Chủ tịch nước phong tướng trong quân đội có phải là thay đổi lớn?

0:00 / 0:00

Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam vừa thảo luận việc trao cho Chủ tịch nước quyền được phong hàm cấp tướng trong quân đội thay vì chia quyền này với Thủ tướng. Thay đổi này có ý nghĩa thế nào trong tình hình chính trị hiện nay tại Việt Nam? Liệu đây có thực sự là một thay đổi đáng kể báo hiệu những thay đôi quan trọng hơn sắp tới?

Phù hợp với hiến pháp

Thường trực Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam hôm 9 tháng 9 thảo luận dự án luật sĩ quan quân đội sửa đổi, bổ sung, trong đó có đề nghị trao việc phong hàm tướng cho quân đội cho Chủ tịch nước để đảm bảo phù hợp với hiến pháp. Nói với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng, Phùng Quang Thanh còn nhấn mạnh dứt khoát "chỉ có Chủ tịch nước có thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng".

Nhìn nhận về thay đổi này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói:

Chủ tịch nước, là người thống lĩnh trong quân đội. Thì có sự chỉ huy thống nhất thì cũng tốt hơn, tập trung quyền lực hơn. <br/> -LS Nguyễn Văn Hậu

“Rất quan trọng cũng giống như thông lệ quốc tế, người đứng đầu trong quân đội là Tổng thống, Chủ tịch nước, là người thống lĩnh trong quân đội. Thì có sự chỉ huy thống nhất thì cũng tốt hơn, tập trung quyền lực hơn. Thông lệ ở các nước đều như vậy nên sự thay đổi này là tất nhiên trong quyền lực của một cơ quan nhà nước.”

Theo hiến pháp hiện nay của Việt Nam, Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Chủ tịch nước có quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên theo Luật sĩ quan quân đội nhân dân 1999, Thủ tướng có quyền phong, thăng quân hàm Trung tướng, phó đô đốc hải quân, thiếu tướn, chuẩn đô đốc hải quân. Trong khi đó, theo luật này thì Chủ tịch nước có quyền phong, thăng quân hàm đại tướng, thượng tướng, đô đốc hải quân.

Nhận xét về sự khác biệt giữa hiến pháp và luật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) nói:

Từ trái qua: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 22/10/2012. AFP photo.
Từ trái qua: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 22/10/2012. AFP photo.

“Tôi nghĩ rằng cái này chỉ thể hiện một điểm là luật pháp của Việt Nam khá là mâu thuẫn. Bản thân hiến pháp nêu một đằng, lẽ ra luật phải tuân thủ đúng như hiến pháp thì nhiều khi người ta làm những luật vi hiến. Ví dụ luật quân đội của Việt nam quy định Chủ tịch nước phong thế này, Thủ tướng phong thế kia. Luật đó gọi là vi hiến cũng được, vì nó trao cho Thủ tướng những quyền mà đáng ra theo hiến pháp là không có những quyền đó mà phải thuộc Chủ tịch nước. Cũng có thể lý giải ngôn từ của hiến pháp không được rõ ràng. Bởi vì trong hiến pháp nói rằng chủ tịch nước phong quân hàm cho cán bộ quân đội cấp cao, cấp cao đó là thượng tướng, thiếu tướng hay trung tướng thì không nêu rõ. Trong luật quân sự thì từ trung tướng trở xuống là do Thủ tướng phong. Cho nên có thể coi đây hoặc là luật vi hiến hoặc là sự không rõ ràng của người giải thích luật pháp.”

Báo Tiền phong hôm 9 tháng 9 đưa tin, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban thường vụ quốc hội cũng cho rằng, Luật sĩ quan quân đội hiện hành quy định thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ về việc phong, thăng quân hàm cấp tướng là chưa phù hợp với quy định của hiến pháp hiện hành.

Không phải thay đổi lớn?

Thảo luận về thay đổi quyền hạn của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong việc phong hàm tướng quân đội có thể coi là một tin được nhiều người quan tâm giữa lúc có nhiều bàn luận về sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì cho rằng đây là một thay đổi lớn quan trọng giúp Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng, sự thay đổi này nhằm phân chia lại quyền lực giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước, giúp giảm quyền lực trong tay Thủ tướng và cho Chủ tịch nước có thêm quyền thực tế thay vì chỉ có danh mà không có ‘quyền’.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thay đổi này không nằm trong vấn đề phân chia quyền lực giữa Thủ tướng và Chủ tịch nước mà nằm trong việc phân chia quyền lực giữa Đảng và nhà nước.

Chừng nào đảng cộng sản vẫn duy trì một chế độ toàn trị thế này thì những chuyện bàn luận như thế cũng là điều tốt, cải thiện chút xíu nhưng không có gì lớn cả. <br/> -TS Nguyễn Quang A

“Vấn đề không phải giữa ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng. Ông Thủ tướng không phải là người thống lĩnh lực lượng vũ trang. Ở đây là giữa đảng và nhà nước. Đảng không thể lẫn lộn với nhà nước được. Những nhiệm vụ của nhà nước là của nhà nước, phải tách bạch ra. Tôi không nghĩ là có sự nội bộ gì đó. Từ trước đến nay chưa có bao giờ thống nhất hoàn toàn trong nội bộ, luôn có mâu thuẫn và phái này phái kia, dẫu người ta muốn phô ra ngoài có sự thống nhất hoàn toàn.”

Ngay cả trong trường hợp thay đổi này thành hiện thực, những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam cũng có thể sẽ phải nghĩ tới một khả năng khác khiến cho việc thay đổi này chưa hẳn đã tốt theo lời phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Quang A sau đây:

“Tôi không nghĩ có gì lớn xảy ra ở đây cả, chừng nào đảng cộng sản vẫn duy trì một chế độ toàn trị thế này thì những chuyện bàn luận như thế cũng là điều tốt, cải thiện chút xíu nhưng không có gì lớn cả. Ở đây cũng có một xu hướng mà nhiều người muốn nghĩ, rằng đến lúc nào ông Chủ tịch nước và ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản là một người giống như Trung Quốc và nếu như vậy thì chả có thay đổi gì cả, chỉ là hợp thức hóa mà thôi mà sự hợp thức hóa đó còn dở hơn trong trường hợp có nhiều người, vì ít ra còn ít cạnh tranh nội bộ. Còn chút cạnh tranh như vậy còn hơn tập trung hết quyền lực vào một người.”

Quân ủy trung ương của Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong quân đội. Có nghĩa là Đảng cộng sản là cơ quan lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân Việt Nam. Theo điều lệ Đảng, Quân ủy Trung ương nằm dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương đảng.

Điểm qua các thời kỳ, người đứng đầu Quân ủy trung ương Việt Nam chủ yếu là các Tổng Bí thư Đảng. Hiện nay, Bí thư Quân ủy trung ương là Tổng Bí Thư Đảng, Nguyễn Phú Trọng. PHó Bí Thư quân ủy trung ương là ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo dự kiến dự thảo luật sĩ quân quân đội nhân dân sửa đổi sẽ được quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối tháng 10 tới đây.