Những người bán hàng rong lâu nay là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong chính sách trật tự đô thị mà chính quyền VN đang thực hiện. Câu chuyện mới nhất của anh Phạm Thiện Minh Phong, bán hàng rong ở Sài Gòn, bị công an đánh phải nhập viện, làm dấy lên sự hoài nghi về chính sách đó. Liệu nó thực sự có hiệu quả hay không cũng như sự xung đột xã hội giữa thành phần nghèo khó mưu sinh với lực lượng thiết lập trật tự đô thị bao giờ dứt?
Nét đẹp hàng rong
Hình ảnh những người bán hàng rong tạo nên một bản sắc rất riêng của các phố thị tại Việt Nam từ bao đời qua.
Trải qua qua nhiều năm tháng, những gánh hàng rong đơn sơ dần phát triển với nhiều phương tiện chuyên chở đa dạng, tạo thuận tiện hơn trong việc di chuyển cho những người bán hàng rong. Mô hình buôn bán nhỏ lẻ di động này có thể gọi là “bùng nổ” khi có sự di dân từ nông thôn ra thành thị do quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Một bộ phận không nhỏ những người nghèo khó phải chọn phương thức bán hàng rong làm kế mưu sinh trong khoảng vài thập niên trở lại đây.
VN cũng đang tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, một thành phố hiện đại, nơi đó tất nhiên vẫn lấy việc lựa chọn con người làm trung tâm của mọi nguồn máy hoạt động, nên buộc lòng phải có một sự thay đổi.<br/> - TS.Trịnh Hòa Bình
Tuy nhiên kể từ khi chính sách thiết lập trật tự đô thị được triển khai một cách mạnh mẽ thì những người bán hàng rong này nghiễm nhiên trở thành đối tượng làm xấu mỹ quan đô thị, gây cản trở lưu thông, chiếm dụng lòng đường, thậm chí gây rối trật tự công cộng...và họ dễ bị xếp vào tình trạng vi phạm pháp luật vì những hành vi này.
Trong thời gian gần đây, qua báo chí trong nước cũng như qua các clip video được lan truyền trên mạng xã hội, người ta thấy nhiều người bán hàng rong bị lực lượng thiết lập trật tự đô thị tịch thu hàng hóa và phương tiện bán hàng mặc lời khẩn thiết van xin:
“Giằng co à? Bỏ tay ra. Cho cháu xin, cháu lạy chú. Con cháu ốm ở nhà, cháu xin chú. Bỏ tay ra…Cháu lạy chú! Có chấp hành không?”
Vừa rồi là âm thanh trong cuộc trao đổi giằng co giữa một phụ nữ trung niên bán ổi trên chiếc xe đạp với 5 nhân viên trật tự đô thị ở Hà Nội. Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh anh bán hàng rong Trịnh Xuân Tình bị dân phòng và đội trật tự quản lý đô thị đánh ngất xỉu ở Sài Gòn hồi năm 2013. Và mới nhất là vụ việc anh Phạm Thiện Minh Phong bị công an đánh tại khu vực chợ Bình Tiên, Quận 6, TP.HCM vào hôm 14 tháng 4, phải nhập viện cấp cứu và vẫn đang trong tình trạng bác sĩ phải theo dõi với chẩn đoán xuất huyết võ não bán cầu phải. Vào ngày 16 tháng 4, anh Phong nói với báo giới trong nước rằng đã từng có nhân viên trật tự đô thị ra giá muốn làm ăn yên ổn thì phải “nộp thuế” 700 ngàn đồng/tháng, để mỗi lần lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa lòng lề đường thì sẽ gọi điện báo trước. Chị Thúy, vợ của anh Phong xác nhận thông tin này với Đài ACTD:
“Lúc đầu ảnh cũng bị lấy xe một lần rồi. Ảnh nói là phải chung cho nó nếu không thì bị lấy xe lôi”.
Chị Thúy cho biết thêm chồng chị chưa nộp số tiền 700 ngàn đồng lần nào và không rõ vụ việc anh bị đánh có phải do hậu quả của việc không thực hiện theo gợi ý này hay không. Trao đổi qua điện thoại với Hòa Ái, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia TP.HCM, nêu lên ý kiến của ông về vụ việc xảy ra đối với anh bán hàng rong Phạm Thiện Minh Phong:
“Việc xử phạt người bán hàng rong thì trong ‘luật xử phạt vi phạm hành chính’ cũng đã nói rõ là nếu lấn chiếm lòng lề đường thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng ở đây hành vi đánh người của chiến sĩ công an đó, họ vi phạm hiến pháp, pháp luật rất rõ rồi; tức là theo Hiến pháp 2013 quy định thân thể của một người là bất khả xâm phạm”.
Làm sao cho dung hòa?
TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình giải đáp thắc mắc của dư luận về chính sách trật tự đô thị có hiệu quả hay không khi những xung đột xã hội ngày càng gia tăng do tình trạng lạm quyền cũng như nhũng nhiễu của lực lượng quản lý trật tự đô thị:
“VN cũng đang tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, một thành phố hiện đại, nơi đó tất nhiên vẫn lấy việc lựa chọn con người làm trung tâm của mọi nguồn máy hoạt động, nên buộc lòng phải có một sự thay đổi. Chẳng hạn như việc sử dụng hè phố, việc chiếm dụng những không gian chung để biến thành của riêng, nó mang đậm rõ tính chất văn hóa làng xã của nền văn minh tiểu nông lúa nước thuở nào. Thành thử ra giải quyết xung đột xã hội này là bài toán không dễ dàng, dẫu rằng bằng con đường tự nguyện hay bằng cưỡng chế. Và hình ảnh này nó tạo nên sự sai lệch về mặt giá trị khác cũng như tiêu biểu cho các xung đột khác chứ không chỉ thuần túy xung quanh câu chuyện vi phạm chuẩn mực của văn minh đô thị”.
...giải quyết xung đột xã hội này là bài toán không dễ dàng, dẫu rằng bằng con đường tự nguyện hay bằng cưỡng chế. <br/> - TS. Trịnh Hòa Bình <br/>
TS. Trịnh Hòa Bình còn nhấn mạnh quá trình giải quyết những xung đột xã hội này sẽ mất rất nhiều thời gian và hiện nay các giới chức thành phố đang tìm những biện pháp để bảo đảm trật tự cho đô thị nhưng cũng gìn giữ nét văn hóa đặc trưng bán hàng rong; chẳng hạn sẽ cho phép bán hàng rong trong khu vực Phố cổ Hà Nội vào các khung giờ được quy định.
Vào ngày 18 tháng 4, UBND Quận 1-TP.HCM cho biết sẽ thực hiện thí điểm một khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định từ 6 đến 8 giờ sáng và từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều đối với khoảng 550 hộ buôn bán hàng rong trên vỉa hè thuộc địa bàn của quận. Nhưng những người quan tâm cho rằng biện pháp này không thực thi vì những người buôn thúng bán bưng không thể bán hàng theo khung giờ quy định hạn hẹp như vậy.
Trong khi dư luận đang tranh cãi xem xét những biện pháp mới mà chính quyền ở các thành phố sẽ cho thực hiện vấp phải những khiếm khuyết nào và không khả thi ra sao thì những người bán hàng rong mà Đài ACTD tiếp xúc cho biết họ không dám trông đợi điều gì hơn l cầu mong trên bước đường rong ruổi mưu sinh qua ngày không gặp phải những “hung thần mặc sắc phục”. Và phản ứng của người dân đô thị mà chúng tôi ghi nhận được là những tiếng thở dài xót thương phận nghèo của người bán hàng rong như một cư dân mạng chia sẻ rằng “Chính quyền xiết chặt quản lý trật tự đô thị để làm đẹp thị thành hoa lệ. Hoa cho người giàu. Còn lệ cho kẻ khốn cùng”.