Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh để ghi nhận ý kiến một chuyên gia kinh tế truớc động thái quan trọng này.
Những sơ hở chết người
Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, mới đây Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ là Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã chính thức cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chỉ chịu trách nhiệm khoảng 10 tập đoàn kinh tế so với 21 tập đoàn như trước. Tiến Sĩ đánh giá ra sao về sự giảm bớt trách nhiệm này, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh : Kỳ họp ngày 28 tháng 10 vừa qua chính phủ đã cho biết là Thủ tướng sẽ chỉ chọn các tập đoàn chiến lược quan trọng, một số tập đoàn như dệt may, một số tập đoàn khác chưa được nói rõ thì có lẽ là sẽ được cổ phần hóa và chuyển thành tổng công ty.
Tôi thấy rằng việc thí điểm đến khi kết thúc như kết luận của Hội nghị trung ương thì cần có một báo cáo đầy đủ. Đánh giá đã thí điểm cái gì, phương pháp luận thế nào, đạt được kết quả gì, và sắp tới đây thì tái cấu trúc như thế nào và cái khuôn khổ pháp lý ra làm sao.
Hiện nay tôi mới chỉ được biết Thủ tướng tập trung vào những tập đoàn lớn nhất như dầu khí, bưu chính viễn thông, còn các tập đoàn khác không có vị trí chiến lược thì Thủ tướng có thể sẽ giao lại cho các bộ trưởng phụ trách. Vấn đề ở đây không phải là ông A hay bà B trực tiếp mà vấn đề là khung pháp lý thế nào. Vấn đề quyền chủ sở hữu làm gì, và Thủ tướng, người chịu trách nhiệm quản lý đất nước theo một nhà nước pháp
quyền của dân, do dân, thì việc trục tiếp phụ trách một số tập đoàn đó có lẫn lộn chức năng là Thủ tướng của toàn dân hay Thủ tướng cùa một số tập đoàn. Đấy cũng là một điều cần phải làm rõ.
Nếu một tập đoàn độc quyền thì phải chịu sự giám sát chứ không thể đặt nó dưới quyền trục tiếp chỉ đạo của Thủ tướng làm cho tập đoàn đó có một vị thế cao hơn các doanh nghiệp khác, thậm chí nó đã còn cao hơn là các bộ
TS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Như vậy thì vai trò của Thủ tướng đối với các tập đoàn từ bấy lâu nay xem ra không thích hợp lắm phải không ạ?
TS Lê Đăng Doanh: Thủ tướng bổ nhiệm chủ tịch của các Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tập đoàn. Thủ tướng bổ nhiệm như vậy thì mặc nhiên các ông chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc đó nghĩ rằng mình có vị thế tương đương như bộ trưởng vì cũng được Thủ tướng đệ trình và quốc hội thông qua, một vị thế pháp lý đặc biệt cao.
Trong trường hợp Vinashin đã cho thấy là người ta có thể làm khó cho các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra thực hiện nhiệm vụ được pháp luật quy định. Thậm chí như trong trường hợp Vinashin thì Thủ tướng đã có hai lần ra quyết định là hãy hoãn việc thanh tra Vinashin mặc dù trước đó đã có quyết định của thanh tra rồi.
Tôi nghĩ rằng vị thế của các tập đoàn trực tiếp trực thuộc Thủ tướng cần phải được làm rõ nó phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Nếu một tập đoàn độc quyền thì phải chịu sự giám sát chứ không thể đặt nó dưới quyền trục tiếp chỉ đạo của Thủ tướng làm cho tập đoàn đó có một vị thế cao hơn các doanh nghiệp khác, thậm chí nó đã còn cao hơn là các bộ. Vì vậy cho nên nó làm cho việc thực thi pháp luật, việc tuân thủ pháp luật, việc kiểm soát giám sát các tập đoàn, nhất là các tập đoàn có vị thế độc quyền không thực hiện theo đúng như là luật pháp đã quy định. Đấy là cái sơ hở chết người đã dẫn đến những sai lầm lớn, những khuyết điểm và thiếu sót lớn như đã diễn ra ở Vinashin, ở Vinaline.
Hiện nay thì người ta chưa biết là sẽ còn Vinashin nào khác xuất hiện nữa hay không. Người ta nói rằng đấy
là mới có 2 “bị lộ” còn những ông khác chưa bị lộ thì là những ông nào thì cũng chưa biết.
...Đấy là cái sơ hở chết người đã dẫn đến những sai lầm lớn, những khuyết điểm và thiếu sót lớn như đã diễn ra ở Vinashin, ở Vinaline
TS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Vâng. Theo nhận xét của Tiến Sĩ vừa rồi thì các tập đoàn nhà nứơc đã lộ rõ yếm kém. Hầu như ai cũng thừa nhận rằng kết quả mà các tập đoàn mang lại cho nền kinh tế Việt Nam là rất khiêm nhường so với những lợi thế mà nó có. Theo ý Tiến Sĩ thì những tập đoàn này có nên cổ phần hóa thay vì cố cải tổ chúng như nhiều lần trứơc đây, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng nên tiến hành cổ phần hóa càng nhiều càng tốt. Cho đến nay thì mới có ý kiến là chưa cổ phần hóa Petrovietnam vì nó gắn liền với tài nguyên, nhưng vấn đề của Petrovietnam cũng cần phải xem xét để tránh dẫn đến hiểu lầm rằng bất kỳ mỏ dầu nào phát hiện ở Việt Nam thì cũng là do Petrovietnam phụ trách.
Điều đó có nghĩa rằng Petrovietnam trở thành độc quyền về một tài nguyên rất lớn cùa đất nước. Có lẽ điều này cần phải có một sự xem xét và trình ra quốc hội để xem xét, còn các đóng góp của các tập đoàn thì cho đến nay chưa có sự đánh giá độc lập một cách rõ ràng.
Thí dụ như Petrovietnam bán tài nguyên dầu đi chứ không đóng góp gì cụ thể vào Petrovietnam. Công lao của Petrovietnam trong việc khai thác và bán dầu như thế nào và so với những đối thủ cũng được thành lập cùng với Petrovietnam. Như Petronas của Malaysia, trình độ khoa học, trình độ công nghệ và các trình độ khác về mặt tài chính của Petrovietnam so với họ đến đâu thì cần phải có sự xem xét và đánh giá một cách công bằng và khách quan.
(kỷ luật EVN) ...đấy là một bước đi đáng hoan nghênh để cho chúng ta thấy rằng những sai phạm của những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn thì cũng sẽ phải được xử lý theo pháp luật, và mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật
TS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Vâng. Xin Tiến Sĩ một câu hỏi chót. Trong công bố của ông Vũ Đức Đam thì ông cho biết là sẽ kỷ luật EVN, đây có phải là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ đã nhận ra khiếm khuyết cần mạnh tay dứt bỏ nó hay không, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng đấy là một bước đi đáng hoan nghênh để cho chúng ta thấy rằng những sai phạm của những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn thì cũng sẽ phải được xử lý theo pháp luật, và mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Đấy là điều đáng hoan nghênh.
Trong trường hợp này chúng ta đều biết EVN đã có đầu tư vào một mạng điện thoại di động và hệ thống mạng đó đã có công nghệ không thích hợp, gây thua lỗ, và đành phải chuyển sang tập đoàn Viettel. Viettel là tập đoàn của viễn thông quân đội và việc thua lỗ cũng như một số sai sót khác cho đến nay chưa được báo cáo rõ sẽ được xử lý ra sao. Tôi hy vọng rằng sau khi xem xét nếu như có những vấn đề gì vi phạm pháp luật thì cũng phải được xử lý trên cơ sở pháp luật, chứ không phải chỉ có kỷ luật hành chính
Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vần ngày hôm nay.
TS Lê Đăng Doanh: Dạ. Xin cảm ơn ông Mặc Lâm.
Theo dòng thời sự:
- Sự sụp đổ dây chuyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước
- Chống tham nhũng và kê khai tài sản
- Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng
- Báo chí tận tình săm soi Vinalines
- Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
- Độc Quyền và Tham Nhũng
- Vinalines và "tam quyền phân lập"
- Vinalines mua toàn tàu cũ – Khai trương trang mạng chống tham nhũng
- Cục trưởng Cục Hàng hải bị truy nã
- Nhóm lợi ích: Những tác động xấu lên nền kinh tế VN
- "Tái Cấu Trúc": "Ai" tái cấu trúc "Ai"?
- Việt Nam tuần qua