Thủ tướng cần làm gì để thu hút giới trí thức?

0:00 / 0:00

Một đội ngũ trí thức để tham mưu cho thủ tướng trong bối cảnh Việt Nam đổi mới và phát triển là ý kiến được giới chức Việt Nam nêu ra một lần nữa hôm 10 tháng 11 vừa qua.

Làm sao để người tài được vào vị trí quan trọng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các viện nghiên cứu kinh tế - xã hội trực thuộc các bộ và các trường đại học cũng như Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội chiều thứ Năm tuần trước, ông Mai Tiến Dũng là bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ tuyên bố rằng thủ tướng yêu cầu phải có cách thức huy động đội ngũ trí thức để tham mưu trực tiếp cho thủ tướng và cho chính phủ.

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, nhìn nhận rằng thủ tướng muốn huy động đội ngũ trí thức với tinh thần hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ông nói theo ông hiểu thì thủ tướng muốn có ý kiến tư vấn trực tiếp từ đội ngũ các nhà khoa học mà trước hết là các viện với tính chất tương đối độc lập.

Có mặt tại buổi làm việc với chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, phát biểu rằng được góp ý trực tiếp với thủ tướng là mong muốn mà cũng là động lực để giới nghiên cứu khoa học làm việc tốt hơn.

Ở Việt Nam, những chuẩn mực của vị trí công tác cũng được đặt ra nhưng theo tôi là nó còn quá là chung chung, chưa được chuẩn hóa một cách cụ thể, rõ ràng. Việc đánh giá theo những chuẩn mức không rõ ràng như vậy rất khó khăn.<br/>-Giáo sư Chu Hảo

Vấn đề làm sao để người trí thức, người có tài được chọn vào những vị trí quan trọng, thí dụ được trực tiếp tham mưu cho thủ tướng chính phủ, tiếp tục là đề tài đáng chú ý. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để giới hữu trách và những nhà quản lý tìm lối ra cho vấn đề.

Tại buổi hội thảo về việc sử dụng hiệu quả người trí thức và người có tài hồi tháng Chín, vụ trưởng Vụ Giáo Dục Chuyên Nghiệp trực thuộc Bộ Giáo Dục Việt Nam, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nói rằng một chuyên viên, một vụ trưởng, một thứ trưởng chất lượng cao phải là người có tiềm năng sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, có khả năng dự báo phân tích tình huống, đưa ra những quyết định hay hướng giải quyết tối ưu.

Giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội, có ý kiến đối với nhận định của ông Hoàng Ngọc Vinh:

Đúng quá chứ còn gì nữa, ông ấy nói như thế là chính xác, phản ánh đúng tình hình. Tôi cho cái khâu nặng nề nhất ở ta hiện nay là chuyện sử dụng.

Theo tiến sĩ Đào Văn Hùng, giám đốc Học Viện Chính Sách Và Phát Triển, Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư, đặt ra một cơ chế để các viện báo cáo trực tiếp lên thủ tướng sẽ khiến các bộ ngành phải nỗ lực nhiều hơn. Một thực tế được ông nêu ra là lâu nay những công trình nghiên cứu từ các viện chỉ được gián tiếp truyền tải đến thủ tướng hay chính phủ thông qua báo chí hoặc hội thảo. Ngược lại, các viện cũng chỉ nắm được thông tin về những đề tài kinh tế xã hội mà chính phủ nhắm tới thông qua báo chí mà thôi.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Nam.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Nam. (Courtesy photo)

Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Nam:

Ở Việt Nam, những chuẩn mực của vị trí công tác cũng được đặt ra nhưng theo tôi là nó còn quá là chung chung, chưa được chuẩn hóa một cách cụ thể, rõ ràng. Việc đánh giá theo những chuẩn mức không rõ ràng như vậy rất khó khăn.

Những bất cập, những khó khăn, thậm chí cả những tệ nạn hiện có trong nền hành chính công của chúng ta xuất phát chủ yếu từ việc lựa chọn không đúng người vào những chức vụ trong nền hành chính công đó.

Điều mà người dân quan tâm làm thế nào để bộ phận hành chính công phục vụ nhân dân với tiêu chí quan trọng nhất là vì dân và trong sạch. Điều đó vẫn là mảng tối trong hệ thống hành chính công của nước ta hiện nay.

Khó thực hiện nếu thủ tướng thiếu quan tâm

Đối với thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng, đội ngũ trí thức để tham mưu cho thủ tướng phải là người có tài cán, nhân cách và bản lĩnh:

Nhận diện người tài và chọn người tài không phải là vấn đề khó khăn. Có nghĩa là lãnh đạo tìm người tài thì không khó nhưng vấn đề là người ta không chọn người tài đó. Phải đặt ra một hệ thống tương ứng để người tài làm việc một cách hiệu quả nhất. Hệ thống đó chưa có tại Việt Nam.

Nhận diện người tài và chọn người tài không phải là vấn đề khó khăn. Có nghĩa là lãnh đạo tìm người tài thì không khó nhưng vấn đề là người ta không chọn người tài đó.<br/>-Thạc sĩ Đinh Gia Hưng

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội, cho rằng Việt Nam thiếu cơ hội cho trí thức được tham gia góp phần vào việc giúp ý kiến cho thủ tướng. Vẫn theo lời ông, một đội ngũ trí thức tham mưu trực tiếp khó có thể thực hiện nếu thiếu sự quan tâm quyết liệt của chính thủ tướng:

Ở Việt Nam bây giờ có mà nhận ra người tài thì người đứng đầu cũng không thể tuyển dụng ngay được vì hệ thống văn bản pháp luật liên quan không cho phép. Không có cơ hội cũng như môi trường để cho người tài có thể phát huy được là cái chung cả nước như thế. Thực tế bắt tay vào triển khai thì còn nhiều bất cập, thiếu sự quyết liệt của người đứng đầu.

Đáp lại những thắc mắc băn khoăn của lãnh lạo các viện và các trường đại học, bộ trưởng chính phủ Mai Tiến Dũng hứa sẽ tham mưu cho thủ tướng ban hành cơ chế cụ thể, giải quyết những vướng mắc như cho phép các viện được tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng, được trực tiếp báo cáo lên thủ tướng và chính phủ. Ông cũng nhấn mạnh là nếu các bộ không có tư tưởng đối mới thì công trình nghiên cứu của các nhà khoa học hay các viện sẽ khó mà được truyền tải trực tiếp đến thủ tướng. Vì thế, ông Mai Tiến Dũng kết luận, đây là buổi làm việc mở đầu để chính phủ và thủ tướng chính phủ trực tiếp lắng nghe ý kiến từ giới trí thức và các nhà khoa học.