CMND mới theo thông tư 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ 1/7. CMND mới là thẻ nhựa, có khổ nhỏ theo chuẩn quốc tế, có phôi bảo an, mã vạch chứa đựng một số thông tin. Điểm khác biệt chính yếu mà công chúng lên tiếng phản đối là có thêm tên cha mẹ ở mặt sau của thẻ. Với mục đích để thêm cha mẹ vào CMND để cơ quan chức năng dễ quản lý đã không thuyết phục được người dân. Chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của một bạn trẻ gửi đến Bộ trưởng Công An rằng:

“Theo những gì cháu đọc được trong một cuốn truyện tranh thiếu nhi, cũng từng biết rằng dấu vết giữa ngàn người trên đời không ai giống ai, dấu vết bất biến cả đời của con người là bằng chứng đáng tin cậy nhất khi điều tra tội phạm chính là dấu vân tay. Cháu đang còn nhỏ, cháu thậm chí còn biết điều này, các chú là người trong ngành không thể ngụy biện rằng ‘quản lý tiện hơn’”.

Rất nhiều ý kiến cho rằng thật không đơn giản chỉ là tên cha mẹ mà sẽ có nhiều vấn đề hệ lụy liên quan vì xâm phạm vào quyền riêng tư và chạm vào nỗi đau của những người không may mắn. Không chỉ là những người mồ côi hay vì một nguyên nhân nào đó mà không biết đến tên cha hoặc mẹ của mình sẽ gặp khó khăn khi làm CMND. Có ý kiến cho rằng về văn hóa tâm linh của người Việt thì quy định mới này không phù hợp do trong trường hợp cha mẹ mất là điều gì đó rất thiêng liêng, không thể tùy tiện nhắc đi nhắc lại trong cuộc sống hàng ngày. Cũng có ý kiến nêu lên việc để tên cha mẹ trong CMND sẽ gây ra những trường hợp tiêu cực khi cha mẹ đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà nước. Rất nhiều người dân đặt câu hỏi cho Bộ Công An là giấy khai sinh có tên cha mẹ thì tại sao phải cần thêm tên cha mẹ trong CMND là giấy tờ chứng minh nhân thân của một cá nhân. Nhiều người dân phản ánh quy định này là vi phạm bí mật đời tư của họ và yêu cầu Bộ Công An cần phải có sự đồng thuận của người dân trước khi triển khai mẫu CMND theo quy định mới.

Vụ trưởng hành chính Tư pháp-ông Trần Thất trả lời cho báo VNExpress rằng về nguyên tắc, nhà nước của dân thì phải được sự đồng thuận của dân. Ông Trần Thất nói rằng việc thêm tên cha mẹ vào CMND sẽ không giúp gì hơn cho quản lý mà lại tạo ra phản cảm và vi phạm quyền con người. Cũng cùng quan điểm cần có sự đồng thuận của người dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội-ông Bùi Sỹ Lợi còn đi xa hơn khi đề nghị Bộ Công An dừng lại việc triển khai vì hậu quả sẽ gây tốn kém, lãng phí tiền của nhà nước và của người dân. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng mẫu CMND mới có thể vi phạm quyền bí mật đời tư được quy định theo Điều 38 của Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo Điều 16 trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký.

Bộ Công An vẫn tiến hành?

Lăn tay làm CMND. Photo courtesy of congannghean.com
Lăn tay làm CMND. Photo courtesy of congannghean.com (Lăn tay làm CMND. Photo courtesy of congannghean.com)

Dù công luận lên tiếng phản đối quy định mới này nhưng thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công An phát biểu rằng CMND liên quan đến một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù nên không thể lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi như những lãnh vực khác. Và vào ngày 22/8, trung tướng Tô Văn Thường, tổng cục trưởng cơ quan vừa nêu, khẳng định vẫn tiến hành triển khai thí điểm cấp CMND mới trên phạm vi 3 quận, huyện của Hà Nội bắt đầu vào tháng 9 tới đây. Luật sư Nguyễn Thanh Lương nêu lên ý kiến của mình xung quanh vấn đề này:

“Nói như trả lời của bên Bộ Công An là vì nghề đặc thù nên không cần hỏi ý kiến rộng rãi thì tôi cho đó là không thỏa đáng, cũng cục bộ. Tại vì mọi việc gì cũng phải phù hợp với đại chúng, với lòng lòng dân. Còn ý kiến ông Trần Thất thì tôi thấy như thế này, trong CMND ghi tên cha mẹ là vi phạm đời tư, thì theo tôi nghĩ cũng chưa hẳn vậy. Tại vì vi phạm có gây hậu quả gì hay không, như thế nào thì cũng chưa rõ lắm. Ví dụ có tên cha mẹ thì chưa hẳn là vi phạm đâu. Nhưng mà vấn đề cách quản lý có hiện đại, có khoa học hay không thì đó là vấn đề cần xem xét. Cách quản lý như vậy thì tôi cho là vẫn chưa khoa học. Nói chung vấn đề này tôi cũng phân vân vì không biết đó là sự cải tiến hay là sự thụt lùi thì chưa biết.”

Có rất nhiều ý kiến của người dân đề nghị thay vì để tên cha mẹ thì nên ghi nhóm máu vào mẫu CMND vì rất thiết thực trong trường hợp cấp cứu. Nếu như Bộ Công An vẫn tiến hành triển khai theo dự án đã đề ra thì trong giai đoạn 1 sẽ tiêu tốn khoảng 700 đến 800 tỉ đồng. Và nếu 60 triệu người đến độ tuổi làm CMND trong cả nước được cấp theo mẫu mới thì sẽ cần đến mức kinh phí là 2000 tỉ đồng.

Đại đa số ý kiến của người dân mà đài RFA chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng Bộ Công An đã nghiên cứu hình thức của CMND mới theo chuẩn quốc tế thì nên nghiên cứu nội dung cũng theo chuẩn quốc tế, đừng để ngân khố quốc gia bị lãng phí và Bộ Công An cần chứng minh cho người dân thấy được nhiệm vụ của ngành là phục vụ cho người dân theo nguyện vọng chính đáng của họ.

Theo dòng thời sự: