Hành hương về quê hương của đức Phật Thích ca, người sáng lập Phật giáo, đã trở thành mục đích trong đời tu tập của nhiều Phật tử Việt Nam. Kính Hòa theo dõi một đoàn Phật tử Việt Nam thực hiện chuyến hành hương Ấn Độ trong tháng tư.
Hiểu đúng lời Phật dạy
Tháng tư không phải chỉ có nỗi buồn chiến tranh, không phải chỉ có những tiếng nổ chát chúa của tư tưởng cực đoan, mà tháng tư còn là tháng Phật Thích ca đản sanh, khai sinh một tôn giáo-triết lý ôn hòa đã hơn hai ngàn năm nay. Một đoàn Phật tử hơn tám mươi người xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyến hành hương về quê hương đức Thích ca.
Nhà sư Thích Đồng Văn từ chùa Viên giác, nơi tổ chức chuyến hành hương nói:
"Mục đích của chuyến đi là Cố gắng tự tu và hiểu đúng lời Phật dạy, chiêm bái các dấu tích của Đức Phật, dũng mãnh tiến lên trrên đường Phật dạy, lướt qua được những chướng ngại trong cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt hơn."
Chuyến đi được dự trù là rất vất vả, với khí hậu khắc nghiệt của vùng đất Ấn độ nghèo khó, với những chuyến xe dài hàng ngày trời xuyên qua những con đường dường như vẫn chưa được tu sửa từ thời Đức Phật lịch sử còn tại thế. Tuy vậy chuyến đi ấy không phải ai cũng có thể thực hiện trong đời, đó là chuyến đi về đất Phật, như Phật tử Viên Nhã nói với chúng tôi trong sảnh chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất:
Dù là quan chức hay nhà giàu, miễn có lòng vào công đức thì cũng có những hạt lành phát triển, bây giờ người ta tin mà có hiểu biết, nhưng cũng có một bộ phận tin mà thành mê tín. <br/> -HT Thích Đồng Văn
“Dù vất vả nhưng cái ý nghĩa lớn nhất của chuyến đi là chuyến đi về đất Phật.”
Sau mấy giờ đồng hồ bay từ Sài Gòn đoàn đến Kalkatka quê hương của đại thi hào Tagor, đoàn hành hương thẳng tiến Bodhygaya, nơi thái tử Tất Đạt Ta thành đạo. Hơn hai thiên niên kỷ đã trôi qua, đỉnh Linh Thứu như vẫn ngóng trông lời thuyết pháp của đại giáo chủ, trong tiếng kinh kệ trầm bổng từ cội bồ đề ngàn năm. Từ Bohdygaya, thầy trưởng đoàn Thích Trí Thông xúc động:
“Mình tụng kinh và cầu chúc cho người Việt nam mình tốt hơn.”
Với lòng thành ấy, từ Lộc Uyển, thành phố Varanasi, nơi Đức Phật lần đầu tiên chuyển pháp luân, Phật tử Giác Từ, nói:
“Có tâm thành nên thấy không vất vả, dù nóng bức không có điều kiện như ở nơi khác.”
Trong cái nóng bức của mùa hè Ấn độ, trong đô thành Varanasi ba ngàn năm tuổi, tám mươi trái tim Phật tử Việt Nam thành tâm lễ bái trên dòng Hằng hà thiêng liêng, mong cho mọi vong hồn uổng tử siêu thoát, mong cho dòng sông thiêng cuốn đi bao phiền não của tháng tư trần ai.
Nơi đức Phật đản sinh
Chặng đường quan trọng nhất của chuyến hành hương là tham quan vườn Lâm Tỳ ni, nơi đức Phật đản sinh. Bây giờ khu vực này nằm trong lãnh thổ nước Nepal, và hơn mười năm nay xứ sở này đã chứng kiến nhiều xáo trộn, bạo động, không xa nơi sinh thành của bậc vĩ nhân kêu gọi từ bi hỉ xả. Khi đoàn lữ khách băng qua biên giới Nepal, các giới chức chính quyền thông báo là đoàn Phật tử Việt nam không được đi đâu, vì tình hình biên giới đang có bất ổn.
Chúng tôi đã mất dấu đoàn hành hương suốt hai ngày trời. Cuối cùng thì tin tốt lành cũng đến khi chúng tôi nhận được tin tức từ Agra, chặng dừng chân cuối cùng của đoàn trước ngôi đền tuyệt mỹ bằng cẩm thạch Taj Mahal. Chị Nguyệt, một Phật tử trong đoàn cho chúng tôi biết:
“Chuyến đi như một giấc ngủ.”
Một giấc ngủ đầy an lạc như sư trụ trì chùa Viên giác nói:
“Hành hương về đất Phật là vinh dự và an lạc trong cuộc đời.”
Chị Nguyệt, người đứng ra tổ chức chuyến đi mong muốn có những cuộc hành hương đầy an lạc như thế nữa trong tương lai:
“Tiếp nối những hành trình như thế này đưa nhiều Phật tử tăng ni đến với đất Phật.”
Đó là Những chuyến đi tinh thần, khác xa những cuộc lễ bái mê tín đang rộ khắp đất nước trong thời gian qua. Nhà sư Thích Đồng Văn nói với chúng tôi:
“Có những người hành hương mang tính thương mại, có người tìm sự an lạc của tâm hồn. Dù với mục đích nào, chùa to hay chùa nghèo, hễ phát tâm đi hành hương thì đều quý, cũng hướng về điều thiện.
Dù là quan chức hay nhà giàu, miễn có lòng vào công đức thì cũng có những hạt lành phát triển, bây giờ người ta tin mà có hiểu biết, nhưng cũng có một bộ phận tin mà thành mê tín.”
Vâng, những hạt lành hãy lớn lên trong cái nóng bức xôn xao của tháng tư, trong những kỷ niệm nặng nề của lịch sử, xua đi những niềm tin ảo ảnh. Chuyến hành hương như nhắc chúng ta một tin thần khoan dung, hòa giải, như lời kinh Pháp cú.
Dĩ oán báo oán, oán ấy chất chồng.
Dĩ ân báo oán, oán ấy tiêu tan.
Lời kinh đã vọng hơn hai ngàn năm.