Sự tham gia chính trị của dân chúng

0:00 / 0:00

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho dân chúng Việt nam tham gia vào đời sống chính trị của quốc gia. Sự tham gia như thế là cần thiết cho một xã hội văn minh mà đảng cộng sản tuyên bố hướng tới.

Việc tranh luận về điều khoản số 258, bộ luật hình sự Việt Nam cho thấy một sự quan tâm đến chính trị của công chúng Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Sự quan tâm này được phát triển nhanh chóng nhờ vào công nghệ thông tin với các bloggers, và mạnh mẽ hơn nữa trong vài năm gần đây với mạng xã hội. Nếu không có các điều kiện này thì ắt hẳn những bình luận, những thông tin, những quan tâm tới chính trị quốc gia không nở rộ như trong thời gian qua, vì các định chế chính trị ở Việt Nam không cho phép điều đó.

Một tác giả người Mỹ là ông Harold Lasswell trong một tác phẩm của mình về chính trị viết cách đây rất lâu, năm 1936, đề cập đến chính trị như là một cuộc tranh giành giữa những người thuộc tầng lớp tinh hoa.

Thập niên 30 này cũng chứng kiến trận thanh lọc khổng lồ do Stalin thực hiện, trong một mô hình chính trị Soviet, hoài thai từ các ý tưởng của Marx và Lenin, rằng nền chính trị phải được hai giai cấp đông đảo nhất của xã hội là công nhân và nông dân thực hiện một cách chuyên chính (chuyên chế.)

Sau thế chiến thứ hai, Harold bổ sung những ý tưởng mới trong cách nhìn về chính trị, trong đó ông nghiên cứu rộng hơn đến những tác nhân như văn hóa và con người tác động lên nền chính trị. Cùng thời gian đó, mô hình Soviet được mở rộng sang Đông Âu, Trung quốc,…với sự khẳng định mạnh mẽ nền chuyên chính, mà sau đó đôi khi được gọi tên là nền dân chủ tập trung. Và điều đáng nói là trong mô hình này cuối cùng cũng hình thành một tầng lớp tinh hoa mà Milovan Djilas, nhân vật ly khai từng đứng hàng thứ hai của đảng cộng sản Nam Tư, gọi là giai cấp mới thống trị bộ phận còn lại của xã hội..

Sự tác động của văn hóa và con người trong các mô hình chính trị phương tây càng phát triển hơn nữa với khái niệm xã hội dân sự mà Joseph Nye cho rằng, làm cho quyền lực tản ra khỏi chính quyền trung ương. Trong khi đó, mô hình thực nghiệm cộng sản đã sụp đổ, vết tích của nó tuy vậy vẫn tồn tại ở vài quốc gia mà Việt Nam là một trong số đó.

Mặc dầu đã chấp nhận kinh tế thị trường, nền chính trị Việt Nam vẫn được đảng cộng sản cầm quyền tuyên bố là một nền dân chủ tập trung, không chấp nhận các nhóm xã hội tự do, và do vậy sự tham gia vào chính trị của công dân vô cùng hạn chế. Hai tổ chức mang màu sắc xã hội là Quốc Hội, và Mặt Trận Tổ quốc thật sự vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhưng công nghệ thông tin đang làm thay đổi nhiều khía cạnh của nền dân chủ tập trung ấy.

Cây ngay không sợ gió

Kêu gọi tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa qua internet hôm 10/6/2011. AFP photo
Kêu gọi tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa qua internet hôm 10/6/2011. AFP photo (Kêu gọi tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa qua internet hôm 10/6/2011. AFP photo )

Hệ thống blogs và mạng xã hội đã tạo nên hai tiền đề cho sự tham gia chính trị của dân chúng. Thứ nhất là sự tiếp cận thông tin. Thứ hai là sự mất kiểm soát của bộ máy cai trị trên một không gian điện tử mênh mông không biên giới.

Vài năm trước, trang mạng Bauxite Việt Nam với mục đích phản biện dự án Bauxite ở Tây Nguyên của nhiều nhân sĩ trí thức được thành lập. Trang mạng này tồn tại tới ngày nay và là nơi xuất phát của nhiều hành động chính trị của công dân Việt Nam. Chính nơi đây là nơi khởi phát kiến nghị 72 yêu cầu xóa bỏ điều 4 qui định sự độc tôn chính trị của đảng cộng sản trong nền chính trị Việt Nam.

Trang nhật ký điện tử của giáo sự toán học Ngô Bảo Châu thì dấy lên những ý kiến chính trị của công dân trong mục Cùng viết Hiến pháp.

Sự tham gia chính trị của những công dân tiếp cận với công nghệ thông tin càng dấy lên mạnh mẽ hơn khi xuất hiện liên tục các kiến nghị đòi cải tổ chính trị, và gần đây nhất là kiến nghị 258 cùng sự phản đối kiến nghị này như đã đề cập ở phần đầu.

Ý thức tham gia chính trị đã rõ ràng nơi các công dân.

Công dân trẻ tuổi Nguyễn Nữ Phương Dung nói về kiến nghị 258, "Chuyện chúng tôi làm là bình thường để góp phần làm thay đổi xã hội Việt Nam."

Ý thức về sự tham gia chính trị, làm nhiều công dân vượt qua nỗi sợ hãi trước kia áp đặt bởi nền chuyên chính. Một công dân trẻ tuổi khác là Thảo Chi, sau chuyến đi Bangkok trao kiến nghị 258 cho Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc đã nói về hoạt động của mình sau chuyến đi, "Chúng tôi làm tất cả đều công khai, chúng tôi không có gì lo ngại, chúng tôi không làm trái pháp luật, có thể là sẽ bị phiền nhiễu đôi chút."

<br/>Chúng tôi làm tất cả đều công khai, chúng tôi không có gì lo ngại, chúng tôi không làm trái pháp luật, có thể là sẽ bị phiền nhiễu đôi chút.<br/> - Blogger Thảo Chi<br/> <br/>

Nếu sự tham gia chính trị đó là rất rõ ràng nơi các công dân tiếp xúc với công nghệ thông tin, thì nó vẫn còn e ngại, không rõ ràng nơi tầng lớp đông đảo của xã hội Việt Nam là những người nông dân.

Dưới chính sách đất đai sở hữu toàn dân, hàng ngàn nông dân bị mất đất đã và đang biểu tình khắp nơi để đòi lại của cải của mình. Đây chính là những hành động chính trị, dù người nông dân không ý thức rõ ràng về chuyện ấy. Có lẽ một trong những nguyên nhân của sự không ý thức rõ ràng ấy chính là sự không tiếp cận với công nghệ thông tin của tuyệt đại đa số nông dân Việt Nam, cùng với hệ thống kiểm soát của đảng cộng sản ở thôn quê vẫn hữu hiệu hơn, nơi cuộc sống kém năng động hơn, tĩnh tại hơn, dễ kiềm chế hơn. Một nông dân nói với chúng tôi về sự e ngại những vấn đề chính trị:

“Khi đưa những thông mình của mình lên thì nên giấu tên đi nhé vì nó mang tính chính trị. Mình muốn tham gia câu chuyện một cách dân dã thôi vì mình không hiểu chính trị, mình không được học luật. Nhưng mà đôi khi bức xúc lên (cười) thì cũng chiến luôn, máu lắm (cười).”

Và thực sự là những người nông dân đã …chiến luôn… trong những xung đột xã hội vừa qua. Tiếng súng hoa cải Đoàn văn Vươn, tiếng súng lục Đặng Ngọc Viết, đều xảy ra ở môi trường nông thôn.

Để tạo nên một xã hội văn minh như đảng cộng sản vẫn hằng công bố, có phải chăng là nên dành chổ để đối thoại nhiều hơn ở nghị trường, hơn là những tiếng súng ở chiến trường như Tiên Lãng và Thái Bình? Phải chăng là cần sự tham gia chính trị nhiều hơn nữa của dân chúng?