Thủ đoạn quy chụp thô thiển
Bài viết ký tên Nhóm phóng viên thời sự - chính trị của báo Đại Đoàn Kết ra ngày 9 tháng 3 có cái tựa “Sự ngụy tạo có chủ đích” đã quy kết nặng nề nhóm Kiến nghị 72 trong đó có đoạn như sau:
“Bằng điều tra độc lập của Đại Đoàn Kết, cùng với tư liệu thu thập được của cơ quan an ninh, có thể khẳng định: Ngoài một số nhân sĩ, trí thức có tên, tuổi, chức danh, địa chỉ cụ thể, đa số tên người dân ký tên trên bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện đang phát tán trên một số trang mạng là giả mạo. Việc ngụy tạo tên người dân nhằm tạo sức ép với Đảng và Nhà nước đã khiến việc dân chủ lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bị lợi dụng làm méo mó, biến dạng là động cơ chính trị không trong sáng của một số người có tư tưởng đối lập. Hành động trên không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ của đất nước, mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội, gây ảnh hưởng không tốt đến đại bộ phận người dân Việt Nam. Không những vậy, việc giả mạo, ngụy tạo đó còn làm ảnh hưởng đến uy tín của những nhân sĩ, trí thức có uy tín trong cả nước.”
Có lẽ từ khi xuất hiện tới nay Kiến nghị 72 gặp sự chụp mũ của báo Đại Đoàn Kết là nặng nề và nguy hiểm nhất. Nặng nề rất rõ trong những từ ngữ như: giả mạo, ngụy tạo, động cơ chính trị không trong sáng, gây ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội…Những tội danh nếu quy trách nhiệm trong bộ luật hình sự thì 72 trí thức này chắc chắn sẽ chôn đời mình trong xà lim không thua gì vụ án Nhân Văn Giai Phẩm hay tệ ra cũng không kém Vụ án xét lại chống Đảng.
Những con dao đầy ác ý này ẩn danh dưới cái tên Nhóm phóng viên thời sự - chính trị đã rạch những vết sâu hơn vào hệ thống Đảng qua thủ thuật gọi là điều tra độc lập, một thuật ngữ của báo chí nước ngoài nhằm nhấn mạnh đến tính khách quan của họ khi điều tra một vụ án quan trọng và chứng cứ sẽ chứng minh cho cuộc điều tra ấy.
Nhóm phóng viên này do yếu kém nghiệp vụ đã làm mất thanh danh Đảng vì báo Đại Đoàn Kết là tờ báo Đảng, nó đem những người nông dân ngoài ruộng ra chứng tỏ rằng họ không bao giờ để ý tới Internet và nhóm phóng viên cũng phỏng vấn những cán bộ tại địa phương để nhấn mạnh thêm sự khẳng định của họ là người nông dân không có Internet thì làm sao ký tên vào bản kiến nghị?
Nhiều cán bộ do ông Lập mang về, bổ nhiệm, cất nhắc tạo thành những nhóm lợi ích bảo vệ quyền lợi mà năng lực thì không có. <br/> - Nhà báo Hữu Nguyên
Lẽ ra Đại Đoàn Kết phải tìm ra một người nào đó có tên trong bản Kiến nghị 72, lên tiếng từ chối rằng mình không hề ký nhưng bị nhóm này nêu tên. Hay chí ít tìm ra được một cái tên ma, một địa chỉ e-mail khống. Tuy nhiên việc làm này không chờ tới Đại Đoàn Kết vì công an mạng đã vào cuộc ngay từ ngày đầu tiên cho tới hôm nay khi con số đã lên tới gần 10 ngàn người.
Bài báo không gây một tác dụng nào có hại cho nhóm khởi thảo Kiến nghị 72 mà trái lại dư luận đang chỉa mũi dùi vào ông Đinh Đức Lập, tổng biên tập của tờ báo khi cho rằng ông ta đang dùng đàn em tung hỏa mù vào nhóm Kiến nghị 72 để đánh lạc hướng những việc làm của ông ta đã và đang bị chính nhân viên trong tờ báo chỉ trích, phê phán kịch liệt.
Chỉ cần vào Google đánh ba chữ Đinh Đức Lập sẽ có gần 7 triệu kết quả về cái tên này. Trong 7 triệu kết quả ấy hầu hết đều là những tin tức không tốt về ông ta khi bắt đầu chiếm giữ vị trí tổng biên tập tờ Đại Đoàn Kết. Nhà báo Hữu Nguyên, người lên tiếng rất sớm tình trạng cát cứ và bè phái của ông Lập cho biết nhận xét của ông về lý do xuất hiện bài báo trên tờ Đại Đoàn Kết như sau:
" Tôi nghĩ ông Đinh Đức Lập hiện nay đang bị rất nhiều nhà báo trong tờ Đại Đoàn Kết tố cáo về những sai phạm rất nghiêm trọng kể cả sai phạm trong vẩn đề nghiệp vụ làm báo, sai phạm cả trong quản lý điều hành liên quan đến vần đề kinh tế tài chánh rất nghiêm trọng cũng như trong vấn đề xử lý con người trong thời gian vừa qua đã gây tổn hại cho tờ báo Đại Đoàn Kết rất nhiều .
Nhiều cán bộ do ông Lập mang về, bổ nhiệm, cất nhắc tạo thành những nhóm lợi ích bảo vệ quyền lợi mà năng lực thì không có. Đã có những người được ông Lập âm thầm cho một số người vi phạm pháp luật bỏ chạy nhằm tránh các cuộc điều tra. Cái bài viết này có thể ông Lập nghĩ rằng đây là cách kiếm điểm hài lòng cấp trên mà thôi."
Phản ứng của nhóm kiến nghị
Ngay sau khi bài báo xuất hiện là phản ứng chính thức của nhóm soạn thảo kiến nghị. Ngắn gọn và rõ ràng, nhóm Kiến nghị 72 cho biết rằng ngoài những người đứng đầu danh sách, tất cả những người khác sẽ được nhóm che giấu không nêu địa chỉ nhằm tránh tình trạng trước đây "khi trang Bauxite VN trung thực đưa chữ ký trực tiếp của người ký lên mạng, ngay sau đó không ít người có chữ ký và có ghi địa chỉ cụ thể đã bị truy bức, mà ông Trần Đức Quế, một cán bộ lão thành ở Hà Nội, đã bị công an truy bức liên tiếp trong hai ngày".
Ông Lê Hiếu Đằng nguyên phó chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố HCM cho biết nhận xét của ông về 72 nhân sĩ trí thức:
" Trước hết tôi biết hầu hết 72 người ký tên là sự thật. Đây là những người đã từng ký vào nhiều văn bản khác chứ không phải lần đầu tiên họ ký và họ đã ký với tinh thần trách nhiệm chứ không phải là họ không biết điều đó do đó nếu nói là giả hay là gì đó là hoàn toàn tầm bậy, hoàn toàn không đúng. Nói như vậy là thiếu tôn trọng những người đã ký tên và rõ ràng đây chỉ là thủ đoạn. Bởi vì khi ký tên thì người ta biết những hậu quả hay những gì sẽ xảy ra cho họ nhưng họ vẫn ký và từ ngày ký tới giờ chưa có ai người ta phản đối cả. "
Bằng địa chỉ e-mail, an ninh mạng có thể truy ra không khó nhân thân của người gửi, và vì vậy tác giả gửi thư yêu cầu ghi danh tự chịu trách nhiệm với cơ quan pháp luật, đâu tới phiên tờ báo Đại Đoàn Kết làm công việc gọi là điều tra độc lập.
Nhà báo hữu Nguyên với kinh nghiệm và kiến thức làm báo của mình nói về nghiệp vụ của những đồng nghiệp trong bài bào này:
Đây là những người đã từng ký vào nhiều văn bản khác chứ không phải lần đầu tiên họ ký và họ đã ký với tinh thần trách nhiệm. Nếu nói là giả hay là gì đó là hoàn toàn tầm bậy, hoàn toàn không đúng. <br/> - Ông Lê Hiếu Đằng <br/>
" Bài báo đó theo tôi thấy thì nghiệp vụ điều tra để có chứng cứ thuyết phục bạn đọc thì tôi thấy cơ sở đưa ra thì trong bài báo này không thuyết phục được. Bản thân ngay những điều mà bài báo phê phán người ta không rõ ràng về nhân thân địa chỉ của những người được hỏi thì bài báo cũng phạm sai lầm y như thế đó là một ví dụ. Hai nữa làm một cuộc điều tra mà nó không dựa trên một tiêu chí nào cả mà chỉ đi hỏi thăm vu vơ những người ở ngoài đường hay trên cánh đồng theo kiểu tùy tiện thì không thể là một cơ sở thuyết phục được. "
Trong khi Đảng vất vả dựng những kịch bản trên VTV nhằm chống lại Kiến nghị 72 bằng các phản biện của trí thức yêu Đảng thì việc làm không chuyên nghiệp của tờ Đại Đoàn Kết đã tiếp tay cho bộ phận không tin vào Đảng có thêm chứng cứ về một âm mưu quy chụp trí thức khó nói là công bằng trong cuộc đấu trí này. Bất kể những phóng viên viết bài báo xuất phát từ động cơ cá nhân hay nhiệt tình cách mạng nhưng câu nói nổi tiếng của Lê Nin: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ trở thành phá hoại” đem áp dụng vào trường hợp này sẽ rất ăn khớp với bản chất của những tác giả bài viết vừa nói.
Vấn đề đặt ra là Đảng có thấy đó là sự phá hoại hay không. Chỉ sợ rằng những cách phá hoại núp dưới cái vỏ làm hài lòng Đảng sẽ kéo theo những liên kết nguy hiểm cho một sự sụp đổ được báo trước.