Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13. Mối quan tâm của người dân như thế nào và kỳ vọng gì về bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi khi được Nhà nước kêu gọi người dân cùng tham gia đóng góp ý kiến?
23% người dân biết đến Hiến pháp?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong diễn văn phát biểu khai mạc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào hôm 21/10. Những người quan tâm vẫn còn nhớ thời điểm đầu năm 2013 Chính phủ kêu gọi người dân tích cực đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên tinh thần phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân.
Truyền thông Nhà nước tập trung loan tải tin tức về hoạt động này ở khắp mọi địa phương trên toàn quốc, xác nhận người dân tích cực tham gia.
Người dân thì năm nay mất mùa mà vấn đề người ta quan tâm đến cơm áo gạo tiền chứ người ta cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện sửa Hiến pháp, góp ý là làm sao. <br/> -Một nông dân
Tuy nhiên, trước khi kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 khai mạc, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với chương trình phát triển của LHQ cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng thực hiện 1 cuộc điều tra có tên “Chỉ số Công lý” trên gần hết lãnh thổ Việt Nam cho thấy chỉ có 23% người được hỏi là biết đến Hiến pháp nhưng lại không biết gì tới chuyện sửa đổi đang được Quốc hội xem xét và có đến 42% người dân không hề biết Hiến pháp Việt Nam là gì. Kết quả thăm dò này được đánh giá là khả tín vì không có sự can thiệp của các cơ quan công quyền. Có phải hơn 50% còn lại của 91 triệu người dân Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi tham gia đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay không? Một người dân ở vùng đồng bằng Bắc bộ cho đài ACTD biết như sau:
“Người dân thì năm nay mất mùa mà vấn đề người ta quan tâm đến cơm áo gạo tiền chứ người ta cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện sửa Hiến pháp, góp ý là làm sao. Bỏ Điều 4 hay giữ Điều 4 như thế nào đâu”.
Trong thời gian qua, những công dân Việt Nam chủ động tích cực tham gia đóng góp ý kiến được dư luận quan tâm có “Lời tuyên bố” của Nhóm Công dân Tự do và trước đó còn có “Kiến nghị 72” của các nhân sĩ trí thức có uy tín ở trong nước nhấn mạnh tới các quyền cơ bản của người dân. Sự đón nhận của Nhà nước trước những ý kiến đóng góp này ra sao đã được diễn giải qua lời phát biểu của Tổng Bí Thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng trong một bản tin phóng sự truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam hồi cuối tháng 2.
Người đứng đầu Đảng CSVN cho rằng các luồng ý kiến như muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp-phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn đa nguyên đa đảng, có tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội có thể quy vào là “suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”. Còn những ý kiến đóng góp không khác biệt với định hướng của Đảng CSVN thì người dân đón nhận như thế nào? Một thanh niên quan tâm đến hiện tình đất nước chia sẻ:
"Thật ra việc đấy người ta định sẵn hết cả rồi. Dân thì có góp ý được gì. Vai trò của người dân đối với Hiến pháp chẳng có tác dụng gì hết".
Người dân mất lòng tin
Phát biểu tại buổi họp bế mạc Hội nghị TW 8 hôm mùng 9/10, TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn xác định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 “cần đảm bảo đúng định hướng, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá”. Quốc hội sẽ xem xét và thông qua bản Dự thảo trong kỳ họp thứ 6 này sẽ được người dân chờ đón và có hy vọng gì?
“Bây giờ có lẽ lòng tin của người dân Việt Nam mình nói chung là không còn nữa rồi. Tất cả các cuộc họp người ta cũng chẳng quan tâm nữa. Bởi vì tất cả chỉ là diễn tuồng thôi. Nói chung ông ấy nói theo chủ quan của ông ấy. Định hướng vẫn muốn theo độc đảng của ông ấy thôi chứ còn người dân bây giờ chán hết cả, không còn ai muốn nghe nữa rồi”.
Bây giờ có lẽ lòng tin của người dân Việt Nam mình nói chung là không còn nữa rồi. Tất cả các cuộc họp người ta cũng chẳng quan tâm nữa. Bởi vì tất cả chỉ là diễn tuồng thôi. <br/> -Một người dân
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 kéo dài hơn 1 tháng dường như không tạo ra được sự chờ đón từng ngày của người dân trong nước về kết quả thông qua bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Có vẻ như người dân đã biết trước kết quả sửa đổi sẽ như thế nào và cho dù kết quả này sẽ được thông báo trên các phương tiện truyền thông rằng “đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân” nhưng niềm hân hoan đón nhận của dân chúng lại không có dấu hiệu biểu lộ nào như họ đã từng trong những ngày đầu Chính phủ phát động phong trào nhân dân đóng góp ý kiến.
Trao đổi với đài RFA về hiện tượng xã hội này, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải thiết chế xã hội hiện tại mang tính chất bảo thủ cho nên những tư tưởng khác biệt thoạt nhìn được đánh giá mang tính chất “phản động”, (phản động ở đây để trong ngoặc kép). Tuy nhiên TS Trịnh Hòa Bình nhận định đóng góp về dân chủ của người dân là không thể đảo ngược, ông nói:
“Tôi không tô hồng hay không lạc quan chủ nghĩa nhưng rõ ràng xu hướng dân chủ hóa mạnh mẽ, rộng rãi là không thể đảo ngược. Có thể có 1 bộ phận người ta chưa hài lòng. Tức là tốc độ không nhanh thôi. Đương nhiên xu hướng là không thể đảo ngược được. Không có chuyện bảo thủ và trì trệ níu kéo lại đâu”.
Sự góp ý của người dân thể hiện tính cách dân chủ rất rõ khi một ý kiến cho rằng nó giống như một chọn lựa hàng hóa trên thị trường:
“Bây giờ để cho thoải mái tự do, ai có tài thì ra tranh cử lãnh đạo giống như nước ngoài thì thích hơn. Chứ không thể nào 1 người tự cho mình cái quyền quyết định hết như vậy. Đơn cử khi đi mua hàng thì có nhiều sản phẩm, như dịch vụ điện thoại chẳng hạn, có Viettel, Mobile, Vina…có nhiều hãng để lựa chọn. Chổ nào cạnh tranh hơn và chế độ ưu đãi hơn thì ủng hộ cái đó. Chứ không đồng ý kiểu 1 mình bắt phải mua độc quyền.”
Kết quả về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được công bố vào cuối tháng 11. Dù có thể số đông người dân Việt Nam không hài lòng nếu không nói là thất vọng về kết quả sắp được Quốc hội công bố nhưng hầu hết trong số họ có niềm tin vững chắc một ngày không xa Nhà nước Việt Nam sẽ lắng nghe và chấp nhận những nguyện vọng của họ dù khác biệt với định hướng của Đảng CSVN.