Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang, vào ngày mai bắt đầu chuyến công du Trung Quốc chính thức đầu tiên trong cương vị này của ông.
Thông tấn xã Việt Nam từ một tuần trước khi ông Trương Tấn Sang lên đường đã loan tin này. Và theo cơ quan ngôn luận chính thức này của Việt Nam thì chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam lần này là theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người từng có thời là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nói lại điều đó:
Từ trước đến giờ, ông chủ tịch Trương Tấn Sang chưa sang Trung Quốc mà đã thăm Ấn Độ, Philippines. Bây giờ ông Tập Cận Bình cố mời ông Trương Tấn Sang sang; tất nhiên ông Sang khó từ mà chối, không có lý do gì để từ chối. Lần này không biết để tác động thế nào đây; tôi cũng chưa biết.
Khác với nhận định của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, hồi ngày 13 tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị trong cuộc họp báo thường kỳ nói với báo giới chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch Trương Tấn Sang từ ngày 19 đến 21 tháng 6 này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mục tiêu được ông này nói là để tăng cường sự tin cậy chính trị, hợp tác giữa hai đảng cộng sản và hai nước với nhau. Lãnh đạo của hai nước cũng sẽ định ra phương hướng lớn cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu… Theo thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thực tế lâu nay tại Biển Đông cho thấy lời nói và việc làm của phía Trung Quốc không đi đôi với nhau:
Việc đã qua tôi biết rồi, họ đưa chiêu bài ’16 chữ vàng, 4 tốt’ để nói với các ông ấy. Trong khi đó họ cứ ngang ngược ở Biển Đông; điều này ai cũng biết rồi.
Thông tấn xã Việt Nam lúc đó loan tin nói hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Tấn Dũng nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ giữa hai nước
Hồi tháng 10 năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi nắm chức vụ cao nhất đó của đảng chưa đầy một năm, đã công du Trung Quốc.
Trong chuyến công du kéo dài từ ngày 11 đến 15 tháng 10 năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng cùng phía Trung Quốc ký Bản thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, hồi tháng 9 năm ngoái, trong chuyến tham dự hội chợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, cũng gặp ông Tập Cận Bình. Thông tấn xã Việt Nam lúc đó loan tin nói hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Tấn Dũng nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hòa bình , ổn định tại Biển Đông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ giữa hai nước.
Sau khi các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ Việt nam có những cam kết hợp tác vì hòa bình, hữu nghị như vừa nêu; phía Trung Quốc tiếp tục những hoạt động bành trướng tại khu vực Biển Đông.
Sau khi các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ Việt nam có những cam kết hợp tác vì hòa bình, hữu nghị như vừa nêu; phía Trung Quốc tiếp tục những hoạt động bành trướng tại khu vực Biển Đông
Trung Quốc lại đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển này trong năm nay từ ngày 16 tháng 5 đến 1 tháng 8, nhiều tàu chiến, tàu hải giám, tàu ngư chính, và những đội tàu cá có tàu hộ tống của nước này được điều xuống Biển Đông. Phía tàu của Trung Quốc tiếp tục những hành động như làm đứt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, xua đuổi và thậm chí đâm vào một tàu cá của ngư dân Việt Nam làm hư hại thân tàu.
Tin mới hôm ngày 16 tháng 6 cho biết lực lượng mới có tên Hải cảnh của Trung Quốc lần đầu tiên ra quân đồng bộ xuống Biển Đông. Đây là lực lượng tập hợp từ Cảnh sát Tuần tra Ven biển thuộc Bộ Công An, Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Đội Tuần tra Hải quan của Trung Quốc. Tàu của lực lượng này được trang bị vũ khí được cho là để tự vệ nhưng có khả năng trấn áp bất cứ tàu dân sự nào tại Biển Đông.
Theo Tờ Quảng Châu Nhật báo hồi ngày 15 tháng 6, trong đợt ra quân lần này có 2 tàu cảnh sát, 3 tàu tuần tra duyên hải, và 3 tàu hải giám.