Hộ chiếu lưỡi bò – “Một thách thức lớn”

Truyền thông Trung Quốc loan tin bắt đầu hồi tháng 5, Bắc Kinh đã cấp hộ chiếu phổ thông mới trong đó có in hình bản đồ lưỡi bò – một bản đồ mà đa số chuyên gia cho rằng không có cơ sở pháp lý.

0:00 / 0:00

Tham vọng ngàn đời

Trao đổi với Quỳnh Chi, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc tuy không ngạc nhiên trước hành động này nhưng cho rằng việc này là “một thách thức rất lớn”. Trước tiên ông cho biết:

Đinh Kim Phúc: Vấn đề này tôi cũng vừa được biết nhưng cũng không mấy làm lạ. Vừa qua có một cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Tp. HCM thì các học giả Việt Nam đưa ra một nhận xét chung là các học giả Trung Quốc đã dịu giọng, đã xuống nước, đã ôn hòa hơn. Tôi cho rằng những nhận xét như thế là ngộ nhận.

Trong diễn văn khai mạc đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng Trung Quốc quyết tâm trở thành một cường quốc biển. Rõ ràng Trung Quốc là một cường quốc đang lên; họ chưa đủ sức vươn ra bốn biển. Cho nên Biển Đông là trọng điểm số 1, Biển Hoa Đông là trọng điểm số 2. Hai vùng biển này được xem như một chìa khóa để Trung Quốc mở cửa ra thế giới.

Đinh Kim Phúc

Hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông cũng như trên Biển Đông trong thời gian vừa qua là một sự tiếp nối từ tư tưởng của Mao Trạch Đông cho đến lý luận của Đặng Tiểu Bình, qua Hồ Cẩm Đào và bây giờ là Tập Cận Bình. Đó là tham vọng ngàn đời của các lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc muốn hòa bình, hữu nghị nhưng lời nói của họ thì không bao giờ đi đôi với việc làm. Nếu Trung Quốc quyết định in bản đồ hình lưỡi bò bao gồm hơn 80% diện tích Biển Đông thì đó là hành động cuối cùng làm thức tỉnh những ai còn ảo tưởng về sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Quỳnh Chi: So sánh với những động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây chẳng hạn như phát triển tour du lịch ra Hoàng Sa, tăng cường tuyên truyền và ủng hộ học giả Đài Loan – Trung Quốc kết hợp tìm cơ sở pháp lý cho đường lưỡi bò… thì ông thấy việc in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu quan trọng như thế nào?

Đinh Kim Phúc: Trung Quốc và Đài Loan hợp sức với nhau để khẳng định chủ quyền cho thấy họ xem quyền lợi dân tộc là trên hết chứ không phải ý thức hệ. Đó là một trong những cái để chúng ta suy nghĩ. Nếu Trung Quốc quyết định in bản đồ gọi là "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu phổ thông thì đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả những ai quan tâm, những ai có tiếng nói, những ai có quyền lợi trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Việt Nam sẽ mất tất cả

Quỳnh Chi: Trung Quốc thường được nói đến như một quốc gia có chủ nghĩa dân tộc rất lớn. Ông nghĩ hành động này có mối liên quan nào đến việc gợi lên chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc?

Đinh Kim Phúc: Bất cứ một tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc hay cực đoan dân tộc thì bất cứ quốc gia nào cũng có, không lúc này thì lúc khác.

Bản đồ hình lưỡi bò trên biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố. AFP photo.
Bản đồ hình lưỡi bò trên biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố. AFP photo.

Nhưng tinh thần đó nhằm phục vụ cho ý đồ nào, nhiệm vụ nào? Trước mắt hay lâu dài thì cần phải xét đến. Hiện nay, có thể thấy nhà nước Trung Quốc đã ru ngủ công dân họ bằng những luận điệu tuyên truyền, chứng cớ ngụy tạo. Họ đã thuyết phục được công dân của họ chủ quyền ở Biển Hoa Đông, Biển Đông. Thậm chí sắp tới đây, tôi nghĩ Trung Quốc cũng sẽ thuyết phục rằng chủ quyền của họ ở Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và thậm chí là vùng Caribbean nữa.

Quỳnh Chi: Một câu trả lời rất thú vị và dí dỏm. Thưa ông, việc Trung Quốc in bản đồ lên hộ chiếu phổ thông có phải nhằm phản ứng lại hành động Phillippines mời 3 nước khác là Việt Nam, Malysia, Brunei đến dự hội nghị về Biển Đông tại Philiipines vào tháng tới không (đề nghị về hội thảo này đã được đưa ra từ năm ngoái)?

Đinh Kim Phúc: Tôi không nghĩ đây là hành động nhất thời nhằm phản ứng lại sáng kiến của Philippines là kêu gọi 4 nước hợp tác về Biển Đông.

Đinh Kim Phúc

Trong hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã nói rằng đây không phải là thời điểm chín muồi để bàn thảo về Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển – COC. Tất cả những tuyên bố của Trung Quốc tại ĐH 18 vừa qua là một chỉ dấu cho thấy con đường của Trung Quốc là do người Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc quyết định; những nước khác không được xen vào dù đó là ai.

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối cùng thưa ông, ông Lương Thanh Nghị - phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa phản đối lại hành động in bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu Trung Quốc. Trong quá khứ Việt Nam cũng thường xuyên phản đối lại những hành động được cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn có những hành động được đánh giá là leo thang. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt – Trung hiện nay?

Đinh Kim Phúc: Nói một cách ngắn gọn thì "Một khi Trung Quốc xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi. Và một khi Việt Nam xem tình hữu nghị Việt – Trung là lợi ích cốt lõi thì Việt Nam sẽ mất tất cả". Đó không phải chỉ là ý riêng của tôi mà còn là ý của rất nhiều học giả tại hội nghị Biển Đông vừa qua.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông.

Opens in new window

Bản tin truyền hình sáng 22.11.2012

Theo dòng thời sự: