Thủ đô Phnom Penh của Kampuchia, cảm giác ngột ngạt nóng bức từ những con đường bụi bặm ra khỏi thành phố chừng như lắng xuống trong làn gió mát từ sông Mekong thổi lên, đưa phà qua bên kia bờ, về Arey Ksath, mà người Việt ở đây gọi là Bãi Cải.
Mời quí vị cùng đi với đến ngôi nhà an toàn dành cho những em gái nhỏ Việt Nam thường xuyên đối diện với nguy cơ bị bán vào đường mãi dâm khi còn trong độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Ngăn chặn
Không ai có thể nói chính xác, chỉ biết là nhiều lắm rồi, bao nhiêu em gái Việt đã bị cha mẹ, ông bà, người quen và kể cả người lạ, bán em vào những quán gái ở Svey Pak, ở cây số Mười Một.
Đến Phnom Penh lần này, Thanh Trúc đến với một bước tiến mới của tổ chức OBV Một Thân Hình mà linh mục Martino Nguyễn Bá Thông là người sáng lập. OBV bước một bước xa hơn là xin với gia đình để mang những đứa con gái còn nhỏ của họ về một nơi an toàn trước khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng lầm than của nạn mại dâm thiếu nhi, bây giờ được gọi bằng một tử khá mỹ miều là đi bán quán cà phê.
Bãi Cải vùng Arey Ksath là một xóm người Việt trông bơ phờ nheo nhóc như tiếng hò vẵng đưa từ từ những dãy nhà che chắn tạm bợ, oi bức và trống hốc.
Nhưng mà quí vị sắp cùng Thanh Trúc bước vào một căn nhà hai tầng mát mẻ và kín đáo của OBV, nơi mà sáu em gái nhỏ người Việt hãnh diện gọi là "nhà của chúng em".
“Ba con làm sắt, mẹ con thì ở nhà... nhà con nghèo. Ba con đi làm cực khổ lắm, ngày Chúa Nhật cũng đi làm không có nghĩ. Nhà con cũng nghèo, nghe ba mẹ con nói hồi ở Luong nước lên, nước chảy quá làm trôi nhà ba mẹ con lên đây ở. Mẹ nói lên đây không có tiền ăn rồi đi rửa chén cho người ta. Con thích ở trong đây tại con được học hành nhiều hơn ở nhà.Bố nói rằng chúng con học cho hết lớp Mười Hai tiếng Miên thì bố sẽ đưa chúng con đi học Anh Văn, Con thích chỗ này tại con được học. Ba mẹ muốn con gắng học tại ba mẹ con không biết chữ. Mẹ con thích cho con ở đây tại mẹ không muốn con dốt giống mẹ con đâu. Mẹ con dốt ba con cũng dốt. Ba cho con ở trong đây đặng mai mốt lớn lên có tương lai.”
Đó là các em gái trong ngôi nhà mà linh mục Nguyễn Bá Thông gọi là 'Nhà Ngăn Chặn" ở Arey Ksath tức Bãi Cải gọi theo tiếng Việt:
Ở Kampuchia chương trình chính là vấn đề ngăn chặn. Tất cả các em ở đây tức là chị nó đã từng bị, hoặc là trong gia đình của nó hoặc những người chung quanh đã từng bị. <br/> LM Nguyễn Bá Thông
“Ở Kampuchia chương trình chính là vấn đề ngăn chặn. Tất cả các em ở đây tức là chị nó đã từng bị, hoặc là trong gia đình của nó hoặc những người chung quanh đã từng bị. Cho nên chúng tôi đưa các em về đây bởi vì nếu không thì chắc chắn nó sẽ đi vào con đường đó. Cái quan trọng là các em cảm thấy rất bình an khi ở nhà này. Chị cũng thấy con bé mà nó hơi khờ đó, mẹ nó cứ phải xích chân nó ở nhà là vì sợ nó đi ra đường thì người ta lại bắt nó đi và hai chị em nó hiện đang ở đây.
Cái nhà này và một cái nữa ở cây số 31, mà hầu hết các em ở cây số 31 là người Khmer, là hai cái nhà ngăn chặn. Tại Kampuchia OBV đi một con đường dài hơn, học hỏi kinh nghiệm của những lần trước thì chúng tôi nghĩ chúng tôi có đủ những mối quan hệ..”
Thanh Trúc: Chừng như cái xóm này có vẻ phức tạp, nhà thì không có cửa, trống hốc từ trong ra ngoài, dân tình ở đây có vẻ như không có việc gì để làm, và các em có nói với Thanh Trúc là ở đây người ta dễ cãi lộn để đánh nhau lắm. Thưa linh mục chắc có lẽ môi trường ở đây không tốt mấy?
LM Nguyễn Bá Thông: " Đúng, nhưng hiện thời chúng tôi tạm giữ các em ở đây. Không chỉ đánh nhau cãi nhau mà cái nhà ngay bên hông đây, đứa con gái mà bố mẹ bán nó được chín trăm đô la để mua cái nhà và bây giờ bỏ cái hình nó lên bàn thờ để thờ vì nó chết vì HIV SIDA.
Trong môi trường như vậy thì không tốt cho những đứa con của chúng tôi, chúng tôi đang chuẩn bị đưa qua bên Phnom Penh để thứ nhất là môi trường chung quanh tốt hơn. Bên này là bên quê nên học vấn không đi tới đâu và rất dễ ảnh hưởng tới những đứa con của mình.
Không biết nó có kể cho chị nghe không là nó đi học, nó bé như vậy mà mỗi lần lên cầu thang thì mấy thằng người Miên cứ đứng ở dưới nhìn lên. Từ những cái đơn giản như vậy thì tôi là bố rồi các cô các dì vẫn phải dạy cách che chắn. Đại khái như vậy đó.”
Thanh Trúc: Thưa khi linh mục đến khu Arey Ksath này, khu Bãi Cải này, thì đã có cô Năm và cô Bảy tức hai Sơ ở đây, hình như ông không phải đơn phương tự động làm mà chắc là có sự giúp đỡ của giáo xứ ở đây?
LM Nguyễn Bá Thông: "Thực sự là cô Năm hay Sơ Chuyên, là Sơ làm việc toàn thời gian cho giáo xứ Bãi Cải, và Sơ giúp Một Thân Hình trong cái vấn đề đối xử với bên ngoài. Bởi vì khi chúng tôi làm công việc này mà không phải là người của tôn giáo, một ông thầy một bà Sơ hay một ông cha thì không bố mẹ nào tin hết. Nhưng ông cha Thông đâu có thể ở đây suốt được, cho nên Sơ Chuyên hay là cô Năm là bộ mặt bên ngoài cho OBV. Còn cô Bảy là người được tổ chức Một Thân Hình thuê toàn thời gian để nuôi dạy các em trực tiếp. Không những chúng tôi được sự đồng ý của cha chánh xứ cũng là cha quản hạt ở đây mà ngay cả Đức Cha của địa phân Phnom Penh và thư ký riêng của Đức Cha địa phận Phnom Penh là cha Vincent cũng có đồng hành với chúng tôi trong những chương trình họ muốn."
Nhiều chương trình hỗ trợ
Sơ Chuyên, người được linh mục Nguyễn Bá Thông nhắc đến, linh hồn của Nhà Ngăn Chặn ở Aray Ksath từ tháng Tám đến giờ, tâm sự:
Sơ nghĩ làm một điều phòng ngừa thì tốt hơn là cứu những em từ hang động ra. Phòng ngừa để cho các em vẫn giữ được bản chất đạo đức của một người con gái. <br/> Sơ Chuyên
Sơ Chuyên: "Trẻ em Việt Nam ở bên này, đặc biệt trẻ em gái thất học rất nhiều, các em sẽ đi vào con đường bán thân nuôi miệng tương đối là nhiều. Sơ thấy chương trình OBV này là đúng đối tượng để giúp, Sơ nghĩ truyền giáo không chỉ là để cho các em hiểu giáo lý mà còn giúp các em phát triển thành con người tốt."
Thanh Trúc: Thưa Sơ, sáu em ở đây là có nguy cơ cao bị buôn bán, nhưng mà Sơ có bao giờ gần gũi và làm việc với những em đã bị chính cha mẹ bán hay người khác dụ bán vào con đường mãi dâm?
Sơ Chuyên: "Sáu em này là con nhà nghèo và ở trong môi trường có thể bị bán hay bị lạm dụng tình duc mà có một em đã bị rồi. Thực tế trước khi làm với OBV thì Sơ nhìn thấy trong giáo xứ này cũng như ở các giáo xứ khác tình trạng đó rất nhiều. Sơ cảm thấy rất đau lòng khi có những em đang học giáo lý với Sơ cái tự nhiên biến mất một thời gian, hỏi ra thì mới hay cha mẹ đã đưa con sang Phnom Penh để làm cái nghề này rồi. Khi các em đi và trở về thì Sơ cũng không gần gũi các em được. Sơ nghĩ làm một điều phòng ngừa thì tốt hơn là cứu những em từ hang động ra. Phòng ngừa để cho các em vẫn giữ được bản chất đạo đức của một người con gái, còn khi đã đi vào con đường ấy rồi thì có khi các em tiếp tục dấn thân và không muốn trở lại thành người tốt nữa. Đó là sự đánh mất một con người tốt của xã hội."
Ngoài sáu em gái trong nhà ngăn chặn tại Arey Ksath, hãy còn hai em khác trong độ tuổi mười bốn và mười lăm, đang được OBV qua Sơ Chuyên gởi cho đi trọ học ở Phnom Penh vì theo linh mục Nguyễn Bá Thông thì:
“Ví dụ tối hôm nay chị sẽ gặp hai em khác, có hai chị đang đi bán cà phê, thì bố mẹ với ông ngoại cứ bảo học làm cái gì, bây giờ mưòi bốn mưới lăm tuổi rồi thôi nghỉ học đi về bán cà phê như chị mày cho có tiền. Dùng chữ bán cà phê có nghĩa là đi làm gái.”
Rời Bãi Cải Arey Sak, bỏ lại đằng sau giọng hò não nuột như một lời than thân trách phận, Thanh Trúc lại tới cây số 31, đến Kompong Luong, còn gọi là xóm Vũng Luông, nơi một nhà ngăn chặn thứ hai của OBV sắp được xây lên.
Bà Nga, một phụ nữ Việt có chồng người Kampuchia, là giáo dân thuần thành trong quản hạt Kompong Luong 23 năm nay. Bà Nga là chủ nhân một cửa hàng bạc và đồng, hiện đang tiếp tay với linh mục Nguyễn Bá Thông để nuôi mười em vừa trai vừa gái, phần đông là người Kampuchia. Tại đây, ngoài việc được ăn uống tử tế và được đến trường, các em còn học thêm giáo lý buổi chiều với cha Vincent và còn được chỉ dẫn cách đục kim loại để có một nghề nuôi thân sau này:
“Mười sáu tuổi một đứa, mười bốn tuổi ba đứa, mười hai tuổi ba đứa, mười tuổi hai đứa, tám tuổi một đứa, bảy tuổi hai đứa, ba tuổi một đứa. Có một người Việt Nam nữa, nó đi học một chút nữa về giờ. Sáng đi học trường, chiều về học đục ở chỗ này, đục đồng đục bạc. Năm giờ rưỡi đi học tiếng Anh, sáu giờ rưỡi về nhà.
Ở xóm Vũng Luông này học được Lớp Năm Lớp Sáu là nó nghĩ học đi Nam Vang, đi thầm (đi lén), bán rượu hay làm gái, ba mẹ nó không tiền mới bán nó đi.”
Được hỏi tới là vì sao phải nặng gánh cưu mang và đưa các em vào một thời khoá biểu bận rộn như thế, bà Nga trả lời một cách giản dị rằng bà muốn các em hiểu rằng học và làm việc là điều quan trọng hơn cả:
“Ở nhà này phải học, phải học cho biết chữ. Hưởng hai giờ thì học đục hai giờ, không hưởng thì đi học. Xóm này con gái sợ đi làm gái, con trai sợ đi ma tuý. Con trai mười bốn mười lăm tuổi biết uống rượu và biết chích ma túy. Tương lai không có, chuyện nó là vậy.”
Theo linh mục Martino Nguyễn Bá Thông, ngày nào còn những em nhỏ Việt Nam bị coi thường bị lạm dụng bởi sự ích kỷ và sự ác độc của người lớn thì ngày tổ chức OBV Một Thân Hình còn phải cố gắng kéo các em ra khỏi cuộc sống lầm than đó bằng nhiều chương trình hỗ trợ khác, trong đó an toàn và giáo dục là điều kiện tiên quyết.
Chào Arey Ksath Bãi Cải và Kompong Luong Vũng Luông bên kia và bên này giòng Mekong chảy qua Phnom Penh. Chào các em nhỏ trai và gái đang sống với niềm tin và hy vọng mà OBV mang lại cho các em.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới. Để góp ý với Thanh Trúc, xin liên lạc nguyent@rfa.org