Philippines vẫn tìm sự ủng hộ của quốc tế

Trong lúc tình hình biển Đông đang nóng trở lại với những hoạt động càng mạnh mẽ và dứt khoát của Trung Quốc, Philippines kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của đồng minh Hoa Kỳ.

0:00 / 0:00

Đôi bên cùng có lợi

Sáng ngày 2 tháng năm, tại buổi nói chuyện với giới ký giả được tổ chức bởi The Heritage Foundation, trụ sở tại Washington, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tái khẳng định lập trường của Manila đối với vấn đề biển Đông mà nước này gọi là biển Tây Philippines.

Buổi nói chuyện diễn ra nhân chuyến công du của ông và bộ trưởng quốc phòng Voltare Gazmin đến Washington tham dự cuộc đối thoại với những người tương nhiệm của Hoa Kỳ. Trong bài nói chuyện kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ, ông Albert del Rosario cho rằng sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc là một thách thức của cả Hoa Kỳ và Philippines:

“Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực làm cho Washington có thể nhanh chóng phản ứng lại những sự việc diễn ra và cũng đảm bảo tự do luư thông và giao thương hàng hải”.

Ngoại trưởng Philippines cũng không quên nhấn mạnh rằng mối quan hệ Hoa Kỳ - Philippines cần được nuôi dưỡng để đảm bảo rằng hai bên có thể chịu trách nhiệm cho những thách thức chung.

Trong khoảng 60 năm trở thành đồng minh của nhau, đây là cuộc gặp tay bốn hay còn gọi là “2 + 2” lần đầu tiên giữa hai nước. Chuyến viếng thăm giữa lúc tranh chấp tại bãi cạn Scarborough chưa được giải quyết làm nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy vấn đề biển Đông được nâng lên một cấp. Cả Hoa Kỳ, Philippines và Trung Quốc đều chưa lên tiếng về nhận định này nhưng ông Albert del Rosario cho biết, hy vọng tương lai sẽ có nhiều cuộc họp cấp cao để thắt chặt hơn quan hệ hai nước “trong quốc phòng, an ninh”:

Rõ ràng vấn đề đã vượt xa khỏi khu vực và trở thành vấn đề của quốc tế xét về khía cạnh tự do hàng hải, giao thương, hòa bình.

Ông Albert del Rosario

“Cả bà Ngoại trưởng và ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng rất sẵn sàng hợp tác trong tinh thần đôi bên cùng có lợi. Trong cuộc thảo luận, chúng tôi không chỉ nói về việc Hoa Ký giúp đỡ Philippines như thế nào mà còn nói về cách thức để phát triển nhằm giải quyết những thách thức chung như hai đối tác và trong công bằng”.

Lập trường của Trung Quốc là không muốn quốc tế hóa vấn đề biển Đông nhất là không muốn Hoa Kỳ có cơ hội can dự vào vùng biển đang bị tranh chấp phức tạp này. Trả lời một câu hỏi tại buổi thảo luận, Ngoại trưởng Philippines cũng không ngần ngại cho biết trong các cuộc đối thoại với Bắc Kinh, Trung Quốc luôn tỏ rõ lập trường không muốn Philippines lôi kéo Hoa Kỳ vào vụ việc.

Về phía Hoa Kỳ, mặc dù luôn khẳng định không đứng về phía nào trong những tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, cũng như các bên khác và luôn hậu thuẩn một giải pháp ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ luôn ủng hộ tự do hàng hải và cho thấy nước này cần hiện diện tại biển Đông.

Việc ông Albert del Rosaria dựa vào vấn đề tự do hàng hải và lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ và Philippines có cùng chung một thách thức có thể xem là một dấu chỉ ngoại giao khôn khéo nhằm giải thích cho sự có mặt của nước đồng minh tại khu vực tranh chấp.

Đụng độ tại bãi đá cạn Scarborough cho thấy sự quyết tâm của Bắc Kinh và Manila cũng tỏ ra cứng rắn không kém. Giới chức cao cấp bộ quốc phòng Trung Quốc hồi tuần trước lên tiếng cho biết quân đội có thể được sử dụng để bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ. Trong khi trước khi lên đường đi Washington vào tuần trước, phía Philippines cũng nói sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ về mặt quân sự. Chi tiết các yêu cầu của Philippines chưa được bật mí cho đến cuộc thảo luận này.

Ứng xử theo luật quốc tế

alexander-pama-250.jpg
Phó Đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama trưng hình ảnh hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc chặn tàu chiến Philippines trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 11/4/2012. AFP (Phó Đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama trưng hình ảnh hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc chặn tàu chiến Philippines trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 11/4/2012. AFP)

Theo Ngoại trưởng Albert del Rosario, Hoa Kỳ đã thảo luận để giúp Manila đạt được một mức đáng tin cậy tối thiểu về quốc phòng và nâng cấp khả năng an ninh hàng hải. Theo vị Ngoại trưởng này, Manila đã đưa cho Hoa Kỳ một danh sách mà nước này cần bao gồm những thứ mà Hoa Kỳ có thể giúp bao gồm tàu tuần tra, máy bay tuần tra, hệ thống radar...

Tuy nhiên, theo vị ngoại trưởng, việc tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ không nằm ngoài mục đích thiết lập một môi trường ứng xử theo luật quốc tế cho các bên:

“Việc thắt chặt quan hệ với đồng minh không có nghĩa nhằm chống lại ai mà chỉ thiết lập một môi trường dựa vào luật pháp để hình thành các ứng xử của các nước nhằm tìm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp”.

Ngoại trưởng Philippines cho biết sẽ giải quyết tranh chấp tại biển Đông và bãi cạn Scarborough thông qua ba con đường: con đường chính trị, con đường pháp lý và ngoại giao. Cụ thể, Manila sẽ vận dụng các đối thoại ASEAN, vận dụng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); dựa vào Công ước QT về luật biển 1982 – UNCLOS; và đối thoại trực tiếp với Trung Quốc:

“Một giải pháp ngoại giao là một giải pháp mà các bên mong muốn nhưng dựa vào luật pháp là một giải pháp có thể làm. Đó là lý do vì sao chúng tôi mời Trung Quốc mang vấn đề này ra luật pháp quốc tế. Tại sao Trung Quốc từ chối xác định tuyên bố chủ quyền của mình tại một phiên tòa quốc tế?”

Mặc dù Hoa Kỳ chưa lên tiếng ủng hộ một phiên tòa quốc tế nhưng hôm thứ Hai, bà Hilary Clinton cũng đã tái khẳng định rằng “Ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển thông qua ngoại giao hòa bình, hợp tác trong khuôn khổ pháp luật quốc tế”.

Theo ngoại trưởng Philippines, Công ước quốc tế về luật biển 1982 cần được dùng để phân định vùng tranh chấp với không tranh chấp và nó là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, Manila không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ mà cả quốc tế bao gồm những nước có tranh chấp và những nước có quan tâm đến tự do hàng hải và hòa bình khu vực:

“Rõ ràng vấn đề đã vượt xa khỏi khu vực và trở thành vấn đề của quốc tế xét về khía cạnh tự do hàng hải, giao thương, hòa bình. Chúng tôi tin rằng việc làm cho khu vực này trở thành vùng hòa bình, tự do, hữu nghị, hợp tác là việc của các nước và khu vực. Chúng tôi thật sự khuyến khích những nước khác liên kết với chúng tôi”.

Trong cuộc thảo luận, chúng tôi không chỉ nói về việc Hoa Ký giúp đỡ Philippines như thế nào mà còn nói về cách thức để phát triển nhằm giải quyết những thách thức chung như hai đối tác và trong công bằng”.

Ông Albert del Rosario

Bất chấp lời cảnh báo không nên quốc tế hoá vấn đề từ phía Trung Quốc, có nhiều dấu chỉ rõ ràng cho thấy Manila muốn tranh thủ một mối quan hệ sâu và rộng hơn đối với các nước khác trong vấn đề hàng hải. Trong buổi thảo luận này, ông Ngoại trưởng cũng nhiều lần kêu gọi các nước khác giúp đỡ và ủng hộ trong vấn đề biển Đông. Hiện tại, nước này đang mở rộng quan hệ đối tác với Nhật Bản, Úc, Nam Hàn và những nước khác về lĩnh vực an ninh hàng hải, trợ giúp nhân đạo, thiên tai.

Có thể thấy khá rõ quan điểm nhất quán và cứng rắn của Philippines từ Tổng thống Bennigno Aquino, Bộ trưởng Quốc phòng Voltare Gazmin và Ngoại trưởng Albert del Rosario trong vấn đề biển Đông. Ngoài việc từng bước chuẩn bị một hệ thống quân sự bên trong, còn có sự tìm kiếm sự ủng hộ càng nhiều càng tốt của quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh và dựa vào luật pháp quốc tế. Philippines đã khôn khéo đưa ra những lý do cho thấy sự can dự của quốc tế là khả dĩ. Tất cả những gì Philippines đang làm, theo ông Ngoại trưởng, là không phải xâm phạm hay chống đối ai mà là để đảm bảo rằng “cái gì của Philippines là của Philippines”, và rằng biển Đông “vẫn là lợi ích cốt lõi” của nước này ̣

Theo dòng thời sự: