Tường An hỏi chuyện bà Hồ Quì để tìm hiểu lý do tại sau bà phải rời khỏi VN khi chuyến đi nhân đạo chưa hoàn thành.
Công an mời lên làm việc
Hội Từ thiện Măng Non được thành lập từ năm 1994 với mục đích giúp đỡ cho trẻ em nghèo có thể đến trường và các thầy cô có thu nhập thấp. Hội gồm nhiều người Pháp cũng như người Pháp gốc Việt, 2 năm một lần, họ về VN để xây trường, mang quà giúp đỡ cho trẻ em nghèo. Bà Lương thị Hồ Quì, sáng lập viên và hiện là phó hội trưởng, dù đã nhiều lần khẳng định hội Măng Non chỉ là một hội từ thiện thuần túy không liên quan gì đến chính trị, nhưng mỗi khi trở về VN bà Quì vẫn bị công an theo dõi và mời lên « làm việc ». Những lần đó bà Quì đều từ chối, bà kể lại :
"Từ năm 1996, lần nào thì cũng có người theo dõi, quay phim, chụp hình. Mình không làm gì hết thì họ đi theo là chuyện của họ. Nhưng từ năm 2006, bắt đầu tôi về tới Sài Gòn thì được giấy mời của công an, nhưng mà tôi nhớ là tôi không lên, mà tôi cũng không trả lời nữa, sau đó họ điện thoại, tôi nói, nếu là giấy mời thì tôi không lên tại vì bên xứ Pháp, mời, tôi thích thì tôi đi, tôi không thích thì tôi không đi. Vả lại, tôi không biết anh là ai, tôi không đi. Họ cũng điện thoại nhiều lần, nhưng cuối cùng, họ nói, thôi được rồi tôi bằng lòng đến nhà chị để gặp chị. Nhưng mà riêng năm 2008, giấy mời, rốt cuộc tôi cũng không lên , thì họ đến khách sạn gặp tôi."
Tuy nhiên, ngày 3 tháng 7 vừa qua, Bà Quì và một vài thiện nguyện viên của hội trở về VN, vừa về đến Hà Nội bà Quì đã nhận được giấy mời của công an. Vì chỉ ở HN có 1 ngày và cùng đi với những người bạn Pháp nên bà Quì trả lời không thể đến được. Công an cho biết sẽ làm việc với bà khi bà đến Sài Gòn. Trên đường về SG, tại Huế nhóm bà bị công an khám xét những món quà tặng cho học sinh tại đó.
Về đến SG, nhận được giấy mời công an ngày 17/7 bà Quì cũng từ chối đến gặp công an. Nhóm bà tiếp tục đi xuống đồng bằng sông Cửu Long thì bà bị điện thoại công an triệu tập cấp tốc trở về, nếu bà không về thì cả đoàn sẽ bị chặn lại. Thế là ngày 19/7 bà Quì phải đến cục xuất nhập cảnh số 242 đường Nguyễn Trãi để làm việc. Tại đây bà gặp ông Tạ Xuân Vũ và một người tên Đạt, cả hai đều mặc thường phục và không xưng chức vụ. Bà Quì cho biết nội dung buổi làm việc hơn 2 tiếng đồng hồ như sau :
“Thì họ bảo tôi phải khai lý lịch, nghề nghiệp chị làm gì, con cái ra sao, còn chồng chị thì sao ? Tôi nói chồng tôi cũng về hưu. Họ hỏi chồng chị làm việc toàn phần cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) hả ? Tôi nói thế nào là toàn phần ? Tôi không biết giờ nào ổng làm cho THDCĐN, giờ nào đọc sách, giờ nào làm vườn ? làm sao tôi biết được.
Thế rồi họ hỏi nhiều điều vô lý, thí dụ họ hỏi từ khi tôi đặt chân xuống VN thì tôi đi những đâu ? Tôi nói tôi không nhớ, phải có chương trình tôi mới nhớ, thì họ lại móc tờ chương trình ra đưa cho tôi. Tôi nói tôi đi vào chùa, thì họ hỏi đi vào chùa để gặp ai, tôi thấy câu hỏi ngờ ngẩn quá, tôi nói tôi vào chùa để gặp Phật chứ gặp ai ? Tôi nói tôi đi vào trường thì họ hỏi đi vào trường để gặp ai? Lúc nào họ cũng nghĩ là tôi đi để gặp ai. Đại khái là cũng như họ hỏi cung vậy đó mà."
Sau khi nhập đề lung khởi hơn 1 giờ thì công an mới đi vào phần chính của buổi làm việc là những nghi vấn chính trị liên quan đến chồng bà.
“Sau cùng thì họ hỏi là chị có biết THDCĐN có phát hành tờ báo Tổ Quốc bên này không ? Tôi bảo tôi không làm chính trị nên không biết. Rồi họ hỏi bạn bè anh Kiểng gồm những ai? Tôi bảo bên Pháp nếu tôi không được phép thì tôi không được quyền nói tên thành ra xin lỗi tôi không nói. Họ hỏi gì tôi cũng nói tôi không làm chính trị, tôi chỉ làm việc từ thiện thôi.
Sau cùng họ bảo, chị đọc lại và ký đi. Tôi nói tôi không cần đọc. Họ nói chị phải đọc, rủi tôi ghi cái gì có hại cho chị sao? Thì tôi nói từ nãy đến giờ anh nói đất nước này là đất nước của anh, thì anh muốn làm hại tôi thì anh cứ làm hại, tôi đâu cần gì phải đọc lại. Rồi tôi nói tôi ký theo lời ghi của anh đó thôi. Rồi tôi hỏi tôi có ghi chú thích được không ? và tôi ghi là tôi không hài lòng vì bị làm phiền.”
Cuối buổi hỏi cung thì có một công an mặc thường phục khác tên Minh vào, người này đã có những lời lẽ có tính cách hăm dọa đến an ninh cá nhân của bà Qùi nếu bà không rời khỏi VN. Ngay tối hôm đó bà Quì đã phải mua vé máy bay trở về Pháp. Bà Quì kể tiếp :
“Sau đó thì có một anh vào có vẻ là sếp, anh này thì có vẻ hơi hống hách một chút, anh ta nói: đất nước của chúng tôi, chị phải tuân phục, chồng của chị làm chính trị sa-lông, không biết gì về tình hình đất nước, không đi sát với thực tế.
Tôi bảo nếu mà anh thấy là không đi sát thực tế sao anh không gọi điện thoại nói chuyện thẳng với anh Kiểng, tôi có biết gì đâu ? Bắt đầu ảnh chỉ chỉ, ảnh bảo: chị cũng là người làm chính trị nữa, chị giúp đỡ tích cực cho THDCĐN khi họ tổ chức các bữa ăn gây quỹ.
Tôi nói chồng tôi bạn nhiều lắm, mà mỗi lần bạn tới nhà là tôi đều nấu cơm hết. Nếu mà nấu cơm là làm chính trị thì tôi làm dài dài. Thì ảnh bắt đầu chỉ chỏ, tôi nói, xin lỗi anh, ở các nước văn minh, người ta nói chuyện với đàn bà, người ta không chỉ chỏ. Thế thì anh ngồi xuống, chắc ảnh cũng hơi “quê” với các đàn em, nên sau đó anh ta mới nói: Tôi khuyên chị nên rời khỏi đây vì tôi không bảo đảm an ninh cho chị.
Tôi hỏi thế nào là không bảo đảm an ninh, họ nói là : Bổn phận chúng tôi là bảo đảm an ninh cho tất cả mọi người dân VN, kể cả du khách, nhưng riêng với cá nhân chị thì tôi không bảo đảm an ninh, tôi khuyên chị nên về sớm chừng nào tốt chừng đó. Tôi bảo thế thì anh trục xuất tôi ra, anh đem tôi ra máy bay tôi về liền chứ gì. Anh ta nói: không , không, tôi không trục xuất chị , chị muốn làm gì chị làm, nhưng tôi không bảo đảm an ninh cho chị.
Thế rồi ảnh bỏ đi, anh nói, chị ở lại làm việc với hai anh này nhé. Kết thúc chương trình thì họ lấy máy ra chụp, tôi cũng lấy máy ra định chụp lại họ nhưng họ nói không được, tất cả những người vào đây không được quyền chụp hình. Nhưng tôi chụp chị để làm hồ sơ. Tôi bảo, đất nước các anh thì các anh muốn làm gì thì các anh làm, thì các anh cứ chụp đi. Họ nói lúc nào thân thiện thì chụp chung, lúc này không thân thiện thì không nên chụp chị ạ.”
Vì sao bị sách nhiễu?
Trong quá khứ cũng có những nhóm từ thiện nhỏ về VN bị công an sách nhiễu như hội Quang Trung, một hội nhỏ của các thanh niên trẻ tại Pháp giúp học bổng cho sinh viên nghèo ở VN. Hội Bạn Thương Phế Binh VNCH tại Pháp. Tuy nhiên, nhiều hội khác thì hoạt động dễ dàng, như hội Bussy Sài Gòn, hoạt động hơn 5 năm nay cũng chưa hề gặp rắc rối, một thành viên của hội Bussy Saigon nói :
“Cho đến hiện tại thì chúng tôi không gặp khó khăn”
Một sáng lập viên của Hội EAFV (Entraide Association Franco-Vietnamien) chuyên giúp cho trẻ em nghèo cũng cho biết :
“Trơn tru hết, đâu có gặp khó khăn gì đâu cô.”
Tại sao có cùng là những hội từ thiện mà có những hội thường xuyên bị công an sách nhiễu, có hội vẫn hoạt động bình thường ? Câu trả lời trong trường hợp bà Hồ Quì có lẽ không khó vì bà Quì là vợ ông Nguyễn Gia Kiểng, sáng lập viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tại Pháp. Theo bà Quì, thì ngoài lý do hội không chấp nhận trở thành thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc như lời đề nghị của công an năm 2006 còn lý do khác nữa là những hoạt động của chồng bà. Bà nói Hội Măng Non bị gây khó dễ tại địa phươngvà cá nhân bà bị công an gọi « làm việc » nhiều lần là do :
«Tôi nghĩ rằng là cả hai, bây giờ tôi đi về rôi thì hội vẫn bị tức nhiên là họ vẫn muốn hội phải theo quy củ, phải vào Mặt Trận, hoặc là phải xin phép chính quyền để họ dễ kiểm soát. Ngoài ra , riêng cá nhân tôi còn kẹt anh Kiểng nữa. Tôi cũng lấy làm lạ là nếu họ muốn nhắn gì với anh Kiểng thì điện thoại hoặc email. Khi nói nói các anh có cần điện thoại hay email thì họ lại không xin ! Họ biết hết chứ không phải không nhưng họ cứ làm phiền tôi một cách vô ích ! »
Qua câu chuyện, mọi người đều nhìn thấy nguyên nhân chính của việc bà Quì bị hạch sách và hăm dọa là do những hoạt động của chồng bà là ông Nguyễn Gia Kiểng, ngăn cản hoạt động của hội Măng Non chỉ là một cái cớ, việc này làm người ta liên tưởng đến vụ bao cao su của TS Cù Huy Hà Vũ hay việc trốn thuế của nhà báo Tự do Điếu Cày. Được hỏi ông phân tích thế nào về sự hăm dọa của công an đối với vợ ông, ông Kiểng nói :
«Đây là một sự đoán của tôi thôi, từ 1 năm nay, có 1 tình trạng rất mới tại Sài Gòn : các phong trào biểu tình chống đối nổi lên rất nhiều. Ngày trước chúng ta chỉ có 1 trung tâm phản kháng là Hà Nội, bây giờ có thêm 1 trung tâm phản kháng là Sài Gòn. Việt Nam hầu như đi vào 1 giai đoạn sôi động mới, trong sự sợ sệt đó thì họ nghi ngờ tất cả. Họ cho rằng trong các cuộc biểu tình đó có 1 gần gũi nào đó với THDCĐN.
Bây giờ người VN có 2 không gian : một không gian xã hội thực là không gian xã hội bị chính quyền Cộng Sản khống chế. Nhưng nó còn một không gian ảo nữa, và trong không gian ảo đó, người ta nói thực, còn trong không gian thực đó, người ta phải nói dối. Có thể nói khuynh hướng Dân chủ đã loại khuynh hướng Cộng sản ra khỏi không gian ảo đó. Và tôi nghĩ là thanh niên đang có một sự liên lạc rất chặt chẽ, họ cùng kết bạn với nhau, họ cùng trao đổi ý kiến với nhau và họ cùng dắt tay nhau ra cái xã hội thực đòi thay đổi cái xã hội thực đó.
Những người trên mạng đó thì họ quen biết rất nhiều với THDCĐN, nhiều anh em THDCĐN cũng xài face book. Có một sự đồng cảm giữa các anh em trong THDCĐN và các anh em đang đấu tranh Dân chủ trong nước. Có lẽ họ cảm thấy được điều đó, và trong sự lo âu về vấn đề an ninh họ ngờ vực là bà xã tôi có 1 cái liên hệ với những người tranh đấu. Họ theo dõi và họ không thấy gì hết và sự thực là không có gì hết và tôi không đến nỗi ngây thơ mà làm việc đó. Nếu tôi có những việc phải làm thì tôi có những phương tiện khác, những con người khác, không cần phải qua bà xã tôi.
Trước đây, họ đối xử với bà ấy lịch sự hơn nhiều, bây giờ họ đối xử với bà ấy thù địch như vậy thì tôi nghĩ rằng đang có một sự căng thẳng, họ đang ở trong 1 tâm lý giận dữ hay là cái tâm lý hốt hoảng trước một tìnht rạng mà họ không kiểm soát được nữa.»
Được hỏi những khó khăn này có làm bà chấm dứt những hoạt động từ thiện không, bà Quì quả quyết nói :
«Chắc chắn là tôi vẫn tiếp tục, biết đâu 2 năm sau họ đổi chính sách, biết đâu họ còn sống hay không ? Hai năm sau tôi lại xin về, tôi không sợ, nếu bị công an làm khó dễ, mình sợ mình bỏ các cô nhi, các trẻ em nghèo thì tội nghiệp nó. Tôi thì tôi không sợ, cùng lắm, nếu họ bắt tôi đi thì tôi lại mua một cái vé về sớm thôi chứ có gì đâu….. »
Đây không phải là lần đầu tiên một tổ chức từ thiện gặp rắc rối với công an Việt Vam. Tháng 10 năm ngoái, cô Mi Vân, 1 việt kiều Na Uy về VN làm từ thiện cũng bị chận tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Nhà cầm quyền VN luôn luôn muốn gắn liền những hoạt động từ thiện với mục đích chính trị nếu những hội từ thiện đó không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Điều này không khỏi làm cho những tổ chức từ thiện phải quan ngại và giới hạn hoặc ngưng hẳn hoạt động của họ mà nạn nhân trực tiếp là những người già, trẻ em nghèo, thất học hoặc những mảnh đời khốn khổ tại VN đang cần sự giúp đỡ của các tấm lòng nhân đạo ở hải ngoại.
Theo dòng thời sự:
- Trang web Nguoitoicuumang.com và Quán Cơm Hai Ngàn
- Vòng Tay Thái Bình Và Dự Án Mới Về Phòng Chống Buôn Người
- Kinh nghiệm sau chuyến đi Việt Nam
- VNMAP: Nhóm Bác Sĩ Trẻ Ở Hoa Kỳ Và Tổ Chức Hổ Trợ Y Tế Cho Việt Nam
- Chuyện Kể Của Người Trực Tiếp Cứu Giúp Nạn Nhân Buôn Người Ở Malaysia
- Cảm nghĩ về một chuyến đi tìm hiểu thực tế của vấn đề buôn bán trẻ em