Chính sách yếu kém
Trong một động thái được giới truyền thông quốc tế đánh giá là hiếm hoi, Thủ tướng Việt Nam nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ và nói ông thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, toàn Đảng và toàn dân về những yếu kém của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý và điều hành.
Bản thân Thủ tướng thừa nhận kinh tế vĩ mô hiện vẫn còn nhiều bất ổn, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, hệ thống ngân hàng yếu kém, lãi suất phục vụ sản xuất kinh doanh còn quá cao. Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản còn lớn, cộng với đó là tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm chạp.
Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, người ta có thể thấy rõ ba vấn đề nổi bật có ràng buộc hữu cơ và tác động tới hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội, đó là nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đi kèm là tình trạng bong bóng bất động sản và hệ quả là làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Quay lại những ngày đầu tiên khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền hành năm 2006, cộng với thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 2007, chính sách tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá được Chính phủ triệt để áp dụng. Tại thời điểm đó, tín dụng được bơm ra ào ạt, tiền đầu tư từ các gói kích cầu nhiều ngàn tỉ đồng được rót tràn lan, trong đó, bất động sản là miếng mồi béo bở cho các cá nhân và tổ chức làm giầu, đồng thời, các tập đoàn kinh tế thí điểm được thành lập với tiêu chí là “cánh tay phải” để dựa trên đó, Chính phủ điều tiết các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế nước nhà.
Việt Nam phát triển nóng và nhanh, nhưng đó chỉ là kết quả của một chính sách tăng trưởng không bền vững và khi chiếc áo trở nên quá chật, nó đã tự bật tung và những điểm yếu của cơ thể Việt Nam lộ rõ. Và lúc này “quốc nạn” lạm phát trở thành hiện hữu.
Quốc nạn tham nhũng
Để đối phó, đầu năm 2011 thông qua Nghị quyết 11, Chính phủ buộc phải thắt chặt tín dụng, với những “nóng lạnh” và “giật cục” liên tục của chính sách tiền tệ và tài khóa, cơ thể Việt Nam đã không thể thích nghi kịp và những gì đến đã phải đến: bất động sản đóng băng do hết dòng tiền luân chuyển, kéo theo đó là những khoản nợ vay ngân hàng chất chồng biến thành nợ xấu vì tiền đầu tư đông cứng, các doanh nghiệp lao đao dẫn tới phá sản vì dòng vốn hoạt động đột ngột cắt ngang.
Nhưng điều nguy hiểm, do những chính sách thiếu nhất quán và sự thâu tóm tập trung quyền lực vào những “đứa con cưng” là các tập đoàn kinh tế Nhà nước, mà giai đoạn “tranh tối tranh sáng” đã tạo ra những nhóm quyền lợi, tham nhũng và tội phạm. Trong bài báo đăng tải trên tạp chí “The Economist” có tên “Việt Nam con hổ khốn cùng,” tác giả nhận xét với vị trí đầy ưu quyền của các doanh nghiệp Nhà nước, chiếm 40% sản lượng quốc gia, là nơi chịu trách nhiệm chính yếu cho tất cả những vụ hối lộ, lạm dụng tài nguyên cùng với nạn chi tiêu như điên dại đã kéo Việt Nam xuống dốc.
Lũng đoạn ngân hàng
Báo cáo của hãng Reuters hôm 5/10 cho biết núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới 15 tỉ 600 triệu đô la, chiếm tới 10% tổng nợ cho vay. Trong khi đó, 100 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất Việt Nam ngập nợ tới gần 50 tỷ đô, chiếm gần 1/3 GDP toàn quốc. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã là nỗi ám ảnh và bao trùm lên toàn cục diện kinh tế Việt Nam.
Dẫn lời TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM trong một lần trả lời trước đây với chúng tôi, ông cho biết:
“Mức nợ xấu đối với các ngân hàng quốc doanh sở hữu nhà nước đang chiếm một tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng lượng nợ xấu. Khi nền kinh tế thế giới hay Việt Nam có biến cố, làm cho khả năng quản trị của các tài sản đầu tư kém hiệu quả, và rơi vào tình trạng mất hoặc kém đi khả năng thanh toán nợ.
TS Lê Đạt Chí
Nhóm thứ hai nợ xấu ở Việt Nam nằm ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Đặc điểm của các ngân hàng TMCP là bị chi phối bởi nhóm tư bản thân hữu hoặc các nhóm tư bản đang thống trị. Chúng ta thấy rằng là những ông chủ của các ngân hàng TMCP đều có những tập đoàn, những chuỗi doanh nghiệp ở đằng sau.”
Nguyên nhân nợ xấu mà TS Lê Đạt Chí nhắc tới cũng là một trong những hiện tượng đang gây xáo trộn hệ thống ngân hàng mà được giới chuyên gia gọi bằng cái tên “sở hữu chéo.” Hiện tượng sở hữu chéo này khá phổ biến tại Việt Nam. Mặc dù về bản chất sở hữu chéo không phải là vấn đề bất hợp pháp hay xa lạ, nhưng sử dụng sở hữu chéo để lũng đoạn tại Việt Nam thì mang bản chất hoàn toàn khác. Nhận xét về điều này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế tại Việt Nam giải thích:
“Vấn đề của Việt Nam liên quan đến các ngân hàng hiện nay tức là sở hữu chéo và các doanh nghiệp sân sau thiếu công khai, minh bạch gần như không kiểm soát nổi. Ai thực sự là chủ ngân hàng và người nào thực sự chi phối một định chế tài chính đến mức độ như thế nào và tiềm lực của người ta đến đâu thì khó mà biết được.”
Bong bóng bất động sản
Một trong những tác nhân xâu chuỗi “sở hữu chéo” trong hệ thống ngân hàng là lĩnh vực bất động sản, bởi đây được xem là mảnh đất mầu mỡ cho những kẻ đầu cơ và hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách vĩ mô của chính phủ, và đây cũng là lĩnh vực cần một lượng vốn lớn để gối đầu các dự án. Thế nhưng khi bong bóng bất động sản căng cứng và dòng vốn buộc phải tạm dừng thì đó là thời điểm những “nghĩa địa chôn tiền” xuất hiện từ Bắc vào Nam. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã gọi lượng căn hộ tồn kho cực lớn ở Hà Nội và TPHCM bằng cái tên “nghĩa địa chôn 140,000 tỷ đồng.”
Mới đây, khi nhận xét về khả năng bong bóng bất động sản có thể nổ tung bất cứ lúc nào, GSTS Vũ Văn Hóa. phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Khả năng vỡ bong bóng bất động sản thì không phải là gần đây mà từ mấy năm nay đã có chiều hướng giá xuống rất thấp. Trước đây khi người ta bắt đầu đầu tư vào thì giá lên rất cao, cho nên đầu tư vào đây rất lớn. Đến bây giờ rõ ràng là không tiêu thụ được và rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu rút vốn chạy sang lãnh vực khác và số vốn chôn vào bất động sản là rất lớn. Trong khi đó các ngân hàng ở Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, đương nhiên khả năng để nó vỡ ngay lập tức thì chưa phải nhưng dần dần nó sẽ tới.”
GSTS Vũ Văn Hóa
Theo tính toán của giới chuyên gia địa ốc tại Việt Nam, thời gian để giải phóng lượng nhà đất tồn đọng phải mất từ 3 đến 5 năm, thậm chí là 7 năm, còn từ giờ đến lúc đó thì ngoài tiền vốn kẹt cứng, các doanh nghiệp đầu tư còn phải trả lãi với con số lũy tiến tính theo bạc tỷ.
Vòng lẩn quẩn giữa tiền vốn đóng băng, thắt chặt tín dụng là việc hàng trăm ngàn doanh nghiệp khát vốn, buộc phải phá sản. Nợ xấu ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp giải thể hàng loạt cộng với những bê bối của các tập đoàn kinh tế lớn liên tục xuất hiện khiến uy tín của Việt Nam giảm sút nghiêm trọng.
Hệ lụy của những tiêu cực của nền kinh tế Việt Nam là niềm tin của các nhà đầu tư giảm sút. Cũng vì lẽ đó mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi Việt Nam, nơi từng được họ chọn làm địa điểm thay thế cho Trung Quốc hay được xem là có sự ổn định hấp dẫn. Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam chỉ đạt 8 tỷ đô la, giảm một phần ba so với với một năm trước đó.
Bên cạnh lời công khai xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù được xem là hiếm hoi, nhưng qua đó, Thủ tướng cũng đã đề ra những giải pháp từ xử lý nợ ngân sách với các doanh nghiệp, nợ chéo giữa các ngân hàng cho tới các giải pháp hàng tồn kho. Ông cũng nhấn mạnh công tác tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Hy vọng, với lời cam kết của người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam sẽ từng bước vượt qua khó khăn và trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách bền vững.
Theo dòng thời sự:
- Thủ tướng Việt Nam nhận lỗi trước Quốc hội
- Thủ tướng thừa nhận quản lý kinh tế yếu kém
- TT Nguyễn Tấn Dũng không còn được Đảng tín nhiệm?
- Lạm phát tăng trở lại trong hai tháng qua
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: bất ngờ và không bất ngờ
- Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng
- Việt Nam: con hổ thành mèo sa lưới nợ nần
- Bóng bể, ngân hàng kẹt vốn vì nợ xấu