Chỉnh đốn Đảng: Đạo đức đảng viên và tiếng nói dân chúng

Nếu nhìn từ Đại Hội VI đến nay, việc chỉnh đốn Đảng luôn đặt ra với 14 Nghị quyết. Nhưng vấn đề suy thoái nhân cách, đạo đức của hàng ngũ đảng viên từ cấp thấp đến cao vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Đại Hội XI một lần nữa đặt lại vấn đề này cho là “nghiêm trọng và cấp bách”, thông qua Nghị quyết TW4 và gần đây là hội nghị triển khai Nghị quyết này.Thông tín viên Định Nguyên tìm hiểu và trình bày sau đây.

Trong cuộc gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn do Tia Sáng và Trung Nguyên tổ chức, GS Vũ Khiêu cho rằng Nhà Nước hiện nay là Nhà Nước Đức Trị. Trên danh nghĩa có thể không đúng nhưng rất đúng về mặt thực tế. Toàn bộ vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao, từ Xã đến Trung Ương, từ phòng ban nhỏ đến cấp bộ trưởng, chính phủ đều do đảng viên nắm giữ. Từ đó hoạt động của xã hội mạnh khỏe hay ốm yếu đều tùy thuộc vào cái tâm, cái tư cách, hay nói khác hơn là Đạo Đức của người cầm quyền.

Đạo đức suy thoái

doan-v-vuon-dantri-250.jpg
Ông Lê Văn Hiền(nay đã bị đình chỉ công tác): "Khi hết thời hạn thuê đất mà chủ đầm không trả thì cưỡng chế" (ngày 12/1/2012). Source dantri-online.

Những cuộc chỉnh đốn Đảng gần như liên tục thực hiện, rõ nhất là từ Đại Hội VI đến nay, cho thấy tình trạng đạo đức của đảng viên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, đưa đến xã hội mỗi ngày một bất ổn hơn. Nghị Quyết TW4 chưa ráo mực thì nổ ra vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, điển hình cho sự biến chất của đảng viên khi họ đối xử với dân như càn quét kẻ thù.

TBT Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận: "Đứng trên tổng thể mà xét, hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng."

Và, nguyên TBT Lê Khả Phiêu cho rằng: "Điều này thực nguy cho chế độ. Bởi lẽ, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc."

Bàn về chỉnh đốn Đảng, Thiếu tướng Lê Văn Cương,nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược – Bộ Công An, nói rằng: "Suy cho đến cùng, sự tha hóa là kết quả của việc quyền lực không bị giám sát. Nơi nào quyền lực không bị giám sát thì ở đó có tha hóa, không phải ở riêng ĐCS VN."

Quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối

nguyen-su-250.jpg
Ông Nguyễn Sự, bí thư thành uỷ Hội An: "Đã làm quan thì phải đàng hoàng". Nguồn www.hoian.vn/Ảnh: Tuổi trẻ.

Đây là nguyên nhân chính nhưng đã không được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Một khi Đảng tự phong cho mình quyền "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" thì mặc nhiên không có bất cứ ai, tổ chức nào có thể giám sát được quyền lực của Đảng, kể cả luật pháp và cao nhất là Hiến Pháp. Đảng không thể tự trói tay mình, tự lấy đá ghè chân của mình được. Thiếu tiếng nói của quần chúng nhân dân Đảng không thể tự thấy "mặt mình có lọ"; thế nhưng khi nhân dân chỉ cho đảng vết lọ trên mặt thì Đảng vu cho kẻ ấy bị "thế lực thù địch" xúi giục.

Những biện pháp đề ra nhằm xây dựng "mỗi đảng viên dù ở cương vị nào đều phải là một công dân kiểu mẫu" mà không có một kênh phản ánh hiệu quả và biện pháp chế tài hữu hiệu thì đó chỉ là lời kêu gọi suông, một hy vọng hảo huyền, bởi nó tùy thuộc vào đạo đức cá nhân của mỗi đảng viên.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội an, chia sẻ vấn đề này như sau:

“Trong thời gian gần đây việc này các cấp các ngành tổ chức chưa tốt, phải nói là chưa chặt chẽ thậm chí có nơi không làm. Dẫn đến tình trạng tiếng nói của nhân dân đối với Đảng ít được cán bộ đảng viên nghe. Thậm chí những gì mà người ta nói trái với mình, mình lại không ưa, không thích. Đảng không bảo đảng viên làm như vậy, cấp thấp làm như vậy nhưng trong thực tiễn có những điều như vây.”

Dẫn đến tình trạng tiếng nói của nhân dân đối với Đảng ít được cán bộ đảng viên nghe. Thậm chí những gì mà người ta nói trái với mình, mình lại không ưa, không thích.

Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự

Những tiếng nói tâm huyết của giới trí thức gần đây góp ý với Đảng về hiện tình đất nước, hỗn loạn xã hội không được Đảng lắng nghe và chấp thuận. Một viện IDS phải tự giải thể; một số tiếng nói bị kết án. Kênh phản ánh thông thoáng từ phía người dân coi như bị khóa dù trên danh nghĩa Đảng không thừa nhận chuyện này. Phản ánh thông qua kênh chính thức của Đảng chỉ là chuyện hình thức và rất nhiều nơi đảng viên không thực hiện, thậm chí mang tính phổ biến, nhưng lại không có bất cứ sự chế định nào đối với người không thực hiện, làm người dân ngờ vực.

Ông Nguyễn Sự nói thêm: "Lâu nay người ta có ngộ nhận một điều, tức là từng cấp, từng ngành, từng lúc, từng nơi, thậm chí nó mang tính phổ biến là không thực hiện điều này (lắng nghe dân) làm người ta nghĩ là Đảng không chịu nghe dân và xa rời nhân dân. Nhưng thực tế không phải như vậy, không phải nơi nào cũng vậy. Nhiều nơi vẫn thực hiện nghiêm những quy định của Đảng và Đảng luôn nghe nhân dân."

Gốc không được đụng đến

Và, GS Hà Văn Thịnh, hiện đang giảng dạy tại viện Đại Học Huế, cũng cho rằng, nếu người dân không thể nói lên lời cảnh báo trung thực của mình lên Đảng về những trường hợp suy đồi của đảng dẫn đến bất công xã hội, thì chỉnh đốn Đảng là chuyện không thực tế. Ông nói:

“Theo quan điểm của tôi là khó, không thể chỉnh đốn tốt đẹp, triệt để được bởi vì cái gốc không đụng chạm đến được thì cái chỉnh đốn chỉ là phần ngọn. Chống tham nhũng mà tài sản (của đảng viên) không công khai cho dân biết dân kiểm tra thì việc chống tham nhũng rất khó.

Theo quan điểm của tôi là khó, không thể chỉnh đốn tốt đẹp, triệt để được bởi vì cái gốc không đụng chạm đến được thì cái chỉnh đốn chỉ là phần ngọn.

GS Hà Văn Thịnh

Việc thứ hai mà tôi nghĩ là không thể triệt để được là do cơ chế chồng chéo. Ai giám sát ai? Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng? Trách nhiệm cuối cùng là tập thể, không có ai chịu trách nhiệm thì làm sao mà chống? Vụ Tiên Lãng là một điển hình. Cảnh cáo chung chung mà lẽ ra phải cảnh cáo bí thư huyện ủy. Tất cả gộp chung vào cái rổ tôi nghĩ tác dụng cuối cùng nó kém.

Điểm thứ ba, là muốn chỉnh đốn được hay không là phải mở rộng dân chủ. Coi phản biện như là cơ hội thay đổi, là điều tốt đẹp .Nếu nhìn vào phản biện thì cho là phản động, bị thế lực thù địch xúi dục thì quá oan uổng. Bởi tôi muốn đất nước tốt đẹp lên, tôi phản biện, tôi phê phán những cái sai, cho là tôi phản động thì làm sao tôi dám nói nữa. Theo tôi đó là ba cái thiếu (để làm nên chỉnh đốn Đảng).”

Chỉ là phe phái đánh nhau

bo-chinh-tri-200.jpg
Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng (từ trái qua phải từ trên xuống). Ảnh AFP.

Chỉnh đốn Đảng, về chủ trương phổ biến, Đảng muốn lập lại lòng tin của nhân dân. Như vậy mọi xuất phát điểm của nó phải từ nhân dân. Đọc hết toàn văn nghị quyết TW4, chỉ thị của Bộ Chính Trị, người ta không bắt gặp bất cứ một dòng nào nói đến vai trò của nhân dân, vừa là đối tượng trực tiếp gánh vác và thực hiện chủ trương của Đảng vừa là người mà Đảng nhân danh thực hiện, trong việc chỉnh đốn Đảng.

Hội nghị triển khai nghị quyết TW4 vừa khai mạc ở Hà Nội cũng không đề cập đến yếu tố Nhân Dân. Như vậy, không phải từ bây giờ mà ít ra từ đại hội VI, Đảng vẫn thường sử dụng Nhân Dân như là phương tiện để thực hiện một chuyện gì đó ngoài Nhân Dân, nói chính xác ngoài Dân Tộc. Chuyện đó là gì? Giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời cụ thể: "Cuộc (hội nghị) vừa rồi nói là chỉnh đảng, nhưng thực chất ra, từ trước tới nay, bao nhiêu cuộc chỉnh đảng từ những năm 1950 đến gần đây, chỉ là các phe phái đánh nhau."

Giả định câu nói của GS Ngô Vĩnh Long là chính xác thì việc chỉnh đốn đảng không hoàn toàn xuất phát từ suy thoái đạo đức của đảng, thuộc nội bộ đảng, mà việc chỉnh đốn đảng, ngoại trừ việc đặt nhân dân sang một bên, lại gắn liền với những cụm từ như: "các thế lực thù địch"; "diễn biến hòa bình"; "tự chuyển biến"; "tự chuyển hóa". Dư luận đang đặt câu hỏi có phải Tổng BT Nguyễn Phú Trọng chủ yếu đang chống "các thế lực thù địch" mà ông đã đồng tình với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến gặp gỡ tại Bắc Kinh: "... . Song cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.''? (báo Nhân Dân ngày 12/10/11). Nhưng "thế lực thù địch" nào? Đến từ đâu? Thì không hề được chỉ ra cụ thể. Cách nói chung chung như vậy dễ làm dư luận cho là "nó" đang nằm trong dân chúng Việt Nam, và, nguy hơn "nó" đang nằm trong nội bộ Đảng.

Sự góp ý của dân cộng với tư cách đạo đức của từng đảng viên cần phải xem xét lại có lẽ là phương thức hay nhất mà đảng nên áp dụng vào lúc này, hơn là cứ dẫm lên lối mòn phê và tự phê nay đã tỏ ra lỗi thời không thể dán lên vết thương nay đã lan rộng toàn đảng.

Theo dòng thời sự: