Philippines cưỡng chiếm
Ông Đinh Kim Phúc: Trước khi có ý kiến về vấn đề này tôi xin khẳng định một lần nữa là Philippines hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Philippines bắt đầu tranh chấp với Việt Nam và các nước trong khu vực một số đảo trên quần đảo Trường Sa, từ những thập niên 50 của thế kỷ trước.
Hành động mới nhất của Philippines cho thấy Philippines đang chạy đua theo cái tham vọng của Trung Quốc, vào khi trong thời gian gần đây Trung Quốc liên tục đe dọa các nước có tranh chấp ở biển Đông, như là đe dọa cuộc tập trận giữa Việt Nam và Philippines, rồi tuyên bố bắt đầu cho tiến hành đo đạc để in lại các bản đồ ở biển Đông nhằm phục vụ cho việc khai thác và khẳng định chủ quyền của họ.
Đáp lại, việc Philippines cho xây dựng căn cứ trên đảo Thị Tứ, tôi nghĩ Philippines cũng muốn tái khẳng định chủ quyền trên một số đảo mà Philippines chiếm đóng.
Theo tôi sự leo thang của Philippines, hay là mặc dù cố tạo ra tình hình căng thẳng, để rồi có những nhượng bộ hay là thậm chí bắt tay với Trung Quốc để cùng nhau khai thác ở biển Đông như vậy thì Philippines không mất gì cả vì vùng đất này không phải của họ mà họ ngang nhiên cưỡng chiếm của Việt Nam.
Đảo Thị Tứ có vị trí quân sự hết sức hiểm yếu trong việc phòng thủ và bảo vệ khu vực phiá Bắc quần đảo Trường Sa.
Nếu Philippines tuyên bố chủ quyền và tiến hành xây dựng căn cứ trên đảo này trong thời điểm hiện nay thì Philippines là người gây ra những căng thẳng mới trong tranh chấp chủ quyền mà chính Manila nhiều lần lớn tiếng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ những qui định của Công Pháp Quốc Tế, qui định của Công Ước về biển Đông năm 2002 mà Philippines là một nước ký kết.
Thanh Trúc: Thưa nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một điều không thể phủ nhận là Philippines đã kiểm soát năm đảo ở quần đảo Trường Sa kể cả đảo Pag-asa, tiếng Việt gọi là Thị tứ. Họ đã hình thành nhóm đảo ấy thành một thị trấn của Philippines có lên Kalayaan tức Thị Trấn Tự Do. Làm sao để Philippines không nhận chủ quyền trên đó?
Trận bóng tay ba
Ông Đinh Kim Phúc: Cái bàn cờ trên biển Đông hiện nay thì tôi thấy nó bắt đầu đi vào vòng lẩn quẩn giữa các bên có tranh chấp. Theo dõi tình hình gần đây, nhất là từ khi có sự va chạm giữa Philippines và Trung Quốc ở vùng Bãi Cỏ Rong, ta thấy Việt Nam không lên tiếng phản ứng hành động của Philippines.
Trong một bài viết của tôi về việc tranh chấp này tôi đã chỉ rõ là nó như một trận bóng đá mà có ba đội, đội Trung Quốc, đội Philippines, đội Việt Nam.
Trong khi Việt Nam chưa đá thủng lưới đội bạn thì Trung Quốc và Philippines đã ghi điểm trước. Vì vùng đất vốn không phải của họ nhưng họ cố tình tạo ra một điểm tranh chấp rồi tuyên bố chủ quyền rồi bắt đầu đặt ra những điều kiện để đàm phán để tranh chấp.
Và hành động mới nhất là thành lập một vùng đất mới sẽ nẩy sinh một va chạm nữa. Giữa Việt Nam và Philippines sẽ có sứt mẻ trong đoàn kết và trong tuân thủ những cam kết của ASEAN để mà đối trọng lại với Trung Quốc trong tuyên bố ‘đường lưỡi bò” của họ ở biển Đông.
Tôi nghĩ đây là một điểm mới mà sẽ gây khó xử trong ngoại giao và trong nội bộ của ASEAN. Xung đột vũ trang hay không thì chưa dứt khoát để đặt ra câu hỏi, nhưng dứt khoát phải nói rằng đây là điểm mấu chốt để tạo ra một điểm nóng mới, không phải tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc mà bắt đầu điểm nóng tranh chấp trong nội bộ ASEAN mà cụ thể là Việt Nam và Philippines.
Bài học mới nhất: mềm nắn rắn buông
Thanh Trúc: Cách đây không lâu, để đối lại với những hành động có tính áp đảo của Trung Quốc trên biển Đông, chính Philippines lên tiếng yêu cầu hỗ trợ cho họ. Trong khi đó, ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố vấn đề biển Đông phải được giải quyết trong hoà bình và theo đúng luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ như thế thì chẳng nhẽ Philippines bây giờ lại gây thêm mâu thuẩn với Việt Nam hay sao?
Ông Đinh Kim Phúc: Khi tranh chấp chủ quyền bao giờ các bên cũng đưa ra những nguyên tắc cứng rắn. Việc Philippines vừa qua rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền trên vùng đảo Trường Sa vì Phi là đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó Việt Nam đã tuyên bố từ bỏ tư duy chính trị quốc tế trong thời chiến tranh lạnh, tức đi với một nước này để chống một nước khác. Việt Nam luôn tuyên bố muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, tôn trọng độc lập, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và hai bên cùng có lợi.
Đo đó Việt Nam không dựa vào bất cứ một cường quốc nào để giải quyết tranh chấp về chủ quyền về lãnh thổ lãnh hải trên đất nước mình. Việt Nam đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm đối với các cường quốc trong vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á.
Thí dụ năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc bấy giờ thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hoà là đồng minh của Mỹ. Mỹ đã im hơi lặng tiếng cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Năm 1988, khi Hiệp Ước Hữu Nghị Việt Xô hai mươi lăm năm vẫn còn nguyên giá trị, khi Liên Xô vẫn có căn cứ quân sự ở Cam Ranh, Liên Xô vẫn làm ngơ cho Trung Quốc tiến chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Do đó, vấn đề quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước thì tôi nghĩ rằng phải xây dựng nội lực và kêu gọi quốc tế trong nền tảng Công Pháp Quốc Tế và trong nền tảng Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Điều đó bảo đảm an toàn cho vấn đề khẳng định chủ quyền và trong vấn đề đấu tranh để bảo vệ chủ quy
ền còn hơn dựa vào cường quốc nào khác.
Việt Nam luôn tuyên bố giải quyết bằng biện pháp hoà bình. Biện pháp hoà bình phải bao gồm rất nhiều phương thức khác nhau chứ không thể chỉ tuyên bố chủ quyền rồi đứng nhìn những người khác lấn chiếm, đe dọa thậm chí có những hành động như bắt bớ ngư dân để đòi tiền chuộc như Trung Quốc.
Thái độ cứng rắn của chính phủ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình đến đâu thì nó sẽ hạ nhiệt vấn đề tranh chấp đến đó. Càng mềm dẻo thì các bên đối phương sẽ lấn tới, vấn đề đó thời gian qua đã chứng minh.
Việt Nam càng tuân thủ các biện pháp hoà bình thì Trung Quốc và Philippines lại lấn tới. Còn biện pháp quân sự chỉ là biện pháp cuối cùng và không phải là tối ưu để giải quyết tranh chấp trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Đinh Kim Phúc.