Cuộc chiến chống tham nhũng qua vụ bầu Kiên?

Trong khi ĐCSVN thực hiện chiến dịch phê và tự phê nhằm chỉnh đốn đảng, vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, người được cho là có quan hệ thân thiết với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng đặt ra câu hỏi về nỗ lực chống tham nhũng của ĐCS.

0:00 / 0:00

Nỗ lực chống tham nhũng?

Vụ bắt giữ ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là bầu Kiên tại Việt Nam vào hôm 20 tháng 8 vừa qua đã gây ra một làn sóng dư luận sôi nổi trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một cuộc chiến quyền lực nội bộ của Đảng cộng sản. Nhưng nhìn chung, vụ bắt giữ này cũng cho thấy phần nào một cuộc chiến khác mà Đảng cộng sản đã kêu gọi từ bấy lâu nay, đó là cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:

Tôi cho rằng đã đến lúc đảng cộng sản thấy rằng không thể kéo dài tình trạng này nữa vì nó làm mất niềm tin ở quần chúng rất lớn và thật ra là nguy cơ bất ổn định chính trị là ở chỗ này, nguy cơ suy sụp nền kinh tế là ở chỗ này. Theo tôi động thái bắt bầu Kiên là trước hết chứng tỏ với dân Việt Nam là các lãnh đạo đang ra tay đây.

Bầu Kiên vốn trước kia là một thành viên sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần Á châu (ACB) và hiện là một cổ đông lớn tại ngân hàng này. Ông ta cũng là người nắm giữ những cổ phần lớn tại nhiều các ngân hàng khác trong nước. Tài sản của bầu Kiên được ước tính đến cả tỷ đô la. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bầu Kiên được coi là người thân cận với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Từ nhiều tháng nay, các trang blog trong và ngoài nước liên tục đưa các tin bài về các vụ thao túng ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng của bầu Kiên với sự tham gia của cô Nguyễn Thanh Phượng, con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người cũng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.

Mặc dù giới chức Việt Nam khẳng định bầu Kiên bị bắt vì liên quan đến những vi phạm pháp luật tại ba công ty từ nhân của mình, nhưng với khối tài sản khổng lồ và mối quan hệ mà bầu Kiên tạo dựng được, dư luận chung cho rằng đây là một vụ án tham nhũng, hối lộ cỡ lớn. Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét:

Thực ra những tài sản mà những tay đại gia đó có được là xuất phát từ ba nguồn: một là buôn lậu, hai là tham nhũng, tham nhũng qua hối lộ, ba là từ buôn bán đất đai của người dân.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc trong bài viết về vụ bắt giữ bầu Kiên đăng tải trên website của ông cho rằng ' không ai ở Việt Nam có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật thiết với các thành viên quyền lực của đảng cộng sản Việt Nam. Không ai có tầm cỡ như ông Kiên có thể bị bắt mà không có chuẩn thuận chính trị từ các cấp cao nhất'.

Vụ bắt giữ bầu Kiên xảy ra trong giai đoạn Đảng Cộng Sản đang thực hiện một họat động chính trị quan trọng là phê và tự phê trong các tầng lớp lãnh đạo của đảng từ trung ương đến địa phương. Mục tiêu của chiến dịch này là xác định các sai sót trong một số lĩnh vực và chống tham nhũng. Chiến dịch này được triển khai sau hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành trung ương đảng khóa 11 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua. Tại hội nghị này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhìn nhận 'tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước'.

Theo tôi động thái bắt bầu Kiên là trước hết chứng tỏ với dân Việt Nam là các lãnh đạo đang ra tay đây.<br/>Ông Lê Hiếu Đằng

Để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, ban chấp hành trung ương đảng đã quyết định lập ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc bộ chính trị, thay vì đặt ban này dưới sự chỉ đạo của thủ tướng như trước kia. Theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer thì đây được coi là một bước nhằm giảm bớt quyền lực quá lớn trong tay thủ tướng, phá vỡ mạng lưới gây ảnh hưởng của thủ tướng vốn đang bị chỉ trích là tham nhũng. GS Carl Thayer nói:

Điểm tích cực trong vụ này là trong 10 năm qua Đảng Cộng Sản đã luôn nói tham nhũng là mối nguy cho sự tồn vong của đảng, nhưng cho đến giờ họ vẫn chưa thành công trong việc giải quyết nạn tham nhũng. Chiến dịch phê và tự phê mà họ đang tiến hành, chiến dịch chống tham nhũng, xem xét hệ thống ngân hàng là những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà kinh tế nội địa đánh giá Việt nam rất thấp là những gì họ cần phải làm. Và trong trường hợp này, thủ tướng là người bị xác định là có quá nhiều và dường như là mạng lưới của ông ta đang phải chịu trận. Cho nên điều tích cực là nếu Việt Nam đạt được dù chỉ là một cải thiện rất nhỏ thì nó cũng có thể chỉ ra được những nguyên nhân về cấu trúc.

Hiệu quả tới đâu?

Ông Nguyễn Đức Kiên tại một sự kiện trước khi bị bắt.
Ông Nguyễn Đức Kiên tại một sự kiện trước khi bị bắt. (File photo)

Thế nhưng thể chế chính trị lại đặt ra sự nghi ngờ về hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng Cộng Sản đang kêu gọi. Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét:

Phải có tòa án độc lập, những cơ quan chống tham nhũng độc lập thì mới có thể chống tham nhũng được. Chứ kiểu thế này không thể chống tham nhũng được. Vì đưa về cơ quan đảng thì vừa rồi mấy ông tham nhũng đều là đảng viên hết, từ cấp phường, đến huyện, đến thành phố đều là đảng viên hết.

Nếu chuyển cơ chế qua đảng mà không có cơ chế để người dân giám sát đảng và nhà nước thì tôi cho rằng cũng không có hiệu quả. Tôi cho rằng sẽ đi lại vết xe đổ, tình trạng tham nhũng sẽ kéo dài, sẽ xuất hiện những bầu Kiên mới, những đại gia mới, và như vậy làm cho nền kinh tế kiệt quệ và người thiệt hại nhất là người dân.

Để phát hiện tham nhũng, báo chí cũng cần phải được vào cuộc. Và tất nhiên, vụ bắt giữ bầu Kiên cũng được báo chí Việt Nam đưa tin. Tuy nhiên với những kinh nghiệm từ các vụ việc trong quá khứ như PMU 18, hay vụ in tiền polymer, người ta hoàn toàn có thể lo ngại về những sự cấm đoán có thể xảy ra với báo chí đối với vụ nhạy cảm này. Giáo sư Carl Thayer giải thích:

Nếu chuyển cơ chế qua đảng mà không có cơ chế để người dân giám sát đảng và nhà nước thì tình trạng tham nhũng sẽ kéo dài, sẽ xuất hiện những bầu Kiên mới, những đại gia mới...<br/>Ông Lê Hiếu Đằng <br/> <br/>

Hiển nhiên là một người có quyền lực rất cao trong đảng phải chấp thuận cho bài viết đầu tiên về vụ việc này trên báo và những gì mà chúng ta thấy từ quá khứ là cái gì đã xảy ra thì sẽ đến một lúc họ nói với báo chí là đủ rồi đó vì vụ này bắt đầu mở rộng vào mạng lưới và như vậy là anh sẽ có những hậu quả khôn lường với những khoản tiền và các lĩnh vực khác có tham nhũng bị lộ diện và sẽ có lúc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Vụ bắt bầu Kiên dù đã trôi qua được hơn 1 tuần, nhưng dư âm của vụ việc này sẽ vẫn còn tiếp diễn. Có nhiều dự đoán cho rằng sẽ có những người khác nữa trong mạng lưới các đại gia quyền lực ở Việt nam bị bắt giữ. Tuy nhiên ai sẽ bị bắt, và tội danh thế nào thì lại phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực chống tham nhũng thực sự của đảng.

Theo dòng thời sự: