Người Mỹ gốc Việt phát động
Có thể nói đây là lần đầu tiên một chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam được người Mỹ gốc Việt phát động với tầm mức qui mô trên Internet, gởi thẳng vào trang mạng của Nhà Trắng, thỉnh cầu tổng thống Barack Obama áp lực chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị, lương tâm và tôn giáo bị bắt giữ trong nước.
Trước đó một ngày, tức sáng sớm ngày 7 tháng Hai, nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc hệ thống truyền hình SBTN Saigon Broadcasting Television Network ở Hoa Kỳ, bắt đầu cài thỉnh nguyện thư vào trang mạng của Nhà Trắng với một trăm năm mươi chữ ký để thỉnh nguyện thư hiển thị và sẵn sàng cho người Việt vào ký ủng hộ. .
Đây cũng là chiến dịch phát xuất từ nhạc sĩ Trúc Hồ vào khi tìm cách lưu ý và vận động cho nhạc sĩ Việt Khang đã bị nhà cầm quyền trong nước bắt giam. Từ trụ sở chính của SBTN ở Nam California, nhạc sĩ Trúc Hồ nói:
"Gần đây chúng ta thấy trong nước xảy ra nhiều cuộc đàn áp và vi phạm nhân quyền trầm trọng, điển hình nhất là nhạc sĩ Việt Khang vì hai bài anh hát và post lên youtube mà anh đã bị bắt không có trát tòa và lý do tại sao bị bắt. Việt Khang và người bạn của anh, nhạc sĩ Hoàng Nhật Thông, đã bị bắt âm thầm lặng lẽ. Những người cùng trong nhóm của anh là nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước, chỉ xuống đường để bày tỏ quyền yêu nước thì cũng bị bắt. Vì lý do đó Hồ đã vận đông phong trào viết thư cho quốc hội cũng như người dân Việt Nam mình ở Hoa Kỳ viết thư vận động với dân biểu từng địa phương.
Hồ nghĩ việc làm đó rất quan trọng nhưng cần nhiều thời gian vì từng người phải download một cái form, điền chữ ký rồi gởi đến từng địa phương một. Cho nên Hồ nghĩ mình phải gởi thẳng email tới thẳng tổng thống Obama. Hồ nói chuyện này với anh tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. Anh Nguyễn Đình Thắng đã nghiên cứu và nói rằng tổng thống Obama có ra một chương trình We The People để nhận thỉnh nguyện thư từ dân Hoa Kỳ mà trên hai mươi lăm ngàn chữ ký thì tổng thống sẽ trả lời. Hồ đã quyết định chiến dịch thỉnh nguyện thư cho tổng thống."
Tính đến 10 giờ tối ngày 7, đã có gần ba ngàn lượt người vào ký tên ủng hộ mặc dù chiến dịch chưa thực sự bắt đầu. Điều này cho thấy sự hưởng ứng tích cực của các cộng đồng người Việt ở mọi nơi, đặc biệt có sự tham gia của rất nhiều tầng lớp trẻ người Việt như Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở Bắc Mỹ, và cả những người không nói tiếng Việt nhưng lại quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại Việt Nam.
Thông qua mạng xã hội
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, còn gọi là Tổ Chức Cứu Người Vượt Biển, có tầm hoạt động vươn tới nhiều thành phố và khu vực khác nhau ở các tiểu bang trên đất Mỹ, thì chính những thành phần trẻ đã sử dụng một cách hữu hiệu phương tiện của kỹ nghệ thông tin và mạng lưới giao tiếp để tiếp sức cho chiến dịch:
"Nhân dịp Hoa kỳ và Việt Nam đang thương thảo để nới rộng vấn đề mậu dịch giữa hai quốc gia, chúng ta đòi hỏi chính phủ Obama phải đặt nặng vấn đề nhân quyền chứ không thể nào nhân nhượng về nhân quyền để chỉ gia tăng đối tác về mậu dịch. Tòa Bạch Ốc có hứa rằng nếu như đạt hai mươi lăm ngàn chữ ký ủng hộ thì văn phòng của tổng thống Obama sẽ chỉ định giới chức có trách nhiệm để trả lời. Đó là xuất phát của chiến dịch thỉnh nguyện thư hiện đang tiến hành.
[ Video: DB Sanchez can thiệp cho NS Việt KhangOpens in new window ]
Chiến dịch do anh Trúc Hồ khởi xướng và SBTN đã thành lập một đội ngũ ngay Orange County để hướng dẫn cho các vị cao niên có thể không biết sử dụng máy điện toán bởi vì muốn ký tên thì phải ký trực tuyến tại trang mạng của White House tức Toà Bạch Ốc. Chúng tôi cũng yểm trợ chiến dịch này bằng cách mở tất cả các trung tâm điện toán của các văn phòng BPSOS ở các nơi mà chúng tôi có mặt, để cùng lúc giúp cho đồng bào nào ở nhà mà không có máy điện toán, hoặc không biết cách sử dụng Internet như thế nào, thì tại nơi đó có những người trẻ tình nguyện để mà hướng dẫn cho những người không biết cách sử dụng. Còn cách thức khởi sự như thế nào thì anh Trúc Hồ, ngày hôm qua đã lên tiếng trên hệ thống SBTN, kêu gọi đồng hương khắp nơi trên toàn cõi Hoa Kỳ tham gia hưởng ứng.
Điều rất lạc quan là sáng hôm nay chúng tôi mở trang mạng ra thì bây giờ đã lên đến bốn ngàn chữ ký rồi. Tôi tin rằng đến cuối ngày hôm nay phải ít ra là tám ngàn đến chín ngàn chữ ký và như vậy chúng ta có thể đạt được hai mươi lăm ngàn chữ ký trong vòng ba mươi ngày."
Trên những trang web, trang mạng và email cá nhân, người Mỹ gốc Việt khắp nơi có thể đọc thấy bản tin về thỉnh nguyện thư, kèm theo lời chỉ dẫn vào ký tên và gởi đến Nhà Trắng ở Washington DC. Bà Mộng Hoa, một trong những người đầu tiên của tiểu bang Virginia lên tiếng ủng hộ chiến dịch vận động tổng thống Obama áp lực Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phát biểu:
"Sáng hôm nay tôi có nhận được cái thỉnh nguyện thư gởi từ một anh bạn của tôi trên Richmond tại vì anh đó là chủ tịch cộng đồng Newport New, đồng thời cũng có một người bạn ở đây gởi cho tôi. Tôi thấy cái này thể hiện nhiệt tình của tất cả người Việt Nam ở hải ngoại, yêu nước và ủng hộ cho những người ở trong nước đang đấu tranh cho tự do nhân quyền.
Theo tôi thấy những bước để vô trong website mà ký nó hơi rắc rối. Những người đã dùng computer mà xuống ở dưới có một hàng chữ viết nghiêng, mình phải lập lại mấy chữ đó để mình register thì tôi thấy phức tạp! Tôi có gọi cô Kim Cúc của BPSOS thì cô Kim Cúc nói là có số điện thoại của BPSOS để gọi vô, cho họ tên và email của mình và họ sẽ làm cho mình.
Ở SBTN sáng nay cũng nói họ có một số không trả tiền, muốn ký tên chỉ gọi hai số đó thì có những người thiện nguyện họ ngồi đó để họ đánh tên của mình vô. Tại vì chỉ trong vòng bảy ngày mình cần có trên ba ngàn chữ ký."
Hưởng ứng nồng nhiệt
Theo những lời kêu gọi trên hệ thống truyền hình SBTN cũng như từ những bản tin của BPSOS, nếu trong vòng ba mươi ngày tới mà đạt được hai mươi lăm ngàn chữ ký thì tổng thống Obama sẽ phải cứu xét và hồi đáp thỉnh nguyện thư của người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc Mỹ.
Từ văn phòng BPSOS ở thành phố Louisville tiểu bang Kentucky, một nhân viên là cô Trang Thanh báo cho biết:
"Đồng bào ở đây hưởng ứng rất nồng nhiệt. Thật ra mình mới đưa tin này ra hồi thứ Sáu tuần trước nhưng đến giờ mọi người đã chuẩn bị tinh thần. Trong mấy ngày qua tất cả các hội đoàn đã làm việc rất chặt chẽ với nhau. Tuy Louisville là thành phố nhỏ và người Việt Nam mình chỉ khoảng vài ngàn, nhưng tinh thần hưởng ứng rất mạnh mẽ qua sự hợp tác bao gồm nhà thờ Tin Lành cũng như Công giáo, và các chùa, ở đây có ba chùa, mọi người đồng lòng cử đại diện đến họp và bàn cách thức làm cách nào huy động bà con một cách hiệu quả trong ba mươi ngày tới đây.
Ở đây tụi em làm hai cách, ký thỉnh nguyện thư gởi đến dân biểu địa phương, Congressman John Gilmore, gần mấy trăm lá thư ký được rồi. Bước thứ hai là ký online thì cái này hơi phức tạp chút xíu. Tại vì ở đây rất nhiều người không rành computer, nhất là các bác cao niên, đến gặp tụi em và nói rằng các bác rất là háo hức, rất là nóng lòng, giúp giùm các bác, chỉ các bác làm sao vào ký online."
Cô Thu Hà, phối hợp chương trình cho văn phòng BPSOS ở thành phố Silver Spring, tiểu bang Maryland:
"Sáng giờ văn phòng của tụi em có rất nhiều các bác các cô các chú gọi đến hỏi thăm về những thông tin làm sao để sign in (ký). Người nào biết xài và có computer thì tụi em hướng dẫn cách vào ký. Còn các bác gọi tới nói không có computer thì tụi em có gom lại một nhóm để ngày mai là mời các bác đó đến thì tất cả nhân viên ở đây bỏ thời giờ ra để giúp đỡ các bác."
Bạn trẻ Lan Anh, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Bắc Mỹ:
Đồng bào ở đây hưởng ứng rất nồng nhiệt. Thật ra mình mới đưa tin này ra hồi thứ Sáu tuần trước nhưng đến giờ mọi người đã chuẩn bị tinh thần. Trong mấy ngày qua tất cả các hội đoàn đã làm việc rất chặt chẽ với nhau.
Cô Trang Thanh, BPSOS
"Đây là một cơ hội để sinh viên, thế hệ trẻ và thế hệ lớn hơn , có thể đứng chung với nhau để cộng đồng của mình có một tiếng nói trong chánh phủ ở bên Mỹ. Thứ hai là tụi em thấy tụi em ở bên đây có cơ hội để có dân chủ và có nhân quyền. Chị biết Social Media trên mạng lưới của tụi em rất là mạnh. Social Media, giống như Facebook hay Twitter, thì tụi em dùng cái đó để cho mọi người biết về cơ hội này.
Tụi em cũng sẽ đẩy mạnh trong Network của tụi em. Trong cái list của tụi em có hơn năm ngàn người dùng email của tụi em, tụi em sẽ đưa qua cho họ và mong họ sẽ cho bạn bè và gia đình của họ biết rồi, tìm mọi cách để cho thế hệ của tụi em trong vòng quan hệ của tụi em biết về chiến dịch này. "
[ Video: Điều trần về Nhân quyền VNOpens in new window ]
Chừng như sự hưởng ứng của người Việt còn lan đến những bạn bè người bản xứ của họ. Ông John Alles, một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam năm 1970, bày tỏ:
"Tôi nghĩ có rất nhiều điều cần thay đổi liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tôi biết tiến sĩ Thắng và tổ chức BPSOS, tôi cũng có nhiều bạn ở miền Đông này, vì thế tôi hiểu nhân quyền ở Việt Nam đang là mối quan tâm của những bạn hữu người Việt của tôi ở đây.
Chính vì thế tôi đã chuyển thông tin về chiến dịch này đến tất cả những người tôi quen biết, đưa nó lên facebook, báo cho những cộng đồng sắc tộc khác nói tiếng Việt như Tổ Chức Khmer Krom hay Tổ Chức Người Miền Núi để họ biết về chuyện này. Theo tôi những vấn đề nhân quyền bị vi phạm ở Việt Nam cần được hiểu và cần được chia sẻ bởi rất nhiều người ở ngoài này. Đó là lý do tôi ủng hộ chiến dịch vận động nhân quyền của các bạn."
Mỗi người góp một tay
Bà Annie Durkin, đang làm việc tại Washington DC, bày tỏ:
"Làm việc ở DC cho tôi cơ hội biết được khá nhiều chuyện xảy ra ở Việt Nam mà ít nhiều được hành pháp hay lập pháp Mỹ quan tâm. Nhân quyền là một trong những vấn đề cần quan tâm. Thực ra tôi từng tham gia chống tệ nạn buôn người và nô lệ ở Châu Á cũng như ở Việt Nam, từ đó tìm hiểu về quyền con người ở đó. Lý do tôi tham gia chiến dịch này vì tôi nghĩ mỗi người nên góp một bàn tay để làm sao có đủ 25.000 chữ ký hầu lôi kéo sự chú ý của tổng thống. Tôi đã mục kích nhiều tổ chức khác ở Mỹ thực hiện những chiến dịch vận động với sự thu thập nhiều chữ ký. Họ đã thành công và tôi mong chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam đối với Nhà Trắng cũng sẽ thành công như vậy."
Theo lời nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc SBTN, cũng như tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, đây cũng là cơ hội để tập thể người Việt ở Hoa Kỳ mỗi người một tay góp phần mình cho đại cuộc, tức là vận động để nhân quyền được tôn trọng ở Việt Nam.
Đến đây, Thanh Trúc xin mời tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trở lại để trình bày cách thức đăng nhập cũng như ký tên vào thỉnh nguyện thư gởi đến Toà Bạch Ốc:
"Trước hết nếu muốn ký thỉnh nguyện thư thì phải có một cái email. Nếu mà chưa có email thì phải mở cho mình một email. Sau khi có địa chỉ email cá nhân rồi thì phải vào trong trang mạng của Tòa Bạch Ốc, mà tổng thống Obama đã thành lập để lắng nghe tiếng nói của người dân, và phải mở một trương mục tức là account của riêng mình ở tại trong trang mạng của Tòa Bạch Ốc.
Nhiều tổ chức khác ở Mỹ thực hiện những chiến dịch vận động với sự thu thập nhiều chữ ký. Họ đã thành công và tôi mong chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam cũng sẽ thành công như vậy.
Bà Annie Durkin, Washington DC
Một khi đã vào được trương mục của mình thì có thể retrieve lại đường dây nối tức đường link đến thỉnh nguyện thư mà anh Trúc Hồ đã cài lên, và chỉ cần nhấn một cái nút ghi là “ký vào đây”. Như vậy tên của mình sẽ tự động vào trong trang mạng của Tòa Bạch Ốc để yểm trợ cho thỉnh nguyện thư mà anh Trúc Hồ đã cài vào trang mạng của Tòa Bạch Ốc."
Cũng xin lưu ý quí vị là nên ghi tên thành phố của tiểu bang nơi quí vị đang sinh sống khi mở account, có vậy Toà Bạch Ốc mới biết quí vị hiện đang ở đâu trên đất nước Hoa Kỳ này và thấy được sự tham gia rộng rãi từ người dân ở khắp nơi.
Sau cùng quí vị không nhất thiết phải là công dân Hoa Kỳ thì mới tham gia được vào chiến dịch, miễn đang cư trú ở Hoa Kỳ là đủ.