Mặc Lâm tìm hiểu thêm vấn đề qua cuộc phỏng vấn ba người trong cuộc là các ông Phạm Bá Hải, Đào Bá Lê và Trần Đức Nhã. Trước tiên ông Đào Bá Lê cho biết:
Không được tham gia hội
Đào Bá Lê: Tôi tên là Đào Bá Lê, hiện sống ở Gò Vấp, Xóm Mới, Sài Gòn. Tôi muốn trình bày với quý đài như thế này: vừa qua tôi với anh Phạm Bá Hải cùng một số anh em phát quà ở chùa Liên Trì thì sau đó một số người đã bị công an mời vì chúng tôi là những người đồng sáng lập hội từ thiện cũng như quỹ Bạch Đằng Giang dựa trên pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên chúng tôi bị theo dõi cũng như cản trở của chính quyền luôn luôn biết chúng tôi đi đâu, làm gì nên ngày hôm qua anh công an khu vực tới mời tôi. Tôi nói tôi có quyền công dân thì anh phải mời tôi trên giấy mời, lúc đó thì anh ấy nói sẽ về bàn lại.
Sáng ra có thêm một anh đi cùng với anh công an khu vực đến mời tôi ra đến cửa và đưa giấy mời rất nhanh rồi nhét vào túi. Tôi nói anh làm như vậy không được vì tôi phải được đọc. Họ nói anh đọc cái gì? Anh phải đi theo chúng tôi. Tôi đã cho anh xem rồi còn đọc gì nữa? Bà con người ta bu xem đông quá, gia đình không biết chuyện gì hết nên bảo thôi người ta như vậy thì đi theo đi. Tôi buộc phải mặc quần áo đi theo người ta trong nước mắt vợ con và gia đình.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết anh được cán bộ điều tra về việc gì và diễn tiến ra sao?
Công an đã bắt chúng tôi làm biên bản là không được tham gia cái hội ấy nữa.
Đào Bá Lê<br/>
Đào Bá Lê: Trong quá trình điều tra thì có ba người, hai anh bên PA 67, một anh đại diện quận Gò Vấp. Tôi được mời lên phường lúc 8 giờ 20 làm việc cho tới 1 giờ 30 mới được về. câu hỏi là việc phát quà do ai xúi giục, tiền ở đâu? Tham gia hội Bạch Đằng Giang với ý định gì? Tôi trả lời là tôi đã xem cái nghị định của chính phủ và tôi thấy hợp pháp nên tham gia. Trong đó có mục đích nhân đạo về vấn đề thuyền nhân cùng các phần khác như thương binh, dân oan, học sinh nghèo là những người cần sự giúp đỡ của hội. Công an đã bắt chúng tôi làm biên bản là không được tham gia cái hội ấy nữa.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết anh là thuyền nhân hồi hương, xin anh cho biết anh trở về Việt Nam vào lúc nào?
Đào Bá Lê: Tôi đi vượt biên vào tháng 1 năm 90 ở Thái Lan. Sau một thời gian sống ở trại tỵ nạn cho tới khi tôi về là 12 tháng 9 năm 1996.
Mặc Lâm: Sau khi về nước thì anh và gia đình được đối xử ra sao?
Đào Bá Lê: Ngay cuộc thẩm vấn hôm qua thì các anh ấy nói rất rõ rằng chúng tôi đi đâu làm gì thì các anh ấy biết hết. Chắc chắn phải có sự giám sát rồi. Tôi trả lời đó là chuyện của các anh, còn tôi lập hội này chỉ mục đích giúp thuyền nhân. Hễ có giúp thuyền nhân là tôi tham gia, còn những chuyện khác thì tôi không biết. Tôi xác định rất rõ ràng tư tưởng của tôi.
Ngày hôm qua 6 người chúng tôi hoàn toàn bị cưỡng chế và điều tra cùng một lúc cho xong. Họ không cho về ăn cơm vì họ không muốn thả chúng tôi ra trong lúc ăn cơm vì có thể chúng tôi sẽ liên lạc với nhau, mà họ thì không muốn như vậy.
Hoạt động nhân đạo là vi phạm pháp luật
Vừa rồi là anh Đào Bá Lê. Theo lời kể của anh chúng tôi liên lạc với anh Phạm Bá Hải, một thành viên khác của nhóm Bạch Đằng Giang để biết thêm chi tiết. Anh Hải là một trong 6 người bị mời điều tra về hoạt động Bạch Đằng Giang. Anh Hải cho biết:
Phạm Bá Hải: Tôi là Phạm Bá Hải, từ Sài Gòn. Vừa rồi bản thân tôi đã bị công an họ mời lên một cách thô bạo và tôi nghĩ không hề đúng luật. Đây là lần làm việc thứ 16 trong suốt bảy tháng từ ngày tôi ra khỏi tù. Nội dung hôm qua họ làm việc suốt một ngày về một số vấn đề các chương trình trợ giúp cho thuyền nhân Việt Nam và một số hoạt động của quỹ từ thiện Bạch Đằng Giang.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết tình trạng thuyền nhân hồi hương tại Việt Nam hiện giờ ra sao?
Phạm Bá Hải: Hiện giờ có khoảng hơn 60 ngàn thuyền nhân đã bị cưỡng bách hoặc tự nguyện hồi hương trở về sau chương trình CPA vào năm 1989. Những người này họ sống rất khốn khó, họ không thể tái hòa nhập vào cuộc sống tại Việt Nam. Họ trở thành đối tượng dễ bị chính quyền kỳ thị và đàn áp. Đa số thuyền nhân hồi hương đều nghèo khổ, con cái không được đi học chính vì vậy mà Bạch Đằng Giang Foundation từ lúc ra đời vào năm 2005 đã có chương trình trợ giúp cho họ nhưng đến năm 2006 thì bị đàn áp và bị truy tố.
Hiện nay tôi đã ra tù, sau 5 năm tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ cho các thuyền nhân hồi hương đang ở Việt Nam. Bạch Đằng Giang được thành lập trong nhiệm vụ nhân đạo, đồng thời hỗ trợ cho các phong trào nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
An ninh họ tìm cách ngăn chận và ngày hôm qua họ đã chính thức yêu cầu chúng tôi chấm dứt chương trình vì nó vi phạm pháp luật nhưng họ không nói vi phạm điều gì.
Phạm Bá Hải<br/>
Mặc Lâm: Hiện giờ Bạch Đằng Giang như anh nói là đã bị cấm khi bản thân anh bị kết án 5 năm tù, vậy việc anh tiếp tục hoạt động có được coi là vi phạm pháp luật của nhà nước hay không?
Phạm Bá Hải: Hiện giờ Bạch Đằng Giang vẫn chưa có tư cách pháp nhân vì đã bị xét xử và bị cấm nhưng công việc của tôi hiện giờ mang tính cách cá nhân và tiếp tục vận động anh em trong và ngoài nước để trợ giúp cho thuyền nhân Việt Nam. Chính quyền vốn kỳ thị thuyền nhân nên đã ngăn cản không cho tôi làm việc này.
Mặc Lâm: Họ có nói anh vi phạm điều nào của pháp luật hay không?
Phạm Bá Hải: Họ chỉ nói việc tôi làm chưa được phép và bảo tôi phải xin phép. Tôi trả lời rằng xin phép như thế nào? Luật nào bảo phải xin phép hoạt động nhân đạo này? Tuy nhiên hiện nay tôi vẫn cố gắng đăng ký một cách hợp pháp Quỹ từ thiện Bạch Đằng Giang. Tuy nhiên vẫn chưa làm được vì có khó khăn trong thủ tục hành chánh và an ninh Việt Nam tìm cách ngăn chặn vấn đề này.
Đợt vừa rồi với tư cách cá nhân đã giúp trên 60 gia đình tại chùa Liên Trì vào ngày 8 tháng 1. An ninh họ tìm cách ngăn chận và ngày hôm qua họ đã chính thức yêu cầu chúng tôi chấm dứt chương trình vì nó vi phạm pháp luật nhưng họ không nói vi phạm điều gì.
Mặc Lâm: Anh nói là anh bị tù 5 năm, anh có thể cho biết thêm chi tiết về bản án mà anh bị cáo buộc như thế nào?
Phạm Bá Hải: Tôi ở Ấn Độ về bị nhà nước khép tổng cộng 7 tội, đến tội cuối cùng vi phạm điều 88 tuyên truyền chống phá nhà nước do tôi viết một số bài sự thật về phát triển đất nước trong đó có loạt bài "Nỗi nhục của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đường chạy đua với Đài Loan và Hàn Quốc". Ngoài ra họ kết tội tôi kích động thương phế binh và giúp đỡ, đào tạo cung cấp học bổng, học nghề cho con em thuyền nhân hồi hương để trở thành giai cấp lãnh đạo mới của tương lai Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh Phạm Bá Hải.
Coi chừng hậu quả
Người thứ ba mà chúng tôi hỏi chuyện ngày hôm nay là anh Trần Đức Nhã, một thuyền nhân hồi hương khác bị hỏi cung chung, anh Nhã cho biết:
Trần Đức Nhã: Hiện nay tôi đang làm việc tại quận 8. Ngày hôm qua tôi và 5 anh em nữa bị công an mời làm việc từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Tôi được một người mang cấp bậc trung tá làm việc họ hỏi về cuộc sống của tôi. Họ hỏi tất cả quãng thời gian tôi ở trong trại và vấn đề Bạch Đằng Giang. Cá nhân tôi thì họ hỏi công ăn việc làm, mức lương, đời sống và cuối cùng khuyên chúng tôi đừng có dính dáng đến Bạch Đằng Giang nữa, nếu không sẽ gánh hậu quả.
Cá nhân tôi thì họ hỏi công ăn việc làm, mức lương, đời sống và cuối cùng khuyên chúng tôi đừng có dính dáng đến Bạch Đằng Giang nữa, nếu không sẽ gánh hậu quả.
Trần Đức Nhã<br/>
Chúng tôi cũng trình bày rằng chúng tôi làm vấn đề từ thiện này thì cũng đã làm lý lịch xin phép nhà nước và chúng tôi không làm bất cứ hành vi gì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên công an khẳng định nếu chúng tôi làm như vậy thì nhà nước sẽ không cho phép. Rồi họ hỏi vấn đề máy móc cũng như việc gửi bài ra nước ngoài. Họ cũng hỏi đến xe cộ, bảng số xe, số điện thoại cũng như hỏi nhà có kết nối internet hay không.
Trong ngày hôm qua họ làm việc như vậy thì chỉ là bước thăm dò và cảnh báo với chúng tôi. Những động thái sắp tới thì chúng tôi chưa biết như thế nào. Vì vậy trong cuộc phỏng vấn hôm nay tôi xin đài Á Châu Tự Do lên tiếng với cộng đồng quốc tế để theo dõi và bảo vệ cho chúng tôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh Trần Đức Nhã.