Theo truyền thông quốc tế thì khi lạm phát tại Trung Quốc vọt lên mức cao nhất từ 10 tháng nay, ngân hàng trung ương của xứ này lại gặp áp lực để không nâng lãi suất hầu hạ nhiệt nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thì được biết sự thể còn trầm trọng hơn gấp bội. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi do Gia Minh thực hiện sau đây:
Trở ngại trong hệ thống chính trị
Gia Minh: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Quốc hội vẫn còn họp tại Bắc Kinh để hợp thức hóa việc một thế hệ mới vừa lên lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội đảng khóa 18 năm ngoái. Khi kỳ họp quan trọng này đang tiến hành thì có tin là lạm phát trong tháng Giêng tại Trung Quốc đã vọt tới mức cao nhất từ 10 tháng nay. Đáng chú ý, và được báo chí chuyên đề của quốc tế tường thuật, là việc nhiều cơ chế của chính quyền trung ương lẫn đảng bộ các tỉnh đang ngập nợ lại vận động để ngân hàng trung ương xứ này không được tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt kinh tế. Khi thời sự hàng ngày loan ra loại tin như vậy của thì người ta nên kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng truyền thông của chúng ta cần tìm hiểu vấn đề và nên loan tải loại tin đó nhưng với nội dung giải thích những vấn đề sâu xa hơn ở bên dưới.
Thí dụ như khi tìm hiểu thì ta thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc là cơ chế quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng của một quốc gia có nền kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới, mà lại dưới quyền điều khiển của Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ. Chi tiết khác là cầm đầu ngân hàng này là Thống đốc Chu Tiểu Xuyên lại không được vào Trung ương đảng sau Đại hội đảng khóa 18 vào tháng 11 năm ngoái, nên càng không có thực quyền dù ông đã muốn cải cách.
Lãnh đạo TQ không có khả năng điều chỉnh và khó tránh nhiều biến động tất yếu, họ hiểu rõ nhược điểm kinh tế mà không xoay nổi vì trở ngại trong hệ thống chính trị. <br/> Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tuần qua, khi cục Thống kê của họ báo tin sản lượng công nghiệp và hàng bán lẻ trong tháng Giêng đã chậm lại mà chỉ số giá tiêu dùng lại tăng vọt, lãnh đạo kinh tế xứ này gặp bài toán lưỡng nan là nên đạp thắng để chặn đà lạm phát hay là nên tống ga để đẩy mạnh tăng trưởng? Từ đó ta mới hiểu vì sao ngân hàng trung ương bị sức ép từ nhiều phía là không nên tăng lãi suất. Loại tin ấy cho thấy là trong cơ chế chính trị, lãnh đạo Trung Quốc không có khả năng điều chỉnh và khó tránh khỏi nhiều biến động tất yếu. Đáng nói hơn thế, họ hiểu rõ nhược điểm kinh tế mà không xoay nổi vì trở ngại trong hệ thống chính trị. Người thấy rõ nhất có lẽ là Thủ tướng Ôn Gia Bảo sắp mãn nhiệm sau 10 năm cầm đầu Quốc vụ viện vì ông ta đã nói đến từ lâu rồi.
Gia Minh: Bây giờ ta mới đi vào đề tài chính, thưa ông. Nhược điểm kinh tế của Trung Quốc là những gì và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói đến chuyện ấy vào lúc nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông Ôn Gia Bảo là lãnh tụ đứng hàng thứ ba của Trung Quốc, làm Thủ tướng từ năm 2003, sẽ mãn nhiệm sau ngày 14 này để nhường chức cho Thủ tướng mới là Lý Khắc Cường. Cách nay đúng sáu năm, ngày 16 Tháng Ba năm 2007, khi kết thúc một kỳ họp của Quốc hội thuộc khoá 10, ông ta có cuộc họp báo với truyền thông quốc tế và Trung Quốc.
Trả lời một câu hỏi hiển nhiên là được gài cho một phóng viên bản xứ nêu lên về các vấn đề hệ trọng nhất của kinh tế Trung Quốc, Ôn Gia Bảo nói đến bốn nhược điểm trong cơ cấu kinh tế là "không ổn định, không cân đối, không phối hợp và không bền vững". Sau đó, ông còn giải thích thêm nhận định phải nói là động trời đó về nền kinh tế ta gọi là "bốn không". Đáng chú ý là Thủ tướng Trung Quốc nói ra một sự thật để tìm cách cải sửa mà không sửa được.
Vì ba năm sau, Tháng Sáu năm 2010, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã viết trên tạp chí "Cầu Thị", một cơ quan lý luận của Trung ương đảng và của Trường đảng, rằng công cuộc phát triển Trung Quốc "tạo ra một cơ cấu kinh tế phi lý" và "ngày càng thấy rõ chiều hướng thiếu phối hợp và không vững bền". Các lãnh tụ khác của Trung Quốc, như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sắp mãn nhiệm và Tổng bí thư Tập Cận Bình đang lên thay cũng đều đã phát biểu như vậy. Nói vắn tắt thì lãnh đạo xứ này có thấy ra vấn đề từ đã lâu mà không thể cải cách được. Tôi mong rằng lãnh đạo của Hà Nội cũng nên thấy ra điều ấy, càng sớm càng hay.
Gia Minh: Ông vừa nói là Thủ tướng Trung Quốc có giải thích thêm về bốn nhược điểm này. Trong thời lượng có hạn của một chương trình phát thanh, xin đề nghị ông tóm lược cho thính giả của chúng ta hiểu được sự bất toàn của kinh tế Trung Quốc do chính lãnh đạo xứ này công nhận và giải thích.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ lãnh đạo Bắc Kinh có trình độ hiểu biết và bản lãnh cao hơn lãnh đạo Hà Nội vì thấy ra vấn đề và dám nói thẳng chứ không úp mở tuyên truyền vòng vo. Dù như vậy, họ cũng không giải quyết nổi nhiều bài toán xác nhận từ lâu và lý do nằm trong hệ thống chính trị lạc hậu. Vì vậy mà tôi cứ trình bày rằng kinh tế Trung Quốc có thể khủng hoảng và Việt Nam nên nhìn thấy mà liệu tránh chứ đừng coi mô thức Trung Quốc là mẫu mực.
Trả lời cho câu hỏi ông nêu ra, tôi xin vắn tắt nhắc lại rằng kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy cho tăng trưởng nên cứ tăng chi và ào ạt bơm tín dụng rồi sản xuất ra là phải tìm cách xuất khẩu mà bất kể lời lỗ. Đó là nạn không ổn định. Trong khi ấy kinh tế lại phát triển không cân đối giữa nông thôn và thành thị, giữa các tỉnh với nhau và giữa yêu cầu kinh tế với xã hội. Tình trạng không phối hợp là vì thiếu cân xứng giữa ba khu vực sản suất và giữa đầu tư với tiêu thụ. Sau cùng, ông Ôn Gia Bảo giải thích rằng tình trạng ấy không thể kéo dài vì không tiết kiệm năng lượng và tài nguyên và chẳng bảo vệ môi sinh. Nói vậy thì có thể là quá trừu tượng nên tôi cố trình bày nôm na, như đã ví von kỳ trước là uống sâm để đạp xe, nếu xe không lăn bánh là đổ.
Tăng trưởng không quân bình
Gia Minh: Ta trở lại ví dụ mà ông đã đưa ra khi nói đến Cộng Hoà "Dân Công" Trung Quốc. Ai đạp xe và ai uống sâm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ hơn ba chục năm nay, tỷ trọng tiêu thụ của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm dần trong thực tế, từ khoảng 50-52% tổng sản lượng nay chỉ còn 34-37% mà thôi. Trong ba lực đẩy chính cho kinh tế là đầu tư, tiêu thụ và xuất khẩu thì tiêu thụ có sức yếu nhất.
Sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc không quân bình, quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, mà người dân lại không được hưởng. <br/> Nguyễn-Xuân Nghĩa
Chi tiết có vẻ chuyên môn ấy cho thấy thực tế của đời sống là sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc không quân bình, quá lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, mà người dân lại không được hưởng. Từ sáu năm trước, Ôn Gia Bảo đã nói đến điều mà lãnh đạo ngày nay đang muốn làm là nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, tức là của người dân.
Nhưng khi thế giới bị tổng suy trầm vào năm 2008-2009, khả năng tiêu thụ và nhập khẩu của các nước bị hạn chế thì tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm. Vì vậy, dù đã thấy kinh tế thiếu cân đối và cần cải sửa, trong nhiều năm liền, từ 2009 đến 2011, lãnh đạo xứ này tiếp tục chính sách tai hại cố hữu là bơm thêm đầu tư để cỗ xe cứ lăn bánh hầu khỏi đổ.
Chuyện đáng nói hơn là hậu quả xã hội, hoặc bất công xã hội, của một chính sách kinh tế khiến Trung Quốc có nền kinh tế "năm không" chứ chẳng phải là "bốn không" như lãnh đạo xác nhận.
Gia Minh: Chúng tôi hiểu rằng ông đang từng bước châm thêm một yếu tố mới để thính giả của chúng ta thấy ra sự thể rất phức tạp bên dưới. Thưa ông, cái không thứ năm đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sức tiêu thụ rất thấp của người dân Trung Quốc là một sự thiếu cân đối và là yếu tố bất ổn vì khiến kinh tế xứ này lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, gây thất quân bình cho cả thế giới. Chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu chuyện ấy sau này, trong một chương trình khác.
Ngay tại chỗ, ở bên trong, người dân không được tiêu thụ và có mức tiết kiệm cao. Lý do thuộc về văn hóa và tâm lý là nỗi lo sợ bất trắc khi mạng lưới an sinh và y tế không có bảo đảm. Nhưng lý do còn lớn hơn vậy thuộc về chính sách. Lãnh đạo cố tình nâng mức tiết kiệm để vét tài sản đó cho đầu tư. Thế giới và nhiều kinh tế gia nông cạn cứ ngợi ca sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà chẳng thấy ra bản chất bất công và nguy hiểm của chính sách này.
Lý do là vì không ưu tiên phát triển mạng lưới an sinh xã hội để giải quyết yêu cầu về y tế, giáo dục, gia cư và hưu bổng cho người dân, lãnh đạo Trung Quốc khiến họ phải chắt bóp để dành, tức là nâng sức tiết kiệm và hãm đà tiêu thụ, nên tỷ trọng tiêu thụ của các hộ gia đình mới giảm. Tệ hơn vậy, lãnh đạo đã không cải sửa cơ cấu cho quân bình hơn mà còn thu vét tiết kiệm của dân vào khu vực nhà nước để tài trợ đầu tư. Đấy là một hiện tượng "cưỡng bách tiết kiệm", kinh tế học gọi là "đàn áp tài chính", nôm na là bóp hầu bao của người dân.
Gia Minh: Ông giải thích sự thể đó như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoại trừ một thiểu số có quyền hay có quan hệ chính trị, người tiết kiệm tại Trung Quốc không có nhiều ngả đầu tư để bảo vệ trị giá của tài sản và càng không thể đầu tư ra nước ngoài vì chế độ kiểm soát tư bản.
Ở trong nước, họ phải gửi vào ngân hàng cũng do nhà nước kiểm soát, từ Hội đồng Chính phủ tới Ngân hàng Trung ương mà chúng ta nói đến khi mở đầu chương trình này. Ngân hàng nhận tiền tiết kiệm của dân mà không được trả tiền lời ký thác quá một mức tối đa được quy định rất thấp, gần như xấp xỉ mức lạm phát. Đấy mà hình thức đàn áp tài chính hoặc đánh thuế tiền tiết kiệm. Với khoản tiền thu vào rất rẻ như vậy, ngân hàng cho vay ra theo chính sách của nhà nước và chủ yếu là cho doanh nghiệp nhà nước vay, với lãi suất thấp. Nghĩa là nhà nước lấy tiền của dân để trợ cấp các dự án đầu tư của nhà nước hay địa phương.
Cũng vậy, khi nhà nước Trung Quốc duy trì một tỷ giá thấp của đồng Nguyên so với đô kla Mỹ chẳng hạn, họ không cho dân hưởng công lao của sản xuất để xuất khẩu và đánh sụt sức tiêu thụ của các hộ gia đình. Họ gây bất công về xã hội và tạo thêm thất quân bình trong kinh tế.
Gia Minh: Câu hỏi cuối thưa ông, khi mà tân Thủ tướng là Lý Khắc Cường cũng công nhận từ năm 2010 cái cơ cấu phi lý của kinh tế thì liệu thế hệ lãnh đạo mới có cải cách được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm năm qua, thế giới có những đổi thay lớn và Trung Quốc bắt buộc phải chuyển hướng vì những gì thi hành trong nước đều có hậu quả với bên ngoài và tình trạng tiếp tục đầu tư rồi xuất khẩu sẽ phải chấm dứt. Vì lý do kinh tế quốc nội lẫn quốc tế, lãnh đạo Bắc Kinh không thể duy trì chế độ bất công và đàn áp tài chính được nữa và phải chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn, với phần đóng góp cao hơn của tiêu thụ.
Nhưng mặc dù trung ương biết vậy, họ vẫn không thể chuyển hướng, hãm đà tăng trưởng như người đạp xe chậm hơn để rẽ qua hướng khác. Lý do là bên trong hệ thống chính trị lại có những thế lực cưỡng chống vì quyền lợi của họ, nhất là các đảng bộ địa phương. Thí dụ rất nhỏ mà ta vừa đề cập tới là việc Ngân hàng Trung ương phải nhượng bộ vì sức ép bên trong cho thấy Trung Quốc sẽ khó xoay trở và những năm tới đây sẽ là một thời kỳ suy sụp và động loạn.
Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.