Những vấn đề lớn trong tổ chức Quốc hội

0:00 / 0:00

Luật Tổ chức Quốc hội là xương sống của cơ quan lập pháp cao nhất của một quốc gia. Luật này hướng dẫn, điều hành tất cả mọi hoạt động mà quốc hội nhằm vào để thực thi luật pháp. Nó cũng nói lên sức mạnh tự thân của một quốc gia về nền dân chủ qua cách tổ chức và thực hành nó. Liệu Quốc hội Việt Nam áp dụng luật Tổ chức Quốc hội có đúng như nó đã được viết ra hay không? Mặc Lâm phỏng vấn Luật sư Trần Quốc Thuận, người từng làm việc 13 năm trong cương vị Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Việt Nam để biết thêm về những câu hỏi có liên quan.

Mặc Lâm: Thưa Luật sư vấn đề tổ chức Quốc hội báo chí đã lên tiếng rất nhiều lần và Quốc hội cũng đã tự nhận có rất nhiều việc cần cải tổ, ông nhận xét việc này thời gian vừa rồi ra sao?

LS Trần Quốc Thuận: Người ta hay nói nhiều đến đổi mới, phương thức họat động của quốc hội, đổi mới tổ chức quốc hội. Người ta hội thảo tốn rất nhiều tiền và có nhiều đoàn đi nghiên cứu ở các nước. Tôi đã từng làm việc với những tổ chức đó thì những đại biểu quốc hội phải tập huấn, bày cho họ, bắt họ làm điều này điều kia, những việc làm đó tôi thấy là cần thiết. Nhưng điều có ý nghĩa quyết định lớn nhất trên hoạt động toàn bộ quốc hội là ở đầu vào. Cơ cấu đại biểu quốc hội thì cơ cấu như thế nào? Ai sẽ có quyền trở thành đại biểu quốc hội?

Điều đó ở Việt Nam không để ý tới và không được nói đến lãnh vực đó. Đại biểu quốc hội do mấy người có quyền họ chọn, họ điểm danh họ chọn và những người đó là công cụ của họ. Đại biểu quốc hội không lệ thuộc vào nhân dân mà lệ thuộc vào những người chọn mình ra ứng cử để trở thành đại biểu quốc hội. Cho nên những người đại biểu quốc hội làm theo ý chí và quyền lực của người chọn ra họ thì làm sao là đại biểu là cao nhất, đại diện nguyện vọng ý chí của nhân dân được? Họ được chọn ra là theo ý chí của người cầm quyền, chứ không theo ý chí của nhân dân. Và khẩu hiệu mà họ đưa lên báo công khai là “ Đảng cử dân bầu”.

Không bầu người này, người kia những người lót đường, thì đưa ông chủ tịch ra tranh cử với cô kế toán nhân viên thì ai mà bầu được. Cho nên người ta chọn một quốc hội không phải là quốc hội của dân. Và khi là đại biểu không phải là của nhân dân quyết định chọn ra thì những người đó làm theo ý chí của người chọn ra mình. Quốc hội này là quốc hội của người cầm quyền chứ không phải quốc hội của nhân dân.

Đại biểu quốc hội do mấy người có quyền họ chọn, họ điểm danh họ chọn và những người đó là công cụ của họ. Đại biểu quốc hội không lệ thuộc vào nhân dân mà lệ thuộc vào những người chọn mình ra ứng cử để trở thành ĐBQH. Cho nên những người ĐBQH làm theo ý chí và quyền lực của người chọn ra họ

LS. Trần Quốc Thuận

Mặc Lâm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có một phát biểu gây bức xúc cho dư luận khi ông nói rằng: " Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai!" Câu nói này theo LS có phản ánh đúng cung cách làm việc và tư duy của Quốc hội Việt Nam hay không?

Một buổi họp Quốc hội tháng 10, 2013 tại Hà Nội. AFP
Một buổi họp Quốc hội tháng 10, 2013 tại Hà Nội. AFP (AFP)

LS. Trần Quốc Thuận: Tôi cho là lời nói đó là lời nói của một người không biết gì về tổ chức quốc hội cả. Và là một người đang ỷ mình có quyền lực, một trong tứ trụ triều đình có quyền lực cao nhất và không ai dám đụng đến mình. Nói như thế là một cách nói rất tùy tiện. Nói như thế xúc phạm đến ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước. Cho nên đó là một câu nói vô trách nhiệm.

Những lời nói đó, đáng lẽ trong một đất nước có tự do báo chí, có tự do lựa chọn thì nhất định ông đó không thể nào không bị ném hột vịt thúi vào mặt để cho thấy một người nói không có trách nhiệm với nhân dân. Anh có quyền anh muốn quyết sao anh quyết à? Cho nên tôi đã nói rằng quốc hội mà quyết sai thì quốc hội đó phải bị giải tán ngay, bởi quyết sai là xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhân dân thì phải giải tán ngay. Giải tán vì quốc hội đó không đại diện cho lợi ích nhân dân, những người đó đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, mà làm hại lợi ích nhân dân thì làm sao để họ tồn tại được. Quốc hội đó tồn tại là tồn tại trên mũi súng.

Mặc Lâm: Hiện nay dân chúng và báo chí bàn rất nhiều về việc bà Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức vì không làm tròn trách nhiệm trong cương vị một bộ trưởng. Tuy nhiên bà này đã trả lời với báo chí rằng đó là ý kiến của Đảng, của Chính phủ và của Quốc hội chứ không phải là ý định của bà mà được. Theo luật sư Quốc hội có quyền bãi chức một bộ trưởng hay không?

LS. Trần Quốc Thuận: Dĩ nhiên, nếu mà quốc hội này là quốc hội của dân, do dân thực sự thì họ có quyền xem xét tư cách và có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm và bãi chức bà này ngay. Nhưng mà quốc hội này là quốc hội của những người có quyền lực hơn, do đó họ có mệnh lệnh và ra lệnh là bỏ phiếu hay không bỏ phiếu. Nhưng mà để xem kỳ bỏ phiếu tới đây nếu có cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay tín nhiệm gì đó thì để coi lá phiếu như thế nào.

Quyền lực thì đầy mình, chữ nghĩa thì đầy mình, nhưng mà tôi đã nói là cái điều quyết định, cái đầu vào cơ cấu những người đại biểu quốc hội là những người không phải là của dân, không phải do nhân dân cử lên, mà chỉ do những người cầm quyền cử ra. Cho nên quốc hội đó chỉ làm việc theo người cầm quyền thôi

LS. Trần Quốc Thuận

Quốc hội Việt Nam theo luật thì hoàn toàn còn có quyền làm điều đó. Nhìn vào luật của quốc hội Việt Nam thì tổ chức quốc hội Việt Nam không thua gì các luật tổ chức quốc hội của các nước tiên tiến cả. Quyền lực thì đầy mình, chữ nghĩa thì đầy mình, nhưng mà tôi đã nói là cái điều quyết định, cái đầu vào cơ cấu những người đại biểu quốc hội là những người không phải là của dân, không phải do nhân dân cử lên, mà chỉ do những người cầm quyền cử ra. Cho nên quốc hội đó chỉ làm việc theo người cầm quyền thôi thì làm sao mà nó có một tiếng nói khách quan, vì lợi ích nhân dân, tốt cho dân được.

Mặc Lâm: Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được báo chí ca ngợi khi quyết định ngưng tổ chức ASIAD. Theo luật sư thì động thái của Thủ tướng có đáng hoan nghênh hay không nếu nhín dưới quan điểm của liên đới trách nhiệm?

LS.Trần Quốc Thuận: Tôi cho là cái quyết định dừng ASIAD đó phải nói rằng trách nhiệm đầu tiên đó là của ông Thủ tướng, là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cao nhất ở Việt Nam. Việc đăng ký ASIAD chắc ông phải đồng ý còn nếu mà bên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Hà Nội tự tiện đi đăng ký thì đó là hành động không tổ chức. Đăng ký về và báo chí đăng lên ì xèo, cho nên ông Thủ tướng phải kêu lên họp rồi hỏi là anh dựa vào năng lực nào để tổ chức, nhất là cơ sở vật chất, tiền bạc như thế nào? Như vậy thì trách nhiệm đầu tiên đăng ký ASIAD, đăng ký rồi bỏ thì trách nhiệm đầu tiên là Thủ tướng chính phủ mà đứng đầu là ông Thủ tướng. Cho nên không có gì mà phải ca ngợi ông Thủ tướng cả.

Đáng lý ra ông phải bị phê bình, ông phải xin lỗi là bởi vì đã quyết việc đăng ký đó sai, bây giờ sửa cái sai, xin lỗi, chứ không phải đổ trách nhiệm xuống cho các bộ, các ngành Hà Nội. Tôi nghĩ cái đó mới là đàng hoàng, không có gì phải ca ngợi cả.

Nhưng thật sự những người đưa ra chất vấn là chuyện ở bên chánh phủ họ chọn. Họ chọn ai trả lời chất vấn trong kỳ này và trả lời chất vấn thì trả lời những câu hỏi gì …đã được chọn trước

LS.Trần Quốc Thuận

Mặc Lâm: Như ông đã biết, tình trạng công an lạm quyền gây ra rất nhiều cái chết cho người dân nhưng chưa bao giờ thấy Bộ trưởng công an trả lời trước Quốc hội về những câu hỏi có tính trách nhiệm này. Là người hiểu rõ quy trình chất vấn xin ông cho biết lý do chính của việc này là gì?

LS.Trần Quốc Thuận: Tại vì cái việc chất vấn và trả lời chất vấn của quốc hội theo thông lệ, trong suốt thời kỳ tôi làm việc tôi cũng là người giúp theo dõi qui trình làm việc đó. Cái quy trình làm việc nó thế này:

Cái thứ nhất, thời gian chất vấn quy định lúc đầu là một ngày, lên một ngày rưỡi, rồi lên hai ngày, có khi là tính dài hơn thời gian đã quy định. Cái thứ hai là người ra chất vấn là sự thống nhất. Sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chánh phủ. Nhưng thật sự những người đưa ra chất vấn là chuyện ở bên chánh phủ họ chọn. Họ chọn ai trả lời chất vấn trong kỳ này và trả lời chất vấn thì trả lời những câu hỏi gì …đã được chọn trước. Cho nên người bị đưa ra chất vấn không phải là do đại biểu quốc hội đề nghị phải đưa ra, có khi chỉ là một sự trùng hợp nhưng có khi không. Cho nên cái việc kỳ này người chất vấn, kỳ sau người kia chất vấn thì đó là ở bên chánh phủ họ đề xuất và thường thì Thường vụ Quốc hội thống nhất. Cá biệt thì nó có những trường hợp người ta đề nghị thay người khác đi thì đó là câu chuyện thật. Cho nên đặt vấn đề tại sao người này không cho phát biểu, đại đa số đó là sự phân công của ông Thủ tướng. Kỳ này ông muốn người này trả lời thì ông kêu người này ra. Kỳ này ông không muốn người kia trả lời thì người kia không ra mà thôi.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn luật sư Trần Quốc Thuận.