Công an có giả danh côn đồ hành hung các nhà hoạt động dân chủ?

0:00 / 0:00

Vừa qua, liên tiếp xảy ra hiện tượng các nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước bị côn đồ hành hung. Theo các nạn nhân cho biết, các nhóm côn đồ đó là công an giả danh hoặc gián tiếp chỉ đạo để tấn công bằng bạo lực đối với họ. Thực tế vấn đề đó diễn ra thế nào?

Chính sách từ trung ương?

Thời gian gần đây, tình trạng hàng loạt các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam bị các nhóm côn đồ tấn công bằng bạo lực gây nên thương tích nặng nề trở nên phổ biến.

Đó là các trường của tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, nhà báo Trương Minh Đức, bà Trần Thúy Nga… và nhiều người khác.

Theo các nạn nhân cho biết, các nhóm côn đồ đó là những nhân viên an ninh mặc thường phục, là những người thường xuyên theo dõi họ đã giả danh côn đồ để tấn công họ kể cả trong lúc có mặt của nhân viên công an.

Mới nhất, chiều ngày 4.12.2014, cựu tù nhân lương tâm Luật gia Nguyễn Bắc Truyển đã bị 4 nhân viên an ninh tấn công bằng bạo lực.

Từ Sài gòn Luật gia Nguyễn Bắc Truyển cho biết:

Theo quan điểm của tôi thì đây không phải là sự manh động hay là chính sách riêng rẽ của từng chính quyền địa phương. Mà đây là chính sách thống nhất từ trung ương. <br/> -LS Nguyễn Văn Đài

“Trưa ngày hôm nay tôi có nhận được lời mời của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ để tới gặp ông Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Khi đi gần đến nơi thì bị rất nhiều mật vụ ngăn chặn, tôi cảm thấy tình hình không thể đi đến nơi. Khi tôi và vợ tôi cùng chiếc xe taxi quay về thì mật vụ và công an đi theo. Sau đó, chiều nay lúc 5h45 khi tôi và vợ tôi về đến nhà trọ thì tại đây họ đã khiêu khích, lời qua tiếng lại thì đám mật vụ thường xuyên theo dõi vợ chồng tôi có một tên trong 4 tên đã nhào vào đánh vợ chồng tôi trước. Liền sau đó 3 tên còn lại cũng nhảy vào, họ dùng tay chân và mũ bảo hiểm để đánh tôi. Khi tôi té xuống thì vợ tôi ra cản ngăn thì họ cũng đánh cả vợ tôi luôn.”

Khi được hỏi căn cứ vào đâu để khẳng định những kẻ côn đồ dùng bạo lực tấn công là nhân viên công an?

Luật gia Nguyễn Bắc Truyển khẳng định:

“Tôi khẳng định những người đánh tôi là công an, mật vụ. Đây là những người theo dõi chúng tôi hàng ngày và khi thích hợp thì nó sẽ đánh. Năm nay vợ chồng tôi đã 4 lần bị tấn công, đánh đập. Đó là bị tấn công ở Hà nội, bị đánh đập ở Lấp Vò - Đồng Tháp, rồi bị tông xe ở Quận 10 nơi tôi đang ở trọ và ngày hôm nay họ lại đánh tôi. Tôi khẳng định những kẻ đó là công an mật vụ Việt Nam và tôi có đầy đủ bằng chứng để tố cáo chính hộ là người gây ra.”

Bà Trần Thúy Nga, một nhà hoạt động nhân quyền ở Phủ Lý – Hà Nam cũng là một nạn nhân bị một nhóm côn đồ hơn 5 tên đã cầm túyp sắt chặn đường tấn công hồi tháng 5.2014 vừa qua.

Bà Trần Thúy Nga nói với chúng tôi:

Một số người bịt mặt ném đá tấn công Hội Thánh Tin Lành Mennonite Bến Cát ngày 2 tháng 11 vừa qua
Một số người bịt mặt ném đá tấn công Hội Thánh Tin Lành Mennonite Bến Cát ngày 2 tháng 11 vừa qua (Từ video clip)

“Thực sự cái tình trạng công an giả dạng côn đồ, đó là người ta mặc thường phục và cũng có một số nữa mặc sắc phục đứng bảo kê cho côn đồ đàn áp, đánh đập những người đấu tranh cho nhân quyền hoặc những người dân oan đi khiếu kiện là có thật. Ví dụ như tôi đã từng bị 5 tên côn đồ dùng hung khí truy sát khi tôi đi trên đường và đặc biệt là họ quay đi quay lại đến 3 lần. Và lần thứ 3 họ đã đánh tôi đến gây chân.”

Nói về nguyên nhân của tình trạng dùng bạo lực để hành hung các nhà hoạt động dân chủ liên tiếp xảy ra, LS. Nguyễn Văn Đài, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà nội nhận định:

“Theo quan điểm của tôi thì đây không phải là sự manh động hay là chính sách riêng rẽ của từng chính quyền địa phương. Mà đây là chính sách thống nhất từ trung ương đến địa phương để đàn áp những người đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Trước đây họ có thể tùy tiện sử dụng các điều luật vô lý trong Bộ Luật Hình sự như điều 79, 88 để bắt giam những người bất đồng chính kiến. Nay trước sức ép đấu tranh của quốc tế, sự nỗ lực của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại thì họ đã dừng việc sử dụng các điều luật để bắt giam. Nhưng họ không muốn từ bỏ việc duy trì sự sợ hãi của người dân thì họ chuyển sang dùng tình trạng bạo lực thay cho việc bắt bỏ tù như vậy.”

Nhà nước bao che?

Điều đáng chú ý là trước tình trạng này, phía các cơ quan bảo vệ pháp luật ở VN hoàn toàn không có biện pháp ngăn chặn hay điều tra xử lý. Hơn thế nữa có nhiều biểu hiện cho thấy hành động trái pháp luật này có sự dung túng của nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thúy Nga khẳng định:

Khi tôi nói rằng kẻ đánh tôi là công an và an ninh thì ông ta bảo rằng nếu là công an và an ninh thì ông ta không có khả năng điều tra. Và ông ta đã trả lời thẳng tôi: đã là công an thì không làm gì được. <br/> -Bà Trần Thúy Nga

“Tôi đã quay phim được hình ảnh họ truy sát tôi như vậy và trình cho công an, nhưng công an đã từ chối không giải quyết. Khi tôi đưa đơn tố cáo đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thì ông Nguyễn Duy Thuần các bộ của Viện đã trả lời thẳng thừng rằng: tôi không giải quyết đơn của chị, vì chị đi đấu tranh cho nhân quyền thì công an họ đánh chị là phải. Còn cái ông điều tra vụ án của tôi nói rằng ông ta chỉ có thể điều tra trong lĩnh vực của ông ta phụ trách. Khi tôi nói rằng kẻ đánh tôi là công an và an ninh thì ông ta bảo rằng nếu là công an và an ninh thì ông ta không có khả năng điều tra. Và ông ta đã trả lời thẳng tôi: đã là công an thì không làm gì được.”

Nói về các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn chặn vấn nạn này, LS. Nguyễn Văn Đài cho rằng chủ ý của lực lượng an ninh chỉ đợi các nhà đấu tranh dân chủ phản ứng lại họ sẽ ra tay bắt giữ. Theo ông điều cần thiết là phải hết sức bình tĩnh, tránh manh động.

LS. Nguyễn Văn Đài nói :

“Đối với các cá nhân mỗi khi ra đường chúng ta nên đi đông người, còn đối với cả phong trào chung thì mỗi chúng ta cần cố gắng đấu tranh để vận động thêm nhiều người dân tham gia nữathì khi đó mới có thể bảo vệ mình. Các tổ chức quốc tế hay chính phủ các nước cần tỏ rõ thái độ không chấp nhận việc chính quyền Việt Nam sử dụng bạo lực để tấn công những người hoạt động dân chủ nhân quyền hoạt động rất ôn hòa ở Việt Nam. Họ cần phải lên tiếng thật mạnh mẽ đồng thời phải kết hợp việc cải thiện điều kiện nhân quyền với vấn đề quan hệ chính trị và đối ngoại. Để chính quyền Việt Nam nhận thức rõ rằng là cải thiện nhân quyền phải đi trước một bước trước khi có các quan hệ tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.”

Các hoạt động đấu tranh bất bạo động của những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam vì quyền con người, là hành động hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về Quyền con người mà Việt Nam đã tham gia với tư các thành viên. Mọi hành vi giả danh hay sử dụng và dung túng côn đồ để trấn áp, đánh đập những người hoạt động dân chủ là hành vi vi phạm luật pháp cần phải được xử lý nghiêm khắc.