Paris tưởng niệm 50 năm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm qua đời

Ngày 2 tháng 11 vừa qua, Người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm lễ tưởng niệm 50 năm cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và cố vấn Ngô-Đình Nhu qua đời. Tại Paris cũng có hai buổi tưởng niệm. Đặc biệt, tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris, có sự hiện diện của ông Ngổ Đình Quỳnh, thứ nam của ông Ngô-Đình Nhu. Từ Giáo xứ Paris, thông tín viên Tường An gửi về bài tường trình.

Ngày 2 tháng 11 năm 2013, đánh dấu 50 năm chấm dứt nền đệ nhất Cộng Hoà bằng cái chết bi thảm của cố Tổng thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ của ông là cố vấn Ngô-Đình Nhu. Cho đến hôm nay, ai đứng sau cái chết của 2 vị lãnh đạo quyền hành nhất của nền đệ nhất Cộng Hoà vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Các tài liệu lịch sử ghi lại, bên cạnh quốc sách chống Cộng mạnh mẽ, chính sách về tôn giáo của Tổng Thống Ngô-Đình Diệm cũng gây nhiều tranh cải. Nhưng, dù yêu hay ghét, người ta cũng không thể phủ nhận lập trường yêu nước của chí sĩ Ngô-Đình Diệm. Hình ảnh ông tiếp các phái đoàn ngoại quốc trong quốc phục Việt Nam vẫn là một dấu ấn về một lãnh tụ với một lập trường quốc gia kiên định.

Vì thế, mỗi năm, ở các quốc gia có người Việt định cư đều tổ chức lễ tưởng niệm Ngài. Đặc biệt, năm nay, kỷ niệm 50 năm đã có khoảng 26 nơi ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc Châu và Việt Nam đã đồng tổ chức lễ Tưởng Niệm.Tại Paris cũng đã có 2 nơi tổ chức lễ Tưởng Niệm.

Cố vấn Ngô Đình Nhu, linh hồn của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam
Cố vấn Ngô Đình Nhu, linh hồn của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam

Ngày 2 tháng 11 vừa qua, tại quận 17 Paris, có hơn 200 người Việt và ngoại quốc đã đến tham dự lễ tưởng niệm do giáo xứ Việt Nam tổ chức. Thánh lễ bắt đầu lúc 11 giờ với chính giữa nhà thờ là hai bức hình được phóng to của cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ Ngô-Đình Nhu. Sau phần thánh lễ do Linh Mục Mai Đức Vinh chủ lễ là phần văn nghệ và triển lãm các hình ảnh của gia đình Tổng Thống Ngô-Đình Diệm. Sau đó, ông Olindo, chồng của bà Ngô-Đình Lệ Quyên đến từ Ý, trình bày về lịch sử của gia đình Ngô-Đình qua những dương ảnh. Buổi lễ còn có sự tham dự của nhiều tôn giáo khác nhau, ông Huỳnh Tâm, một đạo hữu đạo Cao Đài chia sẻ cảm tưởng của ông :

« Lần đầu tiên Giáo xứ Paris tổ chức mà có mời tất cả cộng đồng người Việt tại Paris cũng như đại diện của các tôn giáo. Tôi tới đây với tư cách là một tín hữu Cao Đài đến kỷ niệm 50 năm ngày cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm qua đời. Đây là dịp mà chúng ta tưởng nhớ đến một người làm nên lịch sử của một giai đoạn đó. Tôi thường đi tham dự nhiều lần mỗi năm, phần đông thì người Tây tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự của Giáo xứ Việt Nam tổ chức, thì tôi thấy đây là một công việc tưởng niệm rất xứng đáng »

Đặc biệt, buổi tưởng niệm còn có sự hiện diện của ông Ngô-Đình Quỳnh, thứ nam của cố vấn Ngô-Đình Nhu và phu nhân Trần Lệ Xuân. Được hỏi cảm tưởng của ông về việc nhiều nơi trên thế giới năm nay đồng tưởng niệm Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và cố vấn Ngô-Đình Nhu, ông tỏ vẻ vui mừng :

« Tôi rất vui mừng thấy nhiều người Việt Nam cũng làm lễ bên Mỹ, bên Belgique (Bỉ), bên Việt Nam hôm qua để tưởng niệm Tổng Thống và bào đệ Ngô-Đình Nhu. Họ hiểu sự hy sinh của Cha của tôi và Bác của tôi. Tôi rất là cảm động ( Je suis ému) Bởi vì cho gia đình của tôi là một sự mất mát lớn. Một điều đã khó cho người ta không hiểu để người ta làm lễ tưởng niệm và nhìn nhận giá trị của sự hy sinh đó như là một trách nhiệm đối với công lý và cũng là một bổn phận phải ghi nhớ »

Sự hy sinh đó là gì ? Nó có ý nghĩ gì đối với quá khứ, với những người đã sống và chết cho nền dân chủ của đất nước và cho cả những thế hệ trong tương lai, người thứ nam của ông Ngô-Đình Nhu chia sẻ :

« Nếu cô hỏi tôi về sự hy sinh đó nó có ý nghĩa gì cho tương lai ? Thì tình thế bây giờ đã thay đổi khác rồi. Điều quan trọng là sự đoàn kết và tình liên đới và cái ý thức rằng người Việt Nam có một vị thế nào đó để rồi từ đó một sức mạnh sẽ nẩy sinh. Bởi nhân dân Việt Nam có một vị thế nào đó mà trong nhất thời chưa được lộ rõ »

Tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris: Lễ tưởng niệm 50 năm Tổng thống Ngô Đình Diệm qua đời.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3.1.1901 ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là người con thứ ba trong một gia đình lễ giáo, nhiều đời làm quan trong triều Nguyễn. Giòng họ theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ thứ 17. Ông có hai người anh là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục, các em trai là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện và hai em gái.Ngô-Đình Diệm là vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hoà. Ông không có gia đình, suốt đời phục vụ cho đất nước như câu nói của ông :

Tôi tiến, hãy theo tôi;
tôi lùi, hãy bắn tôi;
tôi chết, hãy trả thù cho tôi.
Tôi không phải là thần thánh,
tôi chỉ là một người bình thường,
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc,
một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.

Hồi tưởng về người Bác của mình, ông Ngô Đình Quỳnh kể :

« Tôi nhớ trong dinh Độc Lập, lâu lâu tôi đang ăn cơm thì Tổng Thống tới, rồi thì nói chuyện với ông Cố vấn. Khi họ nói chuyện với nhau thì Tổng Thống hỏi cái gì đó, rồi thì ông Cố vấn 2-5 phút sau trả lời. Tôi nhớ rằng cho mấy đứa con ăn cơm chung với gia đình như vậy là khá rồi, chứ (thường thì) ăn cơm trong phòng. Lâu lâu tụi tôi cũng có tới, nhưng ông Tổng Thống bao giờ cũng rất là bận rộn. Tôi tới tôi chơi thì ông Tổng Thống cứ để cho tôi chơi chung quanh. »

Cố vấn Ngô Đình Nhu có 4 người con : Ngô-Đình Trác, Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ Thuỷ và Ngô-Đình Lệ Quyên. Kể từ sau khi hai anh em Ngô-Đình Diệm và Ngô-Đình Nhu bị sát hại, dòng họ Ngô-Đình cũng trải qua nhiều biến cố. Hai người con gái của Ngô-Đình Nhu và Trần Lệ Xuân là Ngô-Đình Lệ Thủy và Ngô-Đình Lệ Quyên lần lượt qua đời vào năm 1967 và 2012 vì tai nạn giao thông. Bà Trần Lệ Xuân đã sống những năm tháng cuối đời trong lặng lẽ ở Ý và qua đời năm 2011 tại một bệnh viện ở Rome ở tuổi 87. Hiện con trưởng Ngô-Đình Trác đang sống với gia đình ở Ý và người con trai thứ Ngô-Đình Quỳnh, hiện đang sống và làm việc tại Bỉ

Theo Luật sư Lâm Lễ Trinh trong một cuộc phỏng vấn, ông Ngô-Đình Diệm là Tổng Thống, nhưng khai sinh chế độ Việt Nam Cộng Hoà công lớn là của ông Ngô-Đình Nhu. Ông Ngô-Đình Quỳnh nhớ về Cha như là một người kín đáo và tận tuỵ cho đất nước. Ông nói :

« Cha tôi là…..ít người nói chuyện về ông Cố vấn, vì ổng cũng không muốn xuất hiện, nhưng ông có một ý thức chính trị để đối phó với sự phức tạp của tình hình đa nguyên thời đó. Ông còn có sự trung tín với người anh và đi đến cùng với người anh của mình. Hai năm sau khi Cha tôi chết, họ làm cái test cho tôi ở trường, họ bảo vẽ Cha thì tôi sẽ vẽ cái gì, tôi vẽ : một mặt trời.Và Má thì vẽ ra sao ? Tôi vẽ một cái rừng và một nguồn suối. Tôi nhớ gia đình của tôi phải hy sinh nên tôi biết là họ không có nhiều thì giờ cho tôi. Nhưng tôi biết họ thương tôi nhiều. »

Con trai thứ của Cố Vấn Ngọ Đình Nhu, ông Ngô Đình Quỳnh, trả lời đài Á Châu Tự Do
Con trai thứ của Cố Vấn Ngọ Đình Nhu, ông Ngô Đình Quỳnh, trả lời đài Á Châu Tự Do (RFA photo)

Nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày qua đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Quỳnh đã cho ra mắt quyển sách bằng tiếng Pháp « La République du Việt Nam et les Ngô-Đình » ( Nền Việt Nam Công Hoà và Gia đình Ngô-Đình) viết từ hồi ký của mẹ ông là bà Ngô-Đình Nhu Trần Lệ Xuân. Ông cho biết lý do ra đời của quyển sách này :

« Cuốn sách được xuất bản hôm nay có một phần hồi ức của Mẹ tôi được ghi chép từ năm 1963. Đồng thời chúng tôi có ý muốn soi sáng một phần của lịch sử hãy còn mù mờ. Một số sai lầm về hình ảnh hai anh em họ Ngô mà cả bên Tây Phương lẫn đảng Cộng sảng Việt Nam đã lưu truyền. Từ quyển sách này chúng tôi muốn đem lại cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời có phần đóng góp của Mẹ tôi với nhãn quan có phần huyền bí của Bà. Thế thôi! »

Một sự kiện đặc biệt là lễ tưởng niệm 50 năm cố Tổng thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ Ngô-Đình Nhu cũng được tổ chức tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, thuộc phường Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, nơi an nghĩ của Huynh Đệ Ngô-Đình với khoảng 50 người tham dự, đặc biệt có rất nhiều người trẻ. Ông Ngô-Đình Quỳnh rất cảm động trước sự kiện này :

« Tôi nghe rằng họ có làm lễ ở Việt Nam hôm qua, tôi rất vui mừng. Tôi biết rằng mỗi năm họ có làm đó, tôi biết là cũng rất khó khăn vì người Cộng sản họ không chịu cho mình làm một cách sâu xa. Tôi cho là hết sức tốt. tôi vui mừng vì không phải chỉ người « Việt Nam diasporal » ( cộng đồng người Việt ở nước ngoài ) mà thôi mà những người Việt Nam trong nước cũng nhớ. Thì đó là sự vui mừng ! »

Nửa thế kỷ dâu bể đã qua, sự kiện nhiều người trẻ, không biết gì về cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm -và một chế độ đã lùi vào quá khứ -đến thắp nhang trước mộ phần ông. Có phải chăng đã đến lúc những người trẻ vượt ra khỏi sách vở nhà trường, tự đi tìm một sự thật lịch sử cho chính mình ?