Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai

0:00 / 0:00

Một Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai, được công khai trên lên mạng Internet hôm ngày 26 tháng Tư và cập nhật đến hôm 2 tháng Năm có gần 500 người trong và ngoài nước tham gia ký tên.

Yêu cầu thay đổi qui định sở hữu đất đai

Nội dung bản yêu sách đánh giá chính sách đất đai với định nghĩa “đất đai là công thổ nhân dân do nhà nước thống nhất quản lý, đảm bảo người dân được quyền sử dụng lâu dài” mà nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam áp dụng mấy thập kỷ qua đã bộc lộ sự lạc hậu, bất cập, xa lạ với hầu hết các quốc gia văn minh tiên tiến, là lực cản lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, gây bức xúc lớn trong nhân dân, tạo nên tầng lớp dân oan ngày càng nhiều.

Nhà báo tự do Võ Văn Tạo, người trực tiếp soạn thảo bản yêu sách, cho biết:

Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai vừa rồi công bố chủ yếu trên truyền thông của lề dân và cộng đồng mạng, thứ nhất là do sự biến ở Đồng Tâm, Hà Nội, gây một cú chấn động tâm lý nhân dân cả nước, thậm chí các quốc gia nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm.

Đã sở hữu là được quyền quản lý được quyền định đoạt, như vậy do nhà nước quản lý thì nó nhập nhằng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. <br/> - Nhà báo Bùi Văn Bồng

Thực chất là do luật đất đai của nhà nước Việt Nam “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý” mà mấy chục năm nay rồi không có gì thay đổi. Toàn dân cuối cùng chẳng có chủ gì cả, nhà nước muốn lấy gì thì lấy. Mình đang ở một cái nhà bình thường hay là đang canh tác trên đám ruộng của cha ông để lại, ông nhà nước khoái là ông khoanh ông lấy và đền bù với một giá rất bèo . Cái đấy là bất hợp lý ghê gớm rồi.

Chính vì thế, nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp, Bản Yêu Sách kiến nghị nhà nước Việt Nam khẩn cấp cải cách chính sách đất đai, công nhận và bảo hộ quyền tư hữu đất đai và nhà ở như mọi tài sản và tư liệu sản xuất sinh hoạt khác .

Bên cạnh đó, Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai cũng kiến nghị nhà nước là việc lấy đất để xây dựng các cơ sở an ninh, quốc phòng, hạ tầng công cộng vân vân ... thì phải bổi thường đúng giá trị. Mọi tranh chấp nếu không thỏa hiệp được thì phải giải quyết bởi giám định độc lập hay tòa án.

Một chi tiết khác quan trong không kém là các dự án có mục đích sinh lợi của bất cứ doanh nghiệp nào ở trong hay ngoài nước đều phải thỏa thuận với người dân có đất bị trưng thu, phải công khai minh bạch và được đa số dân đồng thuận.

Hai đề xuất sau cùng, điểm thứ 6 và điểm thứ 7 của Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đấy Đai là nghiêm cấm các lực lượng vũ trang tham gia thu hồi đất, xử lý nghiêm minh viên chức vi phạm chính sách đất đai. Nhà báo Võ Văn Tạo:

Tôi làm xong và gởi cho anh em thì có nhiều ý kiến phản hồi trong nước có ngoài nước có. Có những người góp ý tỉ mỉ trong việc chọn từng câu từng chữ trao đổi cho nó thông suốt. Trong quá trình đó thì tôi thấy hầu hết anh em rất là vui vẻ.

Đây là tiếng nói của trí thức phản biện góp phần tác động để may ra nhà nước nhận thức ra càng nhanh thì càng tốt cho đất nước chứ nếu mà cứ để bất ổn xảy ra thì chính ngai vàng của họ càng sập nhanh hơn.

Bức xúc của toàn xã hội

Chính sách đất đai của Việt Nam vừa mơ hồ vừa nhập nhằng giữa dân với nhà nước vừa là thực trạng bức xúc của toàn xã hội, là nhận định của nhà báo Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân Đội Nhân Dân khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, cũng là một trong những người ký vào Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai với 7 đề xuất cần phải sửa đổi:

Từ khi đất đai có giá trị lớn thì nảy sinh ra sự chiếm dụng bằng nhiều cách. Người có tiền và có chức có quyền thì mới chiếm dụng được, đất lại là cái làm giàu lên rất nhanh, trở thành tranh chấp rất là lớn.

Thế nhưng gốc của vấn đề là cái luật đưa ra không rõ, nó mâu thuẩn ngay trong câu “đất là sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý”. Đã sở hữu là được quyền quản lý được quyền định đoạt, như vậy do nhà nước quản lý thì nó nhập nhằng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Thế nên tranh chấp đất đai sinh ra phức tạp và rối loạn. Bức xúc thì mới ra yêu sách đó gọi là hạn chế đến mức thấp nhất sự tham lam đất đai của các nhà quản lý các nhà lãnh đạo để rồi thực hiện công bằng xã hội.

Dân Dương Nội trong một lần biểu tình đòi đất trước Bộ Công An ở Hà Nội.
Dân Dương Nội trong một lần biểu tình đòi đất trước Bộ Công An ở Hà Nội. (Photo courtesy of danchimviet )

Cải cách chính sách đất đai ở đây, nhà báo Bùi Văn Bồng nhấn mạnh, cũng là công nhận quyền tư hữu đất đai của dân và của các doanh nghiệp sản xuất tư nhân trong cơ chế thị trường mà Việt Nam nhắm tới:

Ngày xưa chỉ có kinh tế quốc doanh tức kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã cũng là do nhà nước quản lý hết. Nhưng đến bây giờ kinh tế thị trường bung mở ra với nhiều thành phần kinh tế mà tư nhân được phép phát triển mạnh thì rõ ràng từ đó mà đất đai trở thành vấn đề tranh chấp gay gắt và cơ bản. Vì thế câu chữ trong văn bản pháp luật phải sửa làm sao cho phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

Trong một bài viết trên báo Saigon Times hôm thứ Năm ngày 4 vừa qua, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, giảng viên kinh tế của chương trình Fullbright, tốt nghiệp khoa Kinh Tế Đô Thị Và Chính Sách Công Cộng từ đại học Havard, cho rằng cái gốc của tranh chấp đất đai không phải là vấn đề sở hữu mà là chuyện xác định mức độ đền bù thỏa đáng, chuyện không minh bạch và không có sự tham gia thực chất của người dân.

Theo ông, tranh chấp đất đai không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước, thậm chí có nhiều quốc gia mà chính quyền phải sử dụng biện pháp mạnh như xe ủi đất cưỡng chế xung công vào các dự án phát triển kinh tế của họ.

Về lâu dài ta phải giải quyết vấn đề này. Không có Đồng Tâm này thì có Đồng Tâm khác, hiện nay hàng loạt cái Đồng Tâm đang sẵn sàng nổ ra vì nghịch lý vẫn cứ tồn tại. <br/> - Ông Nguyễn Khắc Mai <br/>

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thuộc nhóm Minh Triết, bày tỏ là ông đồng ý với quan điểm của kinh tế gia Huỳnh Thế Du nhưng nói thêm là vấn đề ở Việt Nam có phần phức tạp hơn ở lãnh vực sở hữu:

Như là tệ nạn tham nhũng rồi cậy quyền của bộ máy nhà nước chính là cũng từ vấn đề này. Nhưng nói gì thì nói phải để cho người dân có quyền sở hữu. Những người sản xuất chỉ được tự do khi có quyền sở gữu về đất đai. Đất đai là quốc gia công thổ do nhà nước đại diện làm chủ là khái niện rất tù mù, vì thế cho nên anh Huỳnh Thế Du nói đến giá cả đền bù nghĩa là anh nhấn mạnh đến cái biểu hiện bề ngoài gay gắt của vấn đề. Thế còn anh em trong nước thì đang đặt vấn đề cốt lõi là bản chất của nó. Khi người ta có quyền làm chủ thì người ta có quyền ra giá mà tôi nhượng thì chừng này tiền, bán thì phải chừng này tiền giá cả thị trường. Không có quyền làm chủ thì làm sao mà anh đòi được cái gia thế nọ thế kia.

Là một trong những người đầu tiên ký tên vào Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai, ông Nguyễn Khắc Mai nói là vì ông đồng tình với những người thực hiện dẫu biết rằng đây là yêu cầu không thể được đáp ứng trong một sớm một chiều:

Về lâu dài ta phải giải quyết vấn đề này, thế còn được hay không còn tùy thuộc nhiều chuyện khác. Nếu không giải quyết thì cục xương vẫn ở trong cuống họng, xã hội sẽ luôn rối loạn, không có Đồng Tâm này thì có Đồng Tâm khác, hiện nay hàng loạt cái Đồng Tâm đang sẵn sàng nổ ra vì nghịch lý vẫn cứ tồn tại.

Cần có sự tham gia thực chất của dân trong vấn đề sở hữu, tranh chấp, trưng thu hay nhượng đất cho những dự án kinh tế xã hội, là khẳng định của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, bởi nếu không thì người dân sẽ tham gia chống lại việc làm của những nhóm lơi ích đang âm mưu lấy đất của họ.

Đây cũng là một trong những lập luận của Bản Yêu Sách Cải Cách Đất Đai với hàng trăm chữ ký tính đến đầu tháng Năm trên con đường tranh đấu nhắm xóa bỏ những bất cập và bất công trong chính sách ruộng đất của nhà cầm quyền Việt Nam.