Thủy điện tác động rừng Cát Tiên?

Đâu là nguyên nhân dẫn đến các bất đồng ý kiến về các dự án thủy điện liên quan đến Vườn Quốc gia Cát Tiên?

0:00 / 0:00

Bên cạnh việc chi phí khai thác ngày càng cao, nguồn năng lượng từ than đá và dầu mỏ của Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Trong khi nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lại tăng liên tục nên việc sử dụng các năng lượng mới, trong đó có thủy điện cần được xem xét. Hàng loạt các dự án thủy điện hình thành trên sông Đồng Nai, trong đó có các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây nhiều tranh cãi khá gay gắt trong thời gian qua. Đâu là nguyên nhân dẫn đến các bất đồng ý kiến về các dự án thủy điện liên quan đến Vườn Quốc gia Cát Tiên? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường thuật như sau:

6 dự án thủy điện bao vây

Rừng nguyên sinh Cát Tiên có tên chính thức là Vườn Quốc gia Cát Tiên trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng, đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi nhiều lợi thế đặc biệt. Trên diện tích rộng hơn 70 ngàn ha không kể vùng đệm, rừng nguyên sinh này có những loài động vật hoang dã quý hiếm xếp trong danh mục đỏ thế giới. Tại khu vực xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên Lâm Đồng, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, các nhà khoa học còn thấy một số loài thực vật khác chưa được định tên. Rừng nguyên sinh này có giá trị rất cao về mặt bảo tồn nguồn gien và đa dạng sinh học.

Khi các thủy điện thi công là họ sẽ mở những con đường vào, từ những con đường đó, người dân sẽ trà trộn xâm nhập vào để khai thác lâm sản gỗ, săn bắn thú rừng.

Ô. Nguyễn Văn Minh

Tính đến nay, xung quanh Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng cộng khoảng 6 dự án thủy điện đang triển khai trên sông Đồng Nai. Hệ thống thủy điện này đang dấy lên trong dư luận và giới khoa học một nỗi lo về hệ lụy của chúng đối với hệ sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên khi đưa vào xây dựng và vận hành. Sự có mặt các công trình thủy điện này chắc chắn sẽ làm cho diện tích rừng bị suy giảm do phải dành đất rừng làm hồ chứa, khu dự trữ sinh quyển của thế giới trong khu vực có nguy cơ bị tàn phá khốc liệt. Việc phá hủy môi trường thiên nhiên là đi ngược lại bản chất của phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cho đài Á châu Tự do biết cụ thể việc này như sau:

“Con sông Đồng Nai là đường ranh giới thủy, có tác động ngăn chặn rất là tốt. Khi làm thủy điện xong chắc chắn là nước ở bên dưới thủy điện sẽ cạn kiệt hết, lúc đó người dân bên cạnh sẽ xâm nhập vào, phá hoại nhiều hình thức vì lúc đó rừng mình không còn ranh giới nữa. Trong đó là những nạn săn bắn, rồi lấn chiếm đất rừng, tất cả mọi thứ đều xảy ra hết.

Đặc biệt là khi các thủy điện thi công là họ sẽ mở những con đường vào, từ những con đường đó, người dân sẽ trà trộn xâm nhập vào những con đường này vào để khai thác lâm sản gỗ, săn bắn thú rừng. Đấy là những cái họ mở đường và người dân sẽ sống theo đó và cái áp lực của người dân càng ngày càng tiến sát tới rừng hơn.

Cái quan trọng nhất là họ sẽ đưa dân theo các công trình thủy điện đó; cái thiệt hại lớn nhất, nguy cơ lớn nhất là người dân vào sẽ hình thành phá rừng làm rẫy.”

cattien.vn-250.jpg
Vườn Quốc gia Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn

Ở hiện trường dự án thủy điện Đồng Nai 6, người ta có thể bắt gặp khá nhiều loài cây quý có tên trong Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, trong đó nhiều cổ thụ đến ba vòng tay người ôm. Việc xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm gọn trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng của một trong số ít ỏi hệ sinh thái đặc biệt còn sót lại trên thế giới.

Vừa qua, trong khi diễn tiến các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa có kết luận cuối cùng, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn ra văn bản bổ sung dự án thủy điện Đức Thành. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đồng ý về quy hoạch thủy điện Đức Thành trong hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai, còn việc có được làm hay không thì phụ thuộc nhiều yếu tố khác như báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Dự án thủy điện Đức Thành thuộc trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên, nằm ngay dưới dự án Đồng Nai 6A. Thực tế thời gian qua đã chứng minh mọi tác động ở vùng đệm đều ảnh hưởng đến vùng lõi Vườn Quốc gia. Tưởng cũng nên nhắc lại việc dự án thủy điện Đồng Nai 5 chỉ nằm cách xa vườn quốc gia Cát Tiên 1km, nhưng đủ là nguyên nhân khiến một số ngân hàng nước ngoài đã từ chối cho vay để thực hiện dự án này.

Hiệu quả bù đắp tiêu cực?

Riêng tôi, quan điểm cá nhân thì Đồng Nai 6 và 6A thì không nên làm vì gây ngập rừng, mất rừng còn Đức Thành nằm ở ngoài vùng đệm nên sẽ không gây ngập rừng.

Ô. Trần Văn Thành

Ý kiến các đập thủy điện góp phần tích nước mùa lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt cần xem xét nghiêm túc hơn. Khả năng này chỉ có ở loại đập thủy điện hồ chứa lớn và điều tiết theo mùa mới làm được, còn các đập trên sông Đồng Nai không có đập nào làm được như vậy. Đồng thời chức năng điều tiết nước này chỉ thực hiện được khi có quy chế vận hành liên hồ giữa các thủy điện trên sông Đồng Nai.

Hiện nay, các bộ vẫn chờ chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ đánh giá mức độ ảnh hưởng của hai dự án Đồng Nai 6 và 6A. Quan điểm từ Bộ Công Thương khẳng định nếu thấy hiệu quả kinh tế không bù đắp được tác động tiêu cực về mặt xã hội - môi trường thì không triển khai. Về tiến độ, Bộ Công Thương cho biết đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc triển khai hai dự án này. Còn Bộ Tài nguyên Môi trường tỏ ra cũng hết sức thận trọng với hai dự án này vì chiếm đến vài trăm ha rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng đặc dụng.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn lại đồng tình với việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A. Trước đây, trong báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ, các ảnh hưởng trực tiếp do thủy điện tác động đến môi trường được Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn báo cáo là “ít ảnh hưởng” và “các mục tiêu cơ bản của Vườn Quốc gia Cát Tiên vẫn được bảo đảm”.

Ngoài ra, mức chuyển đổi diện tích đất rừng đặc dụng của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là nằm trong danh mục dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Song hiện nay, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ Chính phủ về hai dự án này.

Bên cạnh bối cảnh chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các cơ quan trung ương chức năng, những người trực tiếp công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng có các nhận xét nhất định. Khi hỏi ý kiến cá nhân về các công trình thủy điện, với tâm tình của người có 20 năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho phóng viên đài Á Châu Tự do biết như sau:

2392008163920_Nam-cat-tien4-250.jpg
Thú hoang dã tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn

“Riêng tôi, cái Đồng Nai 6 và 6A thì không nên làm bởi vì nó đã trực tiếp nằm ngay ở vùng lõi. Còn khả năng của Đức Thành thì có thể làm được với điều kiện phải có đánh giá tác động môi trường của các nhà khoa học xem xét kỹ hơn nữa. Riêng tôi, quan điểm cá nhân thì Đồng Nai 6 và 6A thì không nên làm vì gây ngập rừng, mất rừng còn Đức Thành nằm ở ngoài vùng đệm nên sẽ không gây ngập rừng. Nhưng mà đề nghị nghiên cứu ảnh hưởng môi trường và thủy văn của nó đối với dòng sông hạ lưu, kể cả hệ thống liên hồ trên cả dòng sông. Dòng sông Đồng Nai hiện nay chiều dài khoảng 300 km nhưng nó tới mười mấy hai chục cái công trình thủy điện rồi. Cho nên để tiến hành làm thêm thì phải đánh giá lại khả năng của dòng sông đó có chịu đựng được nổi hay không.”

Trong bối cảnh pháp luật hiện hành, các báo cáo đánh giá tác động môi trường dễ bị thực hiện thiếu nghiêm túc, vì pháp luật chưa quy định chặt chẽ đơn vị nào mới được làm việc này, hoặc phải có chứng nhận hành nghề. Điều này dẫn đến tình trạng chủ đầu tư bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn viết báo cáo và thực tế cho thấy không có đơn vị tư vấn nào đi làm tổn hại người thuê mình cả. Báo cáo sau đó được đưa lên Hội đồng Thẩm định nhưng hội đồng này lại không bị pháp luật ràng buộc trách nhiệm nên khi dự án có vấn đề cũng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Sông Đồng Nai hiện nay chiều dài khoảng 300 km nhưng nó tới mười mấy hai chục cái công trình thủy điện rồi. Cho nên làm thêm thì phải đánh giá lại.

Ô. Trần Văn Thành

Trình tự này khác với thông lệ quốc tế, nếu ở nước ngoài các tranh chấp trong lãnh vực này sẽ được giải quyết ở tòa án môi trường và hệ thống pháp luật rất cụ thể để quy rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Không hẳn sự hấp dẫn về giá thành điện sản xuất thấp đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào các dự án thủy điện, mà còn có thể từ nguyên nhân khác. Hiện có không ít ý kiến cho rằng có chủ đầu tư cố làm thủy điện cho bằng được, thậm chí bất chấp lợi ích cộng đồng, vì món lợi chủ yếu họ nhắm tới là khai thác gỗ. Đây cũng là lý giải cho hiện tượng sông Đồng Nai bao quanh Vườn Quốc gia Cát Tiên không dài, nhưng lại có mật độ thuỷ điện quá dày đặc như vậy.

Vấn đề phát triển thủy điện cần xem xét từ góc độ Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của hiện tượng thay đổi khí hậu. Một trong bảy khuyến nghị của Ủy ban thế giới về đập, chính là phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến người dân. Người dân tại khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6, 6A nói riêng và hàng triệu người dân trong lưu vực ảnh hưởng bởi thủy điện trên sông Đồng Nai nói chung hoàn toàn có đủ tư cách để đóng góp ý kiến và nghe sự thật về thủy điện cùng những hệ lụy của nó.

Opens in new window

Video: Những bài học về đập thủy điện

Theo dòng thời sự: