Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định tạm ngừng thu phí trạm BOT Cai Lậy vào chiều tối ngày 4 tháng 12, Bộ Công An cho biết đang phối hợp cùng các bộ ngành để giải quyết sự việc liên quan ách tắc giao thông trong 5 ngày tại trạm này.
Dư luận cho rằng động thái vừa nêu của chính quyền có thể dẫn tới một trường hợp “Đồng Tâm” thứ hai
Đề nghị điều tra
Vào tối ngày 5 tháng 12, một ngày quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành, đại diện của chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho báo giới biết công ty gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan báo cáo chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, trong văn bản của Công ty chủ đầu tư BOT Cai Lậy, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, còn nêu rõ mong muốn Chính phủ cùng Bộ Công An, Bộ Giao thông-Vận tải và chính quyền tỉnh Tiền Giang điều tra hành vi gấy rối của các cá nhân và tổ chức gây mất trật tự tại trạm BOT Cai Lậy, đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Truyền Thông-thông tin cũng như các cơ quan báo đài chỉ đạo đưa tin đúng sự thật.
Nếu Bộ Công An điều tra thì phải điều tra ông Nguyễn Văn Thể và những quan chức hữu quan liên quan trong vụ này... Công tâm mà nói, nếu xét về trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có thể bắt ngay ông Bộ trưởng Giao Thông Nguyễn Văn Thể được rồi<br/>-Nhà báo Võ Văn Tạo<br/>
Trong cùng ngày 5 tháng 12, truyền thông quốc nội dẫn nguồn tin từ Bộ Công An cho biết đang phối hợp cùng Bộ Giao Thông-Vận Tải và chính quyền tỉnh Tiền Giang vào cuộc giải quyết sự việc liên quan ách tắc giao thông tại trạm BOT Cai Lậy trong những ngày trạm này thu phí trở lại, sau khoảng 3 tháng tạm ngừng thu phí. Bộ Giao thông-Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng cho biết cảnh sát giao thông đã ghi hình và lập danh sách 14 xe ở những tỉnh khác chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.
Trước thông tin vừa nêu, một số chủ xe và tài xế đã chạy qua trạm BOT Cai Lậy trong 5 ngày trạm này thu phí trở lại, bắt đầu từ sáng ngày 30 tháng 11 nói với RFA đây là dấu chỉ cho thấy các cấp chính quyền không thực thi theo lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Chính phủ do ông điều hành là chính phủ kiến tạo, một chính phủ minh bạch và biết lắng nghe. Dù rằng trạm BOT Cai Lậy bị người dân phản đối do đặt sai vị trí, nhưng các cơ quan cấp tỉnh và cấp bộ quy chụp người dân có hành vi gây rối. Một tài xế lái xe du lịch ở Sài Gòn lên tiếng:
“Là một người dân trong cánh tài xế chúng tôi, làm ăn cho cuộc sống cơm áo gạo tiền hàng ngày thì không có lý do gì mà chạy tới chạy lui. Căn cứ vào đâu để biết rằng đó là những xe cố tình gây rối?”
Hầu hết những chủ xe và tài xế thường đi qua đoạn quốc lộ 1, nơi trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều bày tỏ họ trông mong Chính phủ sẽ có quyết định dời trạm này sau thời gian 1 đến 2 tháng tạm ngưng thu phí, theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ. Họ còn cho biết nếu nguyện vọng của họ không được Chính phủ lắng nghe thì họ tiếp tục đấu tranh cho lẽ phải và công bằng của người dân, như tài xế Long Huỳnh, một trong những người kiên trì phản đối trạm BOT Cai Lậy chia sẻ là có thể sẽ kiện công ty chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy.
“Nếu trường hợp trạm BOT Cai Lậy không di dời theo như phản đối của người dân, nhằm thể hiện sự sòng phẳng, thì chắc chắn các tài xế sẽ nhờ một văn phòng luật sư để khởi kiện Công ty trách nhiệm Hữu hạn đang đặt trạm thu phí BOT ở đây”.
Kéo dài để đối phó?
Giới luật sư đã lên tiếng việc làm của những tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy đặt không đúng vị trí bằng các hình thức như trả tiền lẻ hay không đồng ý trả phí…là đúng quy định pháp luật; như Luật sư Lê Công Định nói với RFA là căn cứ theo luật định thì chính chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông trong 5 ngày trạm này thu phí trở lại hay VTC News, vào ngày 5 tháng 12, dẫn lời của Luật sư Trần Bá Học, Công ty hãng luật Roma khẳng định việc các tài xế chạy qua chạy lại trạm BOT Cai Lậy là quyền của công dân, không vi phạm pháp luật…
Mặc dù vậy, trong số những người theo dõi sát diễn tiến trạm BOT Cai Lậy mà RFA được dịp trao đổi, chúng tôi ghi nhận có nhiều ý kiến cho rằng chính quyền đang tìm cách để xử lý những ai phản đối không chỉ riêng trạm BOT Cai Lậy mà còn thêm 6 trạm BOT đặt sai vị trí trong phạm vi cả nước. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà quan sát tình hình Việt Nam, nhận định quyết định tạm ngưng thu phí trạm BOT Cai Lậy của Thủ tướng song hành với Bộ Công An vào cuộc giải quyết sự việc ách tắc giao thông ở trạm này khá giống với vụ việc xung đột đất đai giữa dân làng Đồng Tâm với chính quyền địa phương. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phân tích:
...Trách nhiệm thuộc về Bộ Giao Thông-Vận Tải, đã gây tai tiếng cực kỳ lớn. Và dư luận lên tiếng rất nhiều, cho rằng Bộ Giao Thông-Vận Tải 'chấm mút' dính dáng lớn về lợi ích trong đó, qua hình thức chỉ định thầu. Đó là một trong những phương cách mang lại lợi lộc cho cá nhân và tham nhũng tiêu cực ghê gớm<br/>-TS.Phạm Chí Dũng<br/>
“Điều đó có gì đó đúng như vụ Đồng Tâm. Có nghĩa là sau khi ông Nguyễn Đức Chung cam kết với người dân Đồng Tâm sẽ không khởi tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm, thì Công an Hà Nội lại tiến hành truy buộc và có ý muốn khởi tố một số người ở Đồng Tâm đã làm cho tình hình nóng lên và bất lợi cho tình hình chung. Tương tự, nếu Bộ Công An tiến hành truy buộc, truy sát và có thể khởi tố một số tài xế, mặc dù họ không làm gì phi pháp cả, thì điều đó có thể nói giống như hành vi đổ thêm dầu vào lửa, làm cho tình hình rất căng thẳng.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhấn mạnh một điểm mấu chốt liên quan các dự án BOT tại Việt Nam:
“Cần nói rõ một số động thái liên quan vấn đề liên quan đến vấn đề BOT Cai Lậy nói riêng và BOT cả nước nói chung, thì trước đây hầu như 100% dự án BOT được chỉ định thầu. Việc này thuộc về trách nhiệm của Bộ Giao Thông-Vận Tải và đã gây tai tiếng cực kỳ lớn và dư luận lên tiếng rất nhiều, cho rằng Bộ Giao Thông-Vận Tải ‘chấm mút’ dính dáng lớn về lợi ích trong đó, qua hình thức chỉ định thầu. Đó là một trong những phương cách mang lại lợi lộc cho cá nhân và tham nhũng tiêu cực ghê gớm.”
Theo nhận xét của giới chuyên gia, các trạm BOT đặt sai vị trí như BOT Cai Lậy, Tiền Giang hay BOT Ninh An, Khánh Hòa…gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và kinh tế quốc gia, thì Bộ Giao thông-Vận tải là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính. Từ Nha Trang, nhà báo tự do Võ Văn Tạo nêu lên quan điểm của ông liên quan vụ việc trạm BOT Cai Lậy:
“Nếu Bộ Công An điều tra thì phải điều tra ông Nguyễn Văn Thể và những quan chức hữu quan liên quan trong vụ này. Tôi chưa nói đến yếu tố tham nhũng, mà tôi chỉ nói yếu tố xem xét về trách nhiệm, thì chỉ cần riêng thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, tôi nghĩ rằng nếu Bộ Công An có điều tra thì nên điều tra theo hướng đó. Công tâm mà nói, nếu xét về trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có thể bắt ngay ông Bộ trưởng Giao Thông Nguyễn Văn Thể được rồi.”
Thông tin mới nhất liên quan trạm BOT Cai Lậy là tuyên bố của Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân rằng người dân có ý kiến về việc đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 rất đúng. Tuyên bố này được dư luận đồng tình, vì họ cho rằng dân chúng không phải trả phí khi đi lại trên quốc lộ 1 và tất cả quốc lộ khác bởi họ đã làm tròn trách nhiệm đóng đầy đủ các loại thuế phí cho Nhà nước. Người tài xế lái xe du lịch ở Sài Gòn nói rằng Chủ tịch Quốc Hội đề nghị Chính phủ xem xét vụ việc BOT Cai Lậy thì điều đó đồng nghĩa với việc xác nhận "những gì bất hợp lý mà người dân phản ứng, thì (Chính phủ) phải nên lắng nghe ý kiến của người dân và thuận theo lòng dân là tốt nhất."