Ngay sau khi 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha được tòa phúc thẩm cho giảm phân nửa án sơ thẩm, thì những người có tâm huyết với quê hương, dân tộc như doanh nhân Lê Quốc Quyết, LS Nguyễn Bắc Truyển, chị Bùi Minh Hằng, chị Trần Thị Nga, nhà báo Trương Minh Đức…bị côn đồ, công an hành hung, giữa lúc công an cấm người dân, phóng viên quay phim, chụp ảnh. Những nghịch lý đó nói lên điều gì ?
Doanh nhân Lê Quốc Quyết, em của LS Lê Quốc Quân đang tù tội, cho biết:
Dạ, thứ nhất là mình không lường được cách hành xử của chế độ độc tài. Tức là nó phi logic lắm. Mình rất khó nói về các diễn biến, bởi vì nó đã có vấn đề rồi, thì nó luôn luôn xảy ra những vấn đề mà mình không lường được. Cho nên, chuyện Nguyễn Phương Uyên được thả thì hết sức vui mừng.
Ban đầu, tôi cảm nhận đây là một tín hiệu tốt cho cái chung, là tiền lệ rất tốt. Tức là lần đầu tiên, một cô bé yêu nước một cách trong sáng, quyết tâm bảo vệ chính kiến của mình cho đến cùng nhưng lại được án treo và được thả ngay tại tòa, thì đây là một tín hiệu rất vui mừng. Cộng với việc xung quanh phiên tòa, lúc đầu người ta bố ráp, bắt bớ, nhưng sau đó họ để cho đi diễu hành như thời cụ Phan bội Châu đòi trả tự do cho người yêu nước. Những người ủng hộ Uyên-Kha diễu hành khắp chợ Tân An như thế thì thấy tưởng như dân chủ bắt đầu lan tỏa khắp nước VN rồi.
Những viên công an mật vụ họ cố tình làm sai trong khi nhà nước này cho nó có quyền lực dường như vô biên vì cái gọi là "an ninh quốc gia", có khả năng xuyên phá các ngành nghề khác. <br/> - Anh Lê Quốc Quyết
Tuy nhiên, qua chuỗi dài sự đàn áp cùng cách hành xử của giới cầm quyền và công an cho tới giờ cộng với việc những người có được dư luận quốc tế tốt như anh Điếu Cày, anh Lê Quốc Quân cũng chưa có tín hiệu gì tốt lành trong khi người thân bị đàn áp, rồi bao nhiêu bạn bè thân hữu khác tiếp tục bị đàn áp, thì tôi thấy, có thể, trong bộ máy cai trị có vấn đề: Người làm thì ít mà người phá thì nhiều.
Một mặt, những người chủ trương thân phương Tây có những động thái nhằm xoa dịu hình ảnh VN trên trường quốc tế bằng việc xử những án nhẹ đối với người yêu nước, thì ngược lại, những phe khác cố phá mối quan hệ đó bằng cách cho đánh phá, bắt bớ, gây gổ với nhiều người, ảnh hưởng đến hình ảnh của VN.
Thanh Quang: Như vậy thì người dân, nhất là những người có tâm huyết với đất nước, vận nước, quê hương, dân tộc phản ứng như thế nào?
Anh Lê Quốc Quyết: Có lẽ giới cầm quyền đã chọn cái cách là đẩy người dân đến bước đường cùng. Cá nhân chúng tôi là người rất ôn hòa. Đặc biệt khi đối mặt với nhân viên công lực thì tôi hết sức ôn hòa. Nhưng cảnh hành hung của công an, cái hung dữ của họ, họ thật sự là thú tính. Thực ra, những người chưa trải nghiệm này luôn luôn đặt câu hỏi, như sáng nay, những luật sư gọi điện cho tôi hỏi rằng liệu mình có làm cái gì nó không ? Có cái gì đó không mà nó tấn công như thế ? Nhưng đó là những người chưa thực sự trải nghiệm những hành động dã man của cơ quan công lực hoặc những viên mật vụ của VN.
Cá nhân chúng tôi gặp phải những hành động ấy diễn ra hàng ngày, và mình cố giữ hết sức ôn hòa, luôn luôn kêu gọi công an sắc phục can thiệp. Bởi vì những người đánh đập tôi thì tôi nhớ mặt, nhớ biển số xe, và tôi xác định rõ ràng đó là những người theo dõi tôi. Nhưng công an lại đứng thờ ơ. Cho nên, nỗi bức xúc sẽ đẩy người dân đến bước đường cùng, buộc họ phải đối đấu trực diện vì không còn cách nào khác.
Riêng cá nhân tôi, tuy thường xuyên bị tấn công, nhưng tôi thấy rất bình an, kể cả việc tôi có chết trước trụ sở công an TP Bà Rịa thì tôi thấy bình an thôi, vì mình thuộc lẽ phải nên không có gì e ngại cả. Và tôi hy vọng nhiều người dân sẽ cảm nhận được việc này. Và càng ngày họ càng dám dấn thân hơn.
Lá bùa "an ninh quốc gia"
Thanh Quang: Trước khi trở lại điểm mà anh vừa nói, tức là sự tàn ác của công an hiện nay, thì hành động của công an khiến những người có tâm huyết với đất nước, cũng là nạn nhân của công an, phải phản ứng, chẳng hạn như ghi hình, quay phim về hành động sai trái, tàn ác của công an. Nhưng mới đây, cảnh sát giao thông lại cấm người dân, phóng viên quay phim, chụp ảnh – điều mà LS Trương Anh Tú thuộc Đòan LS TP Hà Nội cho là "trái luật". Anh nhận xét như thế nào về văn bản của công an cấm người dân quay phim, chụp hình như vậy ?
Anh Lê Quốc Quyết: Tôi nghĩ nếu mình đứng ở góc độ của kẻ cầm quyền, đặc biệt những kẻ cầm quyền độc tài họăc những nhóm quyền lợi, thì những văn bản đó, đương nhiên nó sẽ ra, mà thậm chí còn ra những văn bản hà khắc hơn nữa. Bởi vì xu hướng độc tài, xu hướng họ bảo vệ quyền lợi cho chính họ - tức xu hướng họ sử dụng pháp luật như công cụ để bảo vệ họ, bảo vệ nhóm quyền lợi và chế đố độc tài. Cho nên việc họ ra văn bản ấy thì tôi không ngạc nhiên.
Nhưng tôi chỉ ngạc nhiên về chuyện họ muốn quan hệ hợp tác với nước phương Tây, hợp tác một cách tòan diện, mà họ lại tiếp tục hành vi ngăn cấm dư luận cũng như ra những quyết định, nghị định kỳ quặc như thế thì thấy trái ngược với chủ trương như họ tuyên bố. Tức hành động của họ trái ngược với tuyên bố của họ.
Thanh Quang: Trở lại hành động công an, thưa anh Lê Quốc Quyết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có lần đã nói về xã hội đen và công an rằng họ tuy hai mà là một. Và trong tình hình người dân tiếp tục là nạn nhân ngày càng đáng ngại của công an, thì nhạc sĩ Tô Hải có báo động rằng người dân vào đồn công an còn là người sống nhưng khi ra khỏi đồn công an trở thành người chết. Anh nhận xét vấn đề này, nói chung, như thế nào ?
Anh Lê Quốc Quyết: Thứ nhất, về nhận xét của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tôi nghĩ, cho đến bây giờ, đầu tiên là ngành ngọai tuyến, tức những viên công an mật vụ, họ cố tình làm sai trong khi nhà nước này cho nó có quyền lực dường như vô biên vì cái gọi là "an ninh quốc gia", có khả năng xuyên phá các ngành nghề khác.
Qua chuỗi dài sự đàn áp cùng cách hành xử của giới cầm quyền và công an cho tới giờ thì tôi thấy, có thể, trong bộ máy cai trị có vấn đề: Người làm thì ít mà người phá thì nhiều.<br/> - Anh Lê Quốc Quyết
Họ lợi dụng cái cớ “an ninh quốc gia”. Những nhân viên công lực ấy có cái thẻ mà tôi thấy mỗi lần họ bám theo chúng tôi, chẳng hạn như tôi đang đi bằng xe hơi, nó đi xe Honda, khi xuống tầng hầm cấm xe Honda, họ đưa thẻ thì đi qua hết. Họ bám theo chúng tôi xuyên suốt dù có tới tận rừng cao su ở Tây Ninh đi chăng nữa, thì họ vẫn đưa cái thẻ đấy, và tất cả ban ngành đều phải theo lời nó. Họ chỉ dẫn thế nào thì phải làm theo thế đấy. Cho nên nhà cầm quyền cho họ một quyền lực quá sức, dẫn đến việc lạm quyền. Họ lạm quyền lại lôi các ngành nghề khác vào nữa.
Trường hợp như thế, như Thiền Sư Nhất Hạnh đã nói, thì rõ ràng là công an và côn đồ là một. Đặc biệt là lực lượng ngoại tuyến, là lực lượng đã từng đánh đập chúng tôi cũng như những người bạn của chúng tôi. Thì chính họ là côn đồ chứ không phải họ sử dụng côn đồ nữa. Và tôi nhớ mặt họ. Hành vi của họ là côn đồ.
Còn việc bác Tô Hải nói người dân vào đồn công an là người sống mà ra đồn công an là người chết thì thực ra có nhiều trường hợp. Đó là vào đồn công an còn sống, ra đồn công an là chết: chết về mặt thể xác cũng như tâm hồn. Có những người ra khỏi đồn công an, thể xác còn sống nhưng tâm hồn họ bị hỏang lọan hoặc bị tha hóa. Kể cả trong trại giam cũng thế, vào thời điểm này. Nhưng tôi nghĩ nếu trại giam của thời Chí Phèo tha hóa con người thế nào thì xã hội ở thời buổi này, trại giam thời buổi này cũng tha hóa những người tù thường phạm còn thậm tệ gấp 10 lần so với thời Chí Phèo của Nam Cao nữa.
Như vậy rõ ràng là họ chết cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng đối với cá nhân chúng tôi hoặc những anh em đấu tranh có lý tưởng, thì thực ra, tâm hồn chúng tôi vẫn bình an, và chúng tôi vẫn sống mãnh liệt - càng mãnh liệt hơn.
Thanh Quang: Xin cám ơn anh Lê Quốc Quyết.