Bao giờ Quốc hội thoát khỏi vai trò trang trí?

0:00 / 0:00

Về nguyên tắc Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Nhưng trên thực tế cơ chế này chỉ là công cụ của Đảng và mang tính hình thức. Câu hỏi đặt ra là, có cơ may nào để Cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, có thể thoát khỏi vai trò trang trí cho chế độ.

Một nền dân chủ giả hiệu

Hiến pháp 1992 hiện hành trao cho Quốc hội và các đại biểu chức trách và quyền hạn rất lớn. Ngôn từ diễn tả trong các điều 6, điều 83 và 84 rất hoành tráng. Nhưng trên thực tế Quốc hội và các đại biểu dù có xuất xứ ra sao, sự nghiệp như thế nào thì cũng không thể thay đổi những điều Đảng đã chỉ đạo.

Trả lời chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng một chuyên gia nghiên cứu ở TP.HCM so sánh chế độ chính trị ở Việt Nam với thời kỳ chủ nghĩa tư bản dã man ở Châu Âu trong thế kỷ 19. Theo đó, đặc thù của chủ nghĩa tư bản dã man là một nền dân chủ được coi là giả hiệu. Trong hoàn cảnh đó, những tổ chức đại diện cho dân chúng mang tính cách dân bầu không thể đóng vai trò đại diện cho khối cử tri đông đảo. Thay vào đó các tổ chức đại diện này mang dáng dấp khu biệt cô lập, có thể xem là vật trang trí cho một đảng phái chính trị nào đó. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:

Điều đó đang có nét ứng với chính trị ở Việt Nam, chính vì vậy trong một bài viết gần đây tôi có nêu lại luồng ý kiến đặt ra vấn đề là phải chăng Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích. <br/> -TS Phạm Chí Dũng

“Điều đó đang có nét ứng với chính trị ở Việt Nam, chính vì vậy trong một bài viết gần đây tôi có nêu lại luồng ý kiến đặt ra vấn đề là phải chăng Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích.”

Nhà báo Lê Phú Khải, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nghỉ hưu ở Hà Nội đã biểu cảm một thái độ chán chường với chế độ toàn trị. Đáp câu hỏi là có cách nào để quốc hội dân chủ hơn dù giữ nguyên chế độ độc đảng, thí dụ mở rộng quyền ứng cử, tranh cử thay vì cơ chế Đảng chọn dân bầu. Nhà báo Lê Phú Khải nhận định:

“Chúng ta từ một xã hội cổ xưa phong kiến độc tài, đến bây giờ lại đảng trị độc tài. Bây giờ chúng ta phải tập dân chủ và trách nhiệm bước tập dân chủ đó ở ngay trong Quốc hội. Nếu có 50% người ngoài Đảng, trong Quốc hội cọ xát nhau dần dần tiến tới dân chủ. Bước tập dân chủ, bước đệm dân chủ thì đã nói trước đây rồi nhưng mà làm gì có chuyện đó, đến bây giờ vẫn chỉ có dưới 10% là người ngoài Đảng mà thậm chí người ngoài Đảng cũng là do Đảng chọn… thì đây là Quốc hội của Đảng.”

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. (AFP)

Nhân kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 đang diễn ra ở Hà Nội, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận của mình về vai trò của 493 đại biểu Quốc hội hiện nay.

“Trong các nước dân chủ thì quyền lực của dân biểu rất cao, họ là đại diện cho ý chí, tiếng nói nguyện vọng của người dân. Nhưng hiện tại nước tôi chưa đạt được điều này vì người đại biểu không có tự do, họ không thể nói hết được tiếng nói của họ, cũng như tiếng nói nguyện vọng người dân, bởi trên họ có nhiều tầng lớp có thể lũng đoạn họ về mặt chính trị, về mặt Đảng cũng như về mặt kinh tế… Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một xã hội dân sự đủ mạnh thì có thể tập hợp tiếng nói người dân…thúc đẩy… thì tôi nghĩ lúc đó buộc các đại biểu Quốc hội phải nói, phải làm, để mà tròn trách nhiệm do dân giao phó. Khi đó tiếng nói của họ sẽ rất là mạnh mẽ để thúc đẩy việc giải quyết các vấn nạn mà người dân đang gánh chịu.”

Những phiên họp sớm nở tối tàn

Bà Lê Hiền Đức ở Hà Nội, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế vinh danh, có cách đánh giá Quốc hội và các vị đại biểu một cách khá đặc biệt. Bà nói:

Tôi nhìn trên mạng có rất nhiều ảnh đại biểu quốc hội ngủ gật, nhưng ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Tôi không nói là tôi mất tin tưởng tất cả, cũng không nói là tôi tin tưởng Quốc hội, người tốt thì thương dân, người xấu thì hại dân. <br/> -Bà Lê Hiền Đức

“Tôi nhìn trên mạng có rất nhiều ảnh đại biểu quốc hội ngủ gật, nhưng ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Tôi không nói là tôi mất tin tưởng tất cả, cũng không nói là tôi tin tưởng Quốc hội, người tốt thì thương dân, người xấu thì hại dân.”

Cách đây một thập niên, hoạt động ở Quốc hội Việt Nam buồn chán hơn rất nhiều, thời trước không có những ý kiến phản biện mạnh mẽ dám phê phán chính quyền. Có ý kiến cho là xu thế thời đại và sự bùng nổ công nghệ thông tin đã có những tác động nhất định. Tuy vậy quan sát những phiên họp Quốc hội gần đây, sự phản biện có vẻ đã sớm nở tối tàn. TS Phạm Chí Dũng nhận định:

“Vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011 tiếng nói phản biện cất lên nhiều hơn, trong Quốc hội, trong Đảng nữa. Lúc đó có ít nhất 5-6 đại biểu đứng lên hỏi vấn đề chủ quyền Biển Đông, hỏi về Luật Biểu tình và ngay lúc đó chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước Quốc hội và đề cập tới hai vấn đề này. Nhưng sau đó 2 năm cho tới thời điểm này, không một ai nhắc đến chủ quyền Biển Đông và cũng chẳng ai đá động đến Luật Biểu tình nữa.”

Theo lời TS Phạm Chí Dũng số đại biểu phản biện hiện nay đã giảm chỉ còn 2 tới 3 người, ông mô tả điều gọi là tâm lý sợ hãi và tâm lý chán nản, mệt mỏi bất lực của đại biểu Quốc hội trước những biến động xã hội. Bản thân họ không còn tin vào tổ chức mà họ đang có chân trong đó mặc dù họ không nói ra.

TS Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi là ông không tin vào một tín hiệu cải cách chính trị nào ngay trước mắt. Ngay cả vấn đề cho dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp kỳ này cũng không đề cập tới thì còn nói gì tới Trưng cầu Dân ý rộng rãi và dân chủ rộng rãi được. TS Phạm Chí Dũng nhận định là, những áp lực của xã hội về mặt kinh tế, về những bất ổn và những động loạn sẽ buộc giải quyết một số nào đó về thế độc quyền kinh tế và sự sở hữu toàn dân về đất đai chuyển qua đa sở hữu nhiều hơn. Vẫn theo TS Phạm Chí Dũng, tất cả những điều đó sẽ diễn ra một cách chậm chạp từ tốn và dù sao khi nó đem lại một chút kết quả nào đó dù là nhỏ, thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tới tư duy chính trị.