Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tốt, đạt kết quả tích cực, mặc dù vẫn còn những hạn chế và khó khăn nhất định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực đang hồi phục.
Kinh tế 2017 có chuyển biến tích cực
Bước vào đầu năm 2017, các chuyên gia kinh tế có tâm lý bi quan, lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và khó hồi phục, vì những biến động trên toàn cầu: Tổng thống Donald Trump nhận chức và rút khỏi TPP; Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội đảng cộng sản, ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực; chủ nghĩa khủng bố hoành hành; các hiệp định thương mại tự do mới chưa hình thành, …
Theo GS-TS Nguyễn Mại – Cựu thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, các tác động bên ngoài là những ẩn số, chưa thể dự báo được, và có nhiều điểm tiêu cực. Bên cạnh đó là các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
“Trong nước thì có hai sự kiện mà chúng ta cũng biết rằng là: kinh tế 2016 chuyển sang 2017 là tăng trưởng thấp; và sự cố môi trường Formosa lúc bấy giờ chưa giải quyết được mà cũng không ai biết bao giờ khắc phục được sự cố Formosa. Cho nên không ai dám khẳng định kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng trưởng được.”
Bên cạnh đó, theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, di sản của thời kỳ trước như nợ công cao, nợ xấu ngân hàng đáng báo động, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn là những vấn đề nội tại khiến tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn.
Bởi vì tăng trưởng hay phát triển kinh tế thì trước hết phải dựa vào doanh nghiệp, chứ không thể chỉ dựa vào kinh tế nhà nước hay lực lượng doanh nghiệp nhà nước. <br/>- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã phục hồi trở lại, với những kết quả tích cực, đặc biệt trong Quý 3 và Quý 4. Giáo sư Nguyễn Mại cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6.81% - cao nhất trong vòng 9 năm, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt 430 tỷ USD – đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 25 thế giới; dự trữ ngoại tệ tăng 12 tỷ USD lên thành 53 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, …
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả này có được nhờ sự cố gắng của Chính phủ mới của ông Nguyễn Xuân Phúc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, điều chỉnh lại quan hệ nhà nước và thị trường, xóa bỏ sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
"Bởi vì tăng trưởng hay phát triển kinh tế thì trước hết phải dựa vào doanh nghiệp, chứ không thể chỉ dựa vào kinh tế nhà nước hay lực lượng doanh nghiệp nhà nước. Cho nên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh tối đa để cho doanh nghiệp phát triển là mũi nhọn của Chính phủ, tập trung và thể hiện xuyên suốt trong năm nỗ lực đó. Kết quả mang lại đã phản ánh cố gắng đó."
Mặt khác, bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đã có chuyển biến phục hồi, có cải thiện nhất định, tạo thuận lợi cho Việt Nam gia tăng thu hút FDI và xuất khẩu.
Tăng trưởng nhưng còn hạn chế
Nhìn về tổng thể, theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam dù đã có bước cải thiện nhất định, nhưng vẫn còn thấp hơn yêu cầu và so với các nước trong khu vực và thế giới.
"Tức là Việt Nam vẫn cần phải cải thiện rất nhiều về năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt là hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là khi các nguồn lực nằm phần lớn trong tay khu vực nhà nước mà sử dụng không hiệu quả, thì nó kéo theo cả nền kinh tế kém hiệu quả. Nó cũng đồng thời làm khó cho khu vực tư nhân, khó tiếp cận nguồn lực cho phát triển."
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân tuy có những bước tiến, được tạo thêm điều kiện thuận lợi trong môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn gặp khó khăn bởi chi phí kinh doanh tại Việt Nam còn cao làm cho doanh nghiệp khó hoạt động hiệu quả.
“Có những doanh nghiệp đã từng hoạt động một số năm, đã thành công, nhưng bây giờ họ phải rút khỏi thương trường. Điều đó chứng tỏ họ hoạt động còn khó khăn thế nào.”
Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có tiến triển
Theo đánh giá của Quốc hội và Chính phủ, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn diễn ra chậm chạp so với kế hoạch, nhiều doanh nghiệp còn né tránh, nhiều trường hợp hoạt động kém hiệu quả, gây thua lỗ và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế như bà Phạm Chi Lan đã nhắc tới.
Mặt khác, ngân sách Việt Nam trong năm tài khóa 2016 có sự thâm hụt, nên Chính phủ Việt Nam cần tạo thêm nguồn thu, trong khi dòng vốn ODA và các dòng vốn ưu đãi khác đã ít đi và chi phí vay cao hơn. Vì vậy, trong năm 2017, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh với nhiều cố gắng.
"Nhà nước đang giữ trong tay mình để sở hữu quá nhiều và sử dụng kém hiệu quả, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì nên bán bớt tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước đó đi, để đưa các DNNN đó hoạt động theo cơ chế thị trường và từ đó họ có thể tăng hiệu quả lên. Mặt khác, cần phải giải tỏa bớt nguồn lực đó để cho các doanh nghiệp khu vực tư có thể sử dụng có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, cũng như sự phát triển của khu vực tư nhân như Đảng và Chính phủ Việt Nam đều thừa nhận là động lực của nền kinh tế."
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, trong năm 2017, quá trình cổ phần hóa DNNN gắn liền với xu hướng M&A (mua bán và sáp nhập công ty) trong dòng vốn FDI 5,8 tỷ USD chảy vào Việt Nam. Trong đó, chỉ tính riêng việc đại gia Thái Lan mua lại Tổng công ty Bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Bởi khi doanh nghiệp nước ngoài vào, thì năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tốt hơn... cùng với kinh tế tư nhân, và kinh tế đầu tư nước ngoài sẽ là cú hích lớn trong những năm tiếp theo. <br/>- Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mại
Giáo sư Nguyễn Mại đánh giá, đây là biểu hiện tích cực của hai xu thế tại Việt Nam. Đầu tiên là khẳng định quyết tâm tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thay vì “chỉ nói mà không làm” trước đây.
"Cái thứ hai, cái tái cấu trúc DNNN này còn quan trọng hơn là chắc chắn đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Bởi khi doanh nghiệp nước ngoài vào, thì năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tốt hơn. Và như vậy tạo nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi còn là DNNN. Và chắc chắn đây là một cú hích, mà chúng ta cùng với kinh tế tư nhân, và kinh tế đầu tư nước ngoài sẽ là cú hích lớn trong những năm tiếp theo."
Triển vọng năm 2018
Giáo sư Nguyễn Mại và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đều cho rằng, khó dự đoán về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018. Tuy nhiên, họ đều có niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Giáo sư Mại cho rằng, xu hướng M&A trong dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018, tạo thêm động lực cho nền kinh tế Việt Nam
Còn bà Phạm Chi Lan cho rằng, cả những kết quả đã đạt được và những điểm hạn chế sẽ thúc đẩy Việt Nam tiếp tục có những thay đổi tích cực hơn trong năm 2018.
"Phải nói là nhu cầu phát triển của Việt Nam là rất cao, sức ép hoặc đòi hỏi của phát triển là rất lớn. Nếu Việt Nam không cố gắng đi theo hướng phát triển một cách bền vững hơn, bao trùm hơn, thì Việt Nam sẽ khó có thể đuổi kịp được các nước khác, mà khoảng cách về tụt hậu giữa Việt Nam với các nước xung quanh sẽ ngày càng xa hơn. Điều đó nó đang hiển hiện rất rõ. Nó trở thành động lực, cũng như áp lực rất rõ để Việt Nam phải thay đổi, phải làm tốt hơn trong những năm tới."