Dân biểu trẻ đứng phó liên danh

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hoà Mitt Romney vừa giới thiệu ứng viên phó Tổng thống của ông, dân biểu Paul Ryan của tiểu bang Wisconsin, hôm thứ bảy vừa qua.

Giành phiếu của giới trẻ

Tuổi trẻ của ông Paul Ryan là một trong những lý do để ông Romney chọn dân biểu Ryan. Ông Barrack Obama đắc cử Tổng thống năm 48 tuổi, là một trong những Tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ.

Ông Obama nhắm vào giới trẻ rất nhiều trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống đầu tiên của ông và người ta cho là phiếu của giới trẻ góp phần quan trọng cho cuộc thắng cử của ông năm 2008.

Vì vậy ông Mitt Romney chọn ông Paul Ryan cũng để vận động giành lá phiếu của thành phần trẻ và giới phụ nữ trong khối cử tri của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên còn nhiều lý do khác quan trọng hơn thế.

Bảo thủ

Dân biểu Paul Ryan được coi là thuộc thành phần bảo thủ của đảng Cộng hoà. 48 tiếng sau khi ông chính thức tuyên bố đứng vào liên danh với ông Romney, đảng Tea Party trong nội bộ đảng Cộng Hoà liền hiến tặng nhiều triệu đô la cho quỹ tranh cử của liên danh này.

Đó là việc mà Tea Party đã do dự rất lâu vì nghi ngờ ông Romney không hẳn là người có chính sách bảo thủ thực sự và không tin vào chiến thắng của “gà nhà”. Nay thì họ đã nhìn nhận liên danh này xứng đáng thay mặt cho đường lối chính sách bảo thủ của đảng.

Chuyên viên ngân sách và an sinh xã hội

Ông Ryan được coi là chuyên viên về ngân sách quốc gia của đảng Cộng Hoà, đối chọi với chính sách của Tổng thống Obama của đảng Dân chủ.

Ông là chủ tịch Uỷ ban ngân sách của Hạ viện, từng đưa ra nhiều dự luật ngân sách rất chặt chẽ; ông cũng từng đề nghị tư hữu hoá chương trình an sinh xã hội, thay đổi triệt để chương trình Medicare và Medicaid; đó toàn là những trọng điểm trong chiến lược tranh cử của ông Mitt Romney và đảng Cộng hoà.

Dân biểu Ryan còn được coi là có tài hùng biện không kém Tổng thống Obama. Năm ngoái ông từng được đảng Công Hoà chọn để phản bác bài diễn văn “State of the Union” của Tổng thống Obama tuyên đọc trước Quốc hội.

Quan điểm của ông Paul Ryan về ngân sách và bảo hiểm y tế có những điểm hoàn toàn đối chọi với chính sách của Tổng thống Obama.

Ông đã ra dự thảo luật tư hữu hoá một phần quỹ an sinh xã hội vì cho là chính quyền quản lý quỹ đó không hiệu quả bằng tư nhân, nhưng dự luật được coi là một chính sách quá táo bạo cho ngân khoản khổng lồ liên quan đến hằng chục triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội và hưu bổng, nên không được quốc hội chấp thuận.

Ông Paul Ryan cũng là tác giả những dự luật cải tổ sâu rộng các chương trình Medicare và Medicaid, nói vắn tắt là giao một phần lớn phúc lợi y tế của người già cho các tiểu bang đảm trách, chu cấp cho họ những chứng chỉ tiền tệ để tự mua bảo hiểm y tế thay vì chính phủ liên bang trả tiền bảo hiểm đó. Ông tính toán là sẽ cắt giảm được hằng trăm tỉ từ ngân sách Medicare-Medicaid cho quốc gia.

Lựa chọn đúng?

Cuộc thăm dò ý kiến của viện Gallup cho kết quả 38% nói chọn ông Paul Ryan là điều hay, 42% nói là không hay. Tuy nhiên kết quả đó trong lúc này không tránh khỏi sự thiếu chính xác. Lần trước, năm 2008, ý kiến về việc chọn bà Sarah Pailin làm phó cho ông McCain được đánh giá tốt hơn, nhưng về sau nhiều người cho rằng việc chọn bà Palin là ý kiến dở nhất của ông McCain.

Thực ra sự chọn lựa nào cũng khó tránh cả hay lẫn dở. Nếu chọn dân biểu Paul Ryan đem lại được sự đoàn kết trong đảng Cộng Hoà và chiếm được nhiều phiếu hơn từ những thành phần bảo thủ trong xã hội, thì ngược lại chủ trương cắt giảm ngân sách bảo hiểm y tế cùng các chương trình y tế cho người già có thể khiến đảng Cộng hoà mất đứt một số tiểu bang hay ít ra cũng mất nhiều phiếu của một số tiểu bang như Florida, Pensylvania, có thể cả Oregon và mấy nơi khác.

Nguy cơ mất phiếu

Lý do là tỉ lệ cử tri trên 55 tuổi của những tiểu bang đó chiếm cao hơn những tiểu bang khác, cho nên họ sẽ không ủng hộ chính sách cắt giảm phúc lợi của họ. Đó là một trở ngại lớn, khi đảng Dân chủ và liên danh đương nhiệm đẩy mạnh cuộc tấn công vào yếu điểm đó.

Thêm nữa, mục đích chiếm phiếu của giới trẻ và phụ nữ cũng khó thành tựu, vì giới trẻ với quan niệm phóng khoáng hơn xưa ngày càng gia tăng, sẽ khó lòng ủng hộ những khuynh hướng bảo thủ trong xã hội.