Tuy nhiên, có những trẻ em chọn một ước mơ đơn giản: giấc mơ được ngủ trong một căn nhà. Đó là câu chuyện về những trẻ em mồ côi huyện Điện Biên Đông.
Sống hoang dã
Nằm cách Hà Nội khoảng hơn 500 km, huyện Điên Biên Đông, tỉnh Điện Biên dường như đối với nhiều người vẫn còn nhiều bí ẩn.
Tại thị trấn Điện Biên Đông, khu nhà nhỏ hai tầng mới toanh với các khung cửa sổ màu xanh nổi bật giữa núi đồi tỉnh Điện Biên. Đó là Mái ấm Tình thương cho trẻ mồ côi huyện Điện Biên Đông, nơi hiện đang chăm sóc khoảng 30 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa mà chỉ cần nghe chúng kể về số phận của mình, về những ngày kiếm ăn vất vả… ai cũng chạnh lòng. Câu chuyện bắt đầu từ khi nhà báo Nguyễn Thu Trang nhận được một email kêu cứu về tình trạng của một em mồ côi trong huyện:
Nhà báo Thu Trang
“Đầu tiên, người ta tìm thấy một cháu trong tình trạng đói lả dưới cống. Mặc dù không phải là đơn vị phụ trách về Lao động Thương binh Xã hội nhưng lúc đó Phòng Giáo dục đã yêu cầu các bản làng tập trung các em trong độ tuổi đi học và mồ côi lại”.
Đó là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thu Trang. Câu chuyện đau lòng của những đứa trẻ này đã làm nhóm Yêu Vùng Cao mà Thu Trang là một trong những nhân vật chính vào cuộc.
Chị Trang đang nói về Hiến, một đứa trẻ sớm chịu cảnh mất cha lẫn mẹ, phải tự kiếm ăn nơi núi rừng hoang vắng như một con thú. Hiến đã gục ngã bên đường với cơn đói lả trong một lần đi kiếm ăn như thế. Cú ngã của Hiến đã làm những người làm ngành giáo dục Huyện bắt đầu cuộc tìm kiếm và người ta ngỡ ngàng phát hiện rằng Hiến không phải là trường hợp duy nhất.
“Tôi đã lặng đi khi nghe ông Trưởng phòng Giáo dục kể về các cháu. Cháu bé đầu tiên tôi gặp tên là Kiếm. Kiếm gần như là một ám ảnh rất lớn đối với tôi bởi lúc đó hầu như em sống hoang dã trong bản. Hình ảnh này đã ám ảnh tôi. Tôi đến tìm hiểu thêm một vài hoàn cảnh khác và các em đều có hoàn cảnh tương tự”.
Nhà báo Thu Trang đang nói về Kiếm, một đứa trẻ chưa bước qua lần sinh nhật thứ ba đã phải tự tìm kiếm thức ăn cho mình. Cha của Kiếm chết vì căn bệnh HIV/Aids, mẹ Kiếm sau khi sinh em bé cũng ăn lá ngón tự vẫn vì không tìm đâu ra thức ăn nuôi sống con và nuôi sống chính bản thân mình. Cha mẹ mất đi, Kiếm và đứa em gái vài tháng tuổi về sống cùng bà ngoại già yếu trong một căn nhà trống toát. Người ta tìm thấy Kiếm như một con thú nhỏ bé nằm đói lả trên mớ quần áo cũ nhàu.
Hiến và Kiếm chỉ là một trong số khoảng 100 trẻ em trong huyện Điện Biên Đông có hoàn cảnh tương tự. Tại một trong những huyện nghèo nhất nước, đói kém, bệnh tật cùng sự tù túng trong cuộc sống có thể một phần lý giải vì sao huyện miền núi thưa thớt này lại có quá nhiều trẻ em mồ côi cha lẫn mẹ. Nhưng còn một nguyên nhân khác lý giải cho rất nhiều cái chết trẻ nơi đây. Ông Vàng A Hờ, Phó CT Huyện, cho biết:
“Ma túy thì nói chung là cũng còn ảnh hưởng nhiều. Lúc trước nếu ma túy thôi thì không đến nỗi nhưng khi có ma túy lẫn HIV thì dẫn đến tình trạng có nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ như thế. Hơn nữa cũng do các nguyên nhân khác nữa”.
Nằm không xa khu Tam giác Vàng, huyện Điện Biên Đông là một trong những huyện bị ảnh hưởng nhiều bởi vùng “tâm bão” ma túy nổi tiếng nhất thế giới. Trong vòng 10 năm qua, nhiều thanh niên trong vùng núi hoang sơ này được cho làm quen với ma túy. Họ trở thành con nghiện và phải vận chuyển thứ chất chết người, nhất là từ biên giới Lào. Nhiều người trong số họ trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/Aids và giã từ cuộc sống khi chưa bước qua tuổi 30. Còn những người vợ của họ cũng ra đi sau đó không lâu vì căn bệnh thế kỷ. Hậu quả là nhiều đứa trẻ trở thành trụ cột cho gia đình khi mới lên ba; nhiều em ngơ ngác tìm cách tồn tại giữa cái hiểm trở nơi núi rừng. Và nhiều em đã gần như mệt lả đầu hàng số phận.
Giấc mơ có thực
Nhà báo Thu Trang
Trước khi người ta có thể làm thống kê và phát hiện ra về những trẻ em này, chúng phải trải qua những mùa đông Tây Bắc cắt da cắt thịt và những ngày sống đầy bản năng chẳng khác nào những con thú hoang sống lang thang nơi núi rừng. Có những ngày đông giá rét, những đứa trẻ này chỉ biết nằm co ro, ngủ cho quên cái đói.
"Nếu mà không nuôi tập trung các cháu như thế, để các cháu về nhà tự lập thì việc tìm thức ăn rất khó khăn. Rất hiếm khi họ kiếm được thức ăn. Họ chỉ ăn cơm với rau rừng thôi", ông Vàng A Hờ cho biết.
Những em bé sống bản năng này từng mơ về một nơi mà họ gọi là tổ ấm. Vậy mà ngày Mái ấm Tình thương được khánh thành hồi đầu tháng, những đứa trẻ chưa từng được ăn no, chưa từng được mặc ấm này lại vụn về trong chính ngôi nhà của mình. Chúng lạ lẫm đối với từng viên gạch, từng gian phòng nhỏ và từng dụng cụ trong bếp ăn tập thể. Đã có những em rụt rè chạm tay vào chiếc TV mà cười bẽn lẽn. Có lẽ giấc mơ của các em còn đơn giản hơn những gì em đang nhìn thấy rất nhiều.
"Chúng vào phòng nhảy nhót, thể hiện một sự sung sướng rất khó tả. Có những em cứ cầm chổi đi lau hết các tầng của ngôi nhà. Khi những quyển sách được bày ra bàn, các em xúm vào vì chưa bao giờ chúng được nhìn thấy những quyển sách đẹp như thế. Chúng rất hạnh phúc", nhà báo Thu Trang không giấu được xúc động.
Mặc dù chưa được trang bị các dụng cụ cần thiết; mặc dù chưa có được những chiếc giường để ngã lưng và mặc dù phải bày biện sách vở lên bàn vì chưa có giá sách; nhưng đối với những trẻ em kém may mắn Điện Biên Đông, đây là một giấc mơ có thực. Nhà báo Thu Trang cho biết:
“Cái các em còn thiếu, chính là một người mẹ chăm sóc để bù đắp những thiếu thốn về mặt tinn thần”.
Sau một năm, mái ấm tình thương hoàn thành với sức chứa 30 em. Tuy nhiên, hiện tại, do vấn đề kinh phí, chỉ có khoảng 13 em từ 6 đến 15 tuổi với hoàn cảnh khó khăn nhất được đưa vào nuôi nấng tại khu nhà tình thương này. Chứng kiến những gương mặt hạnh phúc của các em mới thấu được nỗi vui mừng của những đứa trẻ kém may mắn nay lại được hằng ngày ăn cơm với thức ăn, được đến trường và chơi đùa cùng chúng bạn. Chỉ cách đây một năm, hiếm ai dám nghĩ rằng cuộc đời của những đứa trẻ như Hiến, như Kiếm lại có cơ hội sang một trang khác. Nhưng đối với nhà báo Thu Trang và nhóm Yêu Vùng Cao, thì điều kỳ diệu dường như đang bắt đầu và các em đang bước trên những viên gạch đầu tiên để tìm thấy giấc mơ của mình.
“Thực sự cuộc đời các em sang một trang mới. Đây là một việc lâu dài chứ không phải chỉ mang tính nhất thời. Chúng tôi mong muốn sẽ cho các em được nuôi nấng và đến trường”.
Sau hơn một năm trì hoãn vì gặp khó khăn về tài chính, Mái ấm Tình thương dành cho trẻ em mồ côi huyện Điện Biên Đông trở thành hiện thực như một giấc mơ được tìm thấy. Nhìn ngôi nhà hoàn thành, nhà báo Thu Trang và nhóm Yêu Vùng Cao đã không giấu được xúc động, như đã trả được món nợ đối với những số phận bất hạnh mà họ gặp trên đường. Ngày ngôi nhà được khánh thành, mỗi người một cảm xúc. Họ đã cười đã khóc và đã xúc động. Và chắc chắn họ tin rằng, sẽ có những cuộc đời rồi sẽ sang trang.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Thế giới hân hoan đón mừng Lễ Giáng Sinh 2012
- Những giai điệu Giáng Sinh nổi tiếng
- Cô gái "tí hon"
- Ông "gàn dở"
- Núi ở trên đầu
- Cơm không bình dân cho người bình dân
- Chuyện của một người gác nghĩa trang
- Tựu trường không phải chỉ có tiếng cười
- "Mẹ không cần hoa hồng"
- "Mấy đời bánh đúc có xương"
- Chuyện về đội mai táng đặc biệt
- Khi đau đớn không thể sớt chia
- Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả
- Đau xót khi tự tay "cầm tù" con mình
- Mong một lần được đứng lên
- Ông lão và những đứa con không bao giờ lớn
- Nhường cho chị sống