Không khí Tết Giáp Ngọ đã bắt đầu gõ cửa, thế nhưng, với nhiều gia đình, đón Tết năm nay lại nhiều nỗi lo hơn niềm vui, chia sẻ với Vũ Hoàng, một số người dân cho biết việc gia đình họ chuẩn bị Tết năm nay ra sao.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết nguyên đán Giáp Ngọ, người ta có câu “vui như Tết” để nói về không khí hân hoan đón chào một năm mới. Thế nhưng dường như câu nói ấy không còn đúng lắm vì thực sự xen lẫn niềm vui đón xuân bao giờ cũng là những bộn bề lo toan để có một cái Tết đầm ấm đúng nghĩa. Và với hàng triệu người lao động, thì chuyện lương thưởng hẳn sẽ là những mối bận tâm hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, con cái và cha mẹ của họ…
Không có tiền thưởng Tết
Nhắc đến tiền thưởng Tết năm nay với chúng tôi, chị Lê Thị Hòa, quê ở Bình Dương hiện đang làm việc cho một xưởng may ở Tây Ninh thở dài cho hay có khả năng chị sẽ không có tiền thưởng Tết và chuyện về quê thăm gia đình nội ngoại là gần như không thể:
“Năm nay tình hình nói chung là khó khăn, nên trong này thưởng Tết cũng không có, mọi năm chúng tôi nhận được lương tháng 13, nhưng năm nay chắc có lẽ là không có đâu anh ạ. Lương của tôi cũng vẻn vẹn trong 3-4 triệu nhưng mà Tết nhất thì phải chi phí rất nhiều, chắc năm nay, gia đình tôi cũng không có ý định về quê ăn Tết vì lương cũng không đủ về thăm nội ngoại.
Trẻ con năm nay chắc cũng phải hạn chế vì lương cũng không biết có đủ lo Tết hay không nên chắc cũng ít cho cháu đi chơi, việc về nội ngoại không về được đâu anh ạ!”
Năm nay tình hình nói chung là khó khăn, nên trong này thưởng Tết cũng không có, mọi năm chúng tôi nhận được lương tháng 13, nhưng năm nay chắc có lẽ là không có. <br/> -Chị Lê Thị Hòa
Năm hết Tết đến cũng là lúc người ta nghĩ đến cảnh sum vầy, đoàn tụ… nhưng những hoàn cảnh như của chị Hòa thì không hiếm, bởi chuyện nợ lương, không thưởng giờ đã thành “cơm bữa” với nhiều công nhân viên ở các xưởng may gia công. Đối với họ, nhiều khi mong được trả đủ lương đã là may lắm rồi chứ đừng hi vọng có thưởng.
Mới đây, khi nhận định về tình hình lương thưởng Tết, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐTB và XH) nhận xét; do tình trạng sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn, nên về cơ bản thưởng Tết giảm, và số lao động không có thưởng Tết có dấu hiệu tăng.
Nếu lướt qua một loạt những báo mạng thì không khó để tìm thấy những tít bài như "Thưởng Tết 2014: ảm đạm vì doanh nghiệp giải thể, phá sản" "Thưởng Tết sẽ giảm thê thảm" "sa thải nhân viên trước Tết để né thưởng" hay thậm chí "hai công nhân đi đòi lương Tết bị đánh trọng thương"…dường như gam mầu tối của nền kinh tế khiến một cái Tết Giáp Ngọ đang đến gần cũng mang nhiều nỗi niềm, lo toan, trăn trở hơn với người lao động.
Không chỉ với người lao động, những người làm quản lý, lãnh đạo, cái Tết càng đến gần thì cũng là lúc gánh nặng trên đôi vai khiến họ càng thấy day dứt vì không lo đủ một cái Tết cho anh em công nhân. Ông Vũ Văn Học, hiện đang là chủ thầu xây dựng trên địa bàn Bắc Ninh cho biết những nỗi niềm của ông:
“Báo cáo anh tình hình kinh tế suy thoái từ mấy năm nay, doanh nghiệp chúng tôi là vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nói thật với anh là rất khó khăn. Lo được lương cho anh em cũng là cả vấn đề rất là đau đầu đối với những người làm quản lý như chúng tôi. Mà mỗi khi Tết đến xuân về, nói thật với các anh, là người quản lý không lo được cái Tết cho anh em đầy đủ, chúng tôi rất day dứt. Nhưng trong tình hình suy thoái chung của nền kinh tế thế giới cũng như ở VN, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi, thậm chí là cả những doanh nghiệp lớn cũng gặp vô vàn những khó khăn, những doanh nghiệp càng lớn thì lại càng rơi vào tình trạng bi đát. Chính vì vậy với vai trò người quản lý thì năm nay, tôi cũng cố gắng hết sức để làm sao lương đầy đủ cho anh em, cộng thêm đó cũng chỉ là một chút quà tết, chỉ là quà Tết thôi chứ không dám nói đến là thưởng Tết.”
Theo ông Học thì xí nghiệp xây dựng của ông có 4 đơn vị thi công, nhưng vừa mới tháng rồi, mấy dự án xây dựng trường học trong tỉnh bị đình lại, nên xem chừng tình hình đã khó khăn lại càng thêm bi đát. Ông cho biết mấy năm trước khi thị trường xây dựng còn tấp nập, mỗi dịp Tết, ngoài chuyện thưởng 2-3 tháng lương, ông còn tổ chức cho anh em trong đơn vị đi du lịch, nhưng đến bây giờ thì chỉ nghĩ không phải nợ lương anh em, ông đã vã mồ hôi.
Chỉ thấy lo toan
Với người Việt Nam, Tết là thời gian quan trọng nhất trong một năm, gia đình nào cũng háo hức mong một cái Tết dư dả đôi chút, có ít tiền mua sắm, sửa sang nhà cửa… quanh năm đã làm việc vất vả ngược xuôi, người ta mong được thảnh thơi đón xuân, đón lộc. Thế nhưng, Tết đâu chưa thấy, mà mới chỉ thấy lo toan, gánh nặng vì câu hỏi “đầu tiên” là “tiền đâu” vẫn chưa có lời giải đáp! Bà Nguyễn Hà Mai làm kế toán cho một công ty bao bì tại Hà Nội dự báo năm nay bà sẽ đón một cái Tết không mấy thoải mái, chúa Xuân sắp gõ cửa rồi mà chuyện tiền thưởng cũng chưa thấy các sếp đả động gì:
Tôi cũng chưa nghe thấy thưởng gì cả, tình hình thưởng Tết năm nay cũng rất ít cho nên anh chị em chúng tôi cũng chưa có suy nghĩ gì đi sắm Tết cả. <br/> -Bà Nguyễn Hà Mai
“Nói thật với anh, tôi cũng chưa nghe thấy thưởng gì cả, tình hình thưởng Tết năm nay cũng rất ít cho nên anh chị em chúng tôi cũng chưa có suy nghĩ gì đi sắm Tết cả, mà nói thật năm nay còn cho nghỉ nhiều đến tận 9 ngày, không có tiền thì mua sắm gì. Cũng chán lắm anh ạ! Năm ngoái còn tương đối, năm nay thì chưa thấy nói năng gì cả. Bên ông xã của tôi, năm ngoái còn thấy thưởng vài triệu, còn năm nay chỉ 2-3 triệu thôi, dù sao có cũng còn hơn không. Thật tình, mình nhìn lên cũng không bằng ai, nhưng nhìn xuống nhiều nơi không bằng mình.”
“Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình” có lẽ là tâm trạng tự hài lòng, tự trấn an để cho qua đi những thời khắc vất vả mà bà Mai và gia đình đang chuẩn bị cho một cái Tết sắp đến gần.
Theo số liệu thống kê ở một số thành phố lớn, tại T.P. HCM một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thưởng Tết cho nhân viên lên đến 710 triệu đồng/ người, ở Cần Thơ cá nhân được thưởng Tết cao nhất là trên 130 triệu đồng, Đà Nẵng 172 triệu đồng còn Hà Nội 65 triệu đồng.
Mặc dù, đối nghịch theo kiểu "người ăn không hết kẻ lần không ra" ở xã hội nào cũng tồn tại, thời điểm nào cũng có, nhưng rõ ràng đón một cái Tết vui chung mà sự phân chia xã hội lại quá rõ nét là điều cũng không khỏi chạnh lòng.
Nói đến đây, chúng tôi bất chợt nhớ đến những bài báo châm biếm rằng: không có tiền, lãnh đạo công ty phân phát sản phẩm trong công ty sản xuất thay phần thưởng cuối năm cho anh em, đó là 10 bịch giấy vệ sinh, 200 viên gạch lát sàn hay 70 chiếc quần đùi… để ăn Tết.
Thoáng suy nghĩ bỗng hiện lên, liệu nhân viên công ty ấy sản xuất hòm áo quan thì… không lẽ… hẳn những bi hài ấy trong những ngày năm hết Tết đến là những chuyện cười ra nước mắt phải không quý vị?!?