Trả món nợ 20 năm cho nông dân

Nông nghiệp đã cứu vãn những năm kinh tế khủng hoảng 2009-2010, nhưng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế đã bị đối xử bất công khi đa số nông dân lâm cảnh nghèo cùng cực.

0:00 / 0:00

Thiếu trước hụt sau

Đồng bằng sông Cửu Long dân số 20 triệu trong đó có 12 triệu nông dân, là khu vực cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, cũng như 65% sản lượng thủy hải sản, 70% sản lượng trái cây. Tuy vậy đời sống của nông dân có một khoảng cách quá xa so với cư dân thành thị ngay của vùng đồng bằng, chưa nói đến những thành phố lớn như Sàigon, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.

Năm 2010, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam đạt 1.200USD/năm trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 900USD. Những con số này mang tính tượng trưng vì khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị rất lớn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 18,85% chỉ thua vùng núi miền Bắc. Số liệu chính thức này vừa được công bố dựa theo chuẩn nghèo mới, theo đó ở nông thôn hộ nghèo có thu nhập từ 400.000đ/tháng hay 4,8 triệu đồng/năm trở xuống.

Bên cạnh tỷ lệ ít ỏi các nông dân tích tụ được nhiều ruộng đất, đại đa số người trồng lúa nghèo. Nghèo vì diện tích canh tác của một hộ nông dân quá nhỏ bé, chưa nói tới công nghệ sau thu hoạch lạc hậu gây nhiều thất thoát và sự phân chia không tương xứng trong cả chuỗi giá trị sản xuất. TS lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Trung bình tùy theo tỉnh, tính bình quân mỗi hộ canh tác khoảng 1 ha, nhưng các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang hiện nay có người làm cả trăm đến vài trăm héc-ta, dần dần người ta đã tích tụ ruộng đất để sản xuất tốt hơn. Còn những tỉnh như Long An, Tiền Giang và một số tỉnh khác thì cái trung bình hơi thấp tròm trèm khoảng 1 héc-ta…không những có những người làm nửa mẫu, làm vài ba công đất tức vài ngàn mét vuông thôi.”

Thấy sinh hoạt của nông dân thì thấm thía cái nghèo của họ, đại đa số nông dân làm lúa theo cách ăn trước trả sau, họ không có vốn mọi thứ đều vay mượn theo mô tả của một nông dân vùng sông nước Cửu Long:

“Đại lý không ứng tiền mà ứng sản phẩm của nó bán, ba cái vật tư nông nghiệp mua thiếu được nhưng nó kê giá lên thì đồng lời của nông dân bị mất. Phân bón thuốc trừ sâu nó cho mình cuốn sổ để ghi chép ngày nào nhận bao nhiêu phân, thuốc, giá tiền bao nhiêu. Cuối vụ phải thanh toán theo sổ cho nó, gặt xong phải bán mắc rẻ cũng phải bán để thanh toán.”

Chưa công bằng với nông dân

000_Hkg3834085-250.jpg
Nông dân Đặng Thị Bảy tồn trữ gạo tại nhà ở tỉnh Tiền Giang hôm 06/6/2010. AFP photo (Nông dân Đặng Thị Bảy tồn trữ gạo tại nhà ở tỉnh Tiền Giang hôm 06/6/2010. AFP photo)

Quá trình 25 năm đổi mới đã giúp Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu cả triệu tấn lương thực vào đầu những năm 1980, nay trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông thủy sản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dựa vào nguồn lực tận thu từ nông nghiệp Việt Nam dồn hết khả năng cho phát triển công nghiệp. Hướng đi này đã giúp nền kinh tế tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm liền.

Nhưng những đồng vốn phát triển công nghiệp là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của biết bao nông dân chịu thương chịu khó làm lúa, nuôi tôm cá. Hậu quả của sách lược phát triển công nghiệp hóa bằng mọi giá, đưa tới tình trạng khu vực nông nghiệp đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế là đồng bằng sông Cửu Long đã bị lấy đi nhiều hơn đầu tư trở lại.

Đây là nhận xét của Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam và Châu Á. Báo mạng Vietnam Net trích lời GS Võ Tòng Xuân nói rằng, vùng nông nghiệp trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã bị bỏ quên trong một khoảng thời gian dài, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đồng bằng sông Cửu Long quá ít ỏi, không tương xứng với đóng góp của khu vực này.

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam cũng từng nhìn nhận vấn đề này:

Những thứ mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp, sự phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại.

TS Đặng Kim Sơn

“Những thứ mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp, sự phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại.”

Sau hai thập niên cõng gánh nặng phát triển cho cả nước, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn nghèo nàn về mọi mặt, hạ tầng cơ sở giao thông yếu kém, y tế và giáo dục tụt hậu khá xa với các vùng khác ở Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 12 triệu nông dân đang trông chờ chính phủ thực hiện chính sách tam nông thay vì chỉ quảng bá, phân bổ đầu tư cụ thể để phát triển khu vực này. Nếu như vậy người nông dân sẽ đòi được món nợ 20 năm của mình.

Theo dòng thời sự: